I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

(Xem thêm)

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

– Người lái đò sông Đà là một áng văn trong tập tùy bút Sông Đà (1960) – thành quả nghệ thuật đẹp đẽ của Nguyễn Tuân trong chuyến đi gian khổ và hào hùng tới miền Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Sông Đà gồm 15 thiên tùy bút và một bài thơ ở dạng phác thảo.
– Mục đích chính của chuyến đi tới Tây Bắc của nhà văn đồng thời cũng là cảm hứng chủ đạo của cả tập bút ký là tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc và nhất là chất vàng mười – “thứ vàng đã được thử lửa” ở tâm hồn những con người lao động, chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng

b. Lời đề từ

– Câu thơ “đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông” (một nhà thơ Ba Lan Wladyslaw Bromewski): Nhà văn đã mượn câu thơ mang cấu trúc cảm thán để bộc lộc những cảm xúc đang trào dâng mãnh liệt trong lòng. “Tiếng hát trên dòng sông” có thể là tiếng hát của những người “chèo đò kéo thuyền, vượt thác” (Nguyễn Khoa Điềm), tiếng hát thể hiện tâm hồn lạc quan yêu đời yêu thiên nhiên và cuộc sống lao động của con người Tây Bắc; cũng có thể hiểu là tiếng hát say mê, phấn khích, đầy ngưỡng mộ của nhà văn trước vẻ đẹp của dòng sông. Lời đề từ do đó đã thể hiện cảm hứng chủ đạo của tùy bút, đó là tình yêu đắm say tha thiết của nhà văn với thiên nhiên và con người Tây Bắc.
– Hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Bích (văn học trung đại): “Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu”: Câu thơ chữ Hán đã đề cập đến một nét độc đáo của sông Đà khi mọi dòng sông đều chảy về phương Đông, chỉ có sông Đà một mình chảy theo hướng Bắc – đó cũng là sự độc đáo khơi gợi hứng thú cho nhà văn kiếm tìm, khám phá. Nhưng khi mượn câu thơ xưa làm lời đề từ, có lẽ tác giả Người lái đò sông Đà không chỉ muốn nhắc đến sự ngược ngạo của dòng sông mà chủ yếu để khẳng định cá tính độc đáo của mình trong dòng sông văn chương. Đó là văn phong đầy sáng tạo của một nhà văn có ý thức sâu sắc về cái “tôi” cá nhân, về bản ngã, về cá tính riêng trong sáng tạo nghệ thuật.
Với hai lời đề từ, Nhà văn Nguyễn Tuân đã cho thấy đồng thời cả cảm hứng sáng tác và khí phách nghệ thuật độc đáo của mình trong tùy bút “Người lái đò sông Đà”.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Hình tượng con sông Đà

Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đi qua một vùng núi ác đến gần nửa đường xin nhập quốc tịch Việt Nam. Sông Đà chảy qua các tỉnh Tây Bắc Việt Nam là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, có tổng cộng 73 con thác dữ và dài 883 km.

a. Con sông Đà hùng vĩ – hung bạo

– Con sông Đà hiện lên như mụ dì ghẻ, một thứ kẻ thù số một của con người. Hướng chảy độc đáo, ngang ngược, chảy theo hướng Bắc: Chúng thủy giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu (Mọi con sông đều chảy theo hướng đông, chỉ có con sông Đà chảy theo hướng bắc – thơ Nguyễn Quang Bích).

– Đá sông Đà:

+ Vách đá bờ sông dựng vách thành và những bức thành vách đá cao chẹt chặt lấy lòng sông hẹp. Cái hẹp của lòng sông tác giả tả theo nhiều cách: Mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đứng ngọ mới có mặt trời, con hổ con nai có thể vọt qua sông, và chỉ cần nhẹ tay thôi cũng có thể ném hòn đá từ bờ bên này qua bên kia vách, ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một cái khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.

+ Cách so sánh vừa chính xác, tinh tế, vừa bất ngờ và lạ lùng. Thủ pháp miêu tả bằng cảm giác gợi cho người đọc hình dung ra cảnh tượng đá bờ sông ghê rợn, hiểm trở nhưng không kém phần hùng vĩ.

