Người Khơ Mú hay còn gọi là người Xá Cẩu…, tiếng nói thuộc ngữ hệ Nam Á. Họ cư trú tập trung đông nhất ở Lào và là chủ nhân của vùng Luang Pra băng (Lào). Khi vào Việt Nam, người Khơ Mú cư trú ở miền núi Thanh Hóa, Nghệ An và miền núi Tây Bắc, theo Đặng Nghiêm Vạn: “Sang Việt Nam, người Khơ Mú sống nhờ vào đất của lãnh chúa Thái. Tuy bị chi phối bởi quan hệ xã hội phong kiến và thực dân trước Cách mạng tháng Tám, họ vẫn duy trì trong phạm vi nội bộ cung cách sinh hoạt tự trị với những phong tục cổ truyền của bản thân dân tộc họ”[1]. Về đời sống kinh tế và vật chất, người Khơ Mú chủ yếu sống bằng trồng trọt nương rẫy với sinh hoạt du canh du cư, phụ thuộc vào thiên nhiên, sau này người Khơ Mú đã dần định cư và phát triển làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Về văn hóa, người Khơ Mú có một nền văn hóa bản địa, với các hình thức tín ngưỡng và tôn giáo đặc thù của mình. Bên cạnh đó, họ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nền văn hóa dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Thái.
Người Khơ Mú có một nền tảng tâm linh là tín ngưỡng vật linh đa thần giáo. Họ tin rằng mọi vật đều có linh hồn, linh hồn ở người, ở động vật, ở cây cối, ở đồ vật…“Đồng bào tin rằng mỗi một người đều có hồn (hmall). Có ba hồn: Một ở đầu, một ở tay và một ở chân. Hồn ở đầu là đại diện và cũng là chủ yếu nhất. Nếu vì bị một “ma” nào quyến rũ hay đánh bạt hồn đi bắt giữ không trở lại xác, con người ta mất một sự cân bằng tự nhiên, sinh bệnh và chết. Bệnh tật là báo hiệu của hồn đã lìa khỏi xác tức báo hiệu cho chết chóc”[2]. Việc cho rằng con người có nhiều linh hồn, các linh hồn ấy có thể thoát khỏi con người là một quan niệm cổ xưa của loài người. Trong tâm lý của người Khơ Mú, các linh hồn thường được gắn với bản tính của con người, gắn với tình cảm và sức khỏe của họ, điều đó đã phần nào nói lên được thế giới quan của người Khơ Mú, đặc biệt là trong việc khám phá bản thân mình, chiêm nghiệm về vấn đề tinh thần và thể xác của con người.
Bên cạnh ý niệm về linh hồn, trong thế giới quan của người Khơ Mú luôn tồn tại niềm tin vào nhiều loại ma, ma rừng trú ngụ trên rừng sâu, ma núi trú ngụ ở trên núi, ma suối trú ngụ ở dưới suối, ma trời trú ngụ trên trời, ma đất trú ngụ ở dưới đất trong các hòn đá… Ma có thể hiện hình, gây hại cho con người. Xưa kia, hễ con người đang tồn tại trong bản làng gặp khó khăn hay bị ốm đau bệnh tật, người Khơ Mú cho rằng đấy đều là do ma làm. Đến nay, các cụ già người Khơ Mú vẫn còn kể về những lần gặp ma ở trên rừng, dưới suối. Như vậy, trong niềm tin tôn giáo của mình, người Khơ Mú luôn cho rằng các loại hồn ma đã và đang chi phối đến cuộc sống hiện thực của họ, truyện cổ và thực hành nghi lễ của cộng đồng cư dân đối với các loại ma khác nhau đã biểu hiện một cách cụ thể niềm tin ấy.
