Mãi mãi, lịch sử văn học Việt Nam sẽ ghi nhận năm 1986 như một mốc son đánh dấu bước ngoặt của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XX. Sau khi chiến tranh Việt Mỹ kết thúc, thống nhất đất nước, chiến tranh biên giới phía Nam và phí Bắc vẫn tiếp tục phức tạp, chúng ta áp dụng mô hình kinh tế, văn hoá của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho cả nước, dẫn đến xã hội khủng hoảng toàn diện. Cơ chế tập trung quan lieu bao cấp bóp nghẹt mọi tiếm năng sáng tạo trên mọi mặt, sự bung ra tự giải thoát từ dưới nẩy sinh trên mọi mặt, từ nông nghiệp , ngư nghiệp, ngoại thương, các xí nghiệp nảy sinh kế hoạch 2, kế hoạch 3, các báo chí ra các phụ trương, thứ bày, chủ nhật, chính sách giá lương tiền đổ bễ thất bại càng đẩy đất nước vào bế tắc. Chủ trương đổi mới tư duy kinh tế và xã hội, phát triển kinh tế thị trường, đồng thời chủ trương cởi trói trên lĩnh vực văn hoá văn nghệ đã thực sự là liệu pháp sáng suốt giải thoát cho đất nước, và chỉ mười năm sau Việt Nam từ một nước thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo.
Chủ trương cởi trói thực sự tạo bước ngoặt cho văn hoá và văn học Việt Nam nói riêng. Không phải ngẫu nhiên mà ông Ngyễn Văn Linh đã dùng từ cởi trói. Trước đó, từ năm 1943, với Đề cương văn hoá Việt Nam, ông Trường Chinh đã vạch ra chiến lược mác xít hoá Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cho văn học Việt Nam và từng bước quán triệt thực hiện nó qua các cuộc chỉnh huấn, đấu tranh tư tưởng, đặc biệt qua cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn – Giai phẩm, chống xét lại hiện đại trong văn nghệ, nhiều tác phẩm bị phê phán tàn bạo, từ năm 1960 phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được xác lập với nguyên tắc tính Đảng cộng sản được giương cao, nguyên lí phản ánh luận, khẩu hiệu phục vụ chính trị được quán triệt sâu sát qua từng cuộc đi vào thực tế san xuất và chiến đấu. Văn học bắt đầu gắn bó với đời sống và chiến đấu, nhưng tệ công thức, sơ lược, tô hồng, rập khuôn ngày càng trầm trọng, văn học trên thực tế ngày càng xa rời đời sống. Nhà văn buộc phải viết theo quan điểm, chủ trương chính trị chứ không như những điều họ quan sát thấy. Nhà văn Nguyễn Minh Châu thấy sáng tác như ở “trong cái hành lang hẹp”, nhà văn Ngô Thảo thấy văn học thiếu tính chân thật, như “nửa sự thật chưa phải là sự thật”, nhà văn Hoàng Ngọc Hiến nói sang tác theo “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Mọi cuộc đổi mới, “phá rào” đều bắt đầu từ dưới, nhưng phải có tín hiệu từ trên thì mới được bùng phát mạnh mẽ. Đúng như câu ca dao xưa nói: “Lúa chiêm ngấp nghé đầu bờ, Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”, khí thế đổi mới đã ấp ủ trong tâm hồn nhà văn, chỉ đến cuộc gặp gỡ trong hai ngày đáng nhớ trong cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Văn Linh với các đại biểu trí thức và văn nghệ sĩ, sau khi nghe văn nghệ sĩ phát biểu, ông nêu vấn đề cởi trói, tự cứu mình trước khi trời cứu, tiếng nói ấy như tiếng sấm mùa xuân khiến cho vụ lúa chiêm văn học phất cờ đứng dậy. Những ai đã sống trong bầu không khí ấy không thể quên được niềm rạo rực trong tâm hồn bao nghệ sĩ và cả người dân lúc ấy.
