Trần Tế Xương, quả thực, đã sinh ra và lớn lên trong một thời kì đầy biến động dữ dội của lịch sử: sự ổn định của rường cột hàng nghìn năm chế độ phong kiến đã đến thời kì lung lay, rệu rã; cái miên viễn của sơn hà, xã tắc đột nhiên bị trấn áp lạnh lùng bởi tàu đồng, súng nổ từ phương Tây xa lạ; những bổn phận bình ổn của Nho giáo đã nhường chỗ cho thời kì mưa Âu, gió Mỹ, Tây Tàu nhố nhăng, Á Âu lẫn lộn … Người Nho sĩ đất thành Nam ấy đã lặng lẽ lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ để chứng kiến thời kì của Nho học đã điểm đến những tiếng chuông nguyện hồn ai cuối cùng. Giữa dòng đời lạc lõng, ngu ngơ của những kẻ đành cam chịu thân phận vứt bút lông đi, nắm bút chì, điểm tựa và chốn nương thân vững chãi cuối cùng của Trần Tế Xương vẫn là gia đình, là đàn con đông đúc và người vợ đang lặng lẽ đầy bao dung đón đợi. Tình cảm ấy, bến đợi ấy đã góp phần níu giữ hồn thơ làng Vị Xuyên để giúp trái tim ông cất lên thành một trong những bài thơ hay và cảm động nhất về người phụ nữ, bài thơ Thương vợ!

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

  1. Bà Tú – thân cò lặn lội …

Trong một xã hội trọng tĩnh của nền văn minh nông nghiệp và nền văn hóa làng xã chủ yếu chỉ giới hạn sau lũy tre làng, buôn bán chưa hẳn đã là một cái nghề được nhiều người lựa chọn và những bậc túc Nho chưa hẳn đã dễ dàng đồng tình, đồng thuận. Ấy thế mà quả kì lạ thay, một người như Trần Tế Xương, một nhà Nho trưởng thành trong vòng cương tỏa của chốn cửa Khổng, sân Trình lại viết về người vợ buôn bán bằng những câu thơ đầy cảm động:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Bảy tiếng của câu thơ buông ra như một thước phim quay chậm góp phần xác lập một cái nhìn có tính chất tổng thể về thời gian, địa điểm, công việc của bà Tú trong hành trình mưu sinh. Dòng thơ chùng chình, níu giữ người đọc bởi những thanh bằng như tiếng thở dài đầy ái ngại của người chồng trong cái nhìn lặng lẽ về phía người vợ đang dần dần khuất bóng, lẫn vào những con người nơi bến sông. Hai chữ quanh năm không chỉ là một trạng ngữ chỉ thời gian đơn thuần, đó còn là sự quẩn quanh, vô vị, thiếu vắng niềm vui. Cái xô đẩy, kì kèo mặc cả trong động từ buôn bán kết hợp với cái chông chênh của địa danh mom sông góp phần gợi ở người đọc những trường liên tưởng lớn. Ta có cảm giác bà Tú đang chới với, chênh vênh trong cái lặng lẽ, âm thầm đầy thương cảm. Sau cái thước phim có tính chất bao quát ấy, nhà thơ thành Nam lại lặng lẽ quay trở lại nơi mình đang hiện hữu để rồi bất chợt nhận ra:

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Nếu câu thơ mở đầu bằng nỗi vất vả, chông chênh, đầy nguy hiểm của bà Tú trong hành trình mưu sinh, thì câu thơ thứ hai lại nhấn mạnh đến phẩm chất đảm đang, tảo tần của người vợ. Hai chữ nuôi đủ gieo thanh trắc ở cuối cụm từ gợi âm hưởng về sự nặng nhọc, vất vả. Kết cấu của những số từ năm con đặt bên cạnh một chồng là biểu tượng cho gánh nặng gia đình đang đặt lên đôi vai gầy của người vợ, người mẹ tảo tần. Gánh nặng gia đình càng lớn, công việc buôn bán càng chông chênh thì ý nghĩa tôn vinh đằng sau cụm từ nuôi đủ lại có ý nghĩa, bởi bà Tú không chỉ thay chồng nâng đỡ cả một gia đình mà còn chu toàn cho một người chồng vốn dĩ không chỉ có một cái lăng nhăng trong những uẩn ức của một sĩ tử thất bại. Hơn ai hết, Trần Tế Xương thấu hiểu cho điều đó. Bởi vậy, hai câu thơ sau buông ra như là một sự kìm nén những giọt nước trên khóe mắt khi trong trái tim nước mắt đã đầy tràn:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Hình ảnh thân cò lặn lội bờ sông trong ca dao đã tội nghiệp nhưng nó còn có cảm giác vững vàng, chủ động; thân cò trong thơ Trần Tế Xương đã được đặt xuống sau động từ lặn lội giữa một không gian rộng lớn, vắng lặng càng làm tăng lên cảm giác về cái bé nhỏ, rợn ngợp, đầy xót thương với những tiếng bước chân bì bõm trong chốn mom sông đầy chấp chới, ngả nghiêng và đơn độc. Thủ pháp đối xứng trong thơ Đường luật góp phần vẽ nên những gam màu của bức tranh đầy sự tương phản về thân phận con người: bên kia lặn lội một mình, bên này kì kèo mặc cả; bên kia lẻ loi, lam lũ, bên này ồn ào, xô đẩy … nhìn ở chiều không gian nào cũng đều hiển hiện một bóng hình người vợ tảo tần, quên hết bản thể giữa chốn chợ đời đầy rẫy sự đua chen, xô bồ, hối hả. Ngoài kia, thế giới mưu sinh dẫu xuôi ngược, ồn ào đầy đua chen, được mất thì trong này, tấm lòng của người vợ, người mẹ vẫn lắng dịu một giai điệu của lòng vị tha, của đức hi sinh kì diệu:

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Những số từ mang màu sắc thành ngữ: một duyên, hai nợ (hạnh phúc thì ít, vất vả, lam lũ  thì nhiều); năm nắng, mười mưa (sự dãi dầu trong sương gió) dường như chưa phải là những thanh âm đọng lại ở hai câu thơ này. Người đọc xúc động và yêu quý biết bao cái tâm thế sống được nhẹ nhàng buông ra ở hai cụm từ: âu đành phận; dám quản công. Thanh trắc gieo ở cuối câu thơ: Một duyên, hai nợ, âu đành phận có chút gợi lên âm thanh của tiếng thở dài, nhưng nó chỉ rất nhẹ, rất khẽ như cơn gió thoảng qua. Đó cũng chính là cái nhẹ nhàng thoảng qua như hơi thở khi nghĩ đến công lao mình trong cụm từ dám quản công đầy bao dung của một người phụ nữ hết lòng vì chồng, vì con. Được quên đi bản thể, được hi sinh cho gia đình, với bà Tú, đó cũng là niềm hạnh phúc. Bởi người phụ nữ ấy hiểu rằng, cái chờ đợi mình trước ngưỡng cửa gia đình sau hành trình mưu sinh xuôi ngược, không gì khác đó chính là tấm lòng, là nhân cách người chồng Trần Tế Xương!

  1. Trần Tế Xương – bến đợi của tấm lòng và nhân cách …

Dấn thân vào con đường khoa cử với khát vọng lập công, lập danh, để lại tiếng tăm cho đời những mong làm rạng danh tiên tổ, hơn ai hết, Trần Tế Xương hiểu rằng, mình sẽ vĩnh viễn là một ông quan ăn lương vợ. Bởi vậy, người đàn ông sinh bất phùng thời ấy chấp nhận một sự hoán đổi không mong muốn: người chèo chống con thuyền gia đình giữa dòng đời xuôi ngược là vợ; bến đợi âm thầm đang mơ tưởng vào tương lai lại chính là mình. Bến đợi ấy âm thầm đèn sách, hăm hở lều chõng lên đường trong muôn dặm của niềm tin và hi vọng nhưng rồi cái đón đợi cuối con đường vẫn là sự thất bại trong suốt cả quãng đời tuổi trẻ. Giữa những nỗi chán chường, thậm chí phẫn uất của một sĩ tử hỏng thi, Trần Tế Xương vẫn gạt sang một bên nỗi chua chát cho thân phận, dành hết tất cả những gì trân trọng, thương yêu nhất cho người vợ tảo tần mà bấy lâu nay ông đã ngầm mặc định đó là con thuyền chuyên chở cả gia đình giữa sóng gió ngược xuôi. Thương vợ được cất lên từ tiếng lòng đầy cảm thông và biết ơn chân thành của Tú Xương dành cho vợ. Ông đã hóa thân vào bà Tú để nói hộ cho nỗi vất vả, hi sinh của người phụ nữ. Ở thế giới mênh mông ngoài kia, Tú Xương là một kẻ thất bại, nhưng đằng sau cánh cửa gia đình, ông vẫn là một người chồng với nhân cách đáng trân trọng bởi tấm lòng đồng cảm, sẻ chia với người vợ của mình. Vẻ đẹp ấy vượt lên trên tất cả những ràng buộc, những bổn phận, những khắt khe đương thời để dám bày tỏ, dám ngợi ca, dám tôn vinh người vợ một cách công khai, trực tiếp với xã hội ồn ào, nhốn nháo. Như vậy, rõ ràng, đằng sau nỗi vất vả, lam lũ, bà Tú hoàn toàn có thể tự hào về một người chồng như vậy. Dẫu có đôi lúc, người chồng ấy vẫn không khỏi có tâm trạng đầy phẫn uất của một kẻ sĩ bất đắc chí:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