1. Thế giới bầu trời và truyện cổ về loài ma trời
Trời là một biểu tượng gần như phổ quát mà qua đó con người thể hiện niềm tin vào một sinh linh thần thánh ở trên cao, người sáng tạo vũ trụ và bảo đảm cho sự phì nhiêu của đất bằng những cơn mưa đổ xuống…Trời là một biểu tượng trực tiếp của cái siêu tại, của uy quyền, của cái vĩnh hằng, cái thiêng liêng: cái mà không một sinh vật nào trên mặt đất này có thể đoạt được. Chỉ riêng sự được cất lên cao, ở trên cao cũng đã ngang bằng với uy quyền và sự tràn trề linh thiêng…Với tư cách là người điều tiết trật tự vũ trụ, trời được xem là cha của các đế vương là lãnh chúa nơi trần thế[3]. Xuất phát từ ý niệm ấy, cho nên trời là một thực thể tự nhiên vừa gần gũi, lại vừa bí ẩn và linh thiêng.
Người Khơ Mú quan niệm, ở thế giới bầu trời có loài ma trời, đó là loại ma to lớn và là trung tâm của bầu trời có tên là Hrôi lvang. Ma trời được người dân đang sống và cả các ma khác tôn kính bởi sức mạnh vô đối, nó có thể sai khiến được cả vị ma Sét (tức Hrôi Chưnđrai) vốn là một vị ma có sức mạnh khủng khiếp, có thể điều khiển được cả các hiện tượng tự nhiên. Truyện xưa kể rằng, Hrôi Chưnđrai là một loại ma rất oai phong và mạnh mẽ. Trên mình Hrôi Chưnđrai luôn mặc bộ áo xanh óng ả, đôi khi lại mặc áo chàm tím, trên tay mang một lưỡi tầm sét trông như một hung khí. Hrôi Chưnđrai được Hrôi lvang giao cho làm mưa và làm các điều tốt cho dân bản, trừng trị tất cả những ai dám làm trái luật lệ của người Khơ Mú. Hrôi Chưnđrai điều khiển cả một đội quân hùng mạnh, hàng năm vẫn sai ma thuồng luồng (prư dồng) dâng nước làm mưa thuận gió hòa khiến cho cây cối tươi tốt, loài người và con vật đủ nước sinh sống. Một lần, người Khơ Mú phải chịu hạn hán kéo dài do họ quên không làm lễ cúng thuồng luồng, cho nên Hrôi Chưnđrai không dâng nước lên làm mưa nữa. Loài người làm lễ cầu Hrôi lvang cứu nạn, Hrôi lvang bèn lập tức sai Hrôi Chưnđrai phải làm mưa cứu loài người. Ma mưa vâng lệnh làm mưa nhưng do hạn hán lâu ngày, mưa mãi mà nước vẫn không đủ. Thấy vậy, Hrôi lvang giận dữ quát tháo, rồi mang tầm sét ra bổ phá, tầm sét lóe lên những ánh sáng đầy màu sắc. Tiếng quát tháo và ánh của tầm sét chính là tia chớp và tiếng sấm vẫn còn đến tận ngày nay.
Như vậy, từ trong truyện cổ dân gian, hình tượng loài ma trời hiện lên với sức mạnh vô song, ma trời có thể sai khiến các loài ma khác tạo mưa, lưỡi tầm sét và tiếng quát tháo của ma trời đã gây nên hiện tượng sấm sét. Sức mạnh và quyền uy tuyệt đối của ma trời đã tác động đến đời sống của con người dưới trần gian như làm mưa, tạo ra tiếng sấm, tia chớp. Tuy nhiên, ma trời không chi phối đời sống của con người và muôn vật ở mọi phương diện; ma trời không phải là một một đấng sáng tạo ra tạo hóa và loài người như trong truyện cổ các tộc người khác. Trong quan niệm của người Khơ Mú, ma trời – Hrôi lvang là một loại ma rất chung chung chứ không coi đó là một vị thần linh với đầy đủ đặc tính kiểu như các vị vua trời của các tộc người Tày, Thái, Mường.
