Năm 1975 là năm khép lại một thời kỳ lịch sử vinh quang của dân tộc, cũng là năm mở ra một thời kỳ mới cho sáng tác văn học trong yêu cầu tái tạo lại thời kỳ lịch sử này.
Sự chú ý của bạn đọc đối với những tác phẩm ra đời trong vài năm trở lại đây đã nói lên điều này. Ký sự miền đất lửa, Những người đi tới biển, Đường tới thành phố, Đất trắng v.v… phải chăng là những cột mốc đánh dấu một sự chuyển mình trong xu hướng vươn gần tới hiện thực đời sống. Riêng trong lĩnh vực tiểu thuyết chiến tranh thì việc kết thúc chiến tranh, trước tiên cũng đã tạo ra một tiền đề cho sự chuyển hướng. Rõ ràng viết sau chiến tranh, phải khác với viết trong chiến tranh, điều đó, không phải chỉ là nhu cầu của độc giả mà còn là của chính các tác giả.
Có thể giải thích những gì mắt thấy tai nghe, bao năm nay từng nung nấu âm ỉ trong lòng nhưng chưa có thời gian, chưa có điều kiện để người chiến sĩ, trước khi có mong muốn trở thành nghệ sĩ, muốn ghi lại, như một sự trả ơn đối với đồng đội. Sự hình thành đội ngũ viết rất trẻ lần đầu làm quen với thể loại này như Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Chu Văn Mười… bên những nhà tiểu thuyết đã được khẳng định như Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Hồ Phương v.v… đã đem đến cho mảng đề tài này một sắc điệu mới. Bạn đọc đã quen với lối viết mực thước của Hồ Phương, nay lại thấy quý những trang hiện thực gồ ghề, đôn hậu tuy còn có phần “cổ điển” của Nguyễn Trọng Oánh. Bên vẻ góc cạnh, ngang tàng kiểu Chu Lai, có cái tươi trẻ, trữ tình trong mạch văn của Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy… Nguyễn Minh Châu, cho đến thời điểm này vẫn tỏ ra là người nhạy cảm với những vấn đề của đất nước. Không ai giống ai. Nhưng cũng chẳng ai khác ai. Từ góc độ của mình, bằng thủ pháp của mình, những trang viết của các anh nhằm trước hết ghi lại, sau nữa, là để nói với hôm nay những gì đã tác động sâu xa đến đời sống hơn 30 năm của dân tộc.
Cố nhiên, nét cơ bản để làm nên sự đổi mới của một giai đoạn không phải chỉ với những dấu ấn mới của phong cách. Điều quan trọng là với phong cách ấy, người viết giúp ta hiểu về thời đại ấy ra sao.
Có cảm giác khá rõ về sự ùa vào của hiện thực và sự kiện lịch sử trong tác phẩm. Con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Cuộc chiến đấu chống sự phong tỏa cảng Hải Phòng. Cuộc tổng tiến công Mậu thân đợt 2. Hải quân và bộ đội tinh nhuệ. Những vấn đề của chiến trường và hậu phương, những câu chuyện diễn ra trong chiến tranh và sau chiến tranh… Đề tài cũ trở thành chật hẹp. Nhà văn tìm đến những miền đất hoang trù phú, chưa được khai thác.
Trước đây, do nhiều nguyên nhân, nhà tiểu thuyết của ta nặng về mô tả cái anh hùng của đời sống. Chúng ta cảm thông với hoàn cảnh sáng tác trong điều kiện chiến đấu cực kỳ gian khổ của người viết. Mặt khác, cũng là do yêu cầu động viên, cổ vũ cho cuộc chiến đấu bằng những tấm gương anh hùng.
Quan điểm nhìn cuộc sống trong sự phát triển đa chiều, và biện chứng của nó thể hiện trong các tiểu thuyết gần đây là một khuynh hướng mới. Các nhà văn đã tả được cái sống đang cựa quậy, cái ngổn ngang, trần trụi của chiến trường, cái giản dị mà quyết liệt của người lính. Hiện thực nghiệt ngã của chiến tranh trong Đất trắng đâu có đơn giản làm cho người đọc hoang mang, bi lụy. Những chuyện đời trong Biển gọi: chuyện tình yêu bị đánh lừa, hoặc phản bội, chuyện hậu phương… cũng chính là một trong những nguyên nhân tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm này. Chu Lai với những trang viết rất thơ về tả cảnh nhưng gân guốc về cuộc đời đã cho người đọc hiểu rõ hơn về người lính đặc công với sức chịu đựng tuyệt vời mà khả năng con người có thể vươn tới. Những gian khổ, hy sinh, đói khát những đào thải trong cuộc sống kể cả những thất bại trong chiến đấu và trong việc dùng người được thể hiện một cách trực tiếp… ấy là do khoảng lùi của thời gian, do hoàn cảnh mới của đời sống sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước? Nhưng điều quan trọng là ở lòng tin, ở chủ nghĩa lạc quan như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm nên chỗ dựa. Mọi thắng lợi trong chiến đấu đều phải trả bằng giá máu. Và thắng lợi đều do con người làm ra. Đó là những con người, dẫu còn những mặt này mặt kia khiếm khuyết, dẫu còn nặng gánh gia đình và trĩu nặng ưu tư, nhưng tất cả, biết hy sinh và dẹp xuống những đòi hỏi của cuộc sống cá nhân. Những trang nói về nỗi nhớ hậu phương, nỗi nhớ gia đình, nỗi buồn về tình yêu, tình vợ chồng đã làm sáng thêm cái phần thật của con người, của tác phẩm.
