Năm 2000, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện trở lại trong đời sống văn học bằng tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly. Ngay sau đó, tác phẩm  Hồ Quý Ly đã được Hội đồng Chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2000 – 2004 đánh giá cao với số phiếu tuyệt đối và giành Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Để đến với Giải thưởng văn chương năm 2000, tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh “thai nghén” trong suốt gần ba thập kỉ. Tác phẩm được viết vào những năm 60 và tiếp tục viết lại trong thập niên 90.  

Người đọc tìm thấy ở Hồ Quý Ly thời khoảng đầy biến động của lịch sử dân tộc (cuối Trần sang Hồ) với những nhân vật lịch sử và tâm sự của họ đã trở thành vấn đề tranh cãi chưa hẳn đã đồng nhất từ trước đến nay. Với tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã thể hiện cách đánh giá mới, khách quan hơn về triều đại nhà Hồ, về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly với bi kịch của người cải cách đi trước thời đại, …

Nổi bật trong tác phẩm là mối mâu thuẫn giữa hai phe phái: phe Hồ Quý Ly và phe “phù Trần”. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm – Hồ Quý Ly được soi chiếu dưới góc nhìn của các nhân vật khác để “lộ ra” những mảng sáng và mảng tối trong tâm hồn. Bên cạnh đó, một hệ thống các nhân vật với đủ các tầng lớp các giai tầng với các mối quan hệ cùng các toan tính, âm mưu, các mối mâu thuẫn giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa tham vọng quyền lực và tình cảm cá nhân, v.v. đã tạo nên một tác phẩm đa sự kiện, đa tuyến nhân vật, chứa đựng nhiều nội dung và mang những giá trị tư tưởng mới mẻ. Thông qua các sự kiện, nhân vật lịch sử, tác giả cũng đồng thời gửi gắm những tâm sự của mình về những vấn đề trong cuộc sống hiện tại của con người hôm nay: bảo thủ và đổi mới.

Hồ Quý Ly còn cho thấy vốn kiến thức lịch sử, văn hoá, vốn ngôn ngữ và tâm hồn tinh tế của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong việc bộc lộ thế giới nội tâm con người, tả cảnh và vận dụng các giai thoại, các truyền thuyết dân gian, v.v. Với những nét độc đáo và đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật, Hồ Quý Ly không những đạt giải thưởng về văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 mà còn đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Giải Thăng Long của UBND TP Hà Nội.

Với tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dành mối quan tâm sâu sắc tới nhân vật và sự kiện lịch sử thông qua nhãn quan hết sức độc đáo.  

Lịch sử là bài học kinh nghiệm của tiền nhân

Cũng như bất kì tác phẩm tự sự nào, tiểu thuyết lịch sử cũng cần có sự hư cấu và quá trình hư cấu này lại cần phải bám sát vào chính sử. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong một tác phẩm văn học về đề tài lịch sử không phải chỉ cung cấp cho người đọc những thông tin về lịch sử một cách đơn thuần, mà những thông tin đó phải chuyền tải được những thông điệp của tác giả gửi gắm cho ngày hôm nay. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly gây chú ý cho người đọc ngay ở việc lựa chọn tên một nhân vật lịch sử mà các quan niệm đánh giá tới nay chưa hề ngã ngũ. Tác phẩm đã dựng lại những giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc. Bằng bản lĩnh và tài năng của người cầm bút, Nguyễn Xuân Khánh đã chấp nhận một sự thử thách khi lựa chọn những thời điểm lịch sử với nhiều vấn đề “gai góc” cùng nhân vật lịch sử mà mình yêu thích. Ở đây, tác giả đã dùng lịch sử như một phương tiện, một cái cớ để gửi gắm suy ngẫm và triết lí của mình về những vấn đề của cuộc sống đương đại.

Dựng lại các biến động trong lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh muốn người đọc hướng vào các sự việc, sự kiện diễn ra trong quá khứ bằng cái nhìn văn học, mong muốn tìm thấy những bài học lịch sử bổ ích cho đời sống hiện tại. Trên những bối cảnh lịch sử với thiên nhiên, ngôn ngữ, lễ hội, tập tục mang đậm “hơi thở” của thời đại đã qua, tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đầy tính “hiện đại” trong việc mở rộng biên độ phản ánh hiện thực cũng như cách thể hiện những vấn đề tư tưởng. Người đọc tìm thấy ở tiểu thuyết Hồ Quý Ly, tâm sự của nhà văn muốn nói với người đương thời về nhu cầu đổi mới đất nước trong những thập kỷ gần đây và vai trò của cá nhân lịch sử trong mối liên hệ từ cuộc cải cách diễn ra vào cuối thế kỉ XIV, XV gắn liền với bi kịch của nhân vật Hồ Quý Ly.