2. Thế giới mặt đất và truyện cổ về loài ma đất
Mặt đất là bản nguyên hỗn mang tồn tại trong sự đối lập với bầu trời. Trong thần thoại các dân tộc, đất chống đỡ, trời che phủ. Đất tượng trưng cho chắc năng của người mẹ và sự sống. Chính thế giới mặt đất là nơi con người và vạn vật sinh tồn, con người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi mất đi đều gắn liền với thế giới mặt đất, do vậy mặt đất trở thành không gian lý tưởng cho sự sống con người và sự trú ngụ của thần, ma. Xuất phát từ đó cho nên ý niệm về loài ma đất sớm hình thành ở người Khơ Mú.
Người Khơ Mú có truyện kể về loài ma đất là hrôi ptê. Ma đất được coi là một tinh linh của một hòn đất, một hòn đá hay một lực lượng siêu nhiên trú ngụ trong đó. Dưới quyền ma đất còn có ma nương (hrôi hrê), ma rừng (hrôi bri), ma bản (hrôi cung)… Người Khơ Mú quan niệm trời và đất là một khối thống nhất nhưng lại là hai lực lượng đối lập giống như âm – dương ở người Việt. Ma đất vừa được hiểu là loại ma chung chung, vừa được hiểu là ma cụ thể cai quản từng địa phương cũng như khái niệm thổ thần ở người Việt “Chúng được coi là tinh linh của một hòn đá hay một lực lượng siêu nhiên trú ngụ trong một hòn đá. Hòn đá được đặt dưới một gốc cây to và đôi khi người ta vẽ lên hòn đá một hình người đơn giản. Tục lệ thờ hòn đá này thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau, rõ ràng là rất phổ biến ở vùng Đông Nam Châu Á trước khi đạo Phật truyền lan đến vùng này. Dưới quyền hrôi ptê còn các loại ma rẫy (hrôi hrê), ma rừng (hrôi bri), ma bản (hrô cung)….”[4]. Như vậy, ở tộc người Khơ Mú, hiện tượng sùng bái ma đất gắn liền với tín ngưỡng thờ đá. Ma đất có quyền uy lớn của mình dưới mặt đất, ma đất có thể điều khiển một số các loài ma khác. Đó là minh chứng cho niềm tin thần thánh của cộng đồng cư dân đối với thế giới mặt đất – một thế giới gần gũi và chi phối đến sự sinh tồn của con người.
Trong quan niệm của người Khơ Mú, trời và đất là một khối thống nhất, không tách rời nhau. Tuy nhiên, trời và đất là hai lực lượng khác nhau, thậm chí đối lập. Vì thế, ma đất khác ma trời là nó cai quản các lực lượng hoặc các loại ma khác ở dưới đất, còn ma trời cai quản các lực lượng siêu nhiên và các loại ma trên trời. Tuy nhiên, quyền uy của ma trời là vô tận, ma trời cũng có thể điều khiển được ma đất và các loài ma khắp thế gian.
3. Thế giới nước và truyện cổ về loài loài ma thuồng luồng
Nước tượng trưng cho nguồn sống, phương tiện thanh tẩy và sự tái sinh muôn loài. Nước chứa đựng cái tiềm tàng, vô hình, mầm mống của sự phát triển và là mối đe dọa muôn loài do có thể đem đến sự tiêu tan. Vì vậy, một mặt nước là nguồn gốc sự sống và sự tái sinh liên tục đối với con người; một mặt nước cũng là hiểm họa ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của con người. Đó là nguyên nhân mà nước dễ dàng được đồng hóa với sức mạnh siêu nhiên và là nơi trú ẩn của những lực lượng thần, ma vô hình.
