Trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi từ phía Mỹ, còn gọi theo phía Việt Nam là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước) kéo dài trong hai thập niên giữa thế kỷ XX là một biến cố lớn. Đề tài này chắc chắn sẽ còn được các giới chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa của hai nước tiếp tục đi sâu phân tích, tìm hiểu. Trong ngành Hoa Kỳ học, đây cũng sẽ phải là một trọng tâm nghiên cứu. Và trong phạm vi giảng dạy bộ môn Hoa Kỳ học ở nhà trường, việc tham chiếu, so sánh các cách nhìn của Việt Nam và Mỹ về cuộc chiến tranh này trên mọi bình diện cũng là điều cần thiết và cấp bách. Ở đây, tôi chỉ giới hạn trong lĩnh vực của mình là văn học, và giới hạn hơn nữa là từ cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (NBCT) của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh soi chiếu dưới sự tiếp nhận và giảng dạy ở Mỹ.
Xem thêm:
“Nỗi buồn chiến tranh” dưới cái nhìn của một phà phê bình Trung Quốc.
Thủ pháp “dòng ý thức” với ám ảnh về sự thật trong “Nỗi buồn chiến tranh.
I. Nỗi buồn chiến tranh ở Việt Nam
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương sinh năm 1952, đi lính 1969, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên (B3) trong phiên chế của sư đoàn 10 bộ binh thuộc quân đội nhân dân Việt Nam (Bắc Việt). Sau 1975 Bảo Ninh giải ngũ, đi học trường viết văn Nguyễn Du, và trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Sáng tác của ông tập trung chính vào đề tài chiến tranh đặt dưới một cái nhìn nghệ thuật trần trụi và tỉnh táo. Trước cuốn tiểu thuyết nói đây, Bảo Ninh đã có tập truyện ngắn Trại bảy chú lùn, trong đó có những truyện viết về chiến tranh gây ấn tượng mạnh. Một truyện ngắn khác của ông, viết sau tiểu thuyết, có tên Gió dại cũng rất nổi tiếng trong mạch viết này.
NBCT xuất bản lần đầu tiên năm 1990 tại nhà xuất bản Hội Nhà văn với tên gọi Thân phận của tình yêu. Trước đó nó đã được trích đăng trên tạp chí Tác phẩm văn học của Hội. Ngay năm sau nó được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học hàng năm (cùng với Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng). Đây là một giải thưởng đến nay vẫn được coi là “sáng giá” nhất của văn học Việt Nam mấy chục năm qua, trong đó hiển nhiên NBCT là nổi bật nhất, và việc trao được giải thưởng cho nó trong thời điểm bấy giờ cũng là một thắng lợi của tư duy đổi mới trong văn học. Nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam hồi đó, người có công lớn trong việc trao giải cho NBCT, đánh giá rất cao tác phẩm này. Ông viết: “Đây là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của một con người tìm lẽ sống hôm nay. Bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình. Cuốn sách này không mô tả chiến tranh. Nó “mô tả” một cuộc kiếm tìm nặng nhọc chính hôm nay. Hiện thực ở đây là hiện thực bên trong của một tâm hồn quằn quại và đầy trách nhiệm, quằn quại vì đầy trách nhiệm. Trách nhiệm lương tâm. Cuốn sách nặng nề này không bi quan. Vẫn thấm sâu ở đâu đó trong từng kẽ chữ của nó một âm hưởng hy vọng tiềm tàng, chính là vì thế. Anh đi tìm, nghĩa là anh còn hy vọng”[1]. Nhưng chỉ ít lâu sau giải thưởng, cuốn tiểu thuyết này đã bị phê phán vì bị cho là thể hiện u ám, sai lạc cuộc kháng chiến chính nghĩa và vinh quang của dân tộc. Một sự phê phán nặng nề, gay gắt. Tiêu biểu có thể lấy ý kiến của ông Đỗ Văn Khang, tiến sĩ mỹ học và phó tiến sĩ ngữ văn. Ông Khang phẫn nộ vì Bảo Ninh đã gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “cuộc chiến tranh Việt – Mỹ”, đã thể hiện người lính quân đội nhân dân như một lũ thất trận chứ không phải những người mang tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhân vật Kiên bị ông Khang kết tội như sau: “Đó là một kẻ chiến bại, tìm cách chạy trốn vào quá khứ để khư khư ôm lấy tâm trạng đổ vỡ mà không dám nhìn thẳng vào những khó khăn để dồn sức làm được một cái gì đó cho ngày mai”[2]. Sự phê phán bị đẩy tới mức mà Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cho nó nhưng rồi lại phải tự lên tiếng phủ nhận giải thưởng đó thông qua ý kiến của một số nhà văn ở trong ban giám khảo hồi ấy. (Mãi tới đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII năm 2005 nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trên diễn đàn đại hội mới phát biểu xin lỗi nhà văn Bảo Ninh về chuyện này). Vì vậy nó chậm được tái bản, khác với hai cuốn tiểu thuyết cùng được giải nêu trên. Cho đến tận bây giờ tác phẩm này vẫn còn bị “kiêng kị” ở một bộ phận độc giả hay một tầng lớp nào đó. Nhưng Thân phận của tình yêu / Nỗi buồn chiến tranh đã nhanh chóng được dịch ra tiếng nước ngoài, trước hết là tiếng Anh. Bản dịch Anh ngữ The Sorrow of War của Phan Thanh Hảo và Frank Palmos ra năm 1994 có lẽ là dịch bản đầu tiên. Từ đó đến nay tác phẩm này đã được dịch ra hơn mười thứ tiếng, và là một trong rất ít tiểu thuyết Việt Nam được dịch nhiều nhất. Nó đã được đón đọc và đánh giá cao ở nhiều nước.
Cuốn tiểu thuyết có dáng dấp tự truyện, nhân vật chính là Kiên, là người lính sống sót duy nhất của một trung đội trinh sát sau mười năm chiến trận, hết chiến tranh ở đội thu gom hài cốt đồng đội, rồi trở lại nhà sống cuộc sống hậu chiến bất ổn bất an, khi tất cả đã đổ vỡ. Toàn bộ cuộc đời anh đã bị dìm trong chiến tranh: “Theo dần năm tháng những luồng sinh khí chết ấy đã đậm lại trong lòng anh, hòa vào tiềm thức, trở thành bóng tối của tâm hồn anh. Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn chiến tranh” (tr. 27)[3]. Và Kiên viết văn trong những cơn dằn vặt hồi ức từ quá khứ đến hiện tại. Chiến tranh là chủ đề bao trùm cuốn tiểu thuyết, nhưng song hành cùng nó còn có chủ đề tình yêu và nghệ thuật. Đây là một tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam trong vòng hai mươi năm qua không chỉ là viết về chiến tranh, nó còn là sự chứng thực bề sau và bề sâu những biến động của xã hội và con người Việt Nam đi qua chiến tranh và cách mạng.