Nhiệt tình ấy đã sinh ra thời đại văn học mới. Sau một khúc dạo đầu rầm rộ, không thiếu bị phê bình với Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Ý Nhi, Xuân Quỳnh…nền văn học Đổi mới bắt đầu. Hàng loạt tên tuổi mới xuất hiện như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Hoàng Minh Tường, Dạ Ngân, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Đặng Thân…,Các nhà thơ như Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn, Vi Thuỳ Linh…Các tên tuổi đã xuất hiện một thời nay cũng tái xuất Nguyễn Xuân Khánh, Châu Diên, Nguyễn Ngọc Tấn… Nhịp bước với các nhà sáng tác, và phần nào đi trước, các nhà lí luận phê bình xuất hiện lúc ấy cũng mở ra một trang mới với các tên tuổi như Lê Ngọc Trà, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, Lã Nguyễn, Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thuý, Vương Trí Nhàn, Chu Văn Sơn, Huỳnh Như Phương…Danh sách các tên tuổi này còn nối rất dài, chỉ xin kể ra một số như một vì dụ không đầy đủ. Cũng xin nói thêm, không phải theo công thức cũ, sáng tác đi trước lí luận đi sau, mà trên thực tế trong thời đổi mớí lí luận đi trước. Ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Minh Châu, Ngô Thảo, Nguyên Ngọc đều là lí luận đi trước, tạo một tiếng vang thúc đẩy sáng tác.
Định danh “đổi mới” chỉ có ý nghĩa tạm thời, để khu biệt với văn học cũ, trước đó. Rồi nó sẽ được định danh lại theo giai đoạn văn học. Dù cho có những sự cố đã xảy ra với một số hiện tượng văn học đổi mới, dù cho động cơ người đổi mới văn học và người tổ chức đổi mới như thế nào, sự nghiệp đổi mới văn học là không thể đảo ngược. Đó là vì cái hình mẫu của nền văn học cách mạng, xã hội chủ nghĩa của ta như văn học Liên Xô đã chấm dứt, văn học Trung Quốc theo tư tưởng Mao Trạch Đông, cũng là một hình mẫu của văn học ta cũng đã chấm dứt. Hệ thống lí luận văn học duy trì nền văn học cách mạng cũ như phương pháp sáng tác hiện thức xã hội chủ nghĩa, phản ánh luận, tính đảng, chủ nghĩa hiện thực, khẩu hiệu văn nghệ phục tùng chính trị, phục vụ chính trị vốn đã mất thiêng từ đầu đổi mới, nay càng không còn sức thuyết phục. Bản thân hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa mà ta là một thành viên đã sụp đổ. Tiếp theo là công cuộc hội nhập thế giới và khu vực ngày càng sâu, chúng ta không còn con đường trở lại ngày trước, dù có thể với ai đó là quá khứ huy hoàng, nhưng đã một đi không trở lại.
Không thể đảo ngược có nghĩa rằng các tính chất của nền văn học cách mạng trước đổi mới như tính tuyên truyền, tính ý thức hệ vô sản, tính ngợi ca tấm gương, tính độc tôn một chiều, tính minh hoạ, tính công thức đối lập địch ta có tính ý thức hệ, tính lạc quan, tính chiến đấu, tính phục vụ chính trị thô thiển, tính cao cả, con người tập thể, tính giai cấp, tính đảng nhìn chung đã không còn, hoặc nếu có thì đã mất màu huyền thoại, hoặc chỉ tồn tại trong số ít tác phẩm. Trái lại, tính người, tính nhân văn, nhân loại, tính phê phán xã hội, tinh thần phản tư về xã hội, lịch sử, sự thể hiện con người tự nhiên, bản năng, cá nhân, sự tha hoá, sự thể hiện nhu cầu tính dục, giới tính, lên án bạo lực, cái ác, vấn đề sinh thái, môi trường, vấn đề văn hoá, giáo dục, sự phân hoá xã hội…được quan tâm, thành nội dung chủ đạo. Về mặt này ta có thể nói nền văn học cách mạng đã không còn, hoặc đã mờ nhạt, mà thay vào đó là một nền văn học có xu hướng hoà nhập với văn học các nước trên thế giới với tinh thần dân chủ, nhân văn, ý thức dân tộc.
Về phong cách, tuy lối viết hiện thực chủ nghĩa vẫn thịnh hành song đã thay đổi về chất, bởi vì không còn hiện thực thống nhất, xây dựng điển hình của nó, mà đã là hiện hực mảnh vỡ, phân mảnh, giọng điệu cộc lốc hoặc giếu nhại, châm biếm, không đối lập với phong cách tự nhiên chủ nghĩa. Phong cách hiện đại và hiện đại chủ nghĩa như gìong ý thức, độc thoại nội tâm, đổi thay toạ độ trần thuật, thơ siêu thực, thơ tân hình thức và những tìm tòi khác về hình thức. Một mĩ học hoàn toàn khác so với chủ nghĩa hiện thực truyền thống đã xuất hiện và nảy nở.