Ở thế giới nước, người Khơ Mú có truyện kể về loài ma thuồng luồng (prư dồng). Trong niềm tin của người Khơ Mú, thuồng luồng là một con vật tưởng tượng, nó có mào ngũ sắc, có bốn chân, mình nó hình rắn, có vẩy. Loài ma thuồng luồng có quyền lực ở dưới nước, nó tồn tại trong các dòng sông, con suối. Nó có thể điều khiển dòng nước lúc lên cao, lúc xuống thấp tùy ý, nó cũng có thể gây mưa nguồn, nước lũ. Sức mạnh của ma thuồng luồng cũng ghê gớm như các loài ma khác, điều khiển được cả những hiện tượng tự nhiên. Ý niệm về loài ma thuồng luồng vẫn còn in dấu trong các câu chuyện của người dân, theo lời kể của cụ Là Thị Siết: Một lần cụ nhìn thấy con ma suối hiện lên, nó dâng nước suối lên cao ngang đồi. Khi nước dâng cao thì cái đầu nó nổi lên trên mặt nước, đỏ lòe, trông giống như cái mào gà[5]. Hình tượng ma thuồng hiện lên trong đời sống tinh thần của đồng bào Khơ Mú chính là kết quả của trí tưởng tượng hết sức phong phú của họ về loài ma này.
Vào những năm hạn hán, người Khơ Mú thực hành nghi lễ cầu mưa (Ru hừn prư dồng) nhằm tác động trực tiếp đến loài ma nước (thuồng luồng). Lễ cầu mưa của người Khơ Mú thực chất là lễ trọc tức thuồng thuồng để nó làm mưa, vì trong quan niệm của người Khơ Mú thuồng luồng chính là loại ma làm ra mưa. Người Khơ Mú thực hành nghi lễ này vào dịp lúa, ngô đang lên tươi tốt, nhưng hạn hán kéo dài do thiếu nước, lúc ấy việc thiếu nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng và đến đời sống con người. Trong khi thực hành nghi lễ này, người Khơ Mú vừa diễn lại hiện tượng mưa rơi như vẩy nước, tuốt lá, lại vừa trêu tức thuồng luồng. Nếu như việc chọc tức thuồng luồng đã diễn ra mà vẫn không có mưa thì họ lại làm một nghi thức khác. Nghi thức ấy do một người đàn bà góa chủ trì cùng với đám trẻ con. Lễ diễn ra ở đầu làng, người ta đào một cái hố có hình tròn bên suối, trên miệng hố đặt một tấm mo cau, ở giữa có dùi một lỗ rồi cắm mo cau đến tận đáy. Người đàn bà góa (chủ lễ) lấy lá cau kẹp vào giữa hai đùi, còn bọn trẻ dùng que gõ vào mặt tấm mo cau cho phát ra tiếng động mạnh. Tất cả cùng nhau hò reo, trong khi ấy bà góa tay cầm lá cau kéo, tượng trưng cho việc kéo đuôi thuồng luồng. Khi bà góa rút cái lá cau khỏi hố thì sẽ chạy ra suối, vừa chạy vừa reo lên cùng đám trẻ con, cả bọn trẻ cùng chạy theo xuống suối té nước vào người nhau làm cho nước bắn tung tóe khắp cả, rồi chúng lại cùng nhau hô to lên: “mưa rồi!, mưa rồi!”. Chúng hô to một hồi rồi mặc quần áo vẫn còn ướt chạy về nhà, trông chúng như những người đang đi đường gặp mưa chạy về để trú cho khỏi ướt[6]. Đây chính là hình thức ma thuật theo nguyên lý bắt chước. Các loài vật giống nhau sẽ mang lại cảm ứng cho nhau. Hình thức ma thuật này biểu hiện khát vọng và niềm tin cổ xưa của loài người về loài ma cai trị thế giới nước. Ở người Khơ Mú, hình thức ma thuật ấy mang ý nghĩa hết sức thực tế, đó là mong muốn về nguồn nước đầy đủ và sự phồn thịnh của muôn loài (động vật và thực vật).
