Nội dung bài viết
1. Mở đầu
Phân tâm học (Psychanalyse) là một học thuyết ra đời ở phương Tây vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà ông tổ là Sigmund Freud (1856-1939) – một bác sĩ người Áo gốc Do Thái. Sau này học thuyết được tiếp nối và phát triển phong phú hơn bởi nhiều nhà khoa học như Karl Gustav Jung, E.Fromm, J.Lacan, G.Bachelard. Phân tâm học là khoa học nghiên cứu, phân tích tâm lý chiều sâu của con người trong tương quan với từng hoàn cảnh đặc thù. Phân tâm học nhanh chóng ảnh hưởng và liên hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực khoa học khác, đặc biệt là lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ở Việt Nam việc tiếp nhận học thuyết phân tâm học trong nghiên cứu văn học trải qua nhiều thăng trầm. Hiện nay, với không ít người học thuyết này vẫn còn nhiều mới mẻ, thậm chí còn xa lạ. Mặc dù vậy, 30 năm qua cùng với dòng chảy đổi mới của văn học nói chung và lý luận văn học nói riêng, phân tâm học đã có cơ hội hồi sinh, phát triển và đạt những thành tựu nhất định. Tiếp nhận phân tâm học trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam (1986 – 2016) là vấn đề bao hàm nhiều giá trị khoa học về lý luận và thực tiễn. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tập trung luận giải rõ hơn một số nội dung cơ bản xung quanh hai phương diện:
a/ Dịch, giới thiệu học thuyết phân tâm học ở Việt Nam (1986-2016);
b/ Ứng dụng phân tâm học trong trong nghiên cứu-phê bình văn học ở Việt Nam (1986 -2016).
2. Nội dung
2.1. Vấn đề dịch và giới thiệu học thuyết phân tâm học ở Việt Nam (1986-2016)
2.1.1. Dịch và giới thiệu
Thực ra, từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, trong sáng tác, phân tâm học đã hiện hữu qua tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ thuộc khuynh hướng lãng mạn (dấu ấn rõ nhất là trong Thơ mới và Tự lực Văn đoàn) và văn học hiện thực phê phán. Sau 1954, do hoàn cảnh lịch sử, ở miền Bắc phân tâm học bị coi là một học thuyết phản động. Freud bị coi như kẻ đã quy toàn bộ con người vào tính dục. Các sáng tác và phê bình văn học liên quan đến phân tâm học bị phê phán nặng nề. Phân tâm học không được chú trọng nghiên cứu như một khuynh hướng phê bình độc lập mà được kết hợp nghiên cứu với phê bình xã hội học. Ở miền Nam trong giai đoạn 1954 -1975, phân tâm học cũng như các học thuyết khác của phương Tây có điều kiện phát triển, được giới thiệu khá rộng rãi và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống trong đó có văn học.
Sau 1986, ở nước ta nhiều cấm kị được tháo gỡ, phê bình phân tâm học đã có cơ hội được phục hồi và phát triển. Có thể kể đến các công trình dịch thuật như: Freud đã thực sự nói gì của David Stafford – Clark (Nxb. Thế giới, 1988, do Lê Văn Luyện và Huyền Giang dịch). Tác phẩm đã cung cấp cho bạn đọc “bảng lược đồ” về lý thuyết phân tâm, hiểu rằng con người có quyền và cần phải khám phá chính mình với cõi vô thức sâu thẳm của mình, điều trước đây vẫn chỉ là ý niệm tuyệt đối, tồn tại như một “cấm kỵ” đối với nhân loại. Tác phẩm Vật tổ và cấm kị của Frued được dịch giả Lương Văn Kế dịch từ nguyên bản tiếng Đức (Nxb.ĐH Quốc gia, H.1999; tái bản lần 2 năm 2001) ra mắt bạn đọc. Trong tác phẩm này, Freud đã trình bày những quan điểm cơ bản của ông về Vật tổ (Totem), Cấm kị (Tabu) và khái niệm mặc cảm Oedipe, tính dục. Mặc dù quan điểm của Frued về nguồn gốc văn hóa và tôn giáo trong hiện tại không còn nguyên giá trị như trong bối cảnh ông viết tác phẩm (thời đại đêm trước đầy kìm nén, bức bối, ngột ngạt của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất) nhưng đứng trên lập trường khoa học để xem xét thì tác phẩm này của Freud vẫn có nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu phân tâm học.