Phẩm chất lớn nhất của NBCT là nó đã thể hiện chân thực người lính, thân phận lính trong cuộc chiến, bất kể là ở chiến tuyến nào, mặc dù cố nhiên người lính cụ thể ở đây là lính Bắc Việt (hay còn gọi là lính Việt Cộng, để phân biệt với lính Mỹ, lính Cộng Hòa). Cuộc chiến được mô tả trong tác phẩm này không mang kèm một định ngữ nào, nó là chiến tranh với tất cả thảm trạng nghiệt ngã của nó, ở đó những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau. “Và tôi cũng như anh, cũng như mọi người lính thường khác của cuộc chiến tranh Việt – Mỹ, đã cùng chung một số phận, chia nhau đủ mọi cảnh ngộ thăng trầm, thắng bại, hạnh phúc đau khổ, mất và còn. Nhưng mỗi người trong chúng tôi bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng, mỗi người ngay từ ngày đó đã mang trong lòng một cuộc chiến tranh của riêng mình nhiều khi hoàn toàn khác với cuộc chiến đấu chung, những nhìn nhận mà sâu trong lòng cực kỳ khác nhau về con người, về thời đại chiến trận, và đương nhiên mỗi người một số phận hậu chiến. Có thể nói chúng tôi giống nhau ở chỗ là hoàn toàn khác nhau trong cái vẻ hoàn toàn giống nhau trong quá trình nặng nề đeo đuổi cuộc chiến”[4] (tr. 294).
Ở Việt Nam người ta nói: sau NBCT không thể viết về chiến tranh như trước đó đã từng viết được nữa.
II. Nỗi buồn chiến tranh ở Mỹ
Chính nhờ giá trị nhân bản này, cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh khi đến Mỹ đã nhận được sự đồng cảm và tiếp nhận tích cực. “Hội chứng Việt Nam” ở Mỹ sau cuộc chiến đang cần được giải phẫu và chữa trị. Như báo Anh The Guardian đã viết: “Một cuốn tiểu thuyết không thể đặt xuống. Bất kỳ nhà chính trị hoặc nhà hoạch định chính sách nào của Mỹ cũng cần nên đọc cuốn sách này. Nó lẽ ra phải được giải Pulitzer, nhưng đã không được. Nó quá hấp dẫn để xứng được thế”[5]. Những cựu binh Mỹ nói riêng và người dân Mỹ nói chung muốn được biết những con người ở phía bên kia, phía kẻ thù của mình, là như thế nào, để từ đó đi tìm câu trả lời giải thích và cắt nghĩa cho số phận và hậu quả cuộc chiến mà nước Mỹ đã bị lâm vào và phải bị rút ra. Vượt lên và vượt thoát khỏi sự tuyên truyền từ cả hai phía, tác phẩm NBCT trả lại bộ mặt người cho người lính tham chiến ở phía bên kia mà một thời chỉ được gọi là “gooks”, “Charlie”, hay “VC”. Một nhà phê bình Mỹ viết trên tờ Philadelphia Inquirerrằng cuốn tiểu thuyết ‘đã làm cho những người lính Bắc Việt thành ra con người” vì nó “rốt cục đã đặt một bộ mặt người khả dĩ chấp nhận được lên một nhóm người lâu nay không có mặt”[6] . Cách viết mang thái độ tàn nhẫn và khinh miệt, nhưng là đối với người Mỹ, để nói với người Mỹ. Nhà báo Kenneth Champeon khi điểm sách cuốn này đã diễn dịch ý kiến của nhà phê bình trên ra là: “Chúng ta chưa bao giờ thực sự coi những người đó là con người cho đến khi Bảo Ninh, một người Việt Nam và có lẽ là một con người, nói với chúng ta như vậy”[7]. Một nhà phê bình khác táo bạo hơn cho rằng NBCT “vượt lên trên tất cả các tác phẩm văn xuôi của Mỹ đã viết về cuộc chiến Việt Nam”[8] . Một cựu binh Mỹ viết sau khi mua NBCT năm 1999: “Tôi đã đọc sách này một cách do dự, nhưng sau trang đầu thì tôi đã bị móc vào nó. Là một lính thủy đánh bộ, tôi đã chiến đấu chống lại kẻ thù này vào năm 68 và 69 và đã có mặt ở Sài Gòn khi anh ta vào đấy năm 75. Tôi tự thấy mình có sự hối tiếc đối với những người lính Bắc Việt và chút gì đó xấu hổ vì đã gây ra những nỗi buồn mà anh ta đã viết ra. Cuốn sách này cần cho tất cả các cựu binh Việt Nam. Bạn sẽ thấy kẻ thù cũng y như chúng ta về mọi mặt”[9]. Gần đây nhất, ngày 3/10/2008, Dennis Mansker, thành viên của hội cựu binh vì hòa bình và hội cựu binh Việt Nam chống chiến tranh, tác giả sách A Bad Attitude: A Novel from the Vietnam War, đã bất ngờ khi được đọc NBCT. Ông chỉ mới mua một bản sao của sách này gần đây tại Sài Gòn, mua từ một phụ nữ bán hàng rong trên phố. Lúc đầu ông nghĩ là mua vậy thôi để giúp cho người bán có chút tiền. Nhưng khi trên máy bay về nước ông giở sách đọc thì không thể dứt ra được khỏi nó vì choáng váng và xúc động. Ông viết: “Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc về bi kịch của một người lính Bắc Việt bị tê liệt hết nhân tính của mình sau mười năm tham chiến. Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh trước nỗi đau mang tính phổ quát của những người lính ở mọi bên xung đột, và cuốn sách này là nên đọc đối với những ai chọn nghề “binh nghiệp”. Tôi đặc biệt giới thiệu nó cho các bạn bè cựu binh của mình; Bảo Ninh thực sự là “bạn chiến đấu” của chúng tôi, bất kể việc anh ta đứng ở phía bên kia. Hết sức giới thiệu”[10].