4. Thế giới đại ngàn linh thiêng và truyện cổ về loài ma hổ
Trong trạng thái tự nhiên, đại ngàn núi rừng tồn tại với địa hình uốn lượn, cây cối bạt ngàn, muôn loài thú vật sinh tồn, nó thực sự mang trong mình sự xanh tươi, u tối và huyền bí. Rừng mang biểu hiện mạnh mẽ của sự sống. Do vậy, trong thế giới kỳ vĩ của nó con người luôn dành cho rừng một không gian trú ngụ của các lực lượng siêu nhiên có ảnh hưởng đến đời sống con người.
Trong ý niệm của người Khơ Mú, thế giới đại ngàn linh thiêng có hình tượng loài ma hổ (rvai) ngự trị. Theo truyện kể, ma hổ là “tinh” của loài hổ, nó sống trên rừng, làm chúa tể của rừng và cai quản muông thú. Ma hổ là loại ma khá hung hãn, nó có thể mang đến tai họa cho con người trong những chuyến đi rừng hiểm trở, nó cũng có thể hiện về quấy phá, gây hại cho con người. Ma hổ có quyền lực chủ yếu trong phạm vi các khu rừng, nó ngự trị trong rừng sâu thẳm, nhưng ánh mắt nó nhìn thấu bốn phía. Tất cả các hoạt động của muông thú và của con người nó đều nhận biết được. Địa hạt linh thiêng của ma hổ là núi rừng đại ngàn, trong tâm thức cộng đồng, ma hổ đã được linh thiêng hoá và trở thành một loài ma hung dữ, nó luôn mang lại hiểm hoạ cho con người.
Từ hình tượng ma hổ trong tâm thức của người Khơ Mú có thể thấy, loài ma này được cộng đồng sùng bái trong trạng thái lo sợ hiểm họa từ bản thể của nó gây ra. Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm, cai quản cả đại ngàn rộng lớn, nó tồn tại trong sự oai phong và chết chóc. Vì thế, hổ luôn trở thành một đối tượng gây ra sự thờ cúng và các thực hành nghi lễ ở những cộng đồng mà nó hiện hữu.
Như vậy, xuất phát từ niềm tin vào thế giới thần ma siêu nhiên, trong mỗi thực thể tự nhiên người Khơ Mú lại có ý niệm về loại ma hùng mạnh. Các loài ma ấy ảnh hưởng đến sự sống, cái chết của con người. Bắt nguồn từ ý niệm đó, cho nên người Khơ Mú đã lưu truyền các truyện kể về các loài ma có sức mạnh và chi phối đến đời sống cộng đồng cư dân. Bốn siêu linh là ma trời, ma đất, ma nước, ma rừng khi giận dữ có thể gây tai họa để trừng phạt con người, nhưng nếu đã được thờ cúng chu đáo mà chúng vẫn gây tai họa, thì con người có thể trừng phạt bằng cách không dâng lễ vật thờ cúng nữa. Nhìn từ thuyết chức năng cho thấy, người Khơ Mú có niềm tin vào các loài ma và thờ cúng các loài ma ấy nhằm thỏa mãn khát vọng về cuộc sống no đủ, tránh hiểm họa mà tự nhiên gieo rắc đến con người.
5. Tín ngưỡng thờ tôtem vật tổ và truyện cổ về ma tổ tiên, dòng họ
Trong tâm thức người Khơ Mú, quả bầu luôn mang lại những điều tốt lành cho họ. Khi trong nhà có người ốm đau bệnh tật, người Khơ Mú mời thầy bói về làm lễ, người thầy bói ấy thường có hình thức ma thuật là lấy cái áo chủ nhà trùm lên vỏ quả bầu khô (vì đây là vật đã sinh ra loài người nên nó rất thiêng liêng). Họ làm như vậy nhằm mượn vía sinh của quả bầu này tác động làm ma tha cho người ốm. Từ hiện thực đời sống, tập tính sinh hoạt của tộc người đã tác động đến sự hình thành truyện cổ dân gian về nguồn gốc tộc người của người Khơ Mú từ quả bầu. Đó là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng thờ vật tổ của đồng bào Khơ Mú.