– Đá ở lòng sông

+ Đá được mai phục hàng ngàn năm, trắng xóa cả chân trời đá, mặt hòn nào trông cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó, đứng, nằm, ngồi tùy theo sở thích, bày thạch trận (trận địa bằng đá): xếp thành từng tuyến, đám đá tảng đá hòn chia làm ba hàng trên sông tạo thành trùng vi thạch trận ít cửa sinh, nhiều cửa tử, biết dụ, biết khiêu khích, giở những món đòn hiểm hóc, phối hợp với sóng thác để tiêu diệt con người.

+ Bằng thủ pháp nhân hóa, phóng đại, kết hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực, đá không còn là những vật vô tri, vô giác mà hiện lên hết sức sống động, có hồn, tô đậm cái dữ dội, hiểm trở của sông Đà. Cuộc thủy chiến của người lái đò và sông Đà ở thạch trận này càng làm nổi bật tính hung bạo của con sông và tài nghệ của người lao động.

– Nước sông Đà:

+ Những cái hút nước sâu ghê rợn như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu, mặt hút xoáy tít đáy, quay lừ lừ như cánh quạ đàn.

+ Âm thanh: vừa thở vừa kêu như cửa cống cái bị sặc, lúc thì ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào, chực chờ nuốt chửng mọi con thuyền. Có những thuyền đi qua bị nó hút tụt xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược, bị dìm, rồi vụt biến đi đến mười phút sau mới thấy tan tác ở khuỷnh sông dưới.

+ Phép so sánh, nhân hóa, phóng đại được sử dụng triệt để và linh hoạt gợi ra hình ảnh những cái hút nước hết sức nguy hiểm.

– Ghềnh và thác sông Đà:

+ Quãng ghềnh Hát Lóong dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm... Bằng lối viết tài hoa, những câu văn diễn đạt theo kiểu móc xích, cấu trúc câu trùng điệp, giàu hình ảnh, gợi ra con sông Đà cuồng nộ, dữ dằn như lúc nào cũng muốn tiêu diệt con người.

+ Dữ dội nhất là những tác đá. Tiếng thác nước nghe như oán trách gì, rồi như van xin, rồi lại như khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo, rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.

=> Bằng nhiều hiểu biết sâu rộng, kết hợp nhiều kiến thức mượn ở cách ngành, các bộ môn trong và ngoài nghệ thuật, Nguyễn Tuân đã miêu tả con sông Đà hung bạo nổi bật lên như một biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc. Con sông Đà đã hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò sông Đà. Từ đó, ta thấy được sự lao động nghiêm túc, cần cù của người nghệ sĩ và niềm tự hào của tác giả về tổ quốc hùng vĩ, giàu đẹp.

b. Con sông Đà trữ tình – thơ mộng

Dòng sông Đà không chỉ có những dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế manh trên sông đá mà nó còn là bức tranh thủy mặc vương vấn lòng người.

– Dáng hình: Từ trên tàu bay nhìn xuống, con sông Đà tuôn dài  như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo...

– Màu nước: Sắc nước dòng sông thay đổi theo mùa. Sông Đà mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, gợi cảm và nên thơ:

+ Mùa xuân màu xanh ngọc bích, khác với sông Gấm, sông Lô màu xanh canh hến.

+ Mùa thu nước sông lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa…

– Cảnh bờ sông:

+ Vắng lặng, hoang sơ: Dòng sông Đà như gợi những nỗi niềm sâu thẳm trong lịch sử đất Việt: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ thích tuổi xưa… lặng tờ như từ Lí, đời trần, đời Lê. Hình ảnh so sánh giàu tính biểu cảm gợi ra vẻ thơ mộng, tĩnh lặng của sông Đà.

+ Trù phú, màu mỡ: Nguyễn Tuân nhìn sông Đà như một cố nhân với những cảnh quan hai bên bờ tràn trề sức sống: nương ngô nhú lên những nõn búp, bầy hươu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương, cá dầm xanh quẫy nước,...

– Tình cảm của tác giả: gắn bó, yêu mến, xa thấy nhớ, gặp lại thì vui mừng như nối lại chiêm bao đứt quãng.

=> Dưới ngòi bút tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân, con sông Đà hiện lên thật sinh động với hai tính cách hung bạo và trữ tình chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng, thác lũ ngay đấy. Ẩn đằng sau những câu chữ là niềm tự hào của nhà văn về đất nước giàu đẹp.

2. Nhân vật người lái đò

– Người lái đò đã 70 tuổi, làm nghề đò dọc mười năm liền và đã nghỉ làm nghề đôi chục năm. Nhưng mười năm lái đò đã in dấu khá đậm ở ngoại hình ông lão: Tay ông lêu nghêu như cái sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh, gò lại như kẹp lấy một cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù.

