Phàm đã sinh ra làm phụ nữ thì đương nhiên phải là… xinh đẹp (nếu không đúng thì mắc mớ gì người ta lấy danh xưng phái đẹp mà gắn vô cho chị em?). Ngoài việc phải xinh đẹp như bao nhiêu người nữ ở tất cả các châu lục trên trái đất này thì người phụ nữ Việt Nam còn được gọi tên bằng hàng tỉ tính từ danh giá khác. Nào là đảm đang, hy sinh, chịu thương chịu khó hay thậm chí là “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang”. Những danh hiệu vàng ngọc ấy xưa nay đã khiến chị em chìm chìm đắm đắm trong nỗi hãnh diện tự hào rồi lại… chìm chìm đắm đắm mãi trong đức hy sinh vĩ đại của mẹ, của bà từ thời bà Trưng bà Triệu. Hễ cứ quyết định làm gì là phải nghĩ ngay đến thể diện nước non, mặt mũi chồng con trước, rồi sau mới tính tới mình:

“Một xin rửa sạch thù nhà

Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng

Ba kẻo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẻn vẹn sở công lên này”[1]

(Lời thề Trưng Trắc)

Phụ nữ Việt Nam là con cháu của hai bà Trưng nên nghĩ như hai bà, làm như hai bà, trung nghĩa tiết hạnh như hai bà thì đâu có gì mà lạ, những phẩm hạnh ngời ngời kia được sách sử hay văn chương bác học ngợi ca biết bao nhiêu mà kể. Vậy nhưng khi tìm đến với kho tàng văn học dân gian Việt Nam mà cụ thể là kho ca dao bình dân – lời ăn tiếng nói, lời ca tiếng hát của người dân lao động Việt Nam khi xưa lại thấy những tiếng nói trái ngược vang lên không dứt.

Nếu chịu khó đi tìm trong ca dao cái chủ đề gì đó về phụ nữ mà không liên quan đến sự “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang”, không “công dung ngôn hạnh”, đi tìm những câu ca viết về cái sự vụng về, hư hỏng, lẳng lơ, mất nết… của chị em phụ nữ thì sẽ thấy có mà đầy, đầy ú nụ.

Này nhé:

Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn

Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ

 

“Lẳng lơ chết cũng thành ma

Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng

Lẽ nào đây chỉ là những câu nói khơi khơi cho sướng miệng của những người mẹ, người chị bị gò bó trong khuôn khổ lễ giáo phong kiến lâu quá nên khát khao được tháo củi sổ lồng? được… hư một lần cho biết mặt nước non? Và cái khao khát ấy, cái ức chế ấy dồn nén, dồn nén mãi rồi… bật lên thành câu hát mỉa mai châm biếm cho thân phận đàn bà của mình như trên kia. Hay những câu ca dao ấy chính là lời khẳng định chắc nịch của người phụ nữ nông dân quê mùa xưa khi tự nhận chân về giá trị đàn bà của mình. Ừ, lẳng lơ thì đã sao, tiết hạnh khả phong thì đã sao, đằng nào mà chả phải đưa ra ngoài đồng vùi nông vùi sâu một đống, tới lúc đó còn lại gì ngoài việc “trơ cái hồng nhan với nước non”[2]?

Mà hai câu ca dao về cái sự lẳng lơ trên kia thì đã ăn nhằm gì so với những lời tuyên bố thẳng thừng bất chấp gạch đá của các bà các chị dưới đây. Đã có sức chơi thì có sức chịu, đã ăn chơi thì đừng sợ mưa rơi, đã dám ăn vụng thì cũng đừng thèm chùi mép. Khi quan điểm sống và lối sống mà họ chọn theo đuổi để lại hậu quả (hay kết quả) là bụng chửa vượt mặt, những cô nàng dám lẳng lơ ấy còn tự tin, tự hào, tự trào, tự sướng về thành quả của mình:

Lẳng lơ mới có con bồng

Chính chuyên như chị, nằm không cả đời.