Trong ý niệm về nguồn gốc tộc người, người Khơ Mú có truyện kể về tổ tiên của mình là quả bầu. Truyện này đã được lưu truyền từ xa xưa và có nội dung kể rằng: Trời sắp gây ra trận nạn đại hồng thuỷ thì hai anh em được con dúi mách hai người lấy khúc gỗ to rồi khoét rỗng, chui vào cây gỗ và thoát nạn. Sau 7 ngày 7 đêm, họ chui ra khỏi cây gỗ thì xung quanh không còn một bóng người và loài vật. Tất cả đều đã chết hết, dưới mặt đất chỉ còn lại hai anh em họ mà thôi. Họ sinh sống với nhau ngày lại qua ngày. Về sau, con chim Tgoóc thấy họ buồn bã quá bèn khuyên hai người lấy nhau để loài người được tồn tại lâu dài. Sau nhiều lần từ chối, hai anh em họ buộc phải lấy nhau. Người vợ sau khi có thai được bảy năm bảy tháng bảy ngày thì sinh ra một quả bầu. Người chồng lấy làm lạ, định bỏ đi, nhưng người vợ không nỡ, mới đem gác quả bầu lên bếp. Có lần, đi làm nương rẫy về, người chồng nghe trong nhà có tiếng người nói lao xao thì lấy làm lạ lắm. Khi anh ta áp tai vào quả bầu thì thấy có tiếng người xì xào trong đó. Hai vợ chồng lấy đầu que, đốt lên để dùi thủng quả bầu ra. Từ trong quả bầu, người Khơ Mú chui ra trước, người chồng thấy vậy bèn khoét lỗ to hơn, thế là từ trong quả bầu, người Thái, người Lự, người Tày,… lần lượt cùng nhau chui ra, đến cuối cùng, người Lào và người Kinh cũng ra nốt. Người Khơ Mú từ quả bầu chui ra đầu tiên nên bị vết than đen của quả bầu dính vào, vì thế họ có nước da ngăm đen. Còn người Kinh ra sau cùng nên da trắng hơn. Khi tất cả các dân tộc đều chui ra thì bản làng trở nên đông đúc, mỗi dân tộc phải tìm đến ở một khu vực để sinh sống, người Khơ Mú ở lại gần chỗ quả bầu lưng chừng núi, người H’mông lên đỉnh núi cao, người Thái đi xuống dưới suối, người Kinh ra sau cùng nên phải đi xa nhất, xuống tận vùng đồng bằng ngày nay.
Khi điều tra điền dã tại địa bàn sinh sống của người Khơ Mú ở tỉnh Lai Châu, chúng tôi còn được nghe câu thành ngữ: Người H’mông ăn theo gió (do sống trên đỉnh núi), người Khơ Mú ăn theo rừng (do sống ở lưng chừng núi), người Thái ăn theo suối (do sống ở ven chân núi). Trên thực tế đến nay cả ba tộc người này vẫn sinh tồn trên các địa bàn cư trú có sự khác biệt về địa hình theo tương ứng với nội dung truyện kể. Điều đó cho thấy, hiện thực cuộc sống đã tác động và ảnh hưởng hết sức rõ ràng đến truyện kể dân gian.