– Ông lái đò sông Đà là một người từng trải:

+ Những nét tả ngoại hình của nhà văn cho thấy người lái đò thực sự là người từng trải, thành thạo nghề. Chưa đủ, Nguyễn Tuân còn cho biết: Người lái đò còn là một linh hồn muôn thuở của sông nước này; ông làm nghề đò đã mười năm liền, trên sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi, chính tay ông giữ lái độ sáu chục lần…

+ Sự từng trải của người lái đò còn thể hiện: dòng sông Đà với bảy mươi ba con thác nhưng ông đã lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đinh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả các con thác hiểm trở.

+ Hơn thế nữa, sông Đà đối với ông lái đò, như một trường thiên anh hùng ca mà ông thuộc lòng đến cả những cái chấm than, chấm câu và cả những đoạn xuống dòng.

=> Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn nổi tiếng tài tử lại đưa vào trang viết của mình tỉ mỉ các ngọn thác, thời gian ông lái đò làm nghề. Phải chi li, cụ thể như vậy mới thấy hết sự từng trải, gắn bó với nghề đến độ kỳ lạ ở ông lão lái đò. Đấy cũng là cách nhà văn bày tỏ nỗi thán phục của chính mình về một con người như được sinh ra từ những con sóng, ngọn thác hung dữ của sông Đà.

– Ông lái đò là một người dũng cảm:

+ Ông lái đò là người có lòng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, nhanh nhẹn và cả sự quyết đoán nữa. Nguyễn Tuân đưa nhân vật của mình vào ngay hoàn cảnh khốc liệt mà ở đó, rất cả những phẩm chất ấy được bộc lộ, nếu không phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Nhà văn gọi đây là cuộc chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà, trên một quãng thủy chiến ở mặt trận sông Đà. Đó chính là cuộc vượt thác đầy nguy hiểm chết người, diễn ra nhiều hồi, nhiều đợt như một trận đánh mà đối phương đã hiện ra diện mạo và tâm địa của kẻ thù số một.

+ Trong thạch trận ấy, người lái đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Khi sông Đà tung ra miếng đòn hiểm độc nhất là nước bám lấy thuyền  như đô vật túm thắt lưng đặng lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt, ông lão vẫn không hề nao núng, bình tĩnh, đầy mưu trí như một vị chỉ huy, lái con thuyền vượt qua ghềnh thác. Ngay cả khi bị thương, người lái đò vẫn cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm.

– Ông lái đò còn là một nghệ sĩ tài hoa:

+ Nổi bật nhất, độc đáo nhất ở người lái đò sông Đà là phong thái của một nghệ sĩ tài hoa. Trong Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã xây dựng một hình tượng người lái đò nghệ sĩ mà nhà văn trân trọng gọi là tay lái ra hoa. Ông lão lái đò vừa thuộc dòng sông, thuộc quy luật của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này, vừa nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá. Vì thế, vào trận mạc, ông thật khôn khéo, bình tĩnh như vị chỉ huy cầm quân tài ba. Mọi giác quan của ông lão đều hoạt động trong sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác.

+ Xong trận, lúc nào cũng ung dung, thanh thản như chưa từng vượt thác: Sóng thác xèo xèo tan ra trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang ca mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi.

=> Nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân là nhân vật chính diện luôn được nhà văn chú ý mô tả ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Nếu như trước cách mạng tháng Tám, theo Nguyễn Tuân, cái tài hoa chỉ ở lớp nhà nho trong quá khứ thì nay, trong Người lái đò sông Đà và nhiều tác phẩm khác, tác giả đã tìm thấy và khẳng định cái đẹp ở ngay trong cuộc sống hàng ngày của người dân lao động, trong hiện tại của đất nước.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Tùy bút Người lái đò sông Đà là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân. Tác phẩm không chỉ ngợi ca vẻ đẹp kì vĩ, thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc mà còn  ngợi ca vẻ đẹp bình dị, anh hùng mà tài hoa của người lao động nơi đây.

2. Nghệ thuật

– Những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị của tác giả.
– Ngôn ngữ đa dạng, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao. 
– Câu văn có nhịp điệu, lúc thì hối hả, mau lẹ, khi thì chậm rãi, như tãi ra để diễn tả vẻ đẹp trữ tình rất nên thơ của con sông.