Mà quả thật là vậy, không phải trong văn chương ngàn xưa đã kể chuyện biết bao cô nàng hư hỏng nhờ lẳng lơ mà xỏ mũi được trai lành đó sao, khiến cho những cô nàng con gái nhà lành khác vì thuộc lòng lời mẹ dạy “trâu đi tìm cọc chứ nào có cọc đi tìm trâu” nên rốt cuộc để cái cọc “hư hỏng” khác nó túm mất con trâu của mình rồi tiếc nuối. Nếu xét mục đích hành vi lẳng lơ của người đàn bà trong câu ca xưa là để “có con bồng” thì đúng là lời quá lời rồi còn gì, không chừng ả còn vỗ bụng xưng xưng một cách đầy tự hào với những người đàn bà “phượng chạ loan chung” (Truyện Kiều) khác về cái điều mà họ chẳng bao giờ làm được như mình:

Không chồng mà chửa mới ngoan

Có chồng mà chửa, thế gian sự thường.

Chưa kể, cái sự thường này cũng chỉ là cái sự thường ngày xưa thôi, chứ ngày nay nhìn hoàn cảnh các đôi vợ chồng lũ lượt đưa nhau ra vào các bệnh viện phụ sản có chuyên khoa hiếm muộn, đủ hiểu “có chồng mà chửa” cũng chẳng là sự thường tí nào.

Hồi nào đến giờ, cứ nhắc đến người phụ nữ Việt Nam truyền thống nghĩa là đều nhắc đến những tấm gương đạo đức sáng ngời với hàng vạn hàng nghìn những đức tính tốt đẹp, phẩm hạnh tốt vời cho con cháu (tất nhiên là cho con gái, cháu gái) đời sau noi theo. Đó là những tấm gương công dung ngôn hạnh, tiết hạnh khả phong, tam tòng tứ đức, “có chồng gánh cả giang san nhà chồng” (ca dao). Theo gương ấy, các cô gái mới mon men dậy thì đã được mẹ dặn chữ trinh đáng giá nghìn vàng cho nên phải biết:

 “Gìn vàng giữ ngọc cho hay

 Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”[3]

Còn nếu như không biết giữ gìn cái vốn tự có ấy mà để thằng nào xài mất thì sau này có ma nó lấy cho, có lừa đảo được ma nó lấy thì khi phát hiện ra nó cũng đuổi về nhà cha mẹ đẻ:

Còn duyên anh cưới ba heo

Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi

Đuổi đi còn đỡ, lót lá dắt tay trả về lại cho cha mẹ đẻ với con heo quay bị cắt cụt tai (tượng trưng cho trinh tiết không còn trước khi về nhà chồng của cô dâu mới) còn đỡ, hổng chừng còn bị làng nước gọt đầu bôi vôi, thả bè trôi sông làm mồi cho thủy quái. Vì chuyện một cô gái mất trinh hay chửa hoang khi xưa cũng có thể khiến cho cả làng mang nhục. Dọa dẫm kiểu đó, cô gái mới lớn nào mà không sợ. Mà đâu chỉ dọa suông, hậu quả nhãn tiền trước nay của những cô gái “trắc nết lăng loàn” có mà được kể lại đầy trong văn chương nghệ thuật, mà văn chương nghệ thuật từ đâu mà ra nếu không phải từ thực tế cuộc đời?

Vậy đó, vậy mà vẫn có một mảnh đất màu mỡ cho một mảng văn chương bình dân thay mặt phụ nữ bình dân phát ngôn đầy “bất chấp đạo lý cha ông” như thế. Ai mà dám tin rằng từ hàng bao thế kỷ trước, thời của văn hóa Nho học, lại có những cô gái dám tuyên bố những lời “trái đạo” thế này:

“Chơi cho thủng trống long chiêng

Rồi ra ta sẽ lập nghiêm lấy chồng

Chơi cho thủng trống long bồng

Rồi ra ta sẽ lấy chồng lập nghiêm”

Và nếu cũng nói được rồi làm được như các cô gái con nhà lao động bình dân ít ăn ít học (mà có khi còn chẳng được ăn học đúng nghĩa ngày nào), thì nàng tiểu thư gia can lành lặn, cánh vàng lá ngọc, kín cổng cao tường như Thúy Kiều đã chẳng thốt lời tiếc nuối:

“Biết thân đến chốn lạc loài

Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung”

(Truyện Kiều)

Trên đường về với Mã Giám Sinh, Kiều đã thốt nên lời cay đắng ấy, nói nôm na cho dễ hiểu là: “Nếu biết phải lấy tay chồng mà mình không yêu, lại đầu hói bụng bự vừa già vừa xấu như lão họ Mã thì trước đây mình… ngủ với Kim Trọng cho rồi”. Cái đêm hai người chén thạc chén thù trong vườn Thúy, gia đình Kiều thì đi vắng cả, hoa thơm, trăng sáng, rượu ngon, trai xinh gái đẹp ngồi bên nhau trong một khung cảnh trữ tình như thế, lại được hơi rượu đưa cay cho nên Kim Trọng:

“Sóng tình dường đã xiêu xiêu

 Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

(Truyện Kiều)

 Nếu lúc ấy thay vì làm mặt đức hạnh với tình nhân và nói “Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu” (Truyện Kiều) thì Kiều cứ mặc cho Kim Trọng “Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan” (Ca dao) thì đâu đã có lời tiếc nuối trong cái ngày lên xe bông về nơi xa xôi mênh mông đâu chứ?

Trên là mới nói chuyện của các cô gái chưa chồng, hăm hở, hào hứng, mạnh miệng… cãi lại cha ông về việc giữ gìn đức hạnh, còn với các bà các chị ván đã đóng thuyền, gạo nấu thành cơm, hoa đã có chủ và là đóa trà mi mà “Con ong đã tỏ đường đi lối về” (Truyện Kiều) rồi thì sao nhỉ? Có phải thẳng thớm nghiêm trang, giữ gìn phẩm hạnh cho một người đàn ông tới cuối đời trong một tư thế tự nguyện, yêu thương, mãn nguyện, đủ đầy hạnh phúc hay không?

“Chưa chồng liếc dọc liếc ngang

Chồng rồi cứ thẳng một đàng mà đi”

Hay cũng đầy quyết liệt, bất chấp và quá sức là…. hư đốn như lời tuyên bố dưới đây:

“Chồng rồi còn dễ chơi ngang

Đẻ ra con thiếp con chàng con ai?”

Xem cái cách mà cha anh xưa, mẹ chị xưa đùa cợt nhau, phê phán nhau, châm biếm nhau,… vạch mặt cái thói đong đưa lẳng lơ của nhau mà ta không khỏi tủm tỉm cười vì sự tinh vi tinh tướng, hài hước và dí dỏm của họ:

“Hai tay bưng hai quả hồng

Quả chát phần chồng quả ngọt phần trai

Đêm nằm vuốt bụng thở dài

Nhớ chồng thì ít nhớ trai thì nhiều”

Câu ca dao như lời tuyên bố (hay dằn mặt) anh chồng chính thức rằng đừng cứ tưởng gạo nấu thành cơm, nghé đã thành trâu, ván đã đóng thuyền mà nghĩ ăn chắc rồi thì lơ là, bỏ mặc không quan tâm vợ nhà. Chủ quan sẽ có ngày trái chát cũng chẳng có mà ăn đâu đấy.

Khi tập hợp những câu ca dao về chủ đề này, tôi ngạc nhiên hết sức về sự phong phú dồi dào của số lượng câu ca và đôi lúc khá sốc với tư tưởng cởi mở trong quan niệm về quyền tự do trong yêu đương và hôn nhân của người nữ khi xưa. Một mặt tôi thấy thú vị khi bắt gặp những câu ca này như để giúp mình hiểu thêm quan niệm về tự do của người đàn bà trong xã hội cũ nhưng một mặt lại thấy ngậm ngùi, bâng khuâng tự hỏi: phải chăng những câu dao này chỉ là kết quả của những bức bối và dồn nén, bất hạnh và đau khổ? Thì chẳng phải rất nhiều thể loại trong văn học dân gian được sáng tác ra cũng chỉ để diễn dạt lại cái ước mơ của những con người lao động chịu rất nhiều tầng áp bức trong xã hội đó hay sao?

Mà nếu việc mở miệng nói suông cũng có thể khiến cho người ta sướng miệng, cho nhẹ nhõm, cho bung thỏa hết những dồn nén thầm kín trong đời sống tình yêu, tình dục của mình mà không bị làng bắt vạ, không bị quan bắt tội, không bị nhà nước bỏ tù thì mắc mớ chi mà không nói. Thì cứ nói và cứ hát mãi thôi như những con người chân lấm tay bùn mà lòng trong trẻo trẻ thơ hoài muôn năm ấy:

“Chỉ đâu mà buộc ngang trời

Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ”

La Mai Thi Gia


Ghi chú:

[1] Lời thề Trưng Trắc

[2] Thơ Hồ Xuân Hương

[3] Truyện Kiều