Thơ haiku của Nhật Bản là một hiện tượng kỳ thú của văn học. Từ một thể thơ dân tộc, thơ haiku đã vươn ra tầm quốc tế với việc được nhiều đất nước đón nhận, sáng tác bằng chính ngôn ngữ của mình. Trong số đó phải kể đến Việt Nam với truyền thống văn hóa có nhiều điểm tương đồng, gần gũi với Nhật Bản.
Với lịch sử phát triển hơn 400 năm, cùng với việc Nhật Bản mở cửa vào thời Minh Trị thiên hoàng (Meji) thì đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thơ haiku được thế giới bắt đầu biết đến và ngay lập tức nhận được sự đón chào của đông đảo người yêu thơ trên khắp thế giới. Ngày nay trên thế giới, tại khoảng 50 nước có hơn 2 triệu người sáng tác thơ haiku bằng ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ của dân tộc mình.
1. Vị trí của thơ haiku ở Nhật Bản và thế giới
Haiku có thể được xem là thể thơ thể hiện rõ tâm hồn, tính cách của con người và đất nước Nhật Bản. Nhiều nhà nghiên cứu văn học, khi nhắc đến thơ haiku, đều gọi đó là thơ thiền.
Haiku (tiếng Nhật: 俳句) (Hài cú) vốn xuất phát từ ba câu đầu (発句 hokku, phát cú) của những bài renga (連歌 liên ca) có tính trào phúng gọi là renga no haikai (連歌の俳諧) mà sau gọi tắt là haikai (俳諧 bài hài). Tuy nhiên sắc thái trào phúng ở thơ haiku đã mất đi khi vào thế kỷ XVII, nhà thơ nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản là Matsuo Basho đã biến haiku thành một thể thơ trữ tình và mang nặng tính chất thiền. Haiku có lẽ là thể thơ ngắn nhất thế giới bởi vì dù đôi khi vẫn có những hình thức khác, nhưng thường thì thơ haiku chỉ vọn vẹn có 17 âm tiết chia thành 3 dòng với với âm tiết lần lượt của 3 dòng là: 5 + 7 + 5.
Haiku thường không mô tả cảm xúc mà chủ yếu ghi lại những sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm tiết nên thơ haiku thường chỉ diễn tả một sự kiện ở thì hiện tại và sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác biệt nhau. Một bài thơ haiku của Nhật Bản luôn tuân thủ hai nguyên tắc: Mùa và tính tương quan. Trong thơ haiku bắt buộc phải có “Kigo” (dịch sang tiếng Việt là quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa (không dùng từ cụ thể như xuân, hạ, thu, đông nhưng dùng các từ như hoa anh đào, cành khô, lá vàng, tuyết trắng… để chỉ các mùa), và diễn tả một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường). Hiện tượng thường thấy ở một bài thơ haiku là một hình ảnh sống động, linh hoạt và trừu tượng, một hình ảnh cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn. Người đọc chỉ có thể cảm nhận thơ haiku bằng trí tưởng tượng và những cảm xúc rung động trước những con chữ. Thơ haiku là thơ của những kỹ xảo con chữ, viết rất ngắn mà mở ra đến vô tận vô cùng.
Mỗi bài haiku thông thường có cấu trúc âm tiết 5 + 7 + 5 trong ba câu. Tuy nhiên, ngay cả tổ sư của haiku là Matsuo Basho cũng đôi khi sử dụng ít hơn hoặc nhiều hơn số âm tiết đã nói trên; chẳng hạn bài thơ sau đây có 19 âm tiết:
Kareeda ni (5 âm) / Trên cành khô
Karasu no tomarikeri (9 âm) / Quạ đậu
Aki no kure (5 âm) / Chiều thu
(Nhật Chiêu dịch)
Bài thơ haiku có lẽ nổi tiếng nhất không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở thế giới cũng là một bài thơ của thi sĩ lỗi lạc Matsuo Basho, viết năm 1680:
Furu ike ya! Ao cũ
Kawazu tobikomu con ếch nhảy vào
Mizu no oto Vang tiếng nước xao
(Nhật Chiêu dịch)
Thơ Haiku Nhật Bản có bốn nhà thơ lừng danh nhất, gọi là “tứ trụ haiku”, mỗi người một vẻ. Đó là:
Matsuo Basho (松尾芭蕉) (1644 – 1694)
Yosa Buson (与謝蕪村) (1716 – 1784)
Kobayashi Issa (小林一茶) (1763 – 1828?)