Khi đọc cuốn sách của Bảo Ninh, độc giả Mỹ thường so sánh với tác phẩm của các nhà văn cựu binh Mỹ, và rộng ra là đặt nó trong tương quan với các tiểu thuyết viết về chiến tranh nổi tiếng trên thế giới. Tác phẩm này kết hợp được ba yếu tố: một câu truyện cổ điển về chiến tranh (theo kiểu All Quiet on the Western Front), một câu truyện tình cổ điển (theo kiểu Love Story) và suy nghĩ của cá nhân về bản chất “cuộc sống”. Cho nên nhiều độc giả Mỹ khi đọc NBCT thường nhắc đến cuốn tiểu thuyết của Erich Remarque để khen ngợi và lấy làmđiểm quy chiếu cho cả Bảo Ninh và các nhà văn cựu binh Mỹ. NBCT được liên hệ, đối chiếu với A Rumor of War của Philip Caputo, Paco’s Story của Larry Heinemann, If I Die in a Combat Zonevà The Things They Carried của Tim O’Brien. Tác phẩm của Bảo Ninh đối với người Mỹ là lời chứng từ bên thắng. Nhưng Bảo Ninh cũng như Caputo sớm ra trận và sớm vỡ mộng về chiến tranh, chỉ khác là Caputo ở chiến trường có một năm còn Bảo Ninh thì trải mười năm. Và nhân vật Kiên cũng giống như nhân vật Paco bị cuốn đi trong dòng hồi tưởng về những đồng ngũ đã mất và kinh nghiệm bao lần cận kề cái chết ở chiến trường. Kiên thậm chí còn bị chấn thương thể xác và tinh thần mạnh hơn Paco, khi anh cảm nhận thấy sự thờ ơ và vô ơn của mọi người xung quanh đối với xương máu hy sinh của anh và đồng đội trong chiến tranh. Tập truyện ngắn The Things They Carried của Tim O’Brien có nhiều nét gần gũi với NBCT của Bảo Ninh. Cả hai đều là cựu binh của hai phía. Cả hai đều đưa kinh nghiệm chiến trận của mình vào văn học và đều chọn cách không vinh danh chiến tranh và sự nghiệp chiến tranh. Cả hai không tìm cách lăng nhục kẻ thù trong tác phẩm, mà cố gắng đưa lại cho người đọc những người lính sống thực, có nhân tính, ở cả hai phía. Vì từ hai phía họ hiểu rằng dù anh đứng ở bên nào, theo ai hay chống ai, rốt cuộc những con người thực là chết. Cái chết không chừa một ai. Cả Tim O’Brien và Bảo Ninh đều có viết về trường hợp đụng độ và đồng cảm giữa hai người lính ở hai bên chiến tuyến (không biết có cùng chịu ảnh hưởng của E. Remarque trong tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ không). Ở NBCT đó là câu chuyện của Phán về người “lính ngụy” bị anh đâm nhưng khi nghe anh ta kêu cứu thì anh đã chạy đi tìm bông băng nhưng khi quay lại thì không thấy cái hố hai người nằm chung lúc nãy đâu nữa, cả trận địa đã bị ngập tràn trong nước mưa. Còn người kể chuyện trong The Things They Carried đã giết chết một anh lính và cứ tự hỏi người đó có làm thơ không, anh ta người đó là người thế nào. Trong khi các đồng ngũ vui mừng trước cuộc giết ấy thì anh ta vẫn day dứt với ý nghĩ là mình đã cướp đi mạng sống của một con người. Như vậy, ở hai tác phẩm, hai tác giả đều cho thấy người lính phía bên kia cũng là nạn nhân của chiến tranh. Tim O’Brien có một nhận định rất đúng cho ông, cho Bảo Ninh, và cho những cái viết về chiến tranh của các cựu binh từ cả hai phía: “Các truyện về chiến tranh thực chất không phải bao giờ cũng viết về chiến tranh. Chúng không viết về bom đạn và mưu mô quân sự. Chúng không viết về chiến thuật, chúng không viết về các hố cá nhân và lều trại. Truyện chiến tranh, giống như bất kỳ truyện hay nào, rốt cuộc là viết về trái tim con người”[11].
Cảm nhận về một nền văn hóa khác tồn tại ở Việt Nam được thể hiện trong NBCT cũng đã được độc giả Mỹ chú ý. Susan L., một nữ quân nhân, đọc cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh rất chú ý đến vai trò phụ nữ trong chiến tranh, và thấy ra sự khác biệt văn hóa của hai đất nước qua việc thể hiện hình ảnh người phụ nữ ở vai trò đó. Bà viết: “Văn hóa phương Tây không thường mô tả phụ nữ là người bảo vệ quê hương mình và là chiến binh cho đất nước mình. Với tư cách một phụ nữ và là một phụ nữ làm lính tôi cảm thấy thân thuộc với những phụ nữ trong truyện này. Chưa ai từng bảo họ là họ không thể chiến đấu và chết cho tổ quốc mình. Tôi khâm phục họ. Tôi đã thấy cách họ được mô tả và tôi hiểu rằng trong nền văn hóa Mỹ của mình tôi có lẽ sẽ không bao giờ thấy được một chủ nghĩa anh hùng như thế. Phần lớn các nữ nhân vật trong tiểu thuyết này hoặc bị giết hoặc bị hãm hiếp, thế nhưng họ vẫn được phép coi là những anh hùng. Tôi thấy đây là sự khác nhau lớn giữa NBCT và các bộ phim, cuốn sách của Mỹ. Đọc sách này đã thêm một chiều kích mới cho cuộc chiến tranh Việt Nam đối với tôi. Tôi mừng là đã có cơ hội thấy được nhiều phía của vấn đề”[12]. Một bạn đọc khác lại quan tâm đến NBCT ở khía cạnh các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam như tình cảm cha con, việc chôn cất và tưởng nhớ người chết. Thái độ của Kiên đối với người cha họa sĩ, khi còn nhỏ anh không hiểu cha mình, không đồng cảm được với cảnh ngộ của ông, mãi sau này đi lính về anh mới hiểu ra và thương xót. Điều này cung cấp cho độc giả Mỹ thấy mối quan hệ cha con, rộng ra là quan hệ giữa các thế hệ, trong gia đình Việt Nam. Việc những người lính tử trận không được chôn cất tử tế, cẩn thận do hoàn cảnh chiến trường, nên biến thành những hồn ma lang thang, không nơi cư ngụ và thường ám ảnh Kiên, cũng thể hiện một nét văn hóa tâm linh Việt Nam đối với độc giả Mỹ. Đặt trong khung cảnh cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh, những khía cạnh này được độc giả Mỹ cảm nhận là cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi năm đã hủy hoại hệ thống giá trị của văn hóa Việt Nam. Đất nước, làng mạc, gia đình bị tan hoang trong chiến tranh. Sau chiến tranh văn hóa, lối sống của người Việt Nam phải xây dựng lại. Và nhân vật Kiên cho thấy hoàn cảnh khó khăn của người dân Việt Nam trước, trong và sau chiến tranh là thế nào.
Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh không phải dễ đọc, ngay cả đối với độc giả Mỹ. Lối viết theo “dòng ý thức” của nhân vật Kiên, đảo lộn trình tự thời gian, chắp nối, đứt đoạn sự kiện, lồng “truyện trong truyện”, đã khiến nhiều người khó theo dõi nội dung tác phẩm. Hầu hết các bài viết điểm sách, phê bình NBCT ở Mỹ đều nói tới điều này. Một số người còn nói thẳng là họ đã tính bỏ sách xuống sau vài trang đầu, nhưng rồi cố rán đọc và càng đọc thì mới càng thấy lôi cuốn, thấy hay. Thậm chí có độc giả mang tên (hay nickname) Shogun Len ở New York còn kể rằng đọc các bài điểm sách khen NBCT nên mua sách về và đọc hai lần, cả hai lần đều không thấy vào, đành bỏ. Người này nêu lý do là có thể do bản dịch, nhưng cũng có thể là do cách viết “dòng ý thức” nên thấy truyện cứ rời rạc, ngắt quãng. Theo Susan L. cuốn sách có một số điểm phi thực. Thứ nhất là vận may của Kiên khi anh sống sót được qua bao lần ốm đau, thương tích trong chiến tranh. Thứ hai là sự tương phản giữa bản tính tốt đẹp và hành động phá phách của con người. Thứ ba, phi thực nhiều hơn cả, là truyện các hồn ma. “Tôi hiểu và tôn trọng thực tế là các nền văn hóa khác nhau nhìn thế giới vô hình theo những cách khác nhau. Phương diện này của truyện khiến nó hai lần phi thực đối với tôi. Hồn ma không phải là một phần thường ngày trong thế giới của tôi và văn hóa của tôi nên tôi khó mà chia sẻ với phương diện này trong nhân tính của Kiên. Tôi tôn trọng cách nhìn của anh về các hồn ma nhưng tôi không liên kết được với sự hiện diện của chúng. Chúng không thực với tôi nên làm cho câu truyện có phần phi thực”, độc giả này viết[13].
Tóm lại, NBCT đến Mỹ là đã mang người lính ở hai bên chiến tuyến đến gần nhau, giúp hai bên hiểu nhau, nhìn nhau thấy cùng là con người, cùng chung thân phận người lính, khắc phục tâm lý một thời đối lập “họ” và “chúng ta”. Câu truyện của Kiên cũng là truyện của nhiều lính Mỹ, nhưng là được kể từ một người lính Bắc Việt, và khi mở sách ra người lính Mỹ và người dân Mỹ bắt gặp kẻ thù một thời và thấy – anh ta là chúng ta. NBCT khám phá cho nước Mỹ thấy một Việt Nam rất riêng về dân tộc và văn hóa và cũng rất chung về con người với những đức tính và phẩm chất phổ quát. Chính Bảo Ninh trong một lá thư gửi cho Marc Levy, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và đã gặp gỡ trò chuyện với nhà văn khi anh sang Mỹ, cũng nhấn mạnh điều này. Anh yêu cầu Marc Levy khi tường thuật lại cuộc trò chuyện giữa hai người phải nhấn mạnh được tính người, chất người của người lính Bắc Việt[14].
Đánh giá cao nhất NBCT ở Mỹ có lẽ là ý kiến của Leif A. Torkelsen (Columbus, OH United States) khi ông cho đây là cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay nhất thế kỷ XX. Torkelsen viết: “Liệt kê đầy đủ các phẩm chất của sách này ở đây là không thể. Liên quan đến văn học Việt Nam, đây là một tác phẩm ngoại hạng so với tất cả các tác phẩm khác cùng lĩnh vực. Liên quan đến văn học chiến tranh thì chỉ có Phía Tây không có gì lạ là may ra có thể so sánh được. Bảo Ninh đã viết nên bản tụng ca đẹp đẽ đầy ám ảnh về sự trong trắng bị mất đi trong dòng xoáy chiến tranh. Tuổi trẻ, tình yêu và nghệ thuật đều được mô tả kỹ lưỡng dưới ánh sáng gắt của ẩn dụ tối hậu đối với cuộc sống là chiến tranh. Hỗ trợ cho cách trình bày chủ đề không gì so sánh nổi của cuốn sách là thứ văn xuôi tuyệt vời của tác giả. Cuốn sách được viết bằng một văn phong nên thơ nhưng súc tích, nó là một mô hình tiết kiệm. Mỗi dòng của cuốn tiểu thuyết tương đối ngắn này chất chứa vẻ đẹp thẩm mỹ và chiều sâu tinh thần. Cuốn sách tràn đầy những suy tư thấu suốt về Việt Nam cũng như về tâm hồn con người. Đây là một trải nghiệm đọc không thể bỏ qua”[15]. Còn có một độc giả Mỹ khác đã nảy ra một ý tưởng độc đáo: chấm điểm NBCT là cuốn sách 4 sao trong bảng xếp hạng 5 sao (but overall I rate the Sorrows Of War a 4 star out of 5 star book!).
III. Nỗi buồn chiến tranh ở nhà trường Mỹ
Dễ hiểu là với nội dung tác phẩm và sự tiếp nhận như trên nên trong các chương trình giảng dạy ở Mỹ về chiến tranh nói chung, chiến tranh Việt Nam nói riêng, tác phẩm của Bảo Ninh thường được đưa vào danh sách bắt buộc phải đọc và phân tích. Chẳng hạn chương trình “Dạy văn học về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” (Teaching the Literature of the American War in Vietnam) do tiến sĩ Paul-William Burch phụ trách. Mục đích của chương trình là “làm quen với quá trình đọc kỹ và đọc liên văn bản, với các kiểu tư duy phân tích khác nhau và với thực tế diễn dịch cái đọc và cái nghĩ thành cái viết. Chúng ta sẽ đọc về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như đã được trải nghiệm và viết lại dưới hình thức văn học của những người tham chiến, tham dự, hoặc của những người cảm nhận hệ quả tức thì của nó lên cuộc đời họ – các cựu chiến binh, các y tá, các phóng viên. Thông qua việc đọc các thể loại khác nhau như hồi ức, tiểu luận, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và thông qua sự phản hồi đối với những cái viết đó, chúng ta sẽ tìm hiểu kinh nghiệm đó phong phú đến thế nào và các thể loại ghi lại kinh nghiệm đó khác nhau ra sao”[16]. Tài liệu cho chương trình học này (Texts for this Course) gồm có: Philip Caputo, Rumor of War; Lynda Van Devanter, Home Before Morning; Michael Herr, Dispatches; Susan Kramer O’Neill, Don’t Mean Nothin’; Bruce Weigl, Song of Napalm; Bao Ninh, The Sorrow of War; Tim O’Brien, If I Die in a Combat Zone, The Things They Carried; Tobias Wolff, In Pharaoh’s Army. Hay như ở chương trình “Chiến tranh Việt Nam trong văn học và văn hóa Mỹ” (The Vietnam War in American Literature and Culture) với mục đích khảo sát một số văn bản, cả hư cấu và phi hư cấu, cho thấy sự tác động liên tục của chiến tranh đến các cá nhân và nền văn hóa Mỹ, NBCT đã được đưa vào danh sách các tác phẩm yêu cầu phải đọc, cùng với William Calley, Lt. Calley, His Own Story; James Carroll, An American Requiem; Alex Garland, The Beach; Graham Greene, The Quiet American; Larry Heineman, Close Quarters; Tim O’Brien, The Things They Carried; Stewart O’Nan, The Names of the Dead; Tobias Wolff, In Pharaoh’s Army.
