I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Xéc-van-tét (1547-1616) là nhà văn Tây Ban Nha.

– Đất nước Tây Ban Nha nằm ở phía tây Châu Âu. Trong thời kỳ Phục Hưng – thời đại thịnh vượng nhất (văn học, văn hóa, kỹ thuật) từ thế kỷ XIV – XVI đã sản sinh ra những con người khổng lồ trong đó có nhà văn Xéc-van-tét.

– Xéc-van-tét là một nhà văn đã trải qua rất nhiều đau khổ thời tuổi trẻ: Bị bắt đi lính; bị thương phải về quê tĩnh dưỡng; trên dường về đã bị bọn cướp biển giam bắt; bị tù đày ở An-giê-ri… Trở về Tây Ban Nha ông sống một cuộc sống cực nhọc, âm thầm mãi cho đến lúc công bố tiểu thuyết Đôn-ki-hô-tê.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

Đôn Ki-hô-tê là cuốn tiểu thuyết bất hủ của nhà văn, được ông sáng tác trong khoảng thời gian từ 1605-1615. Tiểu thuyết gồm 126 chương và đoạn trích này nằm ở chương thứ VIII. Nhan đề của chương: Cuộc gặp gỡ rùng rợn quá sức tưởng tượng giữa hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê với những cói xay gió và những sự việc khác đáng ghi nhớ.

b. Tóm tắt văn bản “Đánh nhau với cối xay gió”

Hai thầy trò Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô đang trên đường đi tìm những chiến công thì chợt phát hiện thấy ba bốn chục chiếc cối xay gió giữa đồng. Đôn Ki-hô-tê liền chỉ cho người giám mã của mình thấy rằng đó là những tên khổng lồ và bày tỏ ý định giao chiến. Xan-chô biết ông chủ của mình nhầm đã hết sức can ngăn nhưng không thành. Đôn Ki-hô-tê hăng hái cầm giáo, thúc con ngựa gầy gò lao vào. Bỗng lúc đó gió nổi lên, cối xay gió bắt đầu chuyển động và Đôn Ki-hô-tê ngã lăn kềnh. Giáo gãy, ngựa và người văng ra, Đôn Ki-hô-tê bị đau như trời giáng.

Nhưng dẫu bị thương rất nặng như thế, anh chàng hiệp sĩ mộng mơ vẫn quyết không kêu đau vì nghĩ rằng: “các hiệp sĩ giang hồ có bị thương thế nào cũng không được rên rỉ”. Đã vậy, chàng còn kiên quyết không ăn uống, chỉ nghĩ đến tình nương đã đủ no rồi! Xan -chô thấy vậy bèn bỏ rượu thịt ra đánh chén no nê một mình. Bác giám mã cảm thấy cái nghề đi tìm kiếm chuyện phiêu lưu này kể ra cũng chẳng vất vả gì. Đôn Ki-hô-tê suốt đêm không ngủ và chỉ tiếp tục miên man nghĩ đến tình nương. Hôm sau, hai thầy trò đi về phía cảng La-pi-xê, vì Đôn Ki-hô-tê nghĩ: “con đường này có lắm người qua lại chẳng thể nào không gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác nhau”.

c. Bố cục: 3 phần

– Phần 1: Từ đầu… và không cân sức: Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa trước trận chiến đấu.

– Phần 2: Tiếp … văng ra xa: Hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê liều mình tấn công bọn khổng lồ và thảm hại.

– Phần 3: Còn lại: Hai thầy trò lại tiếp tục lên đường.

II. Tìm hiểu văn bản

1. Nhân vật hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê

a. Giới thiệu về nhân vật

– Ki-ha-đa là một lão quý tộc nghèo, tuổi trạc 50, da dẻ sắt seo, thân hình gầy gò, cao lênh khênh.

– Lão vẫn chưa lấy vợ, suốt ngày đêm đọc các truyện kiếm hiệp đến mê muội.