Masaoka Shiki (正岡子規) (1867 – 1902)
Ngày nay thơ haiku đã vượt ra khỏi biên giới nước Nhật, trở thành một thể thơ quốc tế. Nhiều tên tuổi nổi tiếng của thế giới đã từng làm thơ haiku như nhà thơ Pháp Paul Eluard, George Seferis của Hy Lạp, Octavio Paz (Mexico)…
2. Sự phát triển của thơ haiku ở Việt Nam
Có ba thể thơ nước ngoài được người Việt Nam ưa chuộng và Việt hóa, đó là thể thơ Đường của Trung Quốc, thể thơ Sonnet của Châu Âu và thơ haiku của Nhật Bản. Trong đó truyền thống Việt hóa thơ Đường thành thơ Nôm Đường luật đã có từ ngàn năm nay với những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… Thể thơ Sonnet của Châu Âu cũng theo bước chân người Pháp du nhập vào trong cuộc chinh phục thuộc địa Việt Nam. Nhiều nhà thơ của Việt Nam trong thế kỷ XX như Chế Lan Viên, Nguyễn Trọng Tạo… đều có những bài Sonnet thành công. Trong số ba thể thơ này, haiku du nhập vào Việt Nam muộn nhất, nhưng hiện nay lại có nhiều hoạt động sáng tác sôi nổi nhất.
Những bài thơ haiku đầu tiên được dịch và giới thiệu ở Việt Nam là những bài thơ trong bài báo “Thi văn Nhật Bản với phong trào Âu hóa” của Hàn Mặc Tử, đăng ngày 3/2/1936 trên báo Sài Gòn . Từ năm 1945 đến năm 1975, những nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam như Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, Nguyễn Tường Minh, Ngô Văn Tạo, Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những người tiếp cận, am hiểu thơ haiku và có nhắc đến hay sáng tác thơ haiku trong những bài viết của mình trên sách, báo, tạp chí. Ở Việt Nam người đầu tiên dịch thơ haiku Nhật Bản ra tiếng Việt và xuất bản thành sách in, có lẽ là Nguyễn Tường Minh ở Sài Gòn, với hai tuyển tập “Hòa ca” (Sông Thao xuất bản, 1971) và “Luyến ca” (Sông Thao xuất bản, 1972).
Sau năm 1975, một trong những người đi đầu trong việc dịch và giới thiệu thơ haiku nói riêng cũng như thơ ca và văn học Nhật Bản nói chung là nhà giáo, nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Nhật Chiêu. Những công trình của Phan Nhật Chiêu là “Basho và thơ haiku” (Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 1994), “Nhật Bản trong chiếc gương soi” (Nxb. Giáo dục, 1995), “Thơ ca Nhật Bản” (Nxb. Giáo dục, 1998), “Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868” (Nxb. Giáo dục, 2003), “Ba ngàn thế giới thơm” (Nxb. Văn nghệ, 2007). Phan Nhật Chiêu được xem là chuyên gia có uy tín bậc nhất về văn học Nhật Bản tại Việt Nam. Những hoạt động của ông như giảng dạy, truyền bá, cố vấn sáng tác đã khiến cho đông đảo công chúng Việt Nam biết đến thơ haiku. Ngoài ra còn có một số tác phẩm khác được những dịch giả khác dịch ra tiếng Việt như Hàn Thủy Giang dịch “Basho, Con đường hẹp thiên lí” (Nxb. Hà Nội, 1998); Vĩnh Sính dịch “Basho, lối lên miền Oku” (Nxb. Thế giới, 1999). Đặc biệt tác phẩm của H.G. Henderson “Hài cú nhập môn” (Nxb. Trẻ, 2000) đã được Lê Thiện Dũng dịch. PGS. Lưu Đức Trung – Lê Từ Hiển biên soạn công trình “Haiku – Hoa thời gian” (Nxb. Giáo dục, 2007). Gần đây nhất có công trình “Hợp tuyển văn học Nhật Bản từ Khởi thủy đến giữa thế kỷ XIX” do Mai Liên dịch, được xuất bản năm 2010 (NXB Lao động) và công trình “Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản” của Nguyễn Nam Trân (NXB Giáo dục, 2011) có dành nhiều trang viết về thơ haiku qua các thời kỳ phát triển.
