Xuân không phải mùa riêng của hoa đào khoe sắc. Nhưng không biết tự bao giờ, nàng Xuân đã chọn loài hoa e ấp nụ cười, ửng hồng cánh mỏng và mảnh mai dáng hình này để mỗi năm một lần hoá thân về với nhân gian.
Ngày thường, chẳng ai để ý đến một loài cây cành lá bơ phờ, héo rũ, thân cành xù xì, qua đông càng quắt lại, đứng khẳng khiu, âm thầm như sắp lụi tàn trong sương giá. Vậy mà chỉ một sớm mai kia, ta bỗng thấy từng nụ, từng nụ hoa chúm chím, từng lộc biếc non tơ như đang ngậm cả mùa xuân đất trời, thoảng gió đông về là chúng bừng lên sắc hồng phơn phớt diệu kỳ. Giữa trăm hoa muôn hồng ngàn tía, đào hoa kia dẫu bé nhỏ, chẳng kiêu sa nhưng sắc vẻ mơn mởn như má đào con gái, căng tràn sức sống tuổi dậy thì, quả xứng đáng là biểu tượng của mùa xuân, mùa khởi đầu cho những vòng quay bất tận của đất trời.
Hoa đào chỉ đẹp khi về cùng mùa xuân, đến cùng cái tết cổ truyền dân tộc. Để trang trí cho ngôi nhà ngày tết, không gì bằng hoa đào. Bất kể một mái ấm nào, đơn sơ, chật hẹp hay cao rộng, sang giàu, những ngày áp tết, sắm được cành đào bài trí, ta như thấy cả mùa xuân cùng không khí tết rạo rực ùa vào nhà. Ngược lại, chiều 30 tết, trong nhà chưa có cành đào, kể như mùa xuân và cái tết vẫn còn phiêu bạt đâu đó trong màn sương lãng đãng của đất trời.
Hoa đào vừa mang vẻ đẹp bình dân, mộc mạc lại vừa toát lên sự cao sang, tinh tế. Bất kể cành đào nào, dù to hay nhỏ đều gợi cho ta vẻ xuân và không khí tết. Tuy nhiên, nếu xét về “nghề chơi”, để chọn được cành đào đẹp trong ba ngày tết thực không đơn giản.
Nước ta, đào có nhiều giống. Thú chơi đào cũng không ai giống ai. Người thích bích đào, người thích đào phai. Bích đào, hay còn gọi là đào Nhật Tân, cánh hoa kép, nở rộ chi chít, đỏ rực thân cành. Nhiều người không thích giống đào này bởi hai lẽ: mầu hoa rực đỏ, nở quá rộ, ít điểm lộc non, thân cành đơn điệu. Khi tạo thế, bích đào có dáng già nua khá đẹp, nhưng hoa vẫn lộ vẻ khô khan và quá sặc sỡ. Tuy nhiên, do cành bích đào thường có dáng khum khum, gọn gàng, phù hợp với không gian chật hẹp, dễ bài trí trong phòng khách hoặc bàn thờ gia tiên, nên giống đào này vẫn được nhiều người chơi, đặc biệt chốn kinh kỳ, đô hội. Ngày nay, một số nhà có điều kiện thường thích chơi bích đào bonsai bởi nó được tạo thế, đắt tiền và có vẻ sang trọng, không phải tốn công đi chọn lựa trong mấy ngày áp tết trăm công ngàn việc.