Chính là không có sự né tránh mà khi miêu tả chủ nghĩa anh hùng các tác giả đã gây được sự thuyết phục hơn đối với độc giả. Điều này người đọc cảm nhận được qua không ít hình tượng như Ba Kiên trong Đất trắng, Linh trong Nắng đồng bằng, Hùng trong Biển xanh và một số nhân vật khác. Các tác giả đã có sự giải thích rõ cho thấy con người vừa là chủ nhân, lại vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, để có thái độ khách quan hơn trong việc đặt ra những vấn đề mà trước đây văn học ít có điều kiện để nói.
Trong cuộc đời, người lính đi vào chiến tranh với niềm tin vững chắc sẽ chiến thắng quân thù và trở về, đồng thời là đi vào một cuộc đối mặt thực sự với cái chết. Nhưng chính những người lính ấy lại nhận thức rất rõ về sự thắng lợi có tính tất yếu, về sự hy sinh và chuẩn bị đầy đủ nếu nó đến với mình. Suy nghĩ biện chứng đó làm nên cái nguồn thực cho sức chiến đấu của người lính và cũng là cơ sở của chủ nghĩa anh hùng của dân tộc chúng ta. Nhưng trước đây, trong không ít tác phẩm của ta, điều này chưa được nói đến một cách rõ nét. Nên chăng có thể ví chủ nghĩa anh hùng trong con người Việt Nam như một thấu kính. ánh sáng rơi vào đúng tiêu điểm, thấu kính sẽ phát sáng. Nhưng cũng cần thiết soi ánh sáng vào những chỗ khác, những chỗ khả năng phát sáng không lớn lắm. Để vì thế mà con người được khai thác toàn diện hơn.
Chiến tranh như một guồng máy khổng lồ luôn thu hút và sàng lọc mọi giá trị con người. Ở đây, có người anh hùng, có người sợ chết, có kẻ phản bội. Chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu như một căn bệnh có không ít ở một số người, giữa hiện thực khốc liệt vẫn có đất để luồn lọt. Ở các mức độ khác nhau, các tác phẩm đã đề cập, lên án nó. Ở hậu phương, đó là sự quan liêu và trì trệ (của trung tá Lệnh), là cách sống chạy theo những thú vui nhỏ mọn tầm thường (của Duyên trong Biển gọi). ở chiến trường đó là sự hèn nhát (Lựu), cao hơn là một sự gắng gỏi leo lên bậc thang địa vị bằng giá máu của đồng đội, hoặc một sự phản bội đáng để xử bắn (Kiên trong Nắng đồng bằng hay Tám Hàn trong Đất trắng).
Tính chân thật đó còn được nói đến trong khi mô tả hậu phương. Phải kể đến Lửa từ những ngôi nhà của Nguyễn Minh Châu như một bài thơ về trái tim, về tấm lòng của những người vợ bộ đội. Đó là một nét cơ bản trong đời sống hậu phương những năm 60 với hình ảnh những cô gái đến với tình yêu người lính như đến với lý tưởng cuộc đời (Ngọc Lý trong Biển gọi, Cúc trong Biển xanh). Nhưng cuộc sống không giản đơn, Mạc (trong Năm 1975, họ sống như thế), Đạt (trong Trong cơn gió lốc), Linh (trong Nắng đồng bằng) có nỗi đau thâm trầm về người vợ, người yêu không chung thủy. Điều đó có lý do khách quan trong hoàn cảnh chiến đấu gây nên sự xa cách, nhưng chủ yếu nằm trong sự đổi thay, sự biến đổi ở tâm lý, tính cách con người. Dù sao cũng phải nhìn cho “công bằng” để thấy ngay ở những người gọi là “không chung thủy” đó, khi chiến đấu xảy ra, họ lại nhảy bổ ra trận địa để tiếp đạn hoặc trong cương vị công tác của mình đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc đánh giá con người một cách không đơn giản thể hiện trong một số tác phẩm khi viết về hậu phương.