Một số bài viết nghiên cứu về thơ haiku đã được đăng trên các tạp chí như bài dịch “Thiền và thơ haiku” của Lê Thị Thanh Tâm (2003) trong ấn phẩm Thơ – Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình. Bài viết “Một số đặc điểm nghệ thuật của thơ haiku Nhật Bản” (2002), “Thơ haiku Nhật Bản viết về mùa xuân” (2004) của Hà Văn Lưỡng đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á (nay là tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á). Bài viết “Đặc điểm thơ haiku Nhật Bản” của Nguyễn Thị Mai Liên đăng trên tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (2014) v.v… Nhiều khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn cao học, luận án tiến sĩ tại các trường đại học lấy đề tài từ thơ haiku. Tiêu biểu có luận văn thạc sĩ “Ý thức thẩm mỹ Nhật Bản trong thơ haiku” của Nguyễn Thị Lam Anh (Đại học KHXH và NV TPHCM, 2010), luận án tiến sĩ “Thơ haiku Nhật Bản: lịch sử phát triển và đặc điểm thể loại” của Nguyễn Vũ Quỳnh Như (Đại học KHXH và NV TPHCM, 2013)… Luận án của Nguyễn Vũ Quỳnh Như đã được in thành sách năm 2015.
Từ nhiều khía cạnh khác nhau của thơ haiku, các dịch giả, các nhà nghiên cứu đã phác vẽ được chân dung của thể thơ nổi tiếng nhất của Nhật Bản, giúp cho người đọc hiểu thêm về thể thơ này, từ đó khơi gợi lên phong trào làm thơ haiku Việt. Trên các trang web, blog, trang mạng xã hội có đăng vô số bài thơ haiku tiếng Việt của các tác giả từ nổi tiếng đến không nổi tiếng. Các tập thơ haiku Việt cũng lần lượt ra đời như “Chuồn chuồn nghiêng cánh” (Thiên Bảo), “Bài ca đom đóm – Điệu Haiku đất Việt” (Trần Nguyên Thạch), “Tươi mãi với thời gian” (Lưu Đức Trung), “Tuyển tập thơ haiku” (Câu lạc bộ thơ haiku TP.HCM), “Mắt lá” (Huyền Tri), “Khúc vô thanh” (Vũ Tam Huề), “Cúc rộ mùa hoa” (Đông Tùng), “Chấm hoa vàng” (Hà Thiên Sơn), “Hương vương chiều tà – Thơ Haiku Việt” (Nguyễn Thị Kim) và nhiều tập thơ khác…
Trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam, từ năm 2002, dưới sự giới thiệu và biên soạn của PGS. Lưu Đức Trung và PGS.TS. Đoàn Lê Giang, thơ haiku đã được đưa vào chương trình học lớp 10.
Đặc biệt ở Việt Nam, thơ haiku đã chính thức đi vào đời sống văn học của cả nước với sự thành lập Câu lạc bộ thơ haiku Việt TPHCM, mà người góp công đầu là cố PGS. Lưu Đức Trung, một chuyên gia hàng đầu về văn học Châu Á. Câu lạc bộ là nơi tụ họp, là sân chơi bổ ích của hàng trăm thành viên và cộng tác viên ở khắp mọi miền đất nước. Câu lạc bộ đã xuất bản 10 số chuyên san, ra mắt hàng chục tập thơ haiku của các thành viên và tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản. Cùng với sự lớn mạnh của Câu lạc bộ thơ haiku Việt ở TPHCM, gần đây một Câu lạc bộ thơ Haiku Việt tại Hà Nội cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động. Thêm vào đó, từ năm 2007, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM đã phát động phong trào thi sáng tác thơ haiku hai năm một lần. Cho đến nay, cuộc thi sáng tác này đã tổ chức đến lần thứ năm và sau mỗi lần tổ chức, lại thu hút đông đảo người yêu thơ tham dự. Cũng từ năm 2011, cứ hàng năm Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An đã tổ chức cuộc thi thơ Haiku Việt, tác phẩm vào chung khảo được trưng bày ở cuộc triển lãm văn hóa Nhật Bản – Hội An.
3. Đặc điểm của thơ haiku Việt Nam
Việc tiếp nhận thơ haiku ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, dịch và nghiên cứu, mà còn trực tiếp đi vào đời sống sáng tác văn học. Thơ haiku trong những năm qua đã trở thành một món ăn tinh thần không thề thiếu của một bộ phận độc giả yêu thơ hoặc muốn trở thành tác giả sáng tác thơ haiku. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm thẩm mỹ, cảm thức về thiên nhiên và con người, cho nên thơ haiku Việt có những đặc điểm vừa giống mà lại vừa khác với thơ haiku nguyên mẫu đến từ đất nước Nhật Bản.
Tại Việt Nam, thơ haiku có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sáng tác của một nhà thơ nổi tiếng: nhà thơ Chế Lan Viên. Trong bài thơ “Từ thế chi ca” in trong tập “Di cảo thơ” ông đã có nhiều câu thơ phảng phất bóng dáng như thơ haiku:
Anh chỉ còn một nhúm xương tro trong bình
Em đừng khóc
Ngoài vườn hoa cỏ mọc.
Hay những câu thơ khác:
Cho dù trái đất không còn anh
Anh vẫn còn nguyên trái đất
Tặng cho mình.
Trước hết về nội dung, trong thơ haiku Nhật Bản, yếu tố thiên nhiên đóng vai trò chủ đạo, yếu tố thế sự cũng có nhưng không nhiều lắm, đặc biệt yếu tố tình yêu lại càng hiếm hoi, ít ỏi. Trong khi đó, đề tài của thơ haiku Việt phong phú hơn, từ thiên nhiên đến thế sự, tình cảm thầy trò, bè bạn, vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước. Tuy vậy trong các bài thơ haiku Việt, cũng có thể thấy yếu tố thiên nhiên được đặt lên hàng đầu. Nhưng đây là một thiên nhiên đã được Việt hóa. Đâu đó trong thơ haiku Việt cũng có tuyết, hoa anh đào, rêu, lá đỏ, phảng phất bóng dáng thiên nhiên Nhật Bản…, nhưng phần nhiều vẫn là miêu tả những hình ảnh Việt Nam như lũy tre làng, ao rau muống, hoa phượng đỏ, hoa quỳnh hương, hoa bưởi, hoa lan, hoa mai, hoa cau…
Mai vàng
lộc biếc
nhớ nụ đào phai
(Lưu Đức Trung)
Một đề tài mà thơ haiku Nhật Bản cổ điển ít khi nói đến nhưng lại rất phổ biến ở thơ haiku Việt, đó là đề tài nỗi niềm tình cảm, tình yêu và tình dục. Tinh thần phóng khoáng của thế kỷ XX và XXI đã đẩy các nhà thơ haiku Việt Nam đi xa hơn những bài thơ haiku cổ điển Nhật Bản:
Con gái đáng yêu
Vú hồng, môi đỏ
Làm ta khốn khổ nhiều.