– Lão bắt chước các hiệp sĩ trong truyện, lão đổi tên thành Đôn Ki-hô-tê, rồi tự tìm cho mình một tình nương để tôn thờ – cô gái béo lùn trong làng thành nàng Đuyn-xi-nê-a xinh đẹp, kiểu diễm.

– Lão đánh bóng vũ khí và áo giáp cũ mà tổ tiên để lại.

– Lão cưỡi con ngựa với cái tên mĩ miều Rô-xi-nan-tê, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt, vai vác giáo dài, trông như một hiệp sĩ để chu du thiên hạ, hành tẩu giang hồ.

b. Hành động đánh nhau với cối xay gió

– Đặc điểm thường trực trong suy nghĩ và cảm nhận của Đôn Ki-hô-tê là bất kỳ nhìn, nghe, quan sát thực tế, lão đều lập tức liên tưởng đến những nhân vật trong các sách kiếm hiệp đã đọc.

– Chính vì vậy, khi nhìn thấy những chiếc cối xay gió lão tưởng đó là những tên khổng lồ quỉ quoái, hung ác cần phải diệt trừ.

– Cử chỉ, hành động của Đôn Ki-hô-tê:

+ Thúc con ngựa Rô-xin-nan-tê xông lên, chẳng thèm để ý đến giám mã Xan-chô Pan-xa với những lời giải thích.

+ Đinh ninh phía trước là những tên khổng lồ nên chẳng những không nghe lời can của giám mã, mà khi tới gần cũng không nhận ra đấy là những chiếc cối xay gió và thét lớn…

+ Lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con Rô-xi-nan-tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất ở trước mặt và đâm mũi giáo vào cánh quạt: gió làm cánh quạt quay tít khiến ngọn giáo gãy tan tành, kéo theo cả ngựa lẫn người văng ra xa.

– Khi bị trọng thương: lão ta cố chịu đau đớn, không hề rên la, coi thất bại chẳng là gì.

– Mục đích của những hành động này xuất phát từ động cơ tốt đẹp là tiêu trừ quân gian ác, trừ hại cho dân, giúp đỡ người lương thiện.

– Vì đầu óc lão đầy hoang tưởng, mê muội cho nên nhìn những cối xay gió, lão nghĩ là bọn khổng lồ gian ác, sau đó cho rằng là do phép thuật của phù thủy Phơ-rexton.

=> Đôn Ki-hô-tê là một người giàu những ước muốn và khát vọng tốt đẹp nhưng do ảnh hưởng quá nhiều bởi tiểu thuyết hiệp sĩ lỗi thời nên chẳng những không thực hiện được khát vọng mà còn trở thành một kẻ nực cười có phần đáng trách và cũng có phần đáng thương.

=> Là một người có tinh thần chiến đấu, dũng cảm, dám đương đầu với lực lượng kẻ thù mạnh gấp bội, hình ảnh một ngựa quyết sống chết với quaan thù đã thể hiện điều đó.

2. Nhân vật giám mã Xan – chô Pan – xa

– Đó là một bác nông dân béo lùn, nhận làm giám mã cho Đôn Ki-hô-tê với hy vọng sau này nếu chủ công thành danh toại, bác sẽ được làm thống đốc, cai trị vài hòn đảo, được sống cuộc đời giàu sang, phú quý.

– Bác béo lùn, cưỡi con người thấp đủng đỉnh đi theo chủ, lúc nào cũng mang theo bầu rượu và cái túi 2 ngăn đựng đầy thức ăn ngon.

– Xan-chô Pan – xa hiểu rõ kẻ thù của hiệp sĩ là những chiếc cối xay gió. Bác giải thích rõ ràng, rành mạch: “cái vật trông giống canh tay là những cánh quạt, khi có gió thổi, chúng sẽ quay tròn làm chuyển động cối đá bên trong.

– Khi thấy ông chủ lao vào cối xay gió thì giám mã đã thét to để ngăn ông chủ.

– Khi ngăn không được thì bác đã bỏ mặc chủ.