Từ năm 2000 trở đi, phân tâm học được dịch ở Việt Nam nhiều hơn bao giờ hết: Phân tâm học nhập môn của S. Freud (Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2002) do Nguyễn Xuân Hiến dịch. Đây là tác phẩm lý thuyết có tính chất định hướng cho ngành nghiên cứu phân tâm học. Công trình phác họa rõ nét “bản đồ khoa học tâm lý”, cho thấy những học thuyết của Freud đưa ra có cơ sở khoa học vững chắc, dù rằng vẫn còn những điểm hạn chế nhất định. Tiếp đó là tác phẩm Jung đã thực sự nói gì? của Edward Amstrong do Bùi Lưu Phi Khanh dịch (Nxb. VHTT Hà Nội & TTVHNN Đông Tây, H. 2002) ra mắt bạn đọc. Với bảy chương sách tác giả đã đưa ra những chỉ dẫn sâu sắc về tư tưởng chính của Jung, khái quát lại học thuyết của Jung khi ông đưa ra “những kiểu tâm lý” chính, phân chia các dạng tâm lý hướng nội, hướng ngoại, và đặc biệt làm rõ quan điểm của Jung về lý thuyết “Bốn chức năng của ý thức”. Ông cũng tóm lược và diễn giải quan điểm của Jung về hoạt động tâm thần vô thức. Những vấn đề quan trọng nhất đã làm nên danh tiếng của Jung như Vô thức tập thể và sự tồn tại giả thuyết về Cổ mẫu, bản năng, giấc mơ có tính dự báo… cũng được tác giả diễn giải khá đầy đủ. Bệnh lý học tinh thần về sinh hoạt đời thường của S.Freud do Trần Khang dịch (Nxb. Văn hóa Thông tin, H.2002) cũng ra mắt bạn đọc, với 12 chương sách S.Freud đặt trọng tâm nghiên cứu bệnh hysteria và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đó không phải nằm ở yếu tố sinh lý mà do nhân tố sinh lý. Ông xem nhân tố tâm lý là nguyên nhân dẫn đến những ức chế lan rộng xuất hiện ngay từ thời đồng ấu.
Vấn đề nghiên cứu bản thể con người ngày càng được chú ý, phân tâm học ngày càng trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nhà khoa học. Trong số sách chuyên khảo giới thiệu về lý thuyết phân tâm xuất hiện ở Việt Nam trong giai đoạn đổi mới, đáng kể nhất là bộ sách của Đỗ Lai Thúy gồm bốn quyển: Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật (Nxb. Văn hóa – Thông tin, H.2000; tái bản 2004); Phân tâm học và văn hóa tâm linh (Nxb. Văn hóa – Thông tin, H.2002); Phân tâm học và tình yêu (Nxb. Văn hóa – Thông tin, H.2003); Phân tâm học và tính cách dân tộc (Nxb. Văn hóa – Thông tin, H. 2007). Bộ sách cung cấp cho người đọc hệ thống kiến thức lý thuyết sâu sắc về phân tâm học để có thể có một cái nhìn đúng, mới và khác hơn về văn học. Đồng thời Đỗ Lai Thúy cũng chú trọng đến việc giới thiệu phương pháp của mỗi nhà phân tâm bởi từ kinh nghiệm học tập và nghiên cứu ông phát hiện: “Sự khác nhau của phương pháp như là một thể hiện cụ thể của lý thuyết”(1). Gần đây nhất, sự ra mắt của hai tập sách Dẫn luận về S.Freud, Dẫn luận về Jung của tác giả Anthony Storr, (Thái An dịch, Nxb. Hồng Đức, HN, 2016) đã giúp bạn đọc hình dung rõ hơn dưới tầm ảnh hưởng rộng lớn của phân tâm học nhân loại đã có hàng chục nhánh lý thuyết nghiên cứu về sự phát triển của tâm trí con người. Lý thuyết của các nhà phân tâm học đang giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong thế giới hiện đại ngày nay như thế nào…
2.1.2. Một số phạm trù lý thuyết phân tâm học được quan tâm giới thiệu
Có bốn phạm trù được quan tâm nhiều trong tiếp nhận phân tâm học ở nước ta, đó là các phạm trù: Vô thức (inconscient), Giấc mơ (rêve), Tính dục (Libido), Mặc cảm Oedipe. Việc luận giải và giới thiệu những phạm trù cơ bản trên có ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy của những người sáng tác và nghiên cứu-phê bình văn học. Góp phần đẩy lùi những định kiến, thay đổi những quan niệm chưa đúng về học thuyết phân tâm học đã tồn tại ở Việt Nam một thời gian dài trước đổi mới.
