Trong cuộc sống, các em có lẽ đã nghe những câu nói như: Con đàn cháu đống; trời sinh voi, trời sinh cỏ; có nếp có tẻ… Đó là những câu tục ngữ, thành ngữ, những câu nói cửa miệng của người Việt Nam xưa, thể hiện quan niệm quý người, cần người, mong đẻ nhiều con… để đáp ứng với nền nông nghiệp cổ truyền. Nhưng cũng từ quan niệm ấy dẫn đến thói quen sinh đẻ tự do, dẫn đến sự tăng dân số quá nhanh, dẫn đến đói nghèo, bệnh tật lạc hậu. Chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình từ lâu trở thành một trong những quốc sách hết sức quan trọng của Đảng và nhà nước ta. Bởi lẽ, từ lâu chúng ta đã và đang tìm mọi cách để giải bài toán hóc búa, bài toán dân số. Vậy bài toán dân số đó thực chất như thế nào các em sẽ cùng tìm hiểu bài học hôm nay.
Nội dung bài viết
I. Tìm hiểu chung
1. Xuất xứ
– Bài viết của tác giả Thái An đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại Chủ nhật, số 28, 1995.
– Đề cập vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình.
2. Kiểu loại văn bản
Văn bản nhật dụng
3. Bố cục: 3 phần
– Phần 1: Từ đầu … sáng mắt ra: Bài toán dân số và kế hoạch hóa gia đình được đặt ra từ thời cổ đại.
– Phần 2: Tiếp … 31 của bàn cờ: Chứng minh và giải thích tốc độ gia tăng dân số thế giới là hết sức nhanh chóng.
– Phần 3: Còn lại: Lời kêu gọi, loài người cần hạn chế sự bùng nổ và gia tăng dân số, đó là con đường tồn tại của chính loài người.
II. Tìm hiểu văn bản
1. Sáng mắt về bài toán dân số
– Bài toán dân số: vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình thực chất là sinh đẻ có kế hoạch: là mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con, dù trai hay gái.
– Tác giả nêu ra hai ý kiến: vấn đề này được đặt ra từ thời cổ đại hay mới được đặt ra gần đây? => Tác giả tỏ ý nghi ngờ nhưng khi “nghe xong câu chuyện này” thì bỗng “sáng mắt ra”.
– Điều làm tác giả sáng mắt ra chính là vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình – một vấn đề rất hiện đại mới đặt ra gần đây, thế nhưng đọc xong bài toán cổ, tác giả lại thấy vấn đề ấy dường như được đặt ra từ thời cổ đại.
=> Cách đặt vấn đề của tác giả tạo được sự bất ngờ, hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý theo dõi của người đọc.
2. Chứng minh – giải thích xung quanh bài toán cổ
– Dưới hình thức một bài toán cổ, câu chuyện kén rể của nhà thông thái vừa gây tò mò, hấp dẫn người đọc, vừa mang lại một kết quả bất ngờ: các chàng trai trong câu chuyện cũng như người đọc tưởng số thóc ấy ít hóa ra “có thể phủ kín về mặt trái đất”.
– Câu chuyện là tiền đề để tác giả so sánh với sự bùng nổ và gia tăng dân số. Hai việc này giống nhau ở chỗ: Cả hai (số thóc dùng cho các ô của bàn cờ và dân số thế giới) đều tăng theo cấp số nhân với cấp bội là 2 => tương ứng với tỷ lệ sinh con của mỗi gia đình mà pháp lệnh dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đặt ra.
– Từ sự liên tưởng so sánh này, người viết đã giúp người đọc hình dung ra tốc độ gia tăng dân số là hết sức hanh chóng.
– Trong văn bản, tác giả đã đưa ra tỷ lệ sinh con của phụ nữ một số nước theo thông báo của Hội nghị Cairo => Việc làm này rất có ý nghĩa:
+ Trước hết, nó cho thấy người phụ nữ có thể sinh rất nhiều con.
+ Thứ hai, các con số cho thấy các nước chậm phát triển lại sinh con rất nhiều: Châu Á và Châu Phi là hai châu lục gia tăng dân số cao nhất, đồng thời cũng là 2 châu nghèo nhất trên thế giới.
– Gia tăng dân số và sự phát triển đời sống xã hội có mối quan hệ mật thiết, sự bùng nổ dân số đi kèm với đói nghèo, lạc hậu, kính tế kém phát triên, người dân không được hưởng các phúc lợi xã hội về giáo dục, y tế, văn hóa… Ngược lại, khi kinh tế, văn hóa, giáo dục càng kém phát triển thì con người càng không thể ngăn chặn được sự bùng nổ và gia tăng dân số. Hai yếu tối đó tác động đến nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Cái này vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của cái kia.
– Dùng nhiều con số cụ thể để chứng minh hậu quả khôn lường đang thách thức nhân loại trong một tương lai gần như 1 sự cảnh báo nguy cơ bùng nổ dân số luôn có thể xảy ra trong lịch sử nhân loại.
=> Tác giả đã không lý luận dài dòng, chung chung mà đã chứng minh vấn đề bằng những con số tường minh, chính xác, đáng tin cậy làm cho người đọc phải sửng sốt, giật mình trước thực trạng bài toán dân số gia tăng đều đặn theo cấp số nhân, còn của cải của loài người làm ra thì chỉ theo cấp số cộng.
3. Con đường tồn tại và phát triển của nhân loại
– Nếu không hạn chế sự gia tăng dân số, thì con người tự làm hại chính bản thân mình. Hạn chế sự gia tăng dân số đó chính là con đường “tồn tại hay không tồn tại” của chính loài người.
– Vì muốn sống con người phải có đất đai. Đất không thể sinh sôi, người ngày một nhiều hơn, do đó muốn sống con người phải điều chỉnh hạn chế sự gia tăng dân số, đây là yếu tố sống còn của nhân loại.
– Dẫn câu độc thoại nổi tiếng của nhân vật Hamlet trong vở bi kịch trong vở bi kịch vĩ đại của William Shakespeare, diễn tả những suy nghĩ, dằn vặt da diết của con người thời Phục hưng là một dụng ý nghệ thuật của tác giả.
III. Tổng kết
1. Nội dung
Văn bản nêu lên vấn đề thời sự của đời sống hiện đại: Dân số và tương lai của dân tộc, nhân loại.
2. Nghệ thuật
– Sử dụng kết hợp các phương pháp so sánh, dùng số liệu, phân tích.
– Lập luận chặt chẽ, ngôn ngữ khoa học, giàu sức thuyết phục.