=> Thái độ này vừa đúng, vừa sai. Đúng vì bác biết rằng hành động của chủ là gàn dở và điên cuồng và chắc chắn sẽ thất bại. Nhưng sai ở chỗ bác không thực sự quyết tâm bằng hành động và sức vóc khỏe mạnh của mình xông lên để ngăn cản chủ, hay ít ra cũng phải giúp chủ không bị thua một cách thảm hại.

– Sau trận đánh Xan – chô Pan – xa tỏ ra là một giám mã tận tụy, bác ta vừa suýt xoa thương chủ, vừa cố giải thích một lần nữa để thức tỉnh ông chủ về cái hành động kỳ quoặc.

– Việc làm này thật đáng yêu, bác đã hết lòng phục vụ ông chủ. Miệng vừa cầu cứu chúa phù hộ cho chủ tỉnh ngộ và giành thắng lợi sau này, bác vừa nâng Đôn Ki-hô-tê dậy và đỡ cho ông chủ ngồi dậy.

– Tâm sự với chủ, bác tỏ ra là một người chân thành, cởi mở. Bác nói: “chúa hiểu thấu cho tôi là tôi có yên lòng không nếu thấy người rên la khi bị cái gì làm cho đau đớn… còn tôi xin thưa với ngài rằng chỉ cần hơi đau một chút là tôi rên rỉ ngay.

– Là người tốt nết, biết yêu thương người khác, tận tụy với chủ.

– Thản nhiên lấy rượu và thức ăn ra đánh chén đến no say chẳng nhớ gì đến lời hứa hẹn với chủ và cảm thấy cái nghề phiêu lưu này: “cũng chẳng vất vả gì mà lại thoải mái nữa là khác”.

– Trong khi ông chủ trằn trọc, thao thức thì bác “ngủ một mạch” cho đến sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy đã vớ ngay lấy bầu rượu để “buồn rầu thì trên quãng đường này khó kiếm đâu ra rượu để đổ vào cho đầy”

=> Quá chủ trọng đến việc ăn, việc ngủ, nhiều lúc quên hết cả ông chủ mà mình phải hầu hạ => Tầm thường, đáng chê trách.

=> Bằng ngòi bút sinh động, hóm hỉnh, nhà văn Xec-van-tét đã khắc họa nhân vật giám mã với nét ngoại hình và tính cách trái ngược hẳn với Đôn Ki-hô-tê. Nếu Đôn Ki-hô-tê biểu tượng cho loại người hoang đường, lãng mạn thì Xan-chô là hình ảnh của những người tỉnh táo, thực tế đến mức thực dụng, tầm thường. Hai nhân vật này tương phản nhau, cùng tô đậm cho

=> Qua hai nhân vật này, tác giả muốn phản ánh bước chuyển mình vĩ đại của đất nước, dân tộc Tây Ban Nha trên con đường từ XHPK lạc hậu lên XHTB chủ nghĩa đầy phức tạp, thử thách, rèn luyện con người. Những phẩm chất tốt đẹp ở hai con người này chung đúc lại làm nổi bật truyền thống đạo đức của nhân dân TBN.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Đánh nhau với cối xay gió tập trung miêu tả sự tương phản về mọi mặt của Đôn Ki-hô-tê và Xan-chô Pan-xa. Đôn Ki-hô-tê có ít nhiều ưu điểm nhưng rất nực cười với những suy nghĩ và hành động điên rồ. Xan –chô Pan-xa có những mặt tốt nhưng cũng có nhiều điểm đáng chê trách trong cách suy nghĩ và sinh hoạt.

2. Nghệ thuật

– Bằng bút pháp tương phản, tác giả đã xây dựng một cặp nhân vật bất hủ.

– Đánh nhau với cối xay gió với nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, giọng văn khi dí dỏm, bông đùa, lúc trầm lắng, suy tư, lúc khoan thai, sôi nổi, thúc giục… đã tạo nên cho Xéc-van-tét một phong cách kể chuyện riêng.