Trong sáng tác, điều quan trọng đối với nhà văn là viết cái gì. Khuynh hướng chọn đề tài thể hiện rõ thái độ của nhà văn đối với cuộc sống. Nhưng một vấn đề khác không kém phần quan trọng là viết để làm gì và viết như thế nào? Tôi nghĩ, những trang viết mô tả chiến tranh ngắn gọn mà lột tả được cái gay gắt, dữ dội của Nguyễn Trọng Oánh, không thể giống cách nhìn chiến trường của Xuân Vũ trong Đường đi không đến. Cùng một hiện thực, nhưng hiện thực đó, thông qua hai cách nhìn của người viết mà có những hiệu quả nghệ thuật khác nhau, hoặc trái ngược nhau.
Có thể nói Nguyễn Minh Châu với những vấn đề của đất nước sau chiến tranh trong Miền cháy đã có một cách nhìn khá thấu đáo. Anh không đặt vấn đề về sự hy sinh mất mát qua chính bản thân những người đã chết. Vấn đề là ở người còn sống, cụ thể là người phụ nữ: hết cha, đến chồng, rồi lại đến con hy sinh. Tưởng là phải “điếc” đi cái phần hồn của người mới có thể chịu đựng nổi. Nhất là khi người phụ nữ này được đặt vào một bi kịch cụ thể: nuôi đứa con cho chính tên sát nhân đã giết chết đứa con trai cuối cùng của mình. Cùng với những vấn đề khác như việc tái thiết, xây dựng đất nước, thông qua nhân vật mẹ Êm, Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc thấy được lòng nhân đạo cao cả của con người Việt Nam.
Cùng với Ký sự miền đất lửa của thể ký, Những người đi tới biển, Đường tới thành phố của thơ, tiểu thuyết chiến tranh đã tiến thêm một bước trong yêu cầu “thể hiện một cách chân thật” về một giai đoạn lịch sử đã qua. Cố nhiên, ghi lại những gì đã trôi qua vẫn là để đối thoại với hôm nay và mai sau. Hôm qua dân tộc ta sống vậy, hôm nay cần phải sống thế nào. Cái giá mà chúng ta có được hôm nay, đã phải mua như thế đó. Chúng ta cần sống sao cho xứng đáng với những gì cả dân tộc ta đã hy sinh. Trên ý nghĩa đó mà một số người từ tấm lòng biết ơn mà viết ra, mà ghi lại, mà đề tặng những người đã mất.
Nhìn lại năm năm văn học nói chung, và tiểu thuyết chiến tranh nói riêng, chúng ta đã thấy được một sự cố gắng rất lớn. Những nét lớn mà chúng tôi nêu ra trên đây là những dấu hiệu đáng mừng. Tuy vậy, không phải không còn vấn đề cần bàn, về những mặt còn yếu, còn tồn tại.
Người đọc yêu Đất trắng ở cái vẻ bộn bề chân xác của hiện thực được miêu tả, nhưng nếu đứng ở góc độ thể loại, ở yêu cầu nghệ thuật thì tác giả Đất trắng còn phải cố gắng rất nhiều. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong việc đánh giá tác phẩm này. Năm 1975, họ sống như thế, Trong cơn gió lốc, sự kiện còn che lấp con người. Giữa Biển gọi và Biển xanh có sự giống nhau về đề tài, về cách xây dựng tác phẩm. Điều đó gợi cho người đọc suy nghĩ về bút pháp, tài hoa của Hồ Phương cần được bồi đắp thêm những cảm xúc thanh xuân và cái vốn thực của đời sống. Một số tác phẩm khác hoặc rơi tõm ngay trong im lặng khi vừa ra đời học vấn đề đặt ra thì tốt nhưng lại yếu trong cách giải quyết. Nhìn chung xu hướng sao chép còn nặng. Nhà văn còn thiếu con mắt của nghệ sĩ trong việc khái quát hoá vấn đề từ cái đống tư liệu còn ngổn ngang kia.
Cũng trên khuynh hướng này mà nhân vật kẻ địch, cho đến năm năm sau giải phóng, vẫn chưa có dáng dấp hoàn chỉnh. Phu La (trong Miền cháy) còn có phần đơn giản, hiền lành. Đôi ba tính cách quyết liệt chỉ mới thấp thoáng trong Năm 1975, họ sống như thế, Trong cơn gió lốc, chứ chưa định hình. Trong yêu cầu nhận thức sâu sắc bộ mặt lịch sử của cả giai đoạn thì việc cần những hiện tượng kẻ địch đúng như nó có vẫn là một yêu cầu đối với tiểu thuyết chiến tranh.
Phấn đấu để có những tác phẩm có sức khái quát cao về một chặng đường giữ nước kỳ vĩ của dân tộc ta trong giai đoạn vừa qua là một yêu cầu cấp bách đối với văn học. Hơn bất cứ thể loại nào, với đặc trưng của mình, trách nhiệm ấy thuộc về tiểu thuyết.
Tôn Phương Lan