Phổ biến và đẹp nhất vẫn là giống đào phai, hay còn gọi là “đào ta”. Trong giống đào phai lại phân ra nhiều loại. Có loại xấu, thân cành màu nâu, ít phân nhánh, cứ đuồn đuột, von vót chọc thẳng lên trời, hoa cánh đơn rời rạc, nhăn nheo, nở không bao giờ xoè đủ năm cánh. Người ta gọi giống đào này là đào roi (cành thẳng đuột như cái roi) Người biết chơi không bao giờ chọn loại đào này. Lại có giống đào vườn, cành nhánh non xanh, rậm rạp, đổ lộc um tùm trước khi nở hoa. Hoa của đào vườn màu hồng phơn phớt, e ấp khá đẹp. Điểm hạn chế là thưa nụ, thân đào non, không có thế. Tuy nhiên, do đào vườn dáng cân đối, tròn đầy, lại cùng lúc có cả lộc và hoa mơn mởn nên được nhiều người chọn mua với mong muốn một năm nhiều “tài lộc”, làm ăn “suôn sẻ”. Cũng thuộc nhóm đào phai, nhưng có loại hoa trắng phớt hồng, có loại hồng phớt đỏ. Loại trắng phớt hồng, hoa chỉ giữ được màu sắc ở những đợt nở đầu, càng về cuối, mầu hoa càng bạc đi (đặc biệt là khi cắm chơi trong nhà). Loại hoa đào màu hồng phớt đỏ, sắc hoa tươi tắn đến tận bông cuối cùng. Lại có người chuộng loại đào đủ cả “tam đa” trên cành: đa hoa, đa quả, đa lộc. Tuy nhiên, loại cành đào có cả quả chứng tỏ đã nở được vài ba đợt hoa, nhựa tích còn ít, cành lá đã bắt đầu xác xơ. Đang tết mà như mùa xuân sắp tàn.
Đẹp nhất trong tất cả các loại đào phai có lẽ phải kể đến loại đào phai thân mốc (người ta hay gọi là đào đá). Dáng dấp, thân cành loại đào này vươn ra đầy ngẫu hứng, khúc chiết tựa nét phóng tác tài hoa của đại ngàn. Hoa của đào thân mốc mầu hồng phơn phớt đỏ, cánh mơn mởn, căng đầy nhựa sống. Lộc biếc mới nhú điểm loáng thoáng trên cành càng làm cho vẻ đẹp phơi phới của nó rạo rực sức xuân.
Đào khoe sắc ở hoa và nụ, nhưng hồn vía của nó lại nằm hết ở dáng dấp thân cành.Quốc hoạ Trung Hoa có câu: “Vô nữ bất thành mai”, có nghĩa: khi vẽ mai, vẽ đào, nếu không tả được cái thế giống như chữ nữ thì không thể thành đào, thành mai. Cái thế: có vay, có trả, vươn phải, ngoặt trái, có hoành, có trực, đan nhau khúc chiết, đầy bất ngờ, ngẫu hứng. Ấy là thế chữ nữ-cũng chính là đặc trưng, hồn vía của cành đào. Có cành nụ, hoa chi chít, sắc hoa đẹp, nở đúng dịp ba ngày tết, nhưng không có dáng dấp gì đặc biệt, đối với người chơi đào coi như bỏ. Lại có những cành đào, thế thật đẹp, nhưng đã tàn hết hoa, hoặc nụ hãy còn quá bé, không thể nở đúng ba ngày tết, cũng coi như không đạt. Một cành đào đẹp phải hội đủ những yếu tố như: có thế tự nhiên kiểu bạt phong, gió cuốn, cành, nhánh đua tranh. Thân đào phải mốc sần sùi, già cỗi, nhiều nụ tầng tầng điểm phấn, lớp lớp phơi son ; nhiều hoa chỗ chen dày chíu chít, nơi lưa thưa phóng khoáng, lộc non tơ vừa phải. Cả cành đào lúc nào cũng như đang hây hẩy gió đông, cùng khoe sắc đúng độ xuân về.
Chọn được cành đào đẹp rồi nhưng phải hợp với không gian bài trí. Người chơi đào không thích ai đó mang cành đào tặng mình và cũng không dám mang tặng đào cho người khác một khi chưa biết không gian bài trí của chủ nhân thế nào. Bởi lẽ, cành đào tuy đẹp nhưng không phù hợp với không gian bài trí, to quá, nhỏ quá, cành vươn không thuận chiều, v.v…đều làm giảm giá trị, đôi khi trở nên vô duyên.