Trong chương trình lịch sử “The United States and Vietnam” do giáo sư Ellen Schrecker phụ trách tại trường Stern College for Women thuộc Yeshiva University (một đại học tư Do Thái ở New York City), NBCT cũng là tài liệu bắt buộc sinh viên theo học phải đọc, bởi trọng tâm chính của nó là nghiên cứu cuộc chiến tranh Việt – Mỹ trong hai thập niên 1960 và 1970.
Ở một chương trình khác tại đại học Richmon (ACS Vietnam Experience course), sinh viên được yêu cầu cụ thể đọc và viết về NBCT. Bản chương trình viết: “Cuốn tiểu thuyết này đã được giới phê bình Mỹ và báo chí quốc tế đánh giá cao. Nhiệm vụ của bạn trong bài luận là trình bày cảm nhận đối với câu truyện và tác giả trong bối cảnh chương trình học của chúng ta. Bài viết không dài quá ba trang đánh máy. Cần chú ý các câu hỏi sau khi đọc cuốn tiểu thuyết và trả lời chúng khi viết bài luận. Bảo Ninh có đưa ra được bức tranh hiện thực về tác động của chiến tranh đến cá nhân người lính không? Cuốn tiểu thuyết có tác động thế nào đến bạn với tư cách là một sinh viên đang học về cuộc chiến tranh Việt Nam? Đánh giá mức độ thể hiện kinh nghiệm chiến tranh riêng của tác giả trong tác phẩm này. Cơ sở lịch sử cho cuốn tiểu thuyết có dễ nhận thấy không? Cho thí dụ. Thêm nữa, bài luận cũng phải nêu lên nhận xét của bạn đối với tác giả, đối với câu truyện của ông ta, đối với các nhân vật và các chủ đề chính trong tiểu thuyết. Bạn sẽ phải đánh giá Bảo Ninh trong tư cách nhà văn, liên hệ tác phẩm của ông ta với các tác phẩm đã đọc khác cũng như với những chủ đề liên quan đã học, và thử lý giải vì sao cuốn sách này lại gây tranh cãi đến vậy khi lần đầu tiên xuất hiện ở nước CHXHCN Việt Nam. Do khuôn khổ bài luận không dài nên bạn không cần dùng đến những nhận xét của người khác về tác phẩm này. Đây là bài luận riêng của bạn và không phản ánh nhận xét của các độc giả khác”[17].
Để giúp cho sinh viên đi sâu tìm hiểu NBCT, trong một chương trình học khác, một đề cương chi tiết đã được soạn thảo với những nhận xét và gợi ý sơ bộ của giảng viên. Chẳng hạn, sinh viên được lưu ý đến những điểm sau khi tiếp cận tác phẩm của Bảo Ninh.
1. Cuốn tiểu thuyết tổ chức theo lối phi tuyến tính. Các sự kiện không tuân theo trình tự thời gian. Thay vào đó, những ý nghĩ và hồi ức của nhà văn sẽ tạo nên chuỗi hình ảnh và cốt truyện. Khi đọc, phải chú ý là có nhiều sự kiện có vẻ thần bí hay khó hiểu mà chỉ đến cuối sách mới rõ ra. Luôn phải nghĩ đến điều này: cách tổ chức cuốn tiểu thuyết như thế sẽ giúp ích gì cho việc thể hiện tâm lý của nhân vật chính?
2. Cuốn tiểu thuyết có một bối cảnh lịch sử phong phú. Chúng ta đã học một số cách thức làm điều này trong văn học Mỹ, bây giờ hãy áp dụng các kỹ thuật đó cho tác phẩm này. Bảo Ninh đã giúp bạn phần nào bằng cách ghi rõ ngày tháng (“Sài Gòn, 30 tháng Tư, ngày chiến thắng. Trời đổ mưa”), tên các trận đánh (Đồi thịt băm), tên các cuộc chiến (chống Campuchia). Hãy đọc cẩn thận để biết được đời sống Việt Nam trong chiến tranh.
3. Cuốn tiểu thuyết có thể được xem như sự phê phán các phương diện của cuộc chiến Việt Nam và hậu quả của nó. Bảo Ninh đã đưa những chính sách, sự kiện, chiến lược và mất mát nào ra trước mắt chúng ta?
Tiếp đó giáo viên đưa ra một số đề tài cho sinh viên lựa chọn viết bài luận về NBCT.
Người Mỹ.Cuốn tiểu thuyết thể hiện người Mỹ như thế nào? Quân đội Mỹ hiện ra dưới nhiều hình thức: không lực, GI, lực lượng hành động từ xa. Những cách biểu hiện này bổ sung gì cho những cái bạn đã đọc từ phía Mỹ?
Nhân vật. Cuốn tiểu thuyết dường như tập trung vào nhân vật hơn là cốt truyện. Kiên, Phương và những người khác được trình bày và triển khai thông qua các câu truyện và các phần của sự kiện. Xem các nhân vật này như những điển hình hay ví dụ của kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam. Họ biểu lộ điều gì?
Lạc địa. “Dystopia” nghĩa đen là “chỗ xấu”. Nhiều cuốn tiểu thuyết chiến tranh thể hiện chiến trường là hệ thống ác mộng, là nơi kinh hoàng và phù phiếm. Trong cuốn tiểu thuyết này sự thể hiện chiến trường có gì khác? Hầu hết các tiểu thuyết chiến tranh đều đối lập “lạc địa” (dystopia) với “không tưởng” (utopia), điều này cần chú ý.
Gia đình. Các tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX thường dùng khung cảnh một gia đình riêng lẻ đang trong cơn nguy khốn để ẩn dụ cho cả dân tộc. Hãy chú ý cẩn thận tới hoàn cảnh của bố mẹ Kiên, quan hệ của anh với Phương, những điều các thành viên trong gia đình chờ đợi ở tương lai, và số phận sau cùng của họ. Hãy ghi nhớ vấn đề trách nhiệm của con cái, vai trò của những người lớn khác, sự chờ đợi ở hai giới. Hãy ghi nhớ ý nghĩa của tổ tiên và việc quan tâm đến họ trong xã hội Việt Nam khi bạn đọc hai trang đầu tiểu thuyết nói về việc chôn cất không tử tế.
Giới. Hai giới được khắc họa trong tiểu thuyết như thế nào? Vai trò của họ thay đổi ra sao trong suốt tiến trình cuộc chiến? Nỗi đau của phụ nữ quan trọng thế nào đối với cốt truyện của tiểu thuyết? Khi nào chúng ta đã thấy phụ nữ Việt Nam là những chiến binh?
Hình ảnh. Cuốn tiểu thuyết dựa vào một hệ thống hình ảnh thu hút sự chú ý của bạn đến một số vấn đề, sau đó là neo lại suy nghĩ của bạn qua suốt chiều dài tác phẩm. Hãy bắt đầu với một vấn đề: nước. Trong nhiều nền văn hóa nước thể hiện sự kết hợp của thay đổi và phì nhiêu. Chú ý là cuốn tiểu thuyết mở đầu ở bên sông. Cái gì làm cho tác phẩm gắn với nước? Phải để mắt tới điều này!
Đất đai. Hãy nhớ lại đất đai có vai trò trung tâm thế nào đối với xã hội Việt Nam, từ việc sống đời bằng nông nghiệp đến kinh nghiệm dùng núi rừng làm căn cứ địa. Điều gì đã xảy đến với đất đai Việt Nam trong cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh? Có nhiều câu trả lời.
Tôn giáo. Cuốn tiểu thuyết đề cập nhẹ nhàng đến các vấn đề tôn giáo. Cảnh tượng bàn thờ lặp đi lặp lại gợi cho bạn là độc giả nghĩ tới điều gì khi chúng hiện ra? Tên gọi cuốn tiểu thuyết lặp lại ít nhất bảy lần (ở các trang 25, 87, 94, 126, 173, 192, 232 bản tiếng Anh) có gợi nên một sự phê phán mang tính chất Phật giáo đối với bạn không?
Phong cách. Mặc dù cuốn tiểu thuyết ở đây là bản dịch, nhưng từ ngữ tiếng Anh vẫn giữ được những chiến lược phong cách nhất định. Các nhân vật sử dụng những từ ngữ khác nhau để diễn tả thái độ của họ đối với cái chết. So sánh những nhận xét nhẹ nhàng hay thoáng qua với giọng điệu bi thương nặng nề của người kể chuyện. Dù Bảo Ninh đã cẩn thận thêm vào khá đủ các chi tiết để làm nền cho độc giả trong những cảnh ông vẽ ra, nhưng phong cách của ông vẫn thường mang tính cú pháp. Nghĩa là người đọc phải bổ khuyết những gì xảy ra mà không được nói ra, ở giữa các dòng chữ. Chẳng hạn, trong cảnh cuộc tấn công tay không của Kiên ở trang 17, văn bản không cho ta biết phản ứng của Kiên ra sao đối với thắng lợi của anh ta; dựa vào những điều ta biết về nhân vật, ta phải hình dung ra phản ứng của anh ta. Hay như trong cảnh câu truyện đau đớn và tình yêu ở các trang 53-55 ta không bao giờ đọc thấy cảm xúc của Kiên: anh ta đáp lại câu truyện rồi bày tỏ tình yêu ra sao? Chúng ta phải suy ra. Ta càng thường suy luận, các chi tiết càng hiện ra nhiều, thì cuốn tiểu thuyết càng trở nên phong phú.
Không tưởng. “Utopia” nghĩa đen là một nơi ngọt ngào, và một nơi không có. Đáng ngạc nhiên là nó thường vang lên trong văn học gắn với những cảnh lạc địa, nhiều cuốn tiểu thuyết chiến tranh thể hiện chốn không tưởng là những không gian của an lành, tốt đẹp, sung túc. Bảo Ninh đã cho thấy một số chốn không tưởng như vậy, thí dụ ở đầu trang 196 ông thể hiện sự khủng khiếp của chiến tranh đối nghịch với những gì đã mất. Cuốn tiểu thuyết cũng cho ta thấy những giấc mơ không tưởng của một số người Việt Nam, như ở trang 57; rõ ràng là tác phẩm phê phán họ.
Tác phẩm và nhà văn. Mặc dù dễ làm, nhưng đừng cho rằng người kể chuyện và nhà văn là một người. Tách bạch họ ra. Đến cuối truyện anh sẽ hiểu vì sao. Điều gì là rất quan trọng đối với quá trình viết cuốn tiểu thuyết này? Nó gợi lên điều gì?
Giảng viên cũng nêu lên ba đoạn trong NBCT mà các sinh viên phải đặc biệt chú ý.
Đoạn ở trang 18 khi Kiên đang ở chiến trường được báo tin mình được cử ra Bắc đi học trường sĩ quan lục quân. Anh không muốn đi vì “không chịu trở thành hạt giống cho những vụ mùa chiến tranh liên miên”. Anh chỉ muốn “được yên thân, chết một cách yên thân, yên với số phận con sâu cái kiến của chiến tranh”. Đoạn này người kể chuyện phác ra quan điểm của những người lính Bắc Việt đã tham chiến. Nó mang tính phê phán mạnh đến mức nào? Và ẩn dụ ác mộng nào ở đây đã tổ chức toàn bộ tác phẩm?
Đoạn ở trang 92-93, câu chuyện của nhân vật Phán kể về cái chết của anh “lính ngụy” bị thương giữa bãi chiến trường chìm ngập trong mưa. Cảnh này đồng vọng với một cảnh trong cuốn tiểu thuyết nối tiếng Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Đức Erich Remarque. Một người lính Đức trong Thế chiến I đã đâm lê vào một người lính Pháp, và suốt đêm ở cạnh người lính bị thương và chết đó trong một cái hố. Suốt thời gian ấy thái độ của người lính Đức đối với người lính Pháp đã đi từ căm thù sang yêu thương rồi lại căm thù. Bảo Ninh đã lấy lại cảnh nổi tiếng này và biến đổi ra sao? Một nhà văn cựu binh Mỹ là Tim O’Brien cũng đã viết một cảnh tương tự trong tác phẩm “The Man I Killed”.
Đoạn ở trang 228-233 kết thúc tác phẩm, nơi nói về kết cấu của cuốn tiểu thuyết và bình luận về nội dung của nó. Đoạn này cho thấy điều gì về bản chất của hồi ức cũng như về cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai?
Sau đây là cảm nhận của các giáo viên và sinh viên Mỹ về NBCT.