Trước hết, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã khẳng định sự phát triển của tư duy triết học và tâm lý học (psychologie) chính là nền tảng để đến S.Freud khái niệm vô thức trở nên một hệ tư tưởng, là một luận đề quan trọng xây dựng nên học thuyết phân tâm. Qua việc chữa bệnh tâm thần và những công trình nghiên cứu, S.Freud khẳng định sự hiện hữu của một nơi chốn trong tâm thần, cách xa ý thức nhưng có tác động đến ý thức, cái nơi đó chính là vô thức. Vô thức không phải mặt tiêu cực của ý thức, nó cũng không phải bất bình thường hay bệnh hoạn. Học thuyết phân tâm của S.Freud coi vô thức là cốt lõi trong đời sống tinh thần của con người. Cõi vô thức là tối thượng và mọi hoạt động của ý thức chỉ có một vị trí phụ thuộc. Vì vậy, nếu tiếp cận được cái thầm kín sâu xa của cõi vô thức sẽ hiểu được bản chất đời sống nội tâm của con người.
Khác với quan niệm của S.Freud chú trọng vào vô thức cá nhân, Jung đưa ra khái niệm vô thức tập thể. Theo Jung, vô thức tập thể là ký ức của loài người, là kết quả của đời sống thị tộc. Vô thức tập thể tồn tại trong mọi người và mỗi người, là cơ sở của tâm trạng cá nhân và căn cước văn hóa tộc người. Vô thức tập thể là phần sâu nhất của tâm thần quyết định số phận cá nhân cũng như xã hội. Nó là nơi lưu trữ kinh nghiệm của con người với tư cách là một loài, đó là những tri thức mà khi sinh ra chúng ta đã có sẵn, mang tính tiên nghiệm và không phụ thuộc vào môi trường hay hoàn cảnh.
Như vậy, việc phát hiện ra vô thức là một điều kì diệu trong việc lý giải tâm lý con người ở những trạng thái khó nắm bắt, là những thể hiện tâm thần mà ý thức không thể đạt đến một cách tạm thời hay vĩnh viễn. Cả Freud và Jung đã cung cấp cho chúng ta nội hàm khái niệm vô thức như một công cụ để phân tích những hiện tượng bí ẩn trong văn hóa, làm sáng tỏ ý nghĩa của các huyền thoại, giấc mơ, truyền thuyết, cổ tích và những huyền bí.
Tiếp nhận quan điểm của các nhà phân tâm học, các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam cũng đã nhận thức: giấc mơ có vị trí rất quan trọng trong nghiên cứu vô thức, khẳng định vai trò quan trọng mối liên hệ của cõi vô thức đối với giấc mơ của con người. Nó là động cơ tiềm ẩn, có khi trở nên mãnh liệt, thôi thúc hành động đến mức không kiểm soát được. Vô thức quyết định đến sự hình thành các khuynh hướng ở con người.