Còn gì thú vị hơn khi về quê, hoặc ngược đường miền Tây trong những ngày áp tết lên với xứ hoa đào, thổ cẩm, chọn bằng được cành ưng ý. Bằng không cũng tự mình lang thang ở chợ hoa đào bạt ngàn mỗi sáng tinh mơ, đón đợi những “nhành xuân” muôn dáng vẻ xuôi về từ miền Tây; mà ngắm, mà chọn, mà trầm trồ, bình phẩm. Chọn được cành đào ưng ý, tự mình đốt gốc, loay hoay bài trí, lòng ta bỗng rạo rực với công việc đón cả mùa xuân đất trời vào căn nhà thân yêu.
Nếu cành đào được ví như khuôn mặt tiên nữ thì lộc bình giống như thân thể, dáng hình của Nàng. Do đó, muốn cành đào đẹp, dứt khoát phải cắm vào độc bình. Lộc bình và cành đào phải hài hoà, cân đối, để tôn vẻ đẹp của nhau. Cành đào đứng một mình trông trần trụi, trơ vơ, khi cắm vào độc bình bỗng toát lên vẻ tao nhã, tinh tế, đẹp như bức tranh tĩnh vật hoặc bài thơ vịnh. Nhiều người thích chơi hẳn cây đào cưa cả gốc, trồng trong chậu cát, đặt giữa nhà. Đào tuy to, đẹp, nhưng nhìn lạc lõng, có phần vô duyên bởi đào cây chỉ phù hợp với không gian sân vườn, núi đồi. Bên cạnh giống đào phai trồng ở vườn nhà hoặc trung du, miền núi, mấy năm gần đây, người chuyên buôn bán đào còn cất công sang tận bên Lào, lên vùng Sa-Pa, Lạng Sơn khai thác đào hoang trên núi. Giống đào núi thân cành mốc meo, rêu phong, địa y bám tầng tầng lớp lớp. Cánh hoa đào núi to, dày, mầu trắng phớt hồng, mang vẻ đẹp hoang dại, đằm thắm rất ưa nhìn. Tuy nhiên, đào núi cành thường to, cứng, khoảng phân nhánh dài. Do đó không dễ bài trí, đặc biệt là trong không gian hạn chế, chật hẹp của phòng, nhà nơi thành phố. Cũng có người chuộng lạ, chọn mai vàng rực rỡ phương Nam thay vì sắc đào thâm trầm, quyến rũ của đất Bắc. Mai vàng tuy đẹp nhưng sao vẫn thấy bơ vơ lạc lõng ! Trong tiềm thức của ta không có chỗ cho mai, hay dưới làn mưa xuân lất phất và cái rét ngọt, mai vàng vẫn ngóng về cái tết phương Nam rực nắng ?
Cây đào trút lá ngủ đông khá sớm và là một trong ít loài cây có khả năng kín đáo tích nhựa căng tràn, chỉ dành để nuôi hoa, nẩy lộc, cả khi cành đã lìa gốc. Trước khi cắm, nên ướm thử cành vào độc bình. Sau đó chặt vát gốc, đốt trên lửa than cho thật kỹ, tránh nhựa trong thân chảy ra làm tắc mạch dẫn, giúp cành đào hút nước dễ dàng nuôi hoa lá. Một cành đào xử lý tốt có thể nở đến nụ hoa cuối cùng, kết quả và đổ lộc xanh tươi trong độc bình đến hết tháng giêng. Xin đừng vội vứt bỏ cành đào chỉ sau 3 ngày tết, khiến nàng Xuân phải bùi ngùi ra đi trên những chuyến xe rác, dưới trời xuân mưa hãy còn phơi phới bay. Đào hoa vẫn đẹp đến tận giêng hai khi nắng xuân bừng lên bao lộc biếc. Lòng ta cảm thấy xao xuyến tưởng như nàng Xuân vẫn dùng giằng chưa nỡ chia tay, như muốn nói lời tạm biệt để xuân sau lại về./.
HOÀNG TUẤN CÔNG