Carol A. Daeley (Texas) viết: “Tôi mua cuốn tiểu thuyết này từ một cậu bé ở một góc phố Hà Nội. Ngay từ những trang đầu nó đã ám ảnh tôi và khiến tôi kinh ngạc. Trước đây tôi đã có lúc dạy một chương trình về văn học Thế chiến I; NBCT lập tức gợi tôi nhớ lại Phía Tây không có gì lạ, nhưng vì cuộc chiến tranh Việt Nam đã chi phối cuộc đời tôi trong độ tuổi hai mươi nên cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh thậm chí còn trực tiếp hơn, vừa tàn nhẫn vừa nên thơ. Tôi quyết định, với một chút lo lắng, sẽ triển khai một chương trình văn học nhập môn về văn học chiến tranh thế kỷ XX, tập trung vào Thế chiến I và Việt Nam, lấy cuốn tiểu thuyết này làm tài liệu giảng dạy. Phong cách tự sự và trình tự thời gian của tác phẩm là khó; tôi sợ là các sinh viên sẽ mất kiên nhẫn với nó. Nhưng giờ đây tôi đã dùng nó trong bốn lớp và nó đã dễ dàng trở thành cuốn sách yêu thích của các sinh viên. Nó đặc biệt có hiệu quả khi chỉ cho họ thấy rằng “chiến tranh Việt Nam” đối với chúng tôi thì lại là “chiến tranh chống Mỹ” đối với phía “kẻ thù” và rằng không chỉ có người Mỹ mới đau khổ và chết ở đấy. Trong chừng mực nào đó, hầu hết các sinh viên khi ra trường đều biết mọi điều về cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng chỉ là biết từ cái nhìn của người Mỹ; nhân vật Kiên đã kéo họ ra khỏi quan điểm chật hẹp ấy để nhận biết được bi kịch mà nước Việt Nam đã phải chịu đựng. Cuộc vật lộn trong mê cung hồi ức của mình làm cho Kiên trở nên con người sống thực; thực tế là một sinh viên của tôi đã nói rằng cô ấy quên mất anh ta là người Việt Nam, tôi hiểu đấy là cô sinh viên muốn nói rằng Bảo Ninh đã đạt tới một tầm phổ quát trong việc khắc họa chân dung một con người trẻ tuổi bị chiến tranh tàn phá. Đây là cuốn tiểu thuyết tôi có thể nói không hề dè dặt là tôi yêu nó, thậm chí dù là khó đọc. Nó chắc cũng sẽ nổi tiếng rộng rãi như Phía Tây không có gì lạ, mà có khi còn là cuốn tiểu thuyết xuất sắc hơn”[18].
Susan L (Birmingham): “Cuốn sách này đã tác động lớn đến tôi với tư cách một người đọc và một sinh viên học về chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách này đã đưa lại cho tôi một cái nhìn nhân bản hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi hình dung nó đưa lại cho các độc giả khác một cái nhìn phi nhân hóa về chiến tranh. Đọc cuốn sách này là quay mặt sang phía khác của cuộc xung đột. Đọc sách này khiến tôi như trông thấy quang cảnh, ngửi thấy mùi vị và nghe thấy âm thanh của chiến tranh. Sau khi đọc sách này tôi sẽ phải kiếm thêm những tác phẩm khác cùng thể loại. NBCT là một tác phẩm rất có ý nghĩa trong tâm trí tôi. Nó là cuốn sách buồn bã xé toạc mọi hy vọng nhưng vẫn mang độc giả đến niềm mong muốn một điều gì đó nữa cho các nhân vật. Là một giáo viên lịch sử tương lai và một sinh viên nghiên cứu về thân phận con người tôi hy vọng có cơ hội chia sẻ cuốn sách này với các thế hệ sau. Phía Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên nhưng chúng ta cũng cần phải bảo đảm rằng phía Việt Nam trong cuộc chiến tranh của Mỹ cũng không bao giờ bị quên lãng”[19].
Như vậy, NBCT đã đến nước Mỹ như một sứ giả của hòa bình. Từ một tác phẩm văn học nó đã trở thành một tư liệu lịch sử không thể thiếu cho các giới phân tích chính trị, xã hội, lịch sử và văn hóa Mỹ trong quá trình tìm hiểu và nhận thức về một giai đoạn lịch sử của nước Mỹ dính líu và can thiệp vào Việt Nam. Nó là sự bổ sung cần thiết cho dòng văn học viết về chiến tranh Việt Nam của các cựu binh Mỹ[20]. Văn học chiến tranh đã được giảng dạy trong các trường đại học Mỹ như một đề tài quan trọng. Từ đây ta hiểu vì sao NBCT lại được chú trọng phân tích như vậy. Điều này là trái ngược với giáo dục ở Việt Nam. NBCT chưa hề được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, ngay ở bậc đại học. Khi mà trong xã hội tác phẩm xuất sắc này vẫn còn bị những nghi ngại và phê phán, thì việc giảng dạy nó quả là một điều “không tưởng”. Nhưng ngay cả đặt nó trong một chuyên đề giảng dạy về văn học chiến tranh Việt Nam, bao gồm tác phẩm cả của các nhà văn trong nước và các nhà văn nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, để phân tích, đối chiếu kỹ lưỡng, thì theo chỗ tôi biết một chuyên đề như thế cũng chưa hề có trong chương trình văn của các đại học. Mà đấy lại là một chuyên đề quan trọng, cần thiết và hữu ích, không thể không có, chung cho sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung, và riêng cho các ngành văn khoa và Việt Nam học. Người Mỹ đã hiểu thêm người Việt Nam, cuộc chiến Việt Nam, lịch sử và văn hóa Việt Nam qua NBCT (cùng một số tác phẩm khác của các nhà văn Việt Nam khác) thì người Việt Nam càng cần phải đọc NBCT trong tương quan với tác phẩm của các nhà văn cựu binh Mỹ để hiểu thêm về đất nước mình, cuộc chiến của mình, cũng như hiểu sâu, hiểu rõ hơn phía bên kia. Đó là một trách nhiệm lịch sử. Đó còn là một sự thúc đẩy cho mối quan hệ của hai nước Việt Nam và Mỹ ở một thời kỳ lịch sử mới nói chung, và nói riêng là cho sự phát triển của ngành Hoa Kỳ học ở Việt Nam.
Phạm Xuân Nguyên
[1] Nguyên Ngọc, “Cuốn tiểu thuyết về một cuốn tiểu thuyết”, tạp chí Cửa Việt, Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị, số 7 (4/1991), tr. 68-72.
[2] Đỗ Văn Khang, “Nghĩ gì khi đọc tiểu thuyết Thân phận của tình yêu”, báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam, số 43 (26/10/1991).
[3] Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh (tái bản), Nxb Hội Nhà Văn, H. 2005. Các số trang trích dẫn lấy theo bản này. “As time passed, those dead breathes become deep-rooted in Kien’s mind, mixed into his consciousness, became shadow of his soul. Over a long period of time, in his memory, numerous beloved dead souls silently and gloomily dragged into his life the sorrow of war” (Translated by Phan Thanh Hao, Vo Bang Thanh with Katerina A. Peirce).
[4] “And both he and I, like the other ordinary soldiers of the American-Vietnamese war, had shared one fate. We’s shared all the vicissitudes, the defeats and victories, the happiness and suffering, the losses and gains. But each of us had been smashed by the war in a different way. Each of us carried in our heart a separate war which in many ways was totally different, despite our common fighting. We had different memories of people we’d known and of the war time, and we had had different destinies during the postwar time. It was possible to say that our similarity to each other stemmed from the fact that we all had paintful difficult destinies following the war” (Translated by Phan Thanh Hao, Vo Bang Thanh with Katerina A. Peirce).
[5] “An unputdownable novel. This book should be required reading for anyone in American politics or policy-making. It should win the Pulitzer Prize, but it won’t. It’s too gripping for that.” (www.amazon.com).
