Ông đồ là người dạy học chữ nho xưa. Nhà nho xưa nếu không đỗ đạt làm quan thì thường làm nghề dạy học, gọi là Ông đồ, thầy đồ. Mỗi dịp tết đến, ông thường được nhiều người thuê viết chữ, câu đối để trang trí trong nhà. Nhưng từ khi chuyện thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng, ngày tết không mấy ai sắm câu đối hoặc chơi chữ, Ông đồ trở nên thất thế và bị gạt ra lề cuộc đời. Từ đó, hình ảnh ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Vũ Đình Liên). Với lòng thương cảm sâu sắc, Vũ Đình Liên đã sáng tác bài thơ “Ông đồ” thể hiện niềm thương cảm chân thành trước một lớp người đang tàn tạ và nỗi tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Vũ Đình Liên (1913 – 1996), quê gốc ở Hải Dương nhưng chủ yếu sống ở Hà Nội.

– Ông là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào thơ mới.

– Thơ ông thường mang nặng lòng thương người và niềm hoài cổ. Ngoài sáng tác thơ, ông còn nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy văn học.

– Tuy sáng tác không nhiều, nhưng chỉ với bài thơ “Ông đồ”, Vũ Đình Liên đã có vị trí xứng đáng trong phong trào thơ mới.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ:

Bài thơ được sáng tác năm 1936, in trong tập “Thi nhân Việt Nam”. Đây là bài thơ nổi tiếng của Vũ Đình Liên và được người đời đánh giá là một kiệt tác.

b. Thể thơ:

– Bài thơ viết theo thể thơ ngũ ngôn: 5 chữ/1 câu; 4 câu trong 1 khổ.

– Vần chậm (gieo ở tiếng cuối câu, vần cách, vần liền, bằng trắc xen kẽ hoặc nối tiếp).

c. Bố cục: 3 phần

– Phần 1: Khổ thơ 1+2: Hình ảnh ông đồ thời vang bóng

– Phần 2: Khổ 3+4: Hình ảnh ông đồ thời vắng bóng

– Phần 3: Khổ 5: Tấm lòng của nhà thơ hoài cổ

II. Tìm hiểu văn bản

1. Hình ảnh ông đồ thời huy hoàng

– Hai khổ thơ đầu tiên làm nổi bật hình ảnh ông đồ trong thời ký đắc ý nhất.

– Hình ảnh ông đồ cùng mực tàu, giấy đỏ bên hè phố đông người qua lại, như góp mặt vào cái đông vui, náo nhiệt của phố phường.

– Mực tàu, giấy đỏ của ông hòa với màu đỏ của hao đào nở. Sự có mặt của ông đã thu hút bao người xúm đến. Lúc ấy ông trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng của sự ngưỡng mộ.

=> Thái độ của tác giả đối với ông đồ là thái độ yêu mến khâm phục bởi vì họ vẫn còn yêu chữ Hán và phong tục chơi câu đối, vì thế họ “thuê” ông viết.

2. Hình ảnh ông đồ thời vắng khách

– Thời thế đã đổi thay, Hán học đã lụi tàn trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Hình ảnh ông đồ đã dần dần vắng bóng.

– Bằng nghệ thuật đối lập, tác giả dựng lên trước mắt người đọc hình ảnh tiều tụy, ế ẩm đáng thương của ông đồ: Xưa “Bao nhiêu người thuê viết”, còn bây giờ “người thuê viết nay còn đâu?”

– Nỗi buồn từ lòng ông cũng thấm sâu, tỏa rộng vào không gian, cảnh vật.

– Câu thơ không chỉ tả cảnh mà còn tả tâm trạng, cảnh ngộ của ông đồ: Lá vàng rơi, một biểu hiện của sự tàn úa; lại kèm với mưa bụi bay, lạnh lẽo và buồn thảm.

=> Cảnh tượng đó gợi cho ngưởi đọc cảm xúc thương cảm cho ông đồ, ông đang bị gạt ra ngoài rìa cuộc sống, ông đang bị lãng quên cùng với những gì gắn với chữ Hán với tâm lý chuộng thú chơi câu đối một thời.

3. Tấm lòng của nhà thơ hoài cổ

– Khép lại bài thơ là một câu hỏi diễn tả nỗi buồn trống vắng, thương tiếc, xót xa.

– Thủ pháp dùng điệp với hình ảnh hoa đào lại trở về và ông đồ. => hai hình ảnh hội tụ ánh sáng của bài thơ để nhấn mạnh thời gian, chu kỳ vĩnh cửu của trời đất và cái hữu hạn của đời người.

– Tứ thơ “cảnh đấy – người đâu” mang âm hưởng của cả hồn thơ cổ – kim, đông – tây với niềm hoài cổ, cảm thương.

– Thủ pháp tương phản kết hợp với nhân hóa, ẩn dụ đã tạo nên nhiều hình ảnh gợi cảm, thể hiện một bút pháp nghệ thuật điêu luyện và đậm đà.

=> Thương ông đồ là thương một lớp người đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Thương ông đồ cũng là xót thương một nền văn hóa lụi tàn dưới ách thống trị của ngoại bang.

III. Tổng kết

1. Nội dung

– Thể hiện niềm cảm thương của tác giả đối với một lớp người hết thời bị người đời lạnh nhạt và lãng quên.

– Ông đồ già là một người già, đơn côi, một trí thức lỗi thời, một nghệ nhân xuất chúng. Ông là một di tích của một thời tàn, nên niềm cảm thương lại càng dễ dàng tìm được tiếng nói tri âm.

2. Nghệ thuật

– Vũ Đình Liên dùng thể thơ ngũ ngôn, lời thơ thật bình dị.

– Về kết cấu, bài thơ sử dụng lối miêu tả theo thời gian. Bài thơ có dáng dấp một câu chuyện. Nhân vật trung tâm là ông đồ. Khép lại câu chuyện là lời bình của người chép chuyện. Tất cả đều rất cô đọng.

– Những chi tiết thơ được chắt lọc rất tinh tế và giàu sức gợi. Giấy đỏ nhạt phai vì buồn tủi, mực đọng lại trong nghiên sầu vì tủi. Những vật vô tri vô giác mà cũng biết thấu hiểu nỗi buồn sầu.

– Thể thơ 5 chữ, cân đối, cổ kính, nhịp ngắn 2/3, 3/2 xen kẽ, không đột biến, như những lời kể tâm tình, điềm đạm mà đầy âm hưởng u hoài, tiếc thương.