Hút thuốc lá, thuốc lào là một thói quen, một thú vui, thậm chí có thể xem là một phần phong tục tập quán của người Việt Nam ta. Hút nhiều, hút mãi thành quen, thành nghiện, khó lòng cai bỏ được. Nghiện thuốc lá, thuốc lào từ lâu đã trở thành một căn bệnh khó chữa trị đối với nhiều người.
Hiện nay, hút thuốc lá dần thay thế cho thuốc lào ở thành thị cũng như ở nông thôn. Hút thuốc không chỉ tốn tiền mà còn có thể để lại nhiều hậu quả to lớn, tác hại không thể lường hết. Đến mức chống thuốc lá, chống hút thuốc lá từ lâu đã trở thành một vấn đề khoa học – xã hội mang tầm thế giới. Bài “Ôn dịch, thuốc lá” chính là một trong những tiếng chuông báo động gióng lên rất kịp.
Nội dung bài viết
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
- Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là người am hiểu nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đặc biệt là y học.
- Ông là tấm gương tiêu biểu trong việc bảo bệ và chăm sóc sức khỏe cho con người. Một trong những cống hiến nổi bật của ông là ở lĩnh vực y học. Nhiều tác phẩm của ông viết về phòng và chữa bệnh là bài học bổ ích cho con người.
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ
Văn bản “Ôn dịch thuốc lá” được trích từ cuốn sách “Từ thuốc lá đến ma túy – bệnh nghiện” do Nxb Giáo dục ấn hành năm 1992.
b. Bố cục: 3 phần
- Phần 1: Từ đầu … còn nặng hơn của AIDS: Nêu vấn đề ôn dịch, thuốc lá trở thành ôn dịch
- Phần 2: Tiếp … con đường phạm pháp: Những tác hại của khói thuốc lá đối với cá nhân và cộng đồng
- Phần 3: Còn lại: Lời kêu gọi mọi người chống lại ôn dịch thuốc lá
c. Ý nghĩa nhan đề
- Ôn dịch: Người ta thường dùng để chửi rủa một kẻ nào đó làm việc xấu xa. Ở văn bản, Ôn dịch được hiểu là loại bệnh nguy hiểm, lây lan rộng, gây hậu quả nghiêm trọng.
- Thuốc lá: Từ viết tắt của “tệ nghiện thuốc lá”.
- Đặt “thuốc lá” sau “ôn dịch” như một sự so sánh: Tệ nghiện thuốc lá chẳng khác gì một thứ bệnh dịch có đặc điểm dễ lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng.
- Từ “ôn dịch” không để chửi rủa mà ngay sau đó, ta nhận thấy thái độ vừa bất bình, vừa căm phẫn.
- Sau ôn dịch là dấu phẩy tạo ngữ điệu gây một tình huống nguy cấp, phải cánh báo, gây ấn tượng mạnh cho người nghe. Dấu phẩy như một phép tu từ biểu lộ tình cảm căm tức, ghê rợn của người viết.
=> Như vậy, qua hai từ ngắn gọn, ta có thể hiểu thâm ý của người viết “Thuốc lá! Mày là đồ ôn dịch đáng ghê sợ”. Thật là cách thể hiện chủ đề độc đáo, hấp dẫn”.
II. Tìm hiểu văn bản
1. Thông báo về ôn dịch thuốc lá
– Đầu tiên: Thông báo tin mừng: Những đại dịch như dịch hạch và thổ tả đã từng gây hàng vạn, hàng triệu người chết đã chặn đứng, diệt trừ được.
– Tiếp theo: nêu thực tế đối lập nỗi lo âu xuất hiện những ôn dịch khác: ôn dịch thuốc lá.
– Cách dẫn dắt vấn đề bằng cách đối lập, so sánh ôn dịch thuốc lá với ôn dịch, đại dịch nổi tiếng khác là một cách vào để gây sự chú ý cho người đọc, khiến cho họ có thể ngạc nhiên, có thể chưa tin người viết để thuận lợi hơn cho phần tiếp theo.
– Tác giả liệt kê hai đại dịch cuối thế kỷ XX: AIDS và thuốc lá, dịch này chưa giải quyết được đã kế tiếp dịch khác nặng nề hơn. Tác giả đặt dịch thuốc lá nặng hơn AIDS để khẳng định tính chất nguy hiểm của nó.
– Những con số nhấn mạnh tính chính xác, tầm quan trọng của thông tin, những từ ngữ giàu tính biểu cảm tác động mạnh đến nhận thức của người đọc.
=> Những câu văn mở đầu thể hiện đúng đặc điểm của văn bản thuyết minh, nêu vấn đề mà vẫn có những yếu tố biểu cảm cần thiết giúp người đọc thấy ôn dịch thuốc lá là một dịch ghê gớm, khủng khiếp, đáng sợ.
2. Tác hại của thuốc lá
* Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc thấm vào cơ thể người hút:
+ Chất hắc ín làm tê liệt các lông mao ở vòm họng, phế quản gây ho hen, ung thư vòm họng, ung thử phổi…
+ Chất oxit cacbon thấm vào máu không cho tiếp nhận O2 khiến cho sức khỏe giảm sút.
