Nhà thơ Thu Bồn (1935-2003) là một tên tuổi lớn trong đời sống văn học Việt Nam. Ông đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước (năm 2001) và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2017) về văn học nghệ thuật. Mới đây, tuyển tập gồm bốn tập sách, trong đó bao gồm cả phần tác phẩm chưa công bố của Thu Bồn được xuất bản. Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà phê bình Ngô Thảo – người có công hoàn thiện bộ tác phẩm này, về cuộc đời khốc liệt và những giá trị đẹp đẽ mà Thu Bồn gửi lại.

Gương mặt nổi bật của văn học chống Mỹ

* Thưa ông, bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng mà bạn đọc đã biết, trong tuyển tập hàng nghìn trang sách của Thu Bồn còn có những gì?

– Thu Bồn là một người cầm bút tài năng với nhiều tác phẩm đồ sộ về đề tài chiến tranh cách mạng. Mặc dù bạn đọc nhiều thế hệ biết đến Thu Bồn như một nhà thơ nổi tiếng nhưng có một điều đặc biệt cần nhớ về ông: Giải thưởng Nhà nước (năm 2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2017) đều vinh danh những tác phẩm văn xuôi của ông, như các tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc” (2 tập), “Chớp trắng“, “Vùng pháo sáng” và tập truyện “Dưới tro“…

Tuyển tập xuất bản nhân kỷ niệm 20 năm ngày Thu Bồn rời xa thế gian in lại tất cả các tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của ông, để bạn đọc một lần nữa có thể nhìn rõ đóng góp của ông, không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà văn, nhà tiểu thuyết, người viết truyện ngắn với những tác phẩm giá trị về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở những vùng đất khốc liệt bom đạn mà ông đã sống, gắn bó như Quảng Nam, Quảng Trị…

* Như vậy, người được bạn đọc gọi với danh xưng “nhà thơ” nhưng tác phẩm để được giải thưởng cao nhất của ông lại không phải tác phẩm thơ?

– Đúng vậy, tôi nghĩ là cũng có chút đáng tiếc khi mà thơ – phần sáng tác thể hiện rõ nét nhất tài năng Thu Bồn lại không nằm trong các tác phẩm được trao giải thưởng. Mặt khác trong đời sống, nhiều thế hệ lại chỉ biết Thu Bồn qua thơ, nhất là những bài thơ tình vượt thời gian, chứ không mấy biết về các tác phẩm văn xuôi giàu giá trị nghệ thuật của ông. Do đó, khi làm tuyển tập, tôi cố gắng cân đối hai điều này, để chúng ta có thể nhìn rõ hơn về “tầm vóc” Thu Bồn.

Tác phẩm tập hợp sáng tác của Thu Bồn thuộc các thể loại: Thơ, tiểu luận, trường ca, hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn. Ngoài ra, trong tuyển tập có phần “Những bài thơ lẻ”, giới thiệu những bài thơ mới chỉ in báo, tạp chí mà chưa từng xuất hiện trong các tập thơ của Thu Bồn trước đó. Phần này có bài thơ cuối cùng mà ông viết trên giường bệnh, những câu thơ đầy dự cảm: “Về đi em chợ chiều sắp vãn/ Nhớ mua cho anh một gói nhân tình/ Non nước cách xa bạn bè lận đận/ Anh nằm đây trò chuyện với riêng mình…” (Bài thơ chưa được đặt tên).

* Vậy còn di cảo của Thu Bồn, những trang viết chưa từng công bố của nhà thơ? Vì sao ông không đưa vào tuyển tập?

– Thực tế, sau khi Thu Bồn mất, việc tìm kiếm di cảo của Thu Bồn không dễ. Người vợ sau này của ông đã bỏ đi nên người nhà và bạn bè cũng không tiếp cận được những trang di cảo (nếu có) của ông.

* Là một người bạn của Thu Bồn, lại làm công tác nghiên cứu phê bình, xin ông một vài đánh giá về thơ của tác giả “Bài ca chim Chơ rao”?

– Tình yêu và sự yêu quý của bạn đọc nhiều thế hệ đã nói lên những đóng góp của Thu Bồn trong thơ, thiết nghĩ tôi không cần phải nói thêm nhiều. Ông viết về đề tài nào cũng gây xúc động lòng người. “Bài ca chim Chơ rao” đã quá nổi tiếng rồi.

Tôi chỉ xin kể câu chuyện: Năm 1968, Thu Bồn viết bài thơ “Đà Nẵng gọi tên” với những câu thơ tuyệt hay: “Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con/ Như người yêu gọi người yêu xa cách/ Ta muốn nói với từng viên gạch…”. Trong bầu không khí của cuộc Tổng tiến công, bài thơ thôi thúc tinh thần người chiến sĩ đến nỗi nhiều lãnh đạo lúc bấy giờ ở Đà Nẵng đều ví von bài thơ “có sức mạnh như một binh đoàn”. Năm 1969, khi hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Thu Bồn có thi phẩm: “Gửi lòng con đến cùng Cha” khiến hàng triệu trái tim rung động. Sinh viên tại các đô thị ở Sài Gòn đã biến những câu thơ trong bài thơ thành băng-rôn, khẩu hiệu để xuống đường đấu tranh đòi hòa bình cho Tổ quốc. Riêng ở mảng thơ tình, Thu Bồn để lại rất nhiều bài thơ hay, nhiều người thuộc nằm lòng. Thu Bồn có cả tập “100 bài thơ tình nhờ em đặt tên” – một gia tài đáng nể.

* Trở lại với phần văn xuôi, có cảm giác như chưa nhiều bạn đọc nhìn rõ giá trị văn xuôi của Thu Bồn?

– Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đều trao cho các tác phẩm văn xuôi (tiểu thuyết và truyện ngắn của Thu Bồn), đó là lời khẳng định sâu sắc nhất về đóng góp của Thu Bồn ở thể loại văn học này.

Tôi chỉ nhấn mạnh thêm rằng, tuy đội hình các nhà văn viết về chiến tranh cách mạng đông đảo nhưng số lượng người còn được nhớ đến thì không nhiều, và trong số không nhiều ấy, chắc chắn có tên Thu Bồn. Ông có biệt tài kể chuyện, có óc quan sát tốt từ đời sống hiện thực mình trải qua và biết cách tạo ra những không gian nghệ thuật với nhiều nhân vật độc đáo về tính cách, số phận, ám ảnh người đọc.

Với tôi, Thu Bồn là một người đặc biệt

* Điều gì thôi thúc ông làm tuyển tập Thu Bồn?

– Trước tiên, đây là sách được Nhà nước đặt hàng, tôi tham gia khâu tuyển chọn, biên tập. Qua tuyển tập, tôi muốn bạn đọc có được một cái nhìn đầy đủ về những đóng góp của một người cầm bút vạm vỡ sức vóc như Thu Bồn. Ở góc độ tình bạn, tôi có rất nhiều điều ngưỡng mộ Thu Bồn. Ông sống tự do, khoáng đạt, có thể bước qua những ranh giới mà nhiều người chúng tôi chưa chắc đã dám vượt qua. Con người tưởng như ham chơi ấy, kỳ thực, trong lao động nghệ thuật, lại rất chăm chỉ, tập trung. Ông viết tiểu thuyết nhanh lắm, cho thấy bút lực dồi dào, sức nghĩ, sức tư duy mạnh mẽ.

Với tôi, Thu Bồn là một người đặc biệt. Dù lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh nhưng ông chịu nhiều vết thương hơn bạn bè cùng thế hệ. Ông sớm chịu những mất mát từ tuổi ấu thơ và cũng sớm tham gia kháng chiến, quân ngũ. 13 tuổi, ông trở thành chú bé giao liên trong kháng chiến chống Pháp, rồi sau này trở thành người lính trong kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu khắp vùng Nam Trung Bộ rồi sang Campuchia. Trong đời riêng, Thu Bồn cũng chịu nhiều khổ đau, tan vỡ, nhưng vượt lên tất cả, ông vẫn sống và viết mạnh mẽ, khoáng đạt. Thu Bồn luôn làm chủ cuộc đời mình.

* Nếu so sánh với thế hệ cầm bút hôm nay, ở cái ý “luôn làm chủ cuộc đời mình” như ông vừa nói về Thu Bồn, thì điều ông muốn nói sẽ là?

– Cũng chẳng nên so sánh làm gì bởi mỗi thế hệ sẽ có những đặc điểm khác nhau, nhưng chúng ta thấy rõ ràng rằng, trong chiến tranh, có một lớp người như thế, sống với những mất mát đau thương và vẫn vượt lên trên hoàn cảnh.

Các bạn trẻ cầm bút hôm nay may mắn hơn vì không phải trải qua chiến tranh, nhưng thực tế đời sống với những phức tạp của thời đại cũng đang dội vào nhiều cám dỗ, khó khăn, đòi hỏi mỗi người phải tự chủ trong lao động, sáng tạo. Với một nhà văn, sau tất cả là tác phẩm. Là “cái gì đó” đặc biệt để lại cho cuộc đời, cái để người ta nhớ khi nhắc về người cầm bút. Thu Bồn vẫn luôn được nhắc đến như một thi sĩ của tình yêu: “Nón rất Huế nhưng đời không phải thế/ Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng… Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (trong bài “Tạm biệt Huế”) hay “Ngày mai mưa gió qua đây/ Anh còn ở với cỏ cây, em về” (trong “Bài thơ chưa được đặt tên”). Thu Bồn sẽ luôn còn được nhắc đến như một cái tên tiêu biểu của văn học thời chống Mỹ. Nghĩa là Thu Bồn vẫn luôn hiện diện.

* Xin cảm ơn nhà phê bình Ngô Thảo về cuộc trò chuyện!

VŨ QUỲNH TRANG