(Nguyễn Phúc Vĩnh Ba)
Tìm về quán cũ
Nghe bản nhạc xưa
Cố nhân ngàn trùng.
(Vũ Tam Huề)
Quả mướp dài
Con ong vụt đến
Đâu người tình xưa?
(Tôn Thất Thọ)
Nhiều đề tài hiện thực của cuộc sống hàng ngày như uống nước, ăn món gì đó, cơn bão, nạn kẹt xe… cũng được đưa vào thơ Haiku Việt, khác với tính chất đề tài trang trọng, nền nã của thơ haiku cổ điển Nhật Bản:
Chiều siêu bão
Mèo và chuột
Chung căn nhà hoang
(Hồ Thị Cẩm Hồng)
Uống quả dừa
Hút đại dương
Vào vũ trụ.
(Lưu Đức Trung)
Thơ haiku Việt tuy đề tài có vẻ phong phú, đa dạng hơn thơ haiku cổ điển Nhật Bản, nhưng có một nét đặc biệt trong thơ haiku, dù ở Nhật hay ở Việt Nam cũng khá giống nhau, đó là tinh thần Thiền tông trong từng bài thơ. Ở Nhật Bản, hầu hết những người làm thơ haiku cổ điển đều là những thi sĩ kiêm thiền sư. Tinh thần Thiền tông, yếu tố Thiền trong thơ haiku luôn là thử thách khó nhất với bất kỳ người làm thơ haiku nào. Nhưng ở đây, sự gần gũi về tâm thức văn hóa, cảm quan Phật giáo Thiền tông đã khiến cho nhiều nhà thơ haiku Việt có những bài thơ hay, thấy được cái thế giới hữu hạn mở ra trong cái vô tận vô cùng:
Trên lá môn non
giọt sương đọng
vầng trăng tí hon
(Trần Đức Việt)
Bóng hoa trăng lắt lay
Mèo con
Vồ hụt mãi
(Đinh Nhật Hạnh)
Về mặt nghệ thuật, đặc biệt thơ haiku Việt thường ít tuân thủ nguyên tắc phải có “kigo” (quý ngữ – từ chỉ các mùa). Ở Nhật Bản bốn mùa trong năm đều được thể hiện rõ rệt, còn ở Việt Nam, chỉ thấy miền Bắc có bốn mùa, riêng miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng. Dấu ấn thời tiết các mùa và các biểu trưng của mùa là khá ít ỏi trong văn chương người Việt. Do vậy thường thấy trong thơ haiku Việt là những bài thơ phá cách, vượt thoát ra khỏi khuôn khổ của quý ngữ chỉ thiên nhiên:
Đảo nổi đảo chìm
Nhịp trái tim
Tổ quốc
(Nguyễn Hoàng Lâm)
Bếp lửa
Khoai vùi
Nhà ai?
(Lam Hồng)
Thơ haiku Nhật Bản có những quy định chặt chẽ về mặt âm tiết với 5+7+5 âm tiết, tuy thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ, dù rất hiếm hoi. Nhưng khi sáng tác bằng tiếng Việt, do đặc điểm loại hình ngôn ngữ khác nhau, tiếng Việt là tiếng đơn âm tiết, cho nên thơ haiku Việt không tuân thủ chặt chẽ quy định đấy. Trái lại, các câu chữ tuy vẫn cố gắng là 17 âm tiết, nhưng cách ngắt nhịp thì linh hoạt hơn, phóng khoáng hơn nhiều. Có cách ngắt nhịp 2/2/1:
Tóc rũ
Bờ tre
Đợi
(Lê Đình Công)
Có khi ngắt nhịp 2/3/2:
Vỉa hè
Ngay dưới chân
Rất xa.
(Hà Bàng)
Có cách ngắt nhịp 4/5/2:
Lúa trổ nghẹn đòng
Cua bên bờ đỏ gọng
Mong mưa.
(Lê Đăng Hoan)
Và còn rất nhiều cách ngắt nhịp khác. Cách gieo vần trong thơ haiku cũng khá tự do. Thơ haiku cổ điển Nhật Bản ít hay không gieo vần mà chỉ từ ngắt nhịp, còn thơ haiku Việt có thể có vần hay không vần. Có nhiều ý kiến khác nhau về cách gieo vần của thơ haiku (nên hay không nên), nhưng tựa chung lại, đều thống nhất ở chỗ nên để tùy vào cảm hứng của người sáng tác. Cho nên có bài thơ haiku Việt có vần:
Xoài lủng lẳng
Nắng soi nghiêng
Ngực trần Tây nguyên
(Nguyễn Kỳ Anh)
Bàng bạc sương mù
Hồ Ba bể
Trăng lu
(Nguyễn Văn Đồng)
Nhưng đa phần là thơ haiku không gieo vần:
Dâu da xoan
Thơm
Bầu sữa mẹ
(Đỗ Tuyết Loan)
Hương trong vườn
Tiếng chim khách
Từng chùm
(Mai Văn Phấn)
Tuy âm tiết có thể khác, cách ngắt nhịp có thể khác, cách gieo vần có thể khác nhau, song thơ haiku Việt vẫn bảo toàn được tính chất cực ngắn, sự tinh tế, uyển chuyển, tao nhã trong từng câu chữ. Hình thức có thể khác đi, nhưng tinh thần thì vẫn còn đó.
Cho đến nay haiku Việt Nam đã có quá trình tiếp nhận gần một thế kỷ, kể từ bài viết đầu tiên của Hàn Mặc Tử năm 1936 và trong những năm gần đây là sự xuất hiện của phong trào sáng tác thơ haiku Việt. Quá trình biến đổi từ một thể thơ truyền thống Nhật Bản thành một thể thơ quen thuộc ở Việt Nam là một quá trình tiếp nhận thú vị và có rất nhiều vấn đề đặt ra nhìn dưới góc độ lý thuyết tiếp nhận văn học. Quá trình tiếp nhận này là một quá trình có thể nói là thành công, góp phần làm phong phú thêm cho vườn hoa hương sắc của văn học Việt Nam, và thể hiện dược tính chất đồng văn đặc thù của hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
Hà Thanh Vân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Nguyễn Phan Cảnh (2006), Ngôn ngữ thơ, NXB Văn học, Hà Nội
(2) Nhật Chiêu (1994), Basho và thơ haiku, NXB Tổng hợp TPHCM.
(3) Nhật Chiêu (1995), Nhật Bản trong chiếc gương soi, NXB Giáo dục, Hà Nội.
(4) Nhật Chiêu (1998), Thơ ca Nhật Bản, NXB Giáo dục, Hà Nội
(5) Nhật Chiêu (2003), Văn học Nhật Bản – Từ khởi thủy đến 1868, NXB Giáo dục, Hà Nội.
(6) Nhật Chiêu (2003), Ba ngàn thế giới thơm, NXB Giáo dục, Hà Nội.
(7) Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm Văn học, NXB Khoa học Xã hội.
(8) Kashiwabara Minu (2007), “俳句の国際化” (Quốc tế hóa thơ haiku), HI – Haiku International 2007, (72), Japan.
(9) Vĩnh Sính (2001), “Dịch thuật và Khảo cứu – Matsuo Basho và Lối lên miền Oku”, Việt Nam và Nhật Bản – Giao lưu văn hóa, NXB Văn nghệ TPHCM.
(10) Nguyễn Nam Trân (2011), Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục, Hà Nội.