Khái quát ở mức nào đó, lịch sử phát triển của Thơ mới chính là quá trình phát triển của cái tôi tiểu tư sản trong hoàn cảnh xã hội cụ thể lúc bấy giờ. Xuân Diệu trở thành đỉnh cao của phong trào Thơ mới ở độ tròn đầy, sung mãn nhất bởi đây là người có ý thức cao về cá nhân, dám sống thành thực với cái tôi cá nhân và nhiệt tình phơi trải tấm lòng khát khao hưởng thụ trần tục với người đời. Hoài Thanh nhận xét Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” có lẽ chính với tinh thần ấy. Đến với Xuân Diệu, ta bắt gặp một cái tôi lồ lộ với nỗi đam mê mãnh liệt, một tấm lòng “ân ái đa tình”. Trong các nhà Thơ mới, Xuân Diệu là người diễn tả sự đam mê nổi trội nhất và màu sắc độc đáo của hình tượng cái tôi này được bộc lộ trước hết ở cường độ cảm xúc. Ông bày tỏ lòng ham muốn hưởng thụ “vô biên”, bày tỏ nỗi hốt hoảng trước sự trôi chảy của thời gian. Ông khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy tận tâm, hãy siêng năng mà sống, mà yêu “cho trọn vẹn tuổi xuân hiếm hoi của ta”. Và những thơ si mê đầy cuốn hút ấy là “những cái bỏng lưỡi hay những cái đau răng vì đã uống tham lam vào suối mặt trời, đã ăn hăm hở vào trái mùa xuân” (Lời đưa duyên cho tập Thơ thơ). Đến Xuân Diệu, cái tôi Thơ mới không dè dặt, bóng gió như trước nữa. Nó gạt bỏ giấc mộng sầu man mác ở Lưu Trọng Lư, mọi hoài bão mơ hồ của Thế Lữ, Huy Thông mà phát biểu thẳng những ước muốn riêng tư, khát khao hưởng thụ có tính trần tục của mình.

1. Nhà thơ của trần gian và hiện tại

Ngay từ khi viết lời Tựa cho tập thơ Thơ thơ đầu tay của Xuân Diệu, Thế Lữ đã chỉ ra rất đúng “con người ấy”: Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian; ông đã không trốn tránh mà còn quyến luyến cõi đời, và lời nguyền ước của ông có bao nhiêu sức mạnh:

Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn,
Làm giây da quấn quít cả mình xuân;
Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần,
Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất.

Trong lúc các thi sĩ Thơ mới mỗi người tìm một ngả đường trốn chạy khác nhau khỏi chợ đời, kịch đời thì Xuân Diệu chủ trương chẳng thoát li đi đâu cả mà đứng vững trên cõi trần gian này, bám chặt lấy mỗi phút giây hiện tại mình đang được uống để hưởng hạnh phúc. Trong quan niệm thẩm mỹ của Xuân Diệu, thiên đường chẳng ở đâu xa mà có ngay trên mảnh đất trần gian này, có ngay ở thiên nhiên tươi thắm quanh mình, ở mỗi phút giây tuổi trẻ mình đang được sống. Và theo thi sĩ trẻ tuổi, trẻ lòng này, cũng chỉ ở đó mới có sự sống, hạnh phúc mà thôi. Xuân Diệu đã khẳng định một cách say sưa mối giao hoà giữa cái tôi với thế giới vạn vật đầy âm thanh và hương sắc xung quanh. Bài thơ Cảm xúc với lời đề “Tặng Thế Lữ” như biểu lộ sự tán thành và khẳng định quyết liệt hơn tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả Cây đàn muôn điệu. Ví mình như “cây kim bé nhỏ, mà vạn vật là muôn đá nam châm”, Xuân Diệu muốn để “Linh hồn ràng buộc với muôn giây/ Hay chia sẻ với trăm tình yêu mến”, ao ước “thu hợp trí muôn phương”, đón được “muôn khách đến”. Quả ít có cái tôi cá nhân nào ước ao thâu nhận, cảm thấy giàu có như thế này:

