Văn bản Sông nước Cà Mau là một trích đoạn trong tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Văn bản này nằm trong sách Ngữ văn 6, tập hai. Hocnguvan.vn xin giới thiệu bài phân tích văn bản “Sông nước Cà Mau”. Hi vọng sẽ là tài liệu hữu ích cho thầy cô và các em trong quá trình ôn tập.
Nội dung bài viết
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
– Đoàn Giỏi (1925 – 1989), quê ở tỉnh Tiền Giang.
– Là nhà văn của đất rừng, sông nước, con người Cà Mau.
– Đoàn Giỏi là nhà văn đã biến đất rừng phương Nam trở thành thân thuộc, đáng yêu đối với độc giả, không chỉ là độc giả nhỏ tuổi. Những trang văn của ông thấm đượm hơi thở của sông nước, rừng cây, những câu chuyện cả thực cả kỳ bí của thiên nhiên Nam bộ hoang sơ và truyền được hơi thở ấy cho độc giả. Có được điều đó không những là nhờ tình yêu của ông đối với miền đất Nam bộ quê hương mà còn ở óc quan sát tỷ mỷ, tinh tế, lối văn kể chuyện hấp dẫn trong tác phẩm của mình.
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ
– Sông nước Cà