Các nhà văn không cùng kể một câu chuyện chung của thời đại, mà mỗi người kể câu chuyện của mình về thời đại, mỗi nhà thơ cũng có tâm trạng, giọng điệu riêng, không ai giống ai. Đã kết thúc nền văn học đồng phục.
Văn học Đổi mới của Việt Nam không có sự phát triển luận phiên như văn học thời kì mới ở Trung Quốc. Họ đi từ văn học vết thương, văn học phản tư, văn học tiền phong, văn học tầm căn, văn học viết cá nhân, văn học hương thổ viết về nông thôn, văn học viết theo quan điểm dân gian…Văn học Việt Nam hình như không có lớp lang như thế, nó ngay từ đầu đã có đủ các xu hướng. Ngay từ đầu đã có thơ siêu thực, rồi có các tìm tòi theo hướng hiện đại chủ nghĩa trong văn xuôi. Cũng có ngay từ đầu xu hướng viết theo lối nói ngược. Cũng có từ đầu xu hướng giễu nhại, xu hướng viết theo quan điểm dân gian. Có xu hương phản tư lịch sử, cả lịch sử hiện đại và lịch sử truyền thống. Có xu hướng hậu hiện đại, hoài nghi và giải trung tâm. Một nghiên cứu về các xu hướng của văn học đổi mới đang chờ các cây bút phân tích, định danh. Nhà văn đổi mới sáng tác vừa theo tiếng gọi của thời đại, vừa theo sự định hướng của bên trên. Toàn bộ văn học Đổi mới căng mình đi giữa sự kéo co của hai sức mạnh ấy. Ta có thể nhận thấy các mức độ đổi mới đậm nhạt. bị khúc xạ tuỳ thuộc vào tương quan hai sức mạnh trong mỗi nhà văn. Một khuynh hướng sáng tác về cơ bản vẫn theo truyền thống nhưng đã có nhiều ít màu sắc của thời đổi mới. Một ít phê phán cái cũ, một ít cái tôi, một ít sex, một chủ nghĩa anh hung đã giảm màu huyền thoại và nhiều thủ pháp nghệ thuật mới của chủ nghĩa hiện đại. Có nhà văn đã cho biết, anh cố gắng trong mỗi bài, mỗi tác phẩm ít nhất phải có ít nhất một câu văn thể hiện tinh thần đổi mới. Ý thức liều lượng có khi cũng có thể tạo ra cả một luồng văn học. Một khuynh hướng đổi mới hẳn về nội dung, một sự phản tư về thời đại, nhiều khi ngược hẳn lại với quan điểm truyền thống dưới hình thức nghệ thuật mới. Nó thường chịu búa rìu của một lực lượng phê bình, nhưng lại được hậu thuẫn bởi các nhà phê bình khác bằng im lặng. Tính chân lí của khuynh hướng này dần dần được khẳng định, ví dụ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Miền hoang tưởng (Hoang tưởng trắng) của Nguyễn Xuân Khánh. Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, một vài sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu ở vào tình trạng này. Một khuynh hướng khác thiên về đổi mới hình thức nghệ thuật như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, lúc đầu cũng có khi bị phê bình, nhưng dân dần được tiếp nhận. Có người muốn nhận ra khuynh hướng hâu hiện đại. có người đề xuất những cách nhận dạng khác. Vấn đề xác định khuynh hướng văn học thời Đổi mới vẫn chưa ngã ngũ. Muốn giải quyết thì phải có sự nghiên cứu cụ thể ,chính xác từng tác giả và toàn bộ sáng tác chủ yếu, việc đó đòi hỏi một công sức lớn của những người trẻ tuổi trong tuơng lai.
Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kì đổi mới, nhưng có một điều có thể chắc chắn, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người đóng góp lớn nhất cho sự nghiệp đổi mới văn học. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới. Họ không có gì để giữ gìn, trì kéo, không có gì để mất. Họ xuất hiện để gỉa từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mĩ học mới và khác làm phong phú cho văn học dân tộc. Đã và sẽ còn có nhiều cách đánh giá văn học đổi mới. Song theo tôi, đánh giá văn học Đổi mới trước hết phải là những người thiết tha với sự nghiệp đổi mới văn học, những người muốn thấy văn học là văn học, là sự thể hiện các nguyên tắc nhân học và thẩm mĩ vốn có của nó, muốn thấy nền văn học Việt Nam nhịp bước với văn học nhân loại, trong khi vẫn phát huy bản sắc dân tộc riêng độc đáo, không thể nhầm lẫn của nó.