I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả

– Nguyễn Tuân (1910 – 1987) sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Ông quê ở xã Nhân Mục, thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

– Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thờiMột chuyến đi… Năm 1941, Nguyễn Tuân lại bị bắt giam một lần nữa và gặp gỡ, tiếp xúc với những người hoạt động chính trị.

– Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có vị trí quan trọng và đóng góp không nhỏ đối với văn học Việt Nam hiện đại: Thúc đẩy thể tùy bút, bút kí văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao; làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc, đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa mà độc đáo.

– Nguyễn Tuân có 1 kho từ vựng hết sức phong phú và khả năng sáng tạo từ mới. Văn Nguyễn Tuân là 1 sự co duỗi nhịp nhàng. Với ông, viết văn mà hạn hẹp và thiếu thốn từ ngữ sẽ tạo ra loại văn “thấp khớp”, hời hợt, nông cạn.

– Trước Cách Mạng: văn Nguyễn Tuân thường mang tâm sự của 1 người sinh bất phùng thời; thể hiện sự phủ nhận với xã hội thực tại, quay về với vẻ đẹp xưa của 1 thời chỉ còn vang bóng;  hoài cổ, hoài niệm về những điều đã qa đã mất đã phôi pha; Nhân vật: là những nhân vật đặc tuyển, HIẾM VÀ QUÝ: những nhà nho, tài tử.. Họ là nên cặp nhân vật có tính cách  đối sánh…1 nét đặc biệt trong văn Nguyễn Tuân; Giọng điệu: bất bình trước xã hội, mang tính chất khinh bạc.

– Sau Cách Mạng: Nguyễn Tuân viết về cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân, hiện thực đất nước trong những năm kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân vật thường là những con người đời thường, người lao động như anh lái đò, chị dân quân… không hiếm nhưng quý, cống hiến một phần sức lực cho đất nước. Giọng điệu ấm áp, thân tình và ân tình.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ tác phẩm

– Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau đó được tuyển in trong tập truyện Vang bóng một thời và đổi tên thành Chữ người tủ tù. Vang bóng một thời khi Nguyễn Tuân in lần đầu (1940) gồm 11 truyện ngắn, là tác phẩm kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng, được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét là “một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ”.

b. Tóm tắt tác phẩm Chữ người tử tù

– Nhân vật chính trong Vang bóng một thời phần lớn là những nho sĩ cuối mùa những con người tài hoa, bất đắc chí. Gặp lúc Hán học suy vi, sống giữa buổi “Tây Tàu nhố nhăng”, những con người này, mặc dù buông xuôi bất lực nhưng vẫn mâu thuẫn sâu sắc với xã hội đương thời. Họ không chịu a dua theo thời, chạy theo danh lợi mà vẫn cố giữ “thiên lương” và sự trong sạch của tâm hồn”. Họ dường như cố ý lấy “cái tôi, tài hoa, ngông nghênh của mình để đối lập với xã hội phàm tục; phô diễn lối sống đẹp, thanh cao của mình như một thái độ phản ứng trật tự xã hội đương thời. Trong số những con người tài hoa ấy, nổi bật lên hình tượng ông Huấn Cao trong Chữ người tử tù, một con người tài hoa, không chỉ có tài mà còn có cái tâm trong sáng; mặc dù chí lớn không thành những tư thế vẫn hiên ngang, bất khuất.

c. Ý nghĩa nhan đề

“Chữ người tử tù” ban đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng”, sau khi in lại trong tập “Vang bóng một thời” được đổi tên lại. Điều đó cho thấy sự cân nhắc cùng với dụng ý nghệ thuật của nhà văn :

+ “Dòng chữ cuối cùng” chỉ gắn với con chữ mà Huấn Cao cho quản ngục trước khi lĩnh án tử hình à Chỉ nhấn mạnh vào chữ và thời gian cho chữ, gợi lên màu sắc bi quan, cái chết và sự chấm dứt

+ “Chữ người tử tù” là nhan đề nói được nhiều hơn thế. Chữ người tử tù là chữ của Huấn Cao, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình, bị bắt và bị kết án tử hình. Đây cũng chính là nhân vật trung tâm của truyện