Quan niệm ấu trĩ trước đây coi tính dục như điều “cấm kỵ” được thay thế bằng những nhận thức tiến bộ. Khái niệm tính dục (libido) của học thuyết phân tâm học được các nhà khoa học luận bàn một cách hệ thống, sâu sắc và thuyết phục trong những công trình nghiên cứu, giới thiệu về phân tâm học. Các nhà nghiên cứu đồng thuận quan điểm cho rằng dục tính là một tổng thể năng động ở trong con người, nó không giới hạn ở chức năng sinh sản, không giới hạn vào lạc thú trong sự giao cấu, cũng không giới hạn vào cái tính sỗ sàng hay bí ẩn mà văn hóa gán cho những gì có dục tính. Libido là một khái niệm bao trùm hơn, rộng hơn ham muốn. Libido đúng hơn là sự ham muốn trong cuộc sống, là nguồn gốc của mọi ham muốn… Libido được coi như nền tảng của hoạt động tâm lý. Libido nếu được thăng hoa trở thành những tình cảm, khát vọng cao thượng: say mê tôn giáo, khoa học, đam mê sáng tạo văn học, nghệ thuật, âm nhạc… Sự tưởng tượng phóng túng và nghệ thuật nảy sinh trên cơ sở tưởng tượng, đó là lối thoát duy nhất để người nghệ sĩ vượt lên trên mâu thuẫn không hòa giải được giữa những ham muốn bản năng và những quy tắc luân lý xã hội. Nghệ sĩ thường mang ẩn ức sáng tạo mãnh liệt, dự phóng nghệ thuật đầy tâm huyết. Họ là một số ít người biết vượt lên và sử dụng chính đời sống đầy nội tâm, ẩn ức và ám thị đó nhằm sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ.
Tiếp nhận vấn đề Mặc cảm Oedipe của phân tâm học, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã cho rằng mặc cảm vốn là cơ chế tâm lý, diễn ra trong tất cả các mối quan hệ xã hội của con người, là trạng thái có thật trong đời sống con người, bị dồn nén trở thành những ẩn ức sinh lý, có thể bùng phát thành hành vi cụ thể. Nếu được dồn nén theo định hướng của hoạt động sáng tạo, sẽ trở thành một năng lượng thẩm mỹ, thể hiện cảm quan nghệ thuật của tác giả. Vì vậy, việc thừa nhận những giá trị, hiệu ứng thẩm mỹ là chính đáng. Song nếu coi toàn bộ hoạt động sáng tạo, hoạt động tinh thần là vô thức, luôn bị mặc cảm chi phối, dẫn dắt đưa đến những kết quả tương ứng thì lại là sai lầm, và đó cũng chính là hạn chế của lý thuyết phân tâm.
Với tinh thần cầu thị, cởi mở tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại, các nhà lý luận văn học đã thực sự đổi mới tư duy, thay đổi cách nhìn đối với học thuyết phân tâm học. Thừa nhận giá trị khoa học của học thuyết có sức tác động lớn, làm thay đổi việc nhận thức và khám phá bản thể con người. Các nhà khoa học cũng khẳng định những khám phá của S.Frued về vô thức, tính dục, thăng hoa, giấc mơ, mặc cảm Oedipe đều liên hệ chặt chẽ với nhau. Những vấn đề trên của học thuyết phân tâm không chỉ chi phối hoạt động đời sống con người mà còn có vai trò tích cực trong thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật và vì vậy nó xuyên thấm lý thuyết mỹ học, có thể đúc kết thành những phạm trù, dưới sự tác động của những phẩm chất thẩm mỹ thuộc về cái đẹp, góp phần phát triển tư tưởng mỹ học hiện đại. Và đây chính là “công cụ” độc đáo có thể sử dụng một cách hữu hiệu trong nghiên cứu-phê bình văn học.
2.2. Ứng dụng phân tâm học nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, bên cạnh việc dịch, giới thiệu và tiếp thu lý thuyết, việc ứng dụng phân tâm học trong nghiên cứu văn học đã được các nhà khoa học quan tâm. Những nỗ lực bứt thoát khỏi khuôn mẫu sáo mòn, xơ cứng, hướng đến nâng cao giá trị học thuật trong nghiên cứu-phê bình đã bước đầu hình thành khuynh hướng nghiên cứu phê bình phân tâm học. Phân tâm học soi đường giúp các nhà nghiên cứu giải mã nhiều vấn đề văn học phức tạp thuộc các thể loại, ở các thời đại, các dân tộc khác nhau, nhiều học giả nghiên cứu sâu, làm sáng tỏ những tồn nghi của văn bản, và bước đầu đạt được một số thành tựu đáng kể.