+ Chất nicotin làm co thắt các động mạch gây bệnh huyết áp cao, nhồi máu cơ tim rất dễ dẫn đến tử vong.
* Khói thuốc lá đầu độc những người xung quanh:
+ Gần người hút thuốc lá cũng là hít phải khói độc.
+ Hàng ngàn công trình nghiên cứu đã chứng minh rõ: vợ con người hút thuốc lá cũng bị đau tim, mạch, viêm phế quản, ung thư…
=> Bằng lời văn thuyết minh cụ thể, chính xác, những số liệu thống kê, những thông tin khoa học tiêu biểu, tác giả đã nhấn mạnh tác hại của thuốc đối với sức khỏe con người là rất nghiêm trọng.
– Tác giả đã so sánh việc chống thuốc lá với giặc ngoại xâm. Tác giả mượn lối so sánh rất hay của nhà quân sự thiên tài Trần Hưng Đạo để thuyết minh một cách thuyết phục cho vấn đề y học: “Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu”.
– Nguy hại của khói thuốc lá ở chỗ: Người hút thuốc không thấy ngay tác hại của nó, nó không làm cho người ta lăn đùng ra chết ngay… Dẫn như vậy có tác dụng thuyết phục người đọc mạnh mẽ, cách lập luận trở nên sắc bén.
* Nghiện thuốc là ảnh hưởng đến đạo đức con người:
+ Tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc lá ở các thành phố lớn nước ta ngang với các thành phố châu Âu, Mỹ…
+ Để có tiền hút thuốc, thanh thiếu niên sinh trộm cắp.
+ Từ hút thuốc lá có thể sẽ hút ma túy, nghiện ma túy.
+ Tỷ lệ hút thuốc, số tiền mua mọt bao thuốc ở Âu, Mỹ thì là nhỏ, nhưng ở Việt Nam thì là rất lớn. Cảnh báo nạn đua đòi hút thuốc ở nước nghèo đánh vào túi tiền ít ỏi của người Việt Nam… Từ đó nảy sinh các tệ nạn khác ở thanh thiếu niên nước ta.
– Hủy hoại lối sống, nhân cách của người Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên.
– Có thể nói, tác giả đã đứng ở những góc nhìn khác nhau, phân tích bằng những số liệu cụ thể, tạo tính khách quan chân thực trong lời thuyết minh của mình. Khi thì là một bác sĩ, khi là một nhà nghiên cứu, sưu tầm, khi là một nhà điều tra xã hội học.
=> Sử dụng biện pháp tranh kuận và lập luận sắc bén, ta thấy thuốc lá không chỉ hủy hoại sức khỏe con người, mà còn gặm nhấm tâm hồn, lối sống con người, nhất là thế hệ trẻ. Những câu văn của Nguyễn Khắc Viện thực sự là một hồi còi báo động mỗi lúc một gióng cao, vang xa thấy sâu vào lòng tất cả mọi người: lớp người nghiện, người không nghiện, lớp cha anh và cả trẻ thơ nữa!
3. Chiến dịch chống thuốc lá
– Hiểu được tác hại của thuốc lá, cả thế giới đang quyết liệt chống hút thuốc lá như một chiến dịch với nhiều biện pháp:
+ Ở Bỉ, năm 1987 phạt hút thuốc lá nơi công cộng lần thứ nhất 40 USD, tái phạm phạt 500 USD.
+ Khắp nơi, những tài liệu, khẩu hiệu chống thuốc lá dần dần lấn át những quảng cáo của các hãng thuốc lá. Nhiều nước cấm quảng cáo thuốc lá trên báo chí và truyền hình.
+ Trong vài năm, dịch hút thuốc lá này đã giảm hẳn, người tha thấy có triển vọng nêu được khẩu hiệu “Một Châu Âu không còn thuốc lá”.
+ Nước ta nghèo, nay lại theo đòi nhiễm thêm các bệnh khác do thuốc lá, sốt rét, bệnh phong, lao, ỉa chảy chưa thanh toán được, lại ôm thêm ôn dịch, thuốc lá này. Nghĩ đến mà kinh! Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống chọi, ngăn ngừa nạn ôn dịch này!
=> Tác giả kết thúc bằng một câu cảm thán, thể hiện một tấm lòng tha thiết và mong mỏi giữ gìn sức khỏe cho con người và môi trường Việt Nam bằng việc chống nạn hút thuốc lá, tích cực cai, bỏ dần thói quen hút thuốc.
III. Tổng kết
1. Nội dung
Tác hại của thuốc lá với cuộc sống gia đình và xã hội. Cần có biện pháp phòng chống, ngăn chặn tệ hút thuốc lá.
2. Nghệ thuật
– Liệt kê, so sánh, phân tích phân loại, nêu ví dụ.
– Lập luận chặt chẽ, lời văn ngắn gọn, thuyết phục.