Tiếng chửi ấy là tấn bi kịch chua chát cho những kẻ sĩ đương thời khi cảm nhận được tất cả những mơ ước, khát vọng về một con đường hoạn lộ thênh thang phía trước đã bắt đầu khép lại. Cái xã hội phong kiến thời điểm ấy đã trở thành một tấm áo quá chật với những cá tính và bản lĩnh như Trần Tế Xương. Đến đây, những lí tưởng trổ tài kinh bang tế thế nhằm đổi thay và gánh vác sơn hà ở Tú Xương có lẽ đã không còn. Ở ông chỉ còn lại khao khát được đỗ đạt để làm sang mặt vợ, để gánh vác đỡ đần cho gia đình, vợ con, nhưng rút cục cũng tan biến vào hư không. Nhà thơ làng Vị Xuyên ấy thẫu hiểu biết bao nỗi phẫn uất, chua chát của những chuyển động ngược chiều trong khát vọng và thực tiễn: có tài nhưng không được dùng; khao khát cống hiến nhưng trở thành kẻ trắng tay trên con đường hoạn lộ; thương yêu vợ con mà đành bất lực trước dòng đời đen bạc … Chút còn lại cuối cùng đó là nỗi niềm tủi hổ của một nhân cách đáng trọng, dám thừa nhận sai lầm, thiếu sót, sự vô dụng của bản thân và không chối bỏ trách nhiệm. Người Nho sĩ ấy đã dám nhìn thẳng, nói thật, dám công khai thiếu sót của bản thân trước cộng đồng xã hội, đó thực sự là một thái độ sống dũng cảm và đầy bản lĩnh. Thừa nhận cái vô dụng của mình, Trần Tế Xương đang gián tiếp tôn vinh, đề cao công lao và sự hi sinh quên mình của bà Tú dành cho ông cùng những đứa con trong suốt cả một hành trình gánh gồng đầy vất vả. Vợ vị tha, chồng đồng cảm; vợ bao dung, chồng thấu hiểu; vợ hi sinh, chồng ca ngợi … đó quả thực là những thanh âm đẹp từ đời sống của một cặp vợ chồng không dễ lặp lại trong suốt cả dòng chảy thơ ca trung đại Việt Nam mười thế kỷ.

Như vậy, quả thực, Thương vợ đã đem lại một làn gió mới mẻ thổi vào thi đàn trung đại những hương vị mới. Người phụ nữ đã bước vào thơ không chỉ bằng những giọt nước mắt xót xa, thương cảm, họ đã đàng hoàng bước vào thơ Trần Tế Xương bằng cảm hứng ca ngợi, đề cao, tôn vinh. Bằng cái nhìn ấy, Tú Xương đã thể hiện một cái nhìn đầy tinh thần nhân văn, nhân bản về con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đọc Thương vợ, người ta đồng cảm với nỗi vất vả của bà Tú; chia sẻ với bi kịch chua chát của một sĩ tử hổ bút, hổ nghiên/ tủi lều, tủi chõng, nhưng vượt lên trên hết, gam màu đọng lại trong mỗi chúng ta vẫn là cái êm dịu của tình cảm gia đình; cái thương yêu của tình chồng vợ; cái vẻ đẹp của lòng hi sinh, vị tha cao cả. Và như thế, Thương vợ sẽ vẫn còn có sức lay động lòng người nhiều thế hệ như lời của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã từng tiên tri, dự báo trong một đôi câu đối khóc bạn đầy cảm động:

Kìa ai chín suối Xương không nát
Ắt hẳn nghìn thu tiếng vẫn còn  

Thái Văn Phú
Gv trường THPT Quỳnh Lưu 2, Quỳnh Lưu, Nghệ An