Trong thế giới tâm linh của người Khơ Mú còn loại ma tổ tiên tượng trưng cho ma thị tộc của dòng họ, đó là hồn người sinh ra dòng họ (hrôi tà dạ). Chính vì quan niệm về sự tồn tại của ma tổ tiên cho nên ngay từ tên gọi dòng họ người Khơ Mú cũng chứa đầy những yếu tố tâm linh của tín ngưỡng vật linh và tôtem giáo, đó là việc xuất hiện những dòng họ mang tên con vật, cây cối, đồ vật hiện vẫn còn trong đời sống văn hóa tộc người. Đồng tồn với các hiện tượng văn hóa ấy là sự lưu truyền những truyện kể dân gian nhằm giải thích gốc gác hay đặc điểm của các dòng họ. Sách Người Khơ Mú ở Việt Nam đã cung cấp những tư liệu hết sức thú vị: Đặc điểm chung của dòng họ Khơ Mú là đều mang tên các loại chim, thú, cây cỏ và kể cả đồ vật vô tri vô giác… Họ mang tên thú gồm: Rvai có nghĩa là hổ, Tmoong có nghĩa là chồn, cầy. Họ mang tên chim có: “Chưn đre” là loại chim có mình mầu nâu, đuôi dài có vệt màu trắng, hay bay lẻ một mình dọc theo các suối; “Tgooc” là loại chim có đuôi dài, cuốn đuôi màu trắng, xung quanh mắt viền màu đỏ, toàn thân mầu đen; “Ric” là chim cú, cũng có người cho rằng chim Ric là một loại én; “Pit” loại chim sẻ hay chim chích; “Thrang” là chim đại bàng; “Ôm” loại chim giống con chim rẻ quạt; “E lot” loại chim khi bay thường kêu e lot, e lot. Họ mang tên thực vật chỉ có duy nhất một họ “Tvạ” (là loại dương sỉ) được chia thành các chi nhỏ là “Tvạ tơ rông brai” (cây guột), “Tvạ ngăm” (cây rau lớn), “Tvạ vơơn” (dương sỉ). Họ mang tên đồ vật vô tri vô giác cũng có một là họ “Soong” (cái rọ).
Việc các dòng họ lấy tên các loài thú, chim, cây cối và đồ vật làm tên dòng họ, và kiêng ăn thịt tôtem thường được gắn với các truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Già làng ở bản Xa Vang, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An còn kể lại câu chuyện: Ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng không được cho mẹ hai bên chấp nhận. Vì quá đau khổ tình yêu không thành, mà cô gái từ bỏ nhà vào rừng và trèo lên cây tự tử. Khi cô ta chết biến thành con cầy hương (tmoong). Chàng trai mất người yêu nên đi tìm khắp nơi. Chàng trai đi trên khắp bản mường và vào tận rừng sâu núi thẳm. Trên đường tìm kiếm người yêu chàng gặp một con chồn hương “ăn mặc” rất giống người yêu của mình nên rất mừng bế chồn hương về nhà. Con chồn nhảy lên vai và cắn vào cổ chàng. Rốt cuộc cả chàng và con chồn đều chết. Từ đó những người trong dòng họ của chàng trai và cô gái đã lấy tên Tmoong làm tên họ và kiêng cữ không bao giờ ăn thịt cầy hương.
Dòng họ Soong (cái rọ) của người Khơ Mú ở Nghệ An cũng có câu chuyện giải thích tổ tiên của dòng họ mình như sau: Ngày xưa một người đàn ông đang đan cái rọ, khi đan xong thì có người đi qua hỏi ông ta đan rọ để làm gì. Ông trả lời khách qua đường là đan rọ để nhốt lợn to. Ông ta mời người khách qua đường chui vào thử trong cái rọ đã đan xong xem có đáp ứng được ý muốn của mình không. Người khách qua đường quá thật thà chui vào thử trong rọ và bị người đan rọ bịt chặt miệng không ra được, rồi đem đốt chết người khách qua đường. Vì thế mà những người thuộc dòng họ Soong không bao giờ ăn thịt các con vật bị nhốt trong rọ, thậm chí kiêng không sờ mó vào rọ nữa. Nhiều người thuộc dòng họ Soong cho rằng mang tên họ này không hay, không đẹp nên đã đổi từ họ Soong sang họ Hoa[7].
