Cùng với tình cảm gia đình thì tình yêu quê hương, đất nước, con người là chủ đề lớn của ca dao – dân ca, xuyên thấm trong nhiều câu hát. Những bài ca thuộc chủ đề này rất đa dạng, có những cách diễn đạt riêng, nhiều bài thể hiện rất rõ màu sắc địa phương. Trong bài giảng này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về 4 bài ca dao về tình yêu quê hương, đất nước, con người vô cùng đặc sắc trong kho tàng ca dao, dân ca.

I. Tìm hiểu chung

1. Chủ đề

– Tình yêu quê hương, đất nước, con người.

– Tình yêu quê hương, đất nước, con người là một trong những chủ đề góp phần thể hiện đời sống tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam.

+ Bài 1,2,3 => Phản ánh tình yêu quê hương, đất nước.

+ Bài 4 => Phản ánh tình yêu con người.

2. Hình thức diễn đạt

– Thể lục bát và lục bát biến thể.

– Dùng lối đối đáp, hỏi mời, nhắn gửi.

II. Tìm hiểu văn bản

1. Bài 1:

– Phần đầu: Lời người hỏi (phần đối)

Ở đâu năm cửa, nàng ơi!

Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?

– Phần sau: Lời người đáp (phần đáp)

Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi!

Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng.

– Hình thức đối đáp là hình thức để trai gái thử tài nhau về kiến thức địa lí, lịch sử. Đây là hình thức văn hóa dân gian này thường hay thấy trong những lễ hội của nhân dân thời xưa.

– Câu hỏi và lời đáp nói về nhiều địa danh ở nhiều thời kỳ của vùng Bắc Bộ. Các địa danh: Năm cửa ô, sông Lục Đầu, sông Thương, núi Tản Viên, Đền Sòng Xứ Thanh…

– Những địa danh đó không chỉ có những đặc điểm địa lý tự nhiên mà còn có cả những dấu vết lịch sử, văn hóa rất nổi bật => Gợi truyền thống văn hóa, lịch sử.

=> Những nét đẹp riêng về đền đài, thành quách, sông núi của mỗi miền quê đều được nàng thông tỏ. Một giang san gấm vóc rất đáng yêu mến, tự hòa hiện lên. Bày tỏ sự hiểu biết về kiến thức địa lý, lịch sử. Đồng thời là cách để bày tỏ tình cảm với nhau một cách lịch lãm và tế nhị.

– Quan sát kỹ từng dòng thơ sẽ thấy dòng đầu gồm 6 tiếng, dòng 2 lại gồm 9 tiếng.

– Ở lời đáp, 1 dòng có 7 tiếng, 1 dòng lại có đến 10 tiếng…

=> Đây là thể thơ lục bát nhưng đã bị biến thể.

=> Cho thấy niềm tự hào về các địa danh lịch sử, văn hóa của đất nước. Tình yêu đối với quê hương, đất nước.

2. Bài 2:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này!

– Bài ca dao mở đầu bằng cụm từ: “Rủ nhau”

+ Người ta dùng đến nhóm từ này khi người rủ và người được rủ có quan hệ gần gũi, thân thiết, họ có chung mối quan tâm và cùng muốn làm một việc gì đó.

+ Ca dao có nhiều bài mở đầu bằng cụm từ “rủ nhau” như: “Rủ nhau đi cấy, đi cày…”; “Rủ nhau lên núi đốt than…”.

– Và ở bài ca dao sô 2 này là “Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ”. Người rủ và người được rủ muốn đến thăm Hồ Gươm, một thắng cảnh thiên nhiên giữa lòng thủ đô Hà Nội đồng thời cũng là một di tích lịch sử văn hóa.

– Những cảnh trí được nhắc đến trong bài ca dao: Hồ Gươm, cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút.

=> Đó là những cảnh tiêu biểu nhất của Hồ Gươm – Hà Nội.

– Địa danh Hồ Gươm gợi lên âm vang lịch sử và văn hóa về câu chuyện truyện truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” với cuộc khởi nghĩa chống quân Minh lâu dài, gian khổ, vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Lê Lợi ở thế kỷ XV thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình.