Trăn trở, đồng cảm với công cuộc đổi mới và những nhà cải cách trong lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục lật xới nhiều vấn đề để người đọc cùng suy ngẫm: vấn đề cách tân và bảo thủ, cuộc đấu tranh Mới – Cũ ấy, mối bi kịch và sự trả giá của những kẻ bảo thủ và cực đoan trong nhu cầu đổi mới ấy, sự thành – bại trong những thời khắc lịch sử quan trọng.

Hồ Quý Ly là cá nhân lịch sử có vai trò to lớn trong việc mang khát vọng muốn canh tân và đổi mới đất nước nhưng sự canh tân của Hồ Quý Ly quá cực đoan, và chính điều đó khiến ông tính nhầm nước cờ của lịch sử.

Danh tướng Trần Khát Chân đã từng lập bao chiến công hiển hách nhưng trong sự vận động của lịch sử, ông là người bảo thủ nên kết cục phải nhận lấy bi kịch.

Tác phẩm đồng thời đề cập tới về vấn đề người trí thức và vai trò của trí thức trước bước ngoặt của lịch sự, đổi mới và quyền lực, lợi ích của nhân dân và lợi ích của nhà cầm quyền, số phận của những con người nhỏ bé trong những “cơn sóng” của lịch sử, những giá trị và bản sắc văn hoá, v.v.

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, những cá nhân như Hồ Nguyên Trừng, Sử Văn Hoa, Phạm Sinh, cha con Nguyễn Trãi hay thậm chí cả Đoàn Xuân Lôi là hình ảnh đẹp về người trí thức. Họ mang trong mình nhiều hoài bão và khát vọng trước vận mệnh của nhân dân, đất nước. Đứng về phía chính nghĩa, bảo vệ cho lẽ phải luôn là lựa chọn của những người trí thức chân chính.

Tác phẩm đã dành một khối lượng các trang viết không nhỏ hướng tới những nhân vật có xuất thân bình dị nhất như những cô cung nữ Ngọc Kiểm, Ngọc Kị, các nhà sư (sư Vô Trụ, sư chùa Đà la), thầy thuốc (cụ Phạm Ông), thầy dạy võ (cha của Đa Phương), v.v. cũng như đề cập tới nhiều giá trị văn hóa có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống của người Việt Nam như vấn đề đạo Phật, các truyền thống văn hóa “Tôn sư trọng đạo”, các giai thoại, huyền thoại trong lịch sử dân tộc, v.v.

Lịch sử trở nên đa diện qua nhiều góc nhìn

Nhằm nỗ lực cách tân thể loại, thay đổi quan niệm sáng tác tiểu thuyết lịch sử, các nhà văn đương đại đã “vượt thoát” khỏi quan niệm của cộng đồng về lịch sử, chủ động thể hiện cái nhìn cá nhân của mình trong việc biểu hiện và lí giải lịch sử trong hư cấu tự sự. Không để lịch sử hiện lên “đơn giản” “một chiều’ theo kiểu “mô phỏng” “đồng tình” với chủ kiến của cộng đồng, trong hai tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã để sự kiện và nhân vật được soi chiếu ở nhiều góc độ tạo nên cái nhìn “đa diện” về sự kiện và nhân vật lịch sử.

Hồ Quý Ly là tiểu thuyết viết về một trong những triều đại ngắn ngủi nhất trong lịch sử nhưng cũng là triều đại đã thi hành những chính sách cải cách táo bạo và gây ra những biến đổi quan trọng trong xã hội Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã đem đến một cái nhìn mới về sự kiện lịch sử này. Qua việc soi chiếu quá trình lịch sử dưới rất nhiều các quan điểm của các nhân vật  khác như Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, Nghệ Tông, Nguyễn Cẩn, …. nhà văn đã nhìn nhận vấn đề lịch sử một cách khách quan hơn rất nhiều.