Đôi giếng mắt đã chứa trời vạn hộc
Đôi bờ tai nào ngăn cản thanh âm
Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm…
Của xanh thẳm thấy luôn màu nói sẽ…

Tay ấp ngực dò xem triều máu lệ
Nghìn trái tim mang trong một trái tim
Để hiểu vào giọng suối với lời chim
Tiếng mưa khóc, lời reo tia nắng đọng

Khi xuất bản Thơ thơ và Gửi hương cho gió, Xuân Diệu đều có những lời đưa duyên tỏ bày với bạn đọc niềm mong ước của mình. Đọc Lời đưa duyên của tác giả Thơ thơ (1938) rồi Lời thơ vào tập Gửi hương (1945), chúng ta thấy rõ nhu cầu đối thoại, giao tiếp bằng thơ với thế giới, với người đời của Xuân Diệu. Đối với thi sĩ này, làm thơ là một cách trốn chạy khỏi cô đơn, một cách khắc phục sự tồn tại vô danh trên cõi đời: “Người hãy mở tay, người hãy mở lòng mà đón lấy! Đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi vừa lúc vang ngâm; và đây là tuổi xuân, là sự sống của tôi nữa, tôi đem mà tặng cho người trong mấy bài thơ đây”. Lời đưa duyên ấy chẳng khác gì lời mời mọc van xin. Ví những bài thơ của mình như những ổ chim bay ra từ  một tấm lòng ngây dại, đi trốn sự cô độc, Xuân Diệu cầu mong: “Ổ chim của tôi vỗ cánh sắp bay rồi! Hỡi không gian xin người đừng lạnh lẽo!”. Gói ghém hơi thở trong ít nhiều âm điệu, gửi nhịp máu trong nhịp thơ, thi sĩ để cả trái tim vào những lời run rẩy và dùng nó bắc cầu đến với mọi người:

Thơ tôi đó, gió lùa đem toả khắp!
Và lòng tôi, mời mọc bạn chia nhau.
Trông thấy nghìn môi rượu mùa ăm ắp,
Tôi sẽ vui được có tấm lòng sầu.

Vậy là, “Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về với hạ giới” (Hoài Thanh). Với Xuân Diệu, sự sống, hạnh phúc không ở quá khứ xa vời, chẳng ở tương lai vô định mà có ngay trong từng phút giây hiện tại mình đang được sống, làm thơ chính là cách khẳng định sự sống, cách hiện thực hoá bản thân mình vào thế giới, cũng là cách giải toả nỗi cô đơn:

Giơ tay muốn ôm cả trái đất,
Ghì trước trái tim, ghì trước ngực,
Cho đầy trước mặt khoảng cô đơn
Bao la muôn trời, sâu vạn vực.

2. Thi sĩ của tuổi trẻ và tình yêu

Khi đứng vững trên mảnh đất trần gian, bám chặt vào hiện tại, Xuân Diệu nhận ra rằng hạnh phúc cuộc đời được kết đọng đủ đầy nhất nơi tuổi trẻ và tình yêu. Bởi thế, ông khát khao tận hưởng và thiết tha kêu gọi mọi người mau mau tận hưởng cái hạnh phúc ngắn ngửi, hiếm hoi ấy. Thơ Xuân Diệu “mang theo một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này” trước hết bởi cái sức trẻ, độ nồng nàn và cảm xúc. Có thể định danh ngắn gọn, đích xác: đây là thi sĩ của Xuân và Tình.

Nếu như Chế Lan Viên thù ghét mùa xuân mà khắc khoải tìm về “thu trước xa lăm lắm” bao nhiêu thì Xuân Diệu lại yêu say mùa xuân bấy nhiêu. Mùa Xuân ấy đồng nghĩa với hiện tại. Mùa xuân ấy chính là sự sống. Nhưng Xuân Diệu cũng không phải là thi sĩ Thơ mới duy nhất yêu mến mùa xuân. Vậy cảm xúc mùa xuân, hình ảnh xuân trong thơ của thi sĩ này có gì đặc sắc?

Trước hết, mùa xuân qua đôi mắt xanh non, tâm hồn rạo rực của Xuân Diệu là thời điểm thế giới thiên nhiên trẻ trung, tươi thắm phát lộ. Thế giới thiên nhiên lúc này thường rực rỡ màu sắc, chói ngời ánh sáng, nồng nàn hương vị và rít rít thanh âm, nghĩa là hội tụ đủ mọi yếu tố, mọi vẻ đẹp ở độ đỉnh điểm, gợi cảm nhất. Đây là nụ cười trong khu vườn xuân buổi ban mai:

Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui
Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời.
Sao buổi đầu xuân êm ái thế!
Cánh hồng kết những nụ cười tươi.

(Nụ cười xuân)

Mùa xuân thắm tươi đã có từ lâu với loài người nhưng làm sao đi vào thơ ca với đường nét, sắc màu như vốn có qua rào chắn âm u của ước lệ cổ điển. Với sự xuất hiện của thế hệ thi sĩ Thơ mới, với Xuân Diệu, lần đầu tiên có hình ảnh xuân rạo rực gợi tình như thế này:

Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.

(Vội vàng)

Hệ thống tính từ định ngữ giàu sức biểu cảm (mật, xanh rì, tơ, phơ phất, si) có ý nghĩa nhấn mạnh đây là vườn xuân ở độ trẻ tươi, ngọt ngào nhất.

Xuân Diệu hay tả mùa xuân ở buổi ban mai với vẻ tinh khôi, tinh khiết. Mùa xuân là mùa tuổi trẻ nhất của vũ trụ. Bình minh là thời điểm trẻ nhất của một ngày, là khi đẹp nhất của mùa xuân.

Khi quan niệm tuổi trẻ chỉ có ý nghĩa lúc gắn với tình yêu; tình yêu chỉ thực sự được hạnh phúc đủ đầy lúc còn trẻ, lẽ tự nhiên mùa xuân trong cảm nhận của Xuân Diệu cũng là mùa tình, vườn xuân trong thơ Xuân Diệu trở thành vườn tình. Thiên nhiên mùa xuân qua đôi mắt Xuân Diệu thường rạo rực tình ái. Lúc này, vạn vật dường như muốn đong đưa, muốn gợi tình trao duyên cho nhau:

Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao
Cây vàng rung nắng lá xôn xao
Gió thơm phơ phất bay vô ý
Đem đụng cành mai sát nhánh đào

Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều
Bên màu hoa mới thắm như kêu
Nỗi gì âu yếm qua không khí
Như thoảng đưa mùi hương mến yêu

(Nụ vườn xuân)

Trong Vội vàng, vườn xuân cũng có bướm ong lả lướt, có cặp chim yến anh cất khúc tình ca say đắm. Xuân Diệu thiết tha cùng mùa xuân đầu của tình yêu với trời xanh, vườn non, đường cỏ mộng… Mùa xuân ấy có “Nhạc phất dưới chân mừng sánh bước”, có “Tơ giăng trong lời nhỏ khơi ngòi”“Tà áo mới cùng say mùi gió nước/ Rặng mi dào xao động ánh dương vui” (Xuân đầu). Mang cảm xúc rưng rưng, ngỡ ngàng trước mùa xuân đầu của tình yêu, Xuân Diệu thấy hoa lá thiên nhiên như cũng đang hẹn hò chờ đợi:

Đây chùm mong nhớ, khóm yêu đương,
Đây nụ mơ mòng đợi ánh sương,
Đây lá bâng khuâng run trước gió;
Đây em, cành thẹn lẩn cành thương.