Học giả ứng dụng phân tâm học vào nghiên cứu văn học ở Việt Nam sớm có công trình công bố nhất ở thời kỳ đổi mới có lẽ phải kể đến Phạm Văn Sĩ với Về tư tưởng và văn học phương Tây hiện đại (Nxb. ĐH và THCN, H.1986). Bên cạnh việc lược khảo và giới thiệu những trào lưu triết học có thể ứng dụng vào nghiên cứu văn học như hiện sinh chủ nghĩa, cấu trúc luận, siêu thực, phân tâm học, hiện tượng học, ông đã khái lược sự ảnh hưởng của phân tâm học Freud trong văn học Sài Gòn trước 1975. Phạm Văn Sĩ chỉ ra những nhược điểm trong khi ứng dụng phân tâm học Freud vào nghiên cứu cũng như sáng tác văn học của một số nhà văn, nhà lý luận – phê bình. Những nghiên cứu của Phạm Văn Sĩ hẳn chưa thể thuyết phục và toàn diện bằng những nghiên cứu sau này, nhưng với Về tư tưởng và văn học phương Tây hiện đại ông đã phần nào phác thảo diện mạo văn học Việt Nam trước 1975, trong đó có dòng văn học chịu ảnh hưởng của phân tâm học và dòng văn học hiện sinh. Sau Phạm Văn Sĩ, Đỗ Lai Thúy có bài viết Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm. Triệt để soi chiếu thơ Hoàng Cầm dưới ánh sáng của lý thuyết phân tâm học, Đỗ Lai Thúy đã “bóc ra” (2) đúng con người thầm kín nhất ở trong Hoàng Cầm, “nói toạc”(3) ra những giấc mơ tình ái, những khát khao đầy ẩn ức của thi nhân. Tài năng và bút pháp phê bình phân tâm học của Đỗ Lai Thúy đã khơi mở, nói hộ Hoàng Cầm nhiều điều còn mơ hồ chìm sâu trong vô thức, tôn vinh thơ của nhà thơ số một xứ Kinh Bắc lên một cấp độ mới: Thơ Hoàng Cầm – Thơ của những khát khao “nhục cảm lành mạnh” (Ph.Ăng – ghen). Sau này, trong công trình Bút pháp của ham muốn (Nxb. Tri thức, 2009) Đỗ Lai Thúy với lý thuyết phân tâm học tiếp tục tái hiện sinh động những chân dung tinh thần đầy phức tạp của các nhà thơ từ cổ điển đến hiện đại: Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Với cái nhìn mạnh dạn và thành thực, ông đã khơi mở giúp người đọc tiếp cận được “bản thể thơ” của những thi nhân từng xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như những ngôi sao sáng nhất. Những nghiên cứu của Đỗ Lai Thúy cho thấy với trình độ, kinh nghiệm, cảm quan tinh tế của mình, ở mỗi tác giả, tác phẩm ông luôn nỗ lực, sáng tạo, tìm kiếm một mô hình lý thuyết phân tâm học ứng chiếu với đối tượng nghiên cứu sao cho phù hợp nhất.
Nguyễn Thành có bài Ảnh hưởng của phân tâm học Freud trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng (Tạp chí Văn học số 4-1997) và sau này được in trong công trình Vũ Trọng Phụng – Một tài năng độc đáo (Nxb.Văn hóa Thông tin, H.2000), Nguyễn Thị Hồng Nam sử dụng phân tâm học để nghiên cứu Những vấn đề của tiềm thức trong thơ Hàn Mặc Tử (Tạp chí Cửa Việt, số 7-2000). Cũng trong tạp chí Cửa Việt số 4 – 2000, Nguyễn Hoàng Đức có bài Dục tính, chân móng hay đỉnh tháp văn chương? Bài viết khái quát những vấn đề cơ bản của “dâm tính” và “dục tính” trong văn học, trong đó đặt ra vấn đề cần phải xem những mặt của dục tính như trọng tâm của nghiên cứu và sáng tạo văn học, là việc làm nghiêm túc. Bên cạnh đó, còn một số công trình khác ứng dụng phân tâm học trong nghiên cứu và cũng đạt được kết quả nhất định như Nguyễn Văn Hoàn với Tranh luận về truyện Kiều (1984), Trịnh Bá Đĩnh với Di sản Nguyễn Du và Thời gian (1998), Đỗ Lai Thúy Với Phê bình văn học: chòng chành mà tiến tới (Tạp chí văn học số 6/2000)
Vấn đề ứng dụng phân tâm học trong nghiên cứu văn học còn được thể hiện trong các luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ được thực hiện ở các trường đại học và viện nghiên cứu: Phùng Đình Mẫn với Lý Luận về nhân cách của S.Freud và ảnh hưởng của nó đến phương pháp xây dựng đời sống tâm lý nhân vật trong văn học đô thị miền Nam dưới thời Mỹ- Ngụy (giai đoạn 1954 -1975), Lê Nam Hải với Từ lý thuyết phân tâm học tiếp cận một số tác giả và tác phẩm văn học đương đại Việt Nam, Hoàng Đức Dũng với Chủ nghĩa S.Freud và biểu hiện của nó trong văn học tình dục miền Nam Việt Nam trước 1975.