Từ truyện kể và tín ngưỡng thờ vật tổ, tổ tiên dòng họ đến các truyện kể dân gian đã cho thấy một điều là, trong đời sống văn hóa tâm linh của người Khơ Mú luôn tồn tại ý niệm về linh hồn tổ tiên của mình. Họ coi những con vật, cây cối, đồ vật và tất cả những gì thân thuộc, gần gũi tác động đến đời sống hiện thực của họ đều trở thành những vật tổ. Đó là niềm tin về thế giới hồn ma linh thiêng luôn ngự trị trong đời sống tâm linh của họ. Chính niềm tin ấy là khởi nguồn cho sự ra đời của các truyện kể dân gian về tổ tiên tộc người và dòng họ của người Khơ Mú.
Lời kết
So với các tộc người khác như người Kinh, người Thái, người Mường thì người Khơ Mú quan niệm về thế giới tự nhiên chưa thật cụ thể và rõ ràng nhưng từ các truyện cổ dân gian và hành vi thực hành nghi lễ cho thấy, trong ý thức sâu xa của họ đã có thế giới tinh thần vô cùng phong phú. Người Khơ Mú có một niềm tin vào thế giới siêu nhiên. Trong ý niệm của họ, lực lượng siêu nhiên chi phối rất mạnh mẽ đến cuộc sống hiện tại và sau khi họ qua đời. Nhìn từ học thuyết vật linh của E.B.Tylor với hai tín điều cơ bản, thứ nhất là linh hồn của thực thể có thể tồn tại sau khi thân thể chết đi, hủy diệt và thứ hai là một số vị thần được lựa chọn sẽ đưa lên vị trí cao là thần hùng mạnh kiểu thần chủ[8] đã cho thấy sự tương ứng giữa tín điều của học thuyết với những tư liệu từ hiện thực thờ cúng thần ma của người Khơ Mú ở Việt Nam. Tương ứng với tín điều thứ nhất có thể lý giải vì sao trong văn hoá tâm linh của người Khơ Mú tồn tại những hệ thống hồn ma với số lượng nhiều vô số kể. Tương ứng với tín điều thứ hai là trong thế giới tâm linh của người Khơ Mú, thần trời là vị thần cai quản bầu trời và cai quản tất cả các vị thần ở trong thế gian này, như ma đất, ma nước, ma rừng, ma bản, ma dòng tộc… Điều này có thể lý giải từ trong tín ngưỡng dân gian của người Khơ Mú luôn tồn tại niềm tin vào tín ngưỡng vật linh đa thần giáo với các hệ thống linh hồn, ma quỷ hết sức đa dạng. Chính sự lưu truyền của truyện cổ dân gian về các loài ma trong thế giới tâm linh của họ đã phần nào biểu hiện tính chất đa dạng trong tín ngưỡng tâm linh của tộc người Khơ Mú.
Chú thích:
[1] Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Trúc Bình, Nguyễn Văn Huy, Thanh Hiên: Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, H, 1972, tr 43.
[2] Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Trúc Bình, Nguyễn Văn Huy, Thanh Hiên: Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Việt Nam. Sđd…, tr 138.
[3] Jean Chevalier (chủ biên): Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (nhiều tác giả biên dịch ). Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, H, 2002. tr 956.
[4] Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Trúc Bình, Nguyễn Văn Huy, Thanh Thiên: Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Việt Nam.Sđd…, tr. 120.
[5] Theo lời kể của cụ Là Thị Siết, 85 tuổi ở bản Nậm Manh, xã nậm Manh, huyện Mường Tè, tỉnh Lại Châu.
[6] Xem Khổng Diễn (chủ biên): Người Khơ Mú ở Việt Nam. Nxb Văn hóa dân tộc, H, 1999, tr. 285-286.
[7] Các truyện kể trên được dẫn theo Khổng Diễn (chủ biên): Người Khơ Mú ở Việt Nam. Sđd…, tr. 177-180.
[8] E.B.Taylor: Văn hóa nguyên thủy. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật xuất bản năm 2001, tr 511.