(Dâng)

Làm nên cái “mới nhất” của Xuân Diệu có lẽ là cảm xúc ái ân. Không có gì lạ khi tình yêu trở thành trận địa chính trong cuộc tấn công của văn chương lãng mạn – thứ văn chương duy cảm, “chuồi theo dòng cảm xúc” – vào văn chương cô điển – thứ văn chương duy lý, ràng buộc con người bằng những giáo lý khô khan. Trong lịch sử văn học dân tộc ta, sự xuất hiện và trưởng thành của thế hệ thi sĩ Thơ mới lãng mạn gắn liền cùng quá trình ngày càng hoàn thiện thể tài đời tư, trong đó niềm đam mê và hy vọng cháy bỏng, nỗi cô đơn và thất vọng đau đớn của cá nhân trong tình yêu là mô típ trữ tình phổ biến. Cái ái tình “muôn hình nghìn trạng” quả là nguồn thơ lớn nhất tưới mát tâm hồn, đem tới nhiều hạnh phúc đồng thời cũng lắm khổ đau đối với hầu hết thi sĩ Thơ mới lãng mạn. Vấn đề là trên trận địa chung này, Xuân Diệu đã có những đóng góp đặc biệt độc đáo của mình. Vì thế, ít ai ngần ngại khi khẳng định Xuân Diệu là “nhà thơ tình bậc nhất” (Hà Minh Đức), “nhà thơ tình kiệt xuất” (Lê Đình Ky). Đây đúng là đệ nhất thị sĩ về tình yêu trong lịch sử thi ca Việt Nam.

Trước Cách mạng, dường như phần lớn sinh lực sáng tạo, cảm hứng nghệ thuật của Xuân Diệu được tập trung vào đề tài tình ái. Trong thơ ông, quá trình “tôi” chi phối ngoại giới đồng thời cũng là con đường “tôi” hưởng thụ tuổi trẻ và tình yêu. Xem tình yêu và tuổi trẻ là “phần ngon nhất của cuộc đời”, thi sĩ thấy ở đây dồn kết ý nghĩa của cuộc sống hạnh phúc trên cõi trần gian. Bởi thế, cẩn thấy rằng đề tài tình ái trong thơ Xuân Diệu đã mang ý nghĩa rộng xa hơn chính bản thân nó, Huy Cận thật đúng khi chỉ ra rằng thơ tình yêu của Xuân Diệu là “bài ca sự sống”, “Tôi vốn biết cuộc đời thường đạm bạc/ Nên mang theo từng suối rượu nguồn tình” (Chỉ ở lòng ta). Với Xuân Diệu, yêu là một hành động sống, là cách để làm rộn ràng ấm nóng lên cái “cuộc đời cũng đìu hiu như dặm khách” này. Vì thế, dù thừa biết “yêu là chết ở trong lòng một ít”, dù “nước đổ lá khoai”, thi sĩ vẫn lao vào như tự nguyện được cuốn theo cái guồng máy vận hành sự sống: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào” (Bài thơ tuổi nhỏ). Từ đây, Xuân Diệu đã lập được một cuốn từ điển yêu bằng thơ. Mọi đôi lứa yêu nhau đều có thể tìm thấy trong thơ thi sĩ này mọi trạng thái, thời điểm, mọi cung bậc cảm xúc phong phú, phức tạp của thứ tình cảm này ở loài người. Từ lần đầu rung động nỗi thương yêu giữa một chiều thu tình tứ (Thơ duyên) đến buổi  “tôi với người yêu” “bâng khuâng chân tiếc giậm lên Vàng” trên đường trắng (Trắng), từ “với bàn tay ấy ở trong tay” đến lúc say sưa “hãy sát đối đầu, hãy kể đôi ngực”, “hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt” cho “anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự” (Xa cách, Giục giã), từ những lúc hẹn hò bóng gió đến lúc tương tư đau khổ “anh một mình nghe tất cả buổi chiều/ Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh” (Tương tư chiều), từ những rung cảm, ngóng mong “trong sạch vẻ ban sơ”, “rượu nơi mắt với khi nhìn ướm thử/ Gẩm trong lòng và khi đứng chờ ngây” (Tình thứ nhất, Xuân đầu) đến nỗi đớn đau tỉnh ngộ, thất vọng tội nghiệp khi phải “mời yêu”, khi đành “gửi hương cho gió”… Tất cả đó là những hạnh phúc và khổ đau muôn thuở của con người khi vướng vào lưới tơ tình ái được thể hiện đầy xúc động qua một tâm hồn dào dạt, trái tim đa cảm.

Xuân Diệu xa lạ với kiểu tình yêu hiền lành “Yêu hết một mùa đông/ Không một lần dám nói” của Lưu Trọng Lư, ngượng ngùng bóng gió “Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau” của Nguyễn Bính. Tự xưng mình là “kẻ uống tình yêu giập cả môi” mà vẫn “không nguôi nỗi khát thèm”, ông say sưa, nhiệt thành cổ vũ cho triết lý hưởng thụ trong tình yêu. Giọng chủ âm trong thơ tình Xuân Diệu là “đắm say và ầm ĩ”. Nhà thơ luôn giục giã “Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!”, ngay lúc “tình non” mà cứ kêu “sắp già rồi”. Ngồi ôm ấp, mơn trớn với người yêu mà chàng thanh niên này cứ khao khát “Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!”. Trong đòi hỏi của Xuân Diệu, đã yêu là phải nói. Không chỉ nói một lần mà phải “trăm bận đến ngàn lần”. Lại không chỉ nói bằng lời mà bằng tất cả mọi giác quan được phát động đến đỉnh điểm mê đắm:

Em phải nói, phải nói, và phải nói:
Bằng lời riêng nơi cuối mắt, đầu mày,
Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn, chiều say,
Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay riết,
Bằng im lặng, bằng chi anh có biết!
Cốt nhất là em chớ lạnh như đông,
Chớ thản nhiên bên một kẻ cháy lòng,
Chớ yên ổn như mặt hồ nước ngủ.
(Phải nói)

Chàng trai trong thơ Nguyễn Bính tương tự thì ngồi hờn trách thở than, nói gần nói xa, nói bóng nói gió với những thôn Đoài – thôn Đông, bến – đò, hoa khuê các – bướm giang hồ, giàn trẩu – hàng cau… Chàng thi sĩ Xuân Diệu lại chẳng hề giấu giếm mà kêu to lên nỗi nhớ nóng nảy của mình: “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh/ Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!”. Xuân Diệu không ngần ngại tỏ bày khát vọng vô biên của một kẻ đa tình “Đã yêu từ khi chưa có tuổi”“Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma!”.

Cùng với triết lý hưởng thụ, Xuân Diệu cho rằng tình yêu phải đạt tới sự hòa cảm tuyệt đối cả về thân thể lẫn tinh thần. Bằng các động từ diễn tả động tác mạnh bạo, quyết liệt, bằng nhịp điệu dồn dập, hối hả, nhiều bài, nhiều đoạn thơ của Xuân Diệu giục giã phải đến sự gần gũi tuyệt đối:

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
“Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!”.
(Xa cách)

hoặc:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự.

Như vậy, muốn tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc ở đời, theo Xuân Diệu, con người ra cần trẻ trung, khoẻ mạnh cả về thân thể, phải huy động mọi giác quan mà thâu nhận. Đó là một biểu hiện của tinh thần Phục hưng trong quan niệm về tình yêu của ông. Nó vượt khỏi thứ tình yêu chỉ cần thanh cao trong cõi tinh thần của văn học trung đại. Song mặt khác, cũng đừng lầm triết lý tình yêu của Xuân Diệu chỉ là khát vọng hưởng thụ có tính nhục thể. Nhà thơ còn đòi hỏi sự hoà cảm tuyệt diệu giữa hai tâm hồn cá nhân. Hiểu như thế ta mới giải thích được vì sao thân thể cận kề đến vậy mà nhà thơ cứ cảm thấy đau khổ  bởi giữa hai tâm hồn là một vực thẳm chứa đầy bí mật:

Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.
Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em, anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.

Bài thơ mang tên Xa cách. Đó hẳn không còn là xa cách về thân thể mà chính là chuyện khoảng cách giữa hai tâm hồn. Ta cũng hiểu vì sao ngay khi ôm ấp người yêu mà Xuân Diệu lại có cái khao khát này:

Trời cao trêu nhử chén xanh êm;
Biển đắng không nguôi nỗi khát thèm;
Nên lúc môi ta kề miệng thắm,
Trời ơi, ta muốn uống hồn em!