Đặc biệt, Trần Hoài Anh trong công trình Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam (1954-1975) (Nxb. Hội Nhà văn, H.2009) đã hệ thống và phân tích sâu sắc sự tiếp nhận phân tâm học ở miền Nam giai đoạn 1954 -1975. Qua nghiên cứu tác giả nhận thấy trong giai đoạn này ở miền Nam, phân tâm học được giới thiệu và nghiên cứu rộng rãi trên sách báo. Không những thế, còn được đưa vào giảng dạy ở nhà trường. Vì vậy, các loại sách viết về phân tâm học được giới thiệu khá đa dạng.
Cũng theo Trần Hoài Anh, ở miền Nam với tính chất của một xã hội tiêu thụ, với ảnh hưởng lối sống tự do theo kiểu văn hóa Âu Mỹ, phân tâm học cũng như các học thuyết khác của phương Tây có điều kiện phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống trong đó có phê bình văn học. Nhìn vào đời sống lý luận – phê bình văn học ở miền Nam, cùng với Chủ nghĩa hiện sinh, học thuyết Freud cũng là một trong những học thuyết phương Tây được ứng dụng nhiều trong sáng tác văn học cũng như trong lý luận – phê bình. Nếu ở lĩnh vực sáng tác, các nhà văn ứng dụng một số phạm trù của học thuyết Freud nhưng tập trung nhất là mặc cảm Oedipe và tính dục thì ở lý luận – phê bình, các nhà nghiên cứu ứng dụng hầu hết các phạm trù trong phân tâm học để phê bình các hiện tượng văn học cũng như giải mã tâm lý sáng tạo của nhà văn như vấn đề vô thức, tính dục, ám ảnh tuổi thơ, vấn đề dự phóng trong sáng tạo…
Nghiên cứu của Trần Hoài Anh góp phần khẳng định khuynh hướng phê bình phân tâm học trong đời sống lý luận – phê bình văn học ở miền Nam là sự tiếp nối và phát triển khuynh hướng phê bình phân tâm học đã xuất hiện ở nước ta trước 1954. Sự hiện hữu của khuynh hướng phê bình phân tâm học là một thực thể tồn sinh trong đời sống lý luận – phê bình tạo cho người đọc nhiều sự lựa chọn trong phương thức tiếp nhận các hiện tượng văn học, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong bức tranh lý luận-phê bình văn học ở miền Nam 1954 -1975.
Bên cạnh những công trình trên còn có thể kể đến các công trình: S.Freud và phân tâm học (2004) của Phạm Minh Lăng; Học thuyết S.Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam (2008) của Trần Thanh Hà; Từ cái nhìn tham chiếu phân tâm học qua một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam (2008) của Hồ Thế Hà; Phê bình mẫu cổ và mẫu nước trong văn chương Việt Nam (2009) của Nguyễn Thị Thanh Xuân; Diễn ngôn về tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam (từ đầu thế kỷ XX đến 1945) (2009) của Trần Văn Toàn.