– Cầu Thê Húc là nét đẹp kiến trúc;

– Chùa Ngọc Sơn là nét đẹp tâm linh;

– Đài Nghiên, Tháp Bút là những biểu tượng cho truyền thống học hành…

=> Tất cả tạo thành một không gian thiên tạo và nhân tạo thơ mộng, thiêng liêng, gợi lên âm vang lịch sử và văn hóa. Vì vậy, mọi người háo hức muốn “rủ nhau” đến thăm.

– Đại từ để hỏi “ai” vang lên ở cuối bài như một câu hỏi. Nhưng đằng sau câu hỏi đó là sự khẳng định và nhắc nhở công lao xây dựng non nước của cha ông nhiều thế hệ.

– Câu hỏi vang lên cũng như lời nhắc nhở các thế hệ con cháu phải biết tiếp tục giữ gìn và xây dựng non nước sao cho xứng đáng với truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc.

3. Bài 3:

Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

– Bài ca phác họa cảnh đường vào xứ Huế. Gợi nhiều hơn tả:

+ Cảnh rất đẹp có non và có nước: non thì xanh, nước thì biếc.

+ Màu sắc toàn là màu gợi vẻ đẹp nên thơ, tươi mát, sống động.

=> Non xanh nước biếc càng đẹp khi được ví với “tranh đồ họa”, đó là cảnh “sơn thủy hữu tình”, vừa khoáng đạt bao la, vừa quây quần.

– Từ “quanh quanh” gồm hai tiếng giống hệt nhau, đây là từ láy toàn bộ (từ láy gợi hình). Nó gợi tả không gian ở Huế rộng với con đường uốn khúc mềm mại dẫn về Huế.

=> Bài ca dao như một lời mời nhắn gửi một mặt thể hiện tình yêu, lòng tự hào đối với cảnh đẹp xứ Huế, mặt khác như muốn chia sẻ với mọi người vể đẹp và tinh yêu, lòng tự hào đó. Lời mời đến thăm xứ Huế phải chăng còn là lời thể hiện ý tình kết bạn rất tinh tế và sâu sắc của tác giả dân gian.

4. Bài 4:

Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát

Đứng bền tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông

Thân em như chẽn lúa đòng đòng

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

– Hai dòng thơ đầu có cấu trúc đặc biệt về từ ngữ:

+ Phần đầu của 2 câu đầu, các điệp từ, đảo ngữ ở đây như muốn thể hiện, đứng ở phía nào nhìn, ngắm cũng thấy cánh đồng rộng lớn mênh mông.

+ Phần cuối của 2 câu đầu, tác giả đảo lại nhóm từ “mênh mông…-bát ngát…” để thể hiện cảm xúc dạt dào trước không gian bao la.

=> Cấu trúc đặc biệt với các điệp từ, đảo ngữ và phép đối xứng gợi sự rộng lớn mênh mông và gợi vẻ đẹp trù phú của cánh đồng.

– Hình ảnh so sánh cô gái dưới ánh nắng ban mai được miêu tả như “chẽn lúa đòng đòng” là lúa mới trổ bông, hạt còn ngậm sữa gợi sự trẻ trung, hồn nhiên và sức sống đang xuân của cô thôn nữ đi thăm đồng.

– So với cánh đồng bao la, cô gái quả là nhỏ bé mảnh mai. Chẽn lúa không đứng đơn độc một mình, vừ như hiện ra rõ nét vừa như chìm khuất trong cái tươi xanh bát ngát của cánh đồng. Một cảm giác ngỡ ngàng của cô gái về cuộc đời.

=> Bài ca dao thể hiện tình cảm yêu quý, tự hào về vẻ đẹp và sức sống của quê hương và con người. Từ đó cũng thể hiện niềm tin tưởng vào cuộc sống tốt đẹp ở làng quê.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người đã bồi đắp thêm tình cảm cao đẹp của con người đối với quê hương, đất nước.

2. Nghệ thuật

– Sử dụng kết cấu lời hỏi đáp, lời chào mời, lời nhắn gửi…, thường gợi nhiều hơn tả.

– Có giọng điệu thiết tha tự hào.

– Cấu tứ đa dạng, độc đáo.

– Sử dụng thể thơ lục bát và lục bát biến thể.