Ngày ấy, tình yêu cũng chẳng thể nào chữa nổi căn bệnh cô đơn của một cái tôi khao khát giao cảm tuyệt đối như Xuân Diệu.

3. Nhà thơ của một quan niệm thẩm mỹ mới mẻ, của nỗi sợ hãi trước sự trôi chảy của thời gian

Khi cho rằng hạnh phúc cuộc đời được kết đọng đầy đủ nhất nơi tuổi trẻ và tình yêu, lẽ tự nhiên, Xuân Diệu đã khẳng định một quan niệm thẩm mỹ trước đó chưa từng có: Con người ở độ tuổi trẻ và trong tình yêu chính là vẻ đẹp tối cao trên thế gian này. Nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời thường được Xuân Diệu cảm nhận có hình vóc, tâm trạng như con người. Nói cách khác, nhà thơ này hay người hóa thiên nhiên, đem đến cho chúng dáng vẻ, nỗi niềm của con người trẻ tuổi. Lá liễu dài như nét mi thiếu nữ (Nhị hô). Rặng liễu đìu hiu tựa những người con gái đứng chịu tang. Nàng trăng thu tự ngẩn ngơ (Đây mùa thu tới). Ánh sáng được cảm nhận qua đôi mắt to tròn, long lanh, đang chấp hàng mi của người thiếu nữ. Niềm vui biến thành vị thần mỗi ban mai gõ cửa đến với từng nhà. Tháng giêng như cặp môi mơn mởn ngon lành của thiếu nữ đang hiện lên trước mắt và rạo rực chào mời (Vội vàng). Bầu trời xanh trong, thắm duyên như cô gái tuổi mười sáu “Má hồng phơn phớt, mắt long lanh” (Rạo rực)… Chẳng phải ngẫu nhiên Xuân Diệu gọi bạn đọc yêu quý của mình là những người trẻ tuổi và trẻ lòng. Những con người như thế hẳn phải đồng cảm với quan niệm thẩm mĩ, với cách ví von của Xuân Diệu.

Càng thiết tha với tuổi trẻ, say đắm cùng tình yêu, Xuân Diệu càng gấp gáp tăng cường độ sống bởi hiểu rằng “Xuân không dài dặc, Tình có bền đâu”. Đây là nhà thơ nhạy cảm trước từng bước đi của thời gian, biến chuyển của thế giới quanh mình, luôn lo âu, sợ hãi trước sự trôi chảy thấm thoắt của thời gian. Cái ước muốn mở đầu bài Vội vàng thật lạ lùng nhưng lại bắt nguồn từ một tấm lòng vô cùng thành thực. Nắng sẽ làm màu nhạt phai. Gió sẽ cuốn hương bay mất. Nhà thơ muốn tắt nắng, muốn buộc gió, nghĩa là muốn thế giới quanh mình mãi mãi là mùa xuân, thiên nhiên quanh mình mãi mãi ngưng đọng ở độ tươi thắm, ngọt ngào nhất. Xuân Diệu cảm thấy vừa mới ban mai mình được ôm một bó hoa thời gian trong tay nhưng rồi “Ngày cứ trôi đi từng phút” để “Giờ tàn như những cánh hoa rơi”. Đến lúc nào đó trong tay mình không còn đóa hoa nào nữa (Giờ tàn). Thời gian như dòng nước. Đời người như con thuyền:

Nước cũng mất luôn…
– Nhưng nước còn nguồn:
Thuyền chìm, trong lúc
Đêm ngày nước tuôn…

(Thời gian)

Cảm thấy “Thời gian rót từng giọt buồn khô héo/ Sự sống đi như hương bỏ hoa chiều”, nhiều khi Xuân Diệu cứ sợ trước thời gian: Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già (Vội vàng), cứ hình dung tuổi già, sợ hãi cái chết:

Tôi run như lá, tái như đông,
Trán chảy mồ hôi, mắt lệ phồng.
Năm đẩy, tháng dồi, tôi đã đến
Trước bờ lạnh lẽo của hư không.