Gần đây nhất Hội thảo khoa học “Phân tâm học với văn học” (Đại học Khoa học Huế, 2014) đã tập hợp khoảng hơn 40 bài viết. Các bài viết cơ bản chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất, tiếp tục luận giải rõ hơn quá trình du nhập của phân tâm học vào Việt Nam và những ảnh hưởng của phân tâm học đến thực tiễn sáng tạo văn học: Trải nghiệm phân tâm học của tôi (Đỗ Lai Thúy), Phê bình phân tâm học ở Việt Nam nhìn từ phương diện thực hành (Nguyễn Thành), Mỹ học và phân tâm học từ góc nhìn tham chiếu (Phạm Phú Phong), Biểu tượng từ lý thuyết phân tâm học(Trần Thiện Khanh), Một con đường của quan niệm sáng tạo (Đoàn Ánh Dương)… Nhóm thứ hai, từ góc nhìn phân tâm học các nghiên cứu tập trung phát hiện và ghi nhận những giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, độc đáo của sáng tác văn học từ cổ điển đến hiện đại, từ văn học dân tộc đến văn học thế giới: Biểu tượng tính dục trong ca dao Thừa Thiên Huế (Trương Thị Nhàn), Thế giới siêu hình trong giấc mơ từ truyện kể dân gian đến truyện Truyền kỳ Trung đại (Nguyễn Thị Kim Ngân), Huyền thoại cá nhân trong thi ca Hàn Mặc Tử (Nguyễn Hữu Tấn), Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh nhìn từ cội nguồn thiên tính nữ (Hồ Thế Hà), Thế giới Dấu ấn vô thức nhân vật Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn phân tâm học (Nguyễn Đức Toàn), Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều từ góc nhìn phân tâm học (Trần Nhật Thu), Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh tiếp cận từ góc độ vô thức tập thể (Hoàng Thị Hồng Hà), Nghiên cứu văn học hậu hiện đại từ triết học ngôn ngữ và phân tâm học (Nguyễn Hồng Dũng), Nhật ký phi thường của Từ Triệu Thọ nhìn từ phân tâm học (Nguyễn Thị Tịnh Thi, Võ Thị Lành), Dục năng và tâm linh trong Cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis (Trần Huyền Sâm, Phạm Ngọc Lư), Biểu tượng “Hành trình” trong tiểu thuyết Aruki Murakami (Lê Thị Diễm Hằng), Aureliano hay là José Arcadio-Sự băn khoăn giữa ý thức và vô thức mang tính tộc loại Mỹ Latin (Phan Tuấn Anh)…
Với hướng tiếp cận vấn đề nghiên cứu khách quan, khoa học, các nghiên cứu trên cho thấy từ cấp độ lý thuyết đến ứng dụng đều được các tác giả thao tác trên tinh thần tiếp nhận phân tâm học một cách linh hoạt, sáng tạo. Từng thực thể văn chương, từng đối tượng tiếp cận khác nhau được đặt dưới sự tham chiếu của ánh sáng lý thuyết phân tâm học (có mở rộng theo hướng nghiên cứu liên ngành) khiến nội dung các vấn đề đặt ra được luận giải đa diện, sâu sắc, phong phú.
3. Kết luận
Ba mươi năm (1986-2016), phân tâm học được tiếp nhận ở Việt Nam với một tinh thần cầu thị hướng đến những giá trị văn hóa đặc sắc của nhân loại để làm phong phú văn hóa dân tộc. Từ hệ qui chiếu của lý thuyết phân tâm học, nghiên cứu-phê bình văn học đã khám phá những vấn đề vi diệu trong tâm hồn con người thông qua thế giới nghệ thuật. Điều đó khiến nghiên cứu-phê bình văn học tăng khả năng hấp dẫn, thuyết phục trong cách lý giải, cắt nghĩa những vấn đề khuất lấp, phức tạp nhất thuộc về đời sống tinh thần của con người. Phê bình phân tâm học thời kỳ đổi mới và hội nhập đã khắc phục được giới hạn của phê bình phân tâm học trước đây, đó là các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến tính quan niệm của hình thức, đề cao bình diện thẩm mỹ của tác phẩm chứ không chỉ đơn thuần giải thích những ám ảnh vô thức và ẩn ức tính dục mang tính bản năng dựa trên cơ sở tiểu sử của tác giả. Phân tâm học như một công cụ hữu ích giúp các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều giá trị văn học phức tạp ở các thể loại, các thời đại, các dân tộc khác nhau. Vai trò quan trọng và đóng góp của lý thuyết phân tâm học cho nghiên cứu-phê bình văn học là không thể phủ nhận. Song, để vận dụng lý thuyết này một cách hiệu quả là điều không dễ dàng, nó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải thực sự “thay đổi căn bản cái nhìn của chúng ta về chính mình”(4), đặc biệt phải trang bị một vốn tri thức văn hóa sâu, rộng, một năng lực tinh tế để nhận diện những đối tượng nghiên cứu thuộc về phân tâm học. Và câu hỏi: tiếp nhận lý thuyết phân tâm học để nghiên cứu văn học nghệ thuật làm sao đạt hiệu quả tốt nhất? vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức đòi hỏi mỗi chúng ta phải nỗ lực kiếm tìm lời giải đáp qua trải nghiệm của chính mình.