[6] “make[s] North Vietnamese soldiers human” – it “finally put[s] an acceptable human face on a group of people long without one.”
[7] “We never really considered these people to be human until Bao Ninh, Vietnamese and presumably human, told us so.”
[8] It “vaults over all the American fiction that came out of the Vietnam War.”
[9]“I read this book with hesitation, but after the first page I was hooked. As a Marine SSgt.,I fought against this enemy in 68 and 69 and was there in Saigon when he took over in 75. I found myself feeling sorry for the soldiers of the North, and somewhat ashamed of having caused some of the sorrows he wrote about. This book is a must for all vietnam Veterans. You’ll see the enemy was just like us in every way.”
[10]“It’s an astonishingly honest and brutal depiction of the tragedy of a North Vietnam soldier desensitized to his own humanity after ten years at war. It’s about time that the world woke up to the universal suffering of soldiers on all sides of a conflict, and this book ought to be required reading for anyone considering a “career” in the military. I especially recommend it to my fellow Vietnam veterans; Bao Ninh truly is our “brother in arms”, regardless of the fact that he was on the other side. Highly recommended.” (www.amazon.com).
[11] “War stories aren’t always about war, per se. They aren’t about bombs and bullets and military maneuvers. They aren’t about tactics, they aren’t about foxholes and canteens. A war story, like any good story, is finally about the human heart.”
[12] “Western culture does not regularly portray women as defenders of their homes and warriors for their country. As a woman and as a woman who was a soldier I felt a connection to the women in this story. No one ever told them they could not fight and die for their country. I admired them. I saw the way they were portrayed and realized that in my American culture I would probably never see such heroism. Most of the heroines in this novel were either killed or were raped and yet they were still allowed to be those heroines. I see this as a large difference between The Sorrow of War and American made movies and books. Reading this book has added a new dimension to the Vietnam War for me. I am glad I had the opportunity to see the many sides of the issue.” (www.amazon.com).
[13]“I realize and respect the fact that other cultures view the non-physical world in different ways. This aspect of the story gave it an unrealistic twist for me. Spirits and ghost are not an everyday part of my world and my culture so it was hard for me identify with this aspect of Kien’s humanity. I respected his outlook about ghosts and spirits but did not connect with the realization of them. They are not real to me so that brought an unrealistic aspect to the story.” (www.amazon.com)
[14] Marc Levy, “An Interview with Bao Ninh”, (www.vvaw.org).
[15]“To fully enumerate the qualities of this book would be impossible here. As far as Vietnam literature is concerned, this book out-classes all other works in the field. As far as all war literature is concerned, only “All’s Quiet on the Western Front” can even compare. Bao Ninh has produced a hauntingly beautiful eulogy to innocence lost in the maelstrom of war. Youth, love and art are all tenderly portrayed in the hard light of that ultimate metaphor for life, war. Supporting the book’s incomparable handling of its subject is the author’s superb prose. The book is written in a poetic, yet terse, style that is a model of economy. Every line of this relatively short novel is laden with aesthetic beauty and spiritual depth. The book abounds with insights about Vietnam as well as about the human spirit. It is a reading experience not to be missed.”
[16] “Our goals are to become familiar with the processes of close and intertextual reading, with different modes of analytical thought, and with the practice of translating reading and thinking into writing. We will read about the American War in Viet Nam as experienced and given literary form by those who fought it, reported it, or otherwise felt its immediate effects in their lives—combat veterans, nurses, journalists, etc. By reading various genres including memoirs, essays, novels, short stories, and poetry and by responding to this writing, we will study how any experience is multitudinous and how genres manipulate experience in different ways.”
[17]“This recent novel has been well received by critics in the American and international press. Your task in your review is to react to the story and the author as writer in the context of our course. The review should be no more than three typed pages in length. It should not consist primarily of a summary of the novel, although you should be able to handle details of the plot, story, and characters accurately in both your review and in the class discussion. Consider the following questions as you read the novel, and respond to them as you write your review. Does Bao Ninh offer a realistic picture of the war’s impact upon the individual soldier? What is the impact of the novel upon you as a student of the Vietnam War? Explain to what extent the author’s own war experiences seem to be reflected in the novel. Is the historical base for the novel easily discoverable? Use examples. In addition, your review should feature your own reactions to the author, his story, his characters, and major themes in the novel. You should evaluate Bao Ninh as a writer, relate his book to other readings and relevant class topics as appropriate, and attempt to explain why this book was so controversial when it first appeared in the Socialist Republic of Vietnam. Because of the restrictions on the length of your review, you are not required to utilize the comments of earlier reviewers of this work. Your review should be your own work and should not reflect the judgments of other readers.” (www.amazon.com)
[18] “I bought this novel from a little boy on a Hanoi street corner. From the first page, it haunted and astonished me. In the past, I have sometimes taught a course on the literature of WWI; “Sorrow of War” immediately reminded me of “All Quiet on the Western Front,” but because the Vietnam War dominated my life in my 20s, Bao Ninh’s novel was even more brutally, poetically immediate. I decided, with some trepidation, to develop an introductory literature course in 20th-century war literature, concentrating on WWI and Vietnam, and using this novel. The narrative style and chronology are difficult; I feared students would lose patience with it. But I’ve now used it in four classes and it has been, hands down, the favorite of my students. It has been especially effective in showing them that the “Vietnam War” for us was the “American War” for our “enemy,” and that not only Americans suffered and died there. To the extent that most students coming out of high school know anything at all about the Vietnam War, they know it from an American point of view only; Kien blows them out of that closed viewpoint into an awareness of the tragedy Vietnam suffered. Getting caught up in the labyrinth of his memories makes him a real presence; in fact, one of my students commented that she kept forgetting he was Vietnamese, which is I suppose one way of saying that Bao Ninh has caught something universal in his portrayal of that destroyed young man. This is a novel about which I can say, with no reservation, that I love it, even though it is painful to read. It deserves to be as widely known as “All Quiet on the Western Front”; it is an even better novel.” (www.amazon.com)
[19] “This book had a huge impact on me as a reader and as a student of the Vietnam War. This book gave me a more human look at the Vietnam War. I imagine that it gave other readers a dehumanizing look at the war. Reading this book put a face on the other side of the conflict. Reading this book made sights, smells and sounds about war come alive for me. After reading this book I have sought other works in the same genre. The Sorrow of War is a hugely significant work in my mind. It is a depressing book that rips away any hope and yet it still brings the reader forward hoping for something more for the characters. As a future teacher of history and a student of the human condition I hope for an opportunity to be able to share this book with further generations. The American side of the Vietnam War will never be forgotten but we need to make sure that the Vietnamese side of the American War is also never forgotten.”
[20] Xem: Susan Farrell (Department of English, College of Charleston), “The Literature of the Vietnam War”. Bản dịch tiếng Việt của tôi đăng báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần (12/9/2008).