(Hư vô)

Hiếm ai mà viết “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt” như Xuân Diệu. Lúc nào nhà thơ cũng thấy lo âu trước sự mong manh của cái đẹp, ngắn ngủi của hạnh phúc:

Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến;
Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành.
Vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh,
Quay mặt lại: cả lầu chiều đã vỡ.

(Giục giã)

Thậm chí, có những khi Xuân Diệu muốn truy lĩnh thời gian, gọi quá khứ về làm hiện tại:

Cho ta xin, cho ta xin sắc đỏ,
Xin màu xanh về tô lại khung đời…
Trời ơi, trời ơi, đâu rồi tuổi nhỏ?
Hôm xưa đâu rồi, trời ơi! trời ơi!

(Xuân đầu)

Chính từ tâm trạng ngỡ ngàng, hoảng hốt trước sự lụi tàn chóng vánh của thời gian, của mọi cái đẹp như thế mà nhiều bài thơ của Xuân Diệu được kết cấu theo lối chuyển hoá tương phản (Giờ tàn, Hoa nở để mà tàn, Giục giã, Kỷ niệm, Ý thoáng, Thanh niên…). Đi liền niềm say sưa là cảm giác bất an luôn ám ảnh thi sĩ.

4. Một hồn thơ cô đơn

Ở Xuân Diệu, việc ý thức được sâu sắc bản ngã của mình diễn ra cùng một lúc với cảm giác đầy đủ về nỗi cô đơn.

Cô đơn là căn bệnh phổ biến của thời đại bấy giờ, là tâm trạng chung của phần lớn trí thức tiểu tư sản trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Vậy tại sao Xuân Diệu là một trong những thi sĩ Thơ mới nhận cảm rõ rệt nhất nỗi cô đơn? Lẽ thường, kẻ nào càng khát khao giao cảm càng day dứt càng day dứt khổ đau vì bị ruồng rẫy. Khi viết về thế hệ thi sĩ Thơ mới, Hoài Thanh đã khái quát thật đúng: “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh”. Xuân Diệu thuộc những người đào sâu nhất vào bản thể, vào cái tôi cá nhân thời ấy nên ông cảm thấy đầy đủ nhất cái lạnh giá giữa cuộc đời. Có đỉnh núi nào cao bằng Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng cũng vì thế có ai cô đơn bằng nó. Hy Mã Lạp Sơn “Cao vút thẳm giữa muôn ngàn đỉnh núi” kiêu hãnh “Không có chi bè bạn nổi cùng ta”, đồng thời cảm thấy rõ cái lạnh lẽo, cô quạnh: “Hiu hắt nhẽ bốn phương trời vò võ/ Lạnh lùng chăng sầu một đỉnh chon von”. Xuân Diệu đã đến với cuộc đời bằng tấm lòng ham sống bồng bột, bằng khát vọng tình yêu vô biên tuyệt đích. Mang một trái tim tràn đầy và si mê như thế, thi sĩ ngây thơ, ngờ ngệch tin rằng sẽ được mọi người đón nhận, sẽ được cuộc đời đáp đền tất cả những nhu cầu, khát vọng. Nhưng cơn mưa lũ đã gặp phải lá khoai! Thi sĩ sớm hụt hẫng vì không nơi bấu víu và ngày càng lún sâu vào bi kịch của một trái tim hiến dâng nhầm chỗ. Chính Xuân Diệu đã “tự kiểm điểm”: “Yêu sai duyên mà mến chẳng nhằm người/ Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi”. Con người từng khao khát tìm gặp những tấm lòng rất bạn, từng mong gửi cả tâm hồn cho những người trẻ tuổi mà nhất là trẻ lòng, ấy vậy mà đã phải xót xa thừa nhận:

Người si muôn kiếp là hoa núi,
Uổng nhuỵ lòng tươi tặng khách hờ!

Con người “Làm sao sống được mà không yêu”, từng gửi cả lòng ham sống vào tình yêu, ấy vậy mà dần vỡ lẽ “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Từ Thơ thơ đến Gửi hương cho gió, Xuân Diệu dường như tỉnh hơn để giải thích bi kịch của mình:

Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa;
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy;
Muôn ngàn đời tìm cớ dõi sương mây,
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất.

Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao,
Không muốn chữa, không muốn lành thú độc.

(Dại khờ)

Bên cạnh một cái tôi cả tin, quá đam mê dào dạt, đồng thời ta bắt gặp trong thơ Xuân Diệu một cái tôi tỉnh táo trong những nhận thức lý trí:

Từ ngàn xưa, người ta héo, than ôi!
Vì mang phải những sắc lòng tươi quá.

(Tặng thơ)

Đằng sau hình ảnh tương phản này là sự thấm thía về nỗi bất hạnh ngàn đời của những kẻ gia nhân tài tử, những kẻ thanh quý sắc tài. Xuân Diệu đau xót nhận ra mình cũng lâm vào cái bị kịch trở trêu ấy. Chính bởi mình nồng nhiệt quá. Chính bởi mình quá cả tin, trao gửi hết tâm hồn. Cũng như Huy Cận ở các bài Trình bày, Mai sau, Xuân Diệu đã chứng tỏ tính tích cực của cái tôi cá nhân Thơ mới khi tự phân tích chính mình, tìm tòi để lý giải ngọn nguồn của những hạnh phúc và khổ đau. Khi ấy, Xuân Diệu thường tự nhận lỗi, thường chú ý vào mâu thuẫn bên trong chứ ít đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh xã hội. Ước ao càng thiết tha, nỗi đau càng da diết. Mang sắc lòng tươi quá thì chỉ càng nhanh héo mà thôi! Tất cả những điều ấy được ông hiểu đến đau khổ. Phải chăng đó cũng là quy luật riêng của tình cảm ở những kẻ si tình: càng bị chối từ, ruồng rẫy lại càng bám chặt, càng yêu! Đau khổ vẫn chẳng nguôi yêu. Yêu, lại càng đau thêm. Đau đớn trong tỉnh ngộ, trong lúng túng giữa lưới chiều buông bủa. “Tôi là con nai bị chiều đánh lưới/ Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối” – không ít bài thơ của Xuân Diệu toát lên niềm tự thương cảm về thân phận (Thở than , Dại khờ, Gửi hương cho gió, Khi chiều giăng lưới, Riêng tây…).

Là một người của đời, một người ở giữa loài người, Xuân Diệu đã xây cất trên mảnh đất trần gian một lầu thơ thật đáng quý. Đi vào thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu thời kỳ trước Cách mạng chúng ta bắt gặp một con người mang tấm lòng ân ái đa tình nên không ít ngậm ngùi đau khổ. Một cái tôi mở rộng tấm lòng ân ái, khẳng định quyết liệt quyền lợi của mình trong quan hệ với thế giới khách quan nhưng nhiều khi không khỏi sợ hãi, muốn trốn chạy khỏi thế giới ấy. Một cái tôi vừa nồng nàn cảm hứng lãng mạn tươi trẻ, dạt dào niềm đắm say hạnh phúc khi hưởng thụ tuổi trẻ và tình yêu lại vừa thấm thía cảm hứng bi kịch lúc trái tim dâng nhầm chỗ, than thở nỗi cô đơn vò võ. Một cái tôi thức nhọn mọi giác quan trước thanh sắc của vạn vật trong thế giới trần gian, tham lam đòi thâu nhập tất cả song không ít lúc lại phải lắc đầu từ chối, phải chấp nhận sự bất lực, tuyệt vọng. Một cái tôi hay mộng mơ đồng thời cũng biết tỉnh táo và ngày càng tỉnh táo khi nhận thức về nỗi đìu hiu của cuộc đời, về bi kịch của cá nhân mình… Cái “suối rượu, nguồn tình” mà Xuân Diệu đem đến cho đời qua những vần thơ từng làm say đắm bao con người trẻ tuổi, trẻ lòng. Chắc chắn bao thế hệ sẽ còn thổn thức cùng tiếng đàn si mê của Xuân Diệu.

Lê Quang Hưng
Xuân Diệu – Tác phẩm và lời bình

Xem thêm: Xuân Diệu sau cách mạng Tháng Tám