Chú thích:
(1). Nhiều tác giả (2014), Phân tâm học với văn học, ( Hồ Thế Hà, Nguyễn Thành chủ biên) Nxb Đại học Huế, tr.21.
(2), (3). Đỗ Lai Thúy (2009), Bút pháp của ham muốn, Nxb.Tri thức, Hà Nội, tr.196.
(4). Anthony Storr (2016), Dẫn luận về S.Freud, (Thái Anh dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.9.
Tài liệu tham khảo
- Trần Hoài Anh (2009), Lý luận – Phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
- J.P.Charrier (1972), Phân tâm học, ( Lê Thanh Hoàng Dân dịch), Trẻ xb, 68, Nguyễn Biểu, SG.
- Cao Hồng (2011), Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
- Cao Hồng (2013), Lý luận-phê bình văn học đổi mới &sáng tạo, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
- Phạm Minh Lăng (2000), S. Freud và tâm phân học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Vũ Đình Lưu (1968), Hành trình vào phân tâm học, Hoàng Đông – Phương xb, SG.
- Vũ Đình Lưu (1969), Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu các ngành học vấn, Tổ hợp xuất bản.
- Phương Lựu ( 2001), Lý luận, phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn học-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
- Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Nhiều tác giả ( 2014), Phân tâm học với văn học, ( Hồ Thế Hà, Nguyễn Thành chủ biên) Nxb ĐH Huế.
- Anthony Storr (2016), Dẫn luận về S.Freud, (Thái Anh dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
- Anthony Storr (2016), Dẫn luận về Jung, (Thái Anh dịch), Nxb. Hồng Đức, Hà nội.
- Đỗ Lai Thúy ( 2003), Phân tâm học và tình yêu, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Đỗ Lai Thúy (2007), Phân tâm học và tính cách dân tộc , Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Đỗ Lai Thúy (2009), Bút pháp của ham muốn, Nxb.Tri thức, Hà Nội
- Lộc Phương Thủy (Chủ biên) (2007), Lý luận phê bình văn học thế giới Thế kỷ XX, Tập 1,2 Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Liễu Trương (2011), Phân tâm học và Phê bình văn học, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.
- S.Frued (1969), Nghiên cứu phân tâm học, (Vũ Đình Lưu dịch), Nxb. An Tiêm.
- S.Freud (2002), Phân tâm học – Nhập môn (Nguyễn Xuân Hiến dịch), Nxb ĐHQG Hà Nội.
- S.Frued, G.Jung…, (2002), Phân tâm học và văn hóa tâm linh, (Đỗ Lai Thúy biên soạn), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- S.Frued, G.Jung…,(2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, (Đỗ Lai Thúy biên soạn), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- E. From (2012), Phân tâm học và tôn giáo, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội.
- Roland Jaccard (2006), Freud cuộc đời và sự nghiệp, ( Hoàng Thạch dịch), Nxb Thế giới, Hà Nội.
Xem thêm:
1. Phân tâm học và văn học: Đọc từ khi có phân tâm học
2. Phân tâm học và văn học: Đọc cùng Freud
3. Phân tâm học và văn học: Đọc cái vô thức
4. Phân tâm học và văn học: Đọc con người
5. Phân tâm học và văn học: Đọc một người
6. Phân tâm học và văn học: Đọc văn bản
7. Phân tâm học và văn học: Kết luận