Với những cá nhân như Nguyên Hàng, Khát Chân, Đoàn Xuân Lôi thì việc làm cải cách của Hồ Quý Ly là những chính sách trái với lề lối tổ tiên, là dấu hiệu của âm mưu thoán nghịch, trái lại, trong con mắt tôn thờ của những người cùng phe cánh như Nguyễn Cẩn, Hán Thương thì đó là việc làm của một bậc minh trí dũng. Ông vua già Nghệ Hoàng thì lại đầy mâu thuẫn trong các việc làm của Quý Ly, chính ông là người ủng hộ các chính sách của Quý Ly nhưng “dùng dằng” trong nỗi lo sợ không dám một sự “thay đổi” lớn lao trong đất nước. Những người như cụ Sử Văn Hoa, Nguyên Trừng là những người nhận thấy những điều “bất ổn” trong các chính sách của Quý Ly.

Khai thác đề tài lịch sử, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không nhằm ghi chép lại sự kiện lịch sử mà đặt lịch sử trước các quan niệm, thái độ khách nhau. Chính vì vậy, lịch sử hiện lên không hề đơn nghĩa mà buộc người đọc  phải cùng suy ngẫm về các vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, mang tầm phổ quát ở bất cứ thời đại nào. Là cá nhân có vai trò tạo ra những thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, những nhân vật như Hồ Quý Ly, Trần Nguyên Hàng, Hồ Nguyên Trừng, … được nhà văn xây dựng với những mâu thuẫn phức tạp về tính cũng qua sự đánh giá, nhận xết của các nhân vật khác.

Người đọc có thể nhận diện rất nhiều “con người trong con người” ở nhân vật trung tâm Hồ Quý Ly với sự đa dạng của tính cách. Về điều này, nhà văn đặt nhân vật trong các mối quan hệ gia đình, xã hội để làm nổi bật đời sống nội tâm phức tạp của nhân vật. Đấy là người chồng, người cha giàu tình cảm, người thủ lĩnh bản lĩnh, tài năng, một bề tôi tận tụy nhưng ôm ấp hoài bão lớn, một trí thức lớn hết sức nhạy cảm và tinh tế, v.v.

Trong cái nhìn của những người xung quanh, Hồ Quý Ly lại được nhìn nhận rất khác nhau. Với Cụ Sử, họ Hồ tài năng nhưng tàn ác quá, với Nguyễn Cẩn, Quý Ly là bậc quân tử, với Trần Khát Chân, thái sư là người đa mưu, với người con cả Hồ Nguyên Trừng, cha là người hết mực cô đơn, v.v.

Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đã không tô vẽ lịch sử theo kiểu “một chiều” mà cố gắng tạo ra tính khách quan khi tiếp tục phân tích, lí giải để nhìn nhận lại  lịch sử. Rất nhiều các sự kiện lịch sử được nhà văn đưa ra các giả thiết khác nhau gợi suy nghĩ và cảm thông hơn với các nhân vật lịch sử có liên quan.

Sự nhu nhược và do dự trong điều hành chính sự của ông vua già có nguồn gốc từ bản tính nhân từ và điều kiện lịch sử nhất định. Nghệ Tông cũng là một con người đầy đáng thương với danh vọng của một kẻ sống không đúng vị trí của mình, nhùng nhằng trong những mâu thuẫn với lòng mong muốn kéo dài cương vị cho dòng họ.

Việc Trần Khát Chân cùng các tôn thất nhà Trần kiên quyết bảo vệ các giá trị cũ kĩ, phản đối quyết liệt công cuộc cải cách của Quý Ly phản ánh sự bảo thủ nhưng phần nào phản ánh khí tiết trung nghĩa của người anh hùng. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tạo nên cái nhìn hết sức khách quan về sự kiện và nhân vật lịch sử. Danh tướng Trần Khát Chân bên cạnh đức nhân ái cũng bất chấp sai trái để làm điều thủ ác (nhờ Sừ Văn Hoa viết một cuốn sách nhằm lật đổ Quý Ly). Và cá nhân Hồ Quý Ly, bên cạnh việc bị người đời cho là tàn nhẫn, độc ác, v.v. cũng có những cá tính nổi bật mà không phải bất cứ con người bình thường nào cũng có được.

Khám phá lịch sử từ số phận những con người nhỏ bé bình thường

Con người với những mối quan tâm của nó dù ở bất cứ thời đại nào luôn trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn. Thông qua đề tài lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh làm nổi bật những số phận cá nhân đặc biệt là số phận của những con người nhỏ bé, bình thường.

Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh bao gồm một hệ thống các nhân vật đông đảo từ các nhân vật, với đủ các giai tầng xã hội khác nhau và đều bị chi phối bởi hoàn cảnh của lịch sử. Và đặc biệt, không chỉ những cá nhân có vai trò chính trị trong xã hội lúc bấy giờ mới chịu sự tác động của lịch sử mà chính những con người nhỏ bé, bình thường nhất cũng không tránh khỏi hệ luỵ của cơn bão lịch sử thậm chí họ trở thành “nạn nhân” của lịch sử.  

Nhân vật Hồ Quý Ly là nhân vật chủ động tạo ra lịch sử nhưng cũng là nhân vật bi kịch lịch sử. Một con người đầy tham vọng và hoài bão để canh tân đất nước nhưng bị sự chống đối quyết liệt từ các phe cánh khác và nhất là đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, điểm độc đáo ở tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là ông đã dành cho hình ảnh những con người bình thường nhất một vị trí đặc biệt. Tác giả đã làm một cuộc khảo sát và khám phá lịch sử từ số phận những con người nhỏ bé bình thường.

Tiểu thuyết Hồ Quý Ly, đằng sau hình ảnh những người đàn ông là hình bóng của những người phụ nữ với những “tổn thương” mà họ đã phải “gánh chịu” do chính những tham vọng từ người thân của mình. Cuộc đời Thanh Mai hằn rõ những “vết thương” của quá khứ lịch sử. Cuộc chiến tranh Chiêm Thành đã biến cô từ một cô gái quê thuần phác thành một vũ nữ, một thứ nô lệ tinh thần và thể xác thoả mãn cho kẻ cầm đầu đạo quân xâm lược – Chế Bồng Nga. Trong vòng xoáy của bánh xe lịch sử, những cuộc thanh trừng giữa các phe đảng cầm quyền đã tạo nên những “bi kịch” cho số phận những con người nhỏ bé trong xã hội. Cô cung nữ Trần Ngọc Kiểm sau khi hoàn thành nhiệm vụ “xuất sắc” chữa bệnh cho ông vua trẻ Thuận Tông với phe cánh Trần Khát Chân đã bị “bỏ rơi” trong một cái chết oan khốc từ phe phái Hồ Quý Ly.

Đọc tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, người đọc cảm nhận sâu sắc những “di chứng” mà con người phải gánh chịu từ  thảm hoạ chiến tranh, các cuộc thanh trừng và những âm mưu giành giật địa vị chốn cung cấm, sự áp bức và bóc lột của giới cầm quyền, các chính sách và nghi kị về sắc tộc, tôn giáo, v.v. Tác phẩm văn học đã làm những điều mà chính sử đã bỏ qua khi đem đến một thực tế “sâu thẳm” về những số phận con người. Những cái chết thảm khốc của sư cụ chùa Đà La, của cụ Sử Văn Hoa, v.v. mãi là những dấu hỏi nặng nề về số phận và giá trị của con người trong những tao loạn của thời cuộc. Ai đã đang tâm giết một con người suốt cuộc đời cần mẫn muốn ghi lại “hồn núi, hồn sông” của dân tộc? Và biết bao số phận những con người lương thiện cũng bị “trôi dạt” theo rất nhiều lẽ rất riêng bởi sự chi phối của lịch sử. Cô nô tì con sáo đã phải trốn chạy thói hám sắc của tên địa chủ Trần Tùng và sống một cuộc đời ẩn dật nơi cửa chùa từ bi. Số phận của Phạm Sinh và Hạnh rồi sẽ ra sao? Họ mang trên vai thiên chức và trọng trách mà nhà viết sử chân chính giao phó, nhưng chính họ đang phải “chạy đua” với chính lịch sử để bảo toàn mạng sống cho bản thân mình.

Hồ Quý Ly đã thể hiện một tư duy và cách biểu hiện tiểu thuyết phi truyền thống của Nguyễn Xuân Khánh. Nhà văn chủ động trong việc làm chủ tác phẩm và sử dụng lịch sử như một phương tiện nhằm thể hiện những ý đồ tư tưởng. Thành công trong việc tái hiện lại không khí của quá khứ nhưng đó không phải là mục tiêu cao nhất mà tác phẩm hướng tới. Tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh đi tới những chiều sâu thẳm nhất của tâm hồn con người và những sự kiện lịch sử. Tác phẩm là những “cánh cửa còn để ngỏ” buộc người đọc cần phải suy nghĩ về những vấn đề của đời sống đương đại.

Tống Thanh