+ Giá trị, ý nghĩa của chữ: Hội tụ và làm tỏa sáng hình tượng chính (tài năng kiệt xuất trong nghệ thuật thư pháp; mang hoài bão tung hoành, khí phách anh hùng; có cái tâm trong sáng, tấm lòng tha thiết giữ gìn thiên lương lành vững cho con người). Bộc lộ lí tưởng của nhà văn cũng như toàn bộ nội dung chủ đề của tác phẩm: cái đẹp phải là sự chung đúc, hội tụ của tài hoa, khí phách, thiên lương, cái đẹp ấy sẽ đc sinh ra, tồn tại và bất tử ngay tại nơi cái xấu tồn tại. Toàn bộ câu chuyện xoay quanh việc xin chữ, cho chữ -à Chi phối cốt truyện, diễn biến, tình huống truyện.

II. TRỌNG TÂM KIẾN THỨC

1. Nhân vật Huấn Cao

– Huấn cao là nguyên mẫu của người anh hùng Cao Bá Quát. Là con người đạt tới sự hài hòa tuyệt đối giữa cái tài, cái tâm và cái đẹp.

– Huấn Cao là người có khí phách phi thường:

+ Huấn Cao là một kẻ sĩ xả thân vì đại nghĩa, lên án, tố cáo sự trắng trợn của triều đình, ông bất chấp tất cả để chống lại triều đình mục nát. Huấn Cao trong mắt của bọn lính là một kẻ ngạo  ngược và nguy hiểm nhất, nên đề phòng. Đối với thầy thơ thì ông văn võ đều có tài cả, còn đối với người quản ngục thì Huấn Cao là người chọc trời quấy nước, coi thường tiền bạc và bạo ngược.

+ Với những cách nhìn ấy, Huấn Cao là một người tài ba trong mắt của mọi người, là một kẻ tù nhưng lại có tấm lòng kiên trung, toát lên sự thanh cao giữa chốn xiềng xích nhơ bẩn. Là một kẻ tử tù nhưng Huấn Cao dường như chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, ông có thể thét lên với bất cứ ai. Không cần hành động nhưng khí phách của ông lại khiến cho mọi người nể phục.

– Huấn Cao là người tài hoa xuất chúng:

+ Huấn Cao giữa chốn lao tù này còn được biết đến là kẻ sĩ tài hoa, người đời mến mộ bằng cái tên: “cái người mà vùng tỉnh Sơn đã khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp. Những kẻ sĩ có chữ đẹp luôn được sùng bái và ngưỡng mộ như vậy. Chữ của ông như một báu vật trên đời, ai có diễm phúc sở hữu chữ của ông chính là sở hữu một vật báu trong thiên hạ.

+ Huấn Cao không biết ông quản ngục luôn có một ước mong được sở hữu chữ của mình, được treo chữ của ông viết ở trong nhà: Chữ ông Huấn Cao đẹp và vuông lắm.

=> Huấn Cao là một người tài đức vẹn toàn, một con người không chỉ tài hoa mà còn có cái tâm rất trong sáng và ngay thẳng.

+ Kỳ thực ông viết chữ đẹp nhưng chưa bao giờ “ép mình viết bao giờ”. Đấy là cốt cách thực sự đáng quý. Ông chỉ viết cho những người thực sự xứng đáng, những người có thể khiến ông ngưỡng mộ và khâm phục nhất.

– Huấn Cao là người có cái tâm cao cả:

+ Huấn Cao còn là một người trân trọng tình bạn, mến mộ những con người có “chí nhớn” trong thiên hạ. Qua lời kể của viên thơ lại, sau khi biết được tấm lòng của viên quản ngục và ngưỡng mộ trước tấm chân tình cũng như sự yêu mến và khát khao có được chữ của ông.

+ Ông xúc động nhận ra được con người có thú vui thanh tao giữa chốn lao tù nhơ bẩn này “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta biết đâu một người như thầy quản mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”.

+ Chỉ một cụm từ “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”, Huấn Cao đã khiến cho người đọc không thể nén được cảm xúc. Một con người biết trân trọng cái đẹp, hướng về cái đẹp, đó là một lối sống hướng đến vẻ đẹp “Chân-Thiện-Mỹ”.

– Hình ảnh cảnh cho chữ hiện lên ở cuối tác phẩm dường như là cảnh tượng khó quên nhất trong tác phẩm. Một cảnh tưởng khiến cho người đọc nhớ mãi. Cảnh cho chữ diễn ra không phải ở một nơi thanh cao mà lại diễn ra giữa chốn ngục tù, là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

– Hình ảnh ba con người hiện lên trong cảnh tượng ấy thật đẹp, thật lung linh, họ không còn là người tù, viên quản ngục nữa mà là những người yêu cái đẹp, tâm đắc với cái đẹp. Cảnh cho chữ ấy thật thiêng liêng và xúc động, sự gặp gỡ quá muộn màng giữa những con người yêu cái đẹp, yêu cái vẻ đẹp hoàn thiện nhất. Hình ảnh Huấn Cao vương xiềng xích, tung bút viết những chữ vuông vắn nhất thực sự là hình ảnh đẹp nhất, đáng ngưỡng mộ và khâm phục nhất.

=> Xây dựng nhân vật Huấn Cao – kẻ sĩ tài tử, anh hùng – nhà văn Nguyễn Tuân vừa biểu lộ một tấm lòng kính phục, ưu ái đặc biệt, vừa thể hiện một bút pháp tài hoa, độc đáo tuyệt vời.

2. Nhân vật viên quản ngục

– Là nhân vật phụ của truyện, nhưng nhân vật quản ngục lại có một sứ mệnh nghệ thuật không nhỏ. Nếu Huấn Cao là hình ảnh của những người có khả năng tạo ra cái đẹp thì viên quản ngục lại là biểu tượng của người biết thưởng thức và cảm nhận cái đẹp. Chính vì vậy, nhân vật này tạo thành một cặp tương đồng và tương xứng với Huấn Cao.

– Ở phần đầu truyện ngắn, quản ngục đã nói về người tử tù Huấn Cao bằng những lời trầm trồ, thán phục một cách chân thành: Trong đó, tôi nhận thấy tên người đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao. Tôi nghe ngời ngợi. Huấn Cao? Hay là cái người mà tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp không?. Đó là một chuyện xưa nay chưa có kẻ coi ngục nào từng làm đối với người tù của mình.

=> Tâm trạng chờ đợi, mong ngóng sự xuất hiện của Huấn Cao cũng là điều khó hiểu ở kẻ coi tù này.

– Với tư cách là người dẫn truyện, Nguyễn Tuân đã dành cho nhân vật quản ngục những lời tốt đẹp đầy trân trọng. Nếu xem cuộc đời như một dòng thác dữ thì viên quản ngục, trong những suy tư chìm đắm về ông Huấn, lại có gương mặt của một “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”. Nếu xã hội đương thời nhiễu nhương như “một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ” thì viên quản ngục, với “tính cách dịu dàng và lòng biết giá người”, là một âm thanh trong trẻo “chen vào giữa bản đàn ấy”.

=> Việc nhà văn tạo ra một nhân vật khác đời và khác người như thế, đây cũng là lẽ đương nhiên với một tính cách và phong cách độc đáo như Nguyễn Tuân.

– Viên quản ngục được nói đến trong tác phẩm là một người có “sở thích cao quý”. Để tạo ra thư pháp cần đến một tài năng siêu phàm, nhưng để hiểu và yêu nghệ thuật này thì lại cần đến một sở thích cao quý, một tấm lòng tri kỉ. Điều đáng nói là sở nguyện này lại có ở một con người phải hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc và chung sống với cái ác, cái xấu và những cặn bã trong xã hội. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, sở thích của quản ngục được đẩy lên đến mức phi thường và viên quản ngục được nâng lên thành một kiểu tài hoa, nghệ sĩ. Vì tình yêu với cái đẹp, con người có nghiệm vụ thi hành pháp luật này đã bất chấp cả luật pháp, dám cả gan biệt đãi một kẻ tử tù, sẵn sàng mang cả tính mạng củ mình ra thế chấp để đổi lấy cái đẹp mà mình tôn thờ.

Nhân vật quản ngục bị đặt vào một thử thách khá gay go quyết liệt. Mấy ngày ngắn ngủi ông Huấn Cao tạm bị giam trong ngục tử tù của y, quản ngục luôn sống trong tình trạng vô cùng căng thẳng, hồi hộp. Y thừa biết tính cách của Huấn Cao “vốn khoảng, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ nên ông rất khổ tâm vì không biết làm thế nào để xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất. Mặt khác, viên quản ngục luôn luôn phải dò xét, đề phòng cả bọn thuộc hạ, ông sợ “tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên”, ông phải “dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu”.

– Bên cạnh đó, quản ngục còn là một người có tấm lòng biệt nhỡn liên tài:

+ Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại. Mặc dù bị ông Huấn nói những lời ra lệnh và có vẻ khinh bạc đến điều, Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây, nhưng ông vẫn không tự ái, mà lại còn chấp nhận xin lĩnh ý, làm theo đầy nhịn nhục.

+ Những bữa cơm với rượu và thịt vẫn tiếp tục được mang đến có phần nồng hậu hơn. Bởi ông có con mắt tinh đời để thấu hiểu và lí giải cái nguyên cớ bên trong của thái độ, của hành động kiêu ngạo ấy.

+ Lần nào xuất hiện trước mặt Huấn Cao, ông cũng có vẻ khúm núm, khép nép. Đó không phải là biểu hiện của sự sợ hãi mà là thái độ quy phục. Sự nhịn nhục của con người này không đồng nghĩa với sự hạ mình. Đó chính là nghiêng mình kính cẩn trước một tấm lòng, một nhân cách của kẻ biết yêu cái đẹp, biết trọng cái tài.

– Ông là người đứng đầu bộ máy đàn áp, là kẻ có thừa mánh khóe và luôn cẩn trọng trong công việc mẫn cán của một viên quan coi ngục. Ông đã “cắt lời” của thầy thơ lại khi dò xét cấp dưới của mình: “Chuyện triều đình quốc gia, chúng ta biết gì mà bàn bạc cho thêm lời. Nhỡ ra lại vạ miệng thì khốn”, cáitính cẩn trọng của ông lại một lần nữa thể hiện khi ông vào ngục hỏi tâm nguyện cuối cùng của Huấn Cao: “Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm”. Có phải chăng cái cảnh phải tra tấn con người hằng ngày và cuộc sống chốn nhà lao đã dạy cho viên quản ngục như thế?

– Viên quản ngục là người hết lòng theo đuổi mục đích. Ông hiểu những người như Huấn Cao nên “Viên Quảng Ngục không lấy làm oán thù thái độ khinh bạc của ông Huấn”, mà ngược lại, Quản ngục mong ước ông Huấn dịu bớt tính nết để xin chữ: “Quản Ngục mong mỏi một ngày gần đây ông Huấn sẽ dịu bớt tính nết, thì y sẽ nhờ ông viết, ông viết cho… mấy chữ”. Quản ngục là người có tâm hồn cao thượng, là nghệ sĩ biết thưởng thức cái đẹp. Ngoài ra, ông còn là một con người có niềm tin, tin tưởng vào tương lai, cuộc sống, dù điều đó ông biết được nó rất mỏng manh.

– Tác phẩm khép lại bằng một cuộc đổi ngôi kì lạ từ màn cho chữ quản ngục của Huấn Cao. Trước những lời di huấn của tử tù, “Ngục quan cảm độg, vái người tù một cái, chấp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh””. Không phải ông cố tình hạ thấp mình mà là một cách chân thành nhất, ông tự nhận thấy mình là một “kẻ mê muội”. Cái cúi đầu của quản ngục trước Huấn Cao là cái cúi đầu đầy ý nghĩa. Nó không làm cho ông thấp hèn đi mà nó tôn vinh một nhân cách, một tấm lòng, một sở thích, tất cả đều rất cao quý.

– Là một nhà văn của Chủ nghĩa Lãng mạn, người suốt đời coi cái đẹp và nghệ thuật là tôn giáo của mình, tất yếu, Nguyễn Tuân sẽ say mê hướng vào những vẻ đẹp vừa mới lạ, độc đáo, vừa dữ dội, phi thường. Vậy nên, bút pháp tương phản, phóng đại được khai thác tối đa cùng với những thủ pháp nghệ thuật của hội họa, điêu khắc và điện ảnh được huy động triệt để đã làm nên những trang văn tuyệt bút.

=> Có thể nói, xây dựng nhân vật quản ngục – một kẻ chỉ biết thưởng thức cái đẹp, tôn thờ cái tài hoa, khí phách, Nguyễn Tuân đã tạo nên một đối tượng tương xứng với nhân vật chính Huấn Cao, từ đó gửi gắm những triết lí, thông điệp sâu xa: “Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ chỉ biết tiếc, biệt trọng người có tài, hẳn không phải là một kẻ xấu hay vô tình”. Thậm chí, với những con người như quản ngục và thơ lại, họ càng đáng quý, đáng trân trọng hơn bởi họ như loài hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chỉ bằng một vài nét phát họa chân dung, cử chỉ, đi vào tâm tư, suy nghĩ của nhân vật,ngòi bút Nguyễn Tuân đã lưu lại một gương mặt độc đáo trên những trang viết của Chữ người tử tù.

3. Cảnh cho chữ là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có

– Cảnh cho chữ ở cuối tác phẩm, ở đó, cái tài, khí phách anh hùng được tỏa sáng bởi sự soi chiếu của cái đẹp, cái thiên lương. Cảnh cho chữ trong tác phẩm là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

– Cảnh cho chữ diễn ra trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Thời gian đêm khuya, khi cả huyện tỉnh Sơn đã ngủ. Thông thường, không gian cho chữ là chốn thanh cao như thư phòng sạch sẽ, thoáng đãng, nên thơ nhưng ở đây, cảnh cho chữ lại diễn ra ở một căn buồng giam chật chội, ẩm ướt, hôi hám, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Chính thời gian và không gian đặc biệt này khẳng định cái “đẹp” được sáng tạo giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn. Cái thiên lương cao cả lại tỏa sáng ở chính nơi bóng tối, cái ác ngự trị.

– Cảnh cho chữ kì lạ, chưa từng có còn vì trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, con người hiện lên với tư thế và vị thế đối lập nhau:

+ Người cho chữ Huấn Cao, một tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ”. Người tử tù ấy chỉ sớm tinh mơ ngày mai sẽ bị đem giải vào kinh chịu án tử hình. Thế nhưng, người nghệ sĩ tài hoa ấy Huấn Cao lại hiện lên với tư thế ung dung, hiên ngang, đầy uy nghi đối lập hoàn toàn với hình ảnh co ro, sợ sệt đến tội nghiệp của thầy thơ lại và viên quản ngục.

+ Quản ngục khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ và thầy thơ lại thì “run run bưng chậu mực”. Khi nhận được chữ, quản ngục còn vái lạy cả người tù. Tư thế ấy góp phần tô đậm thêm vẻ đẹp của Huấn Cao.

=> Lúc này, trật tự kỉ cương của nhà tù bị đảo ngược hoàn toàn. Tù nhân trở thành người ban phát cái đẹp, răn dạy ngục quan. Còn ngục quan thì khúm núm, vái lạy tù nhân. Đây không phải là cảnh cho chữ thông thường mà là cảnh thọ giáo thiêng liêng giữa người cho chữ và kẻ nhận chữ.

– Kết thúc cảnh cho chữ là lời khuyên của Huấn Cao dành cho quản ngục. Lời khuyên ấy cũng được gửi gắm qua bức tranh chữ. Nó có sức mạnh cảm hóa một tâm hồn nô lệ, chỉ đường cho kẻ lầm đường tìm về với cuộc sống lương thiện.

=> Để miêu tả cảnh cho chữ này, Nguyễn Tuân đã sử dụng ngôn từ vừa sắc sảo, sống động, vừa trang trọng, cổ kính, thủ pháp đối lập và bút pháp lãng mạn được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả. Đối lập giữa buồng giam tối tăm, dơ bẩn và ngọn đuốc sáng trưng, mảnh lụa bạch trắng tinh; giữa tư thế và vị thế của Huấn Cao và quản ngục; giữa cái xấu, ác và cái đẹp, thiên lương,…

III. TỔNG KẾT

Chữ người tử tù miêu tả tài năng và dũng khí, thiên lương cao cả kết tinh thành vẻ đẹp của Huấn Cao đồng thời làm rõ cái đẹp và cái thiện đã cảm hóa được cái xấu, cái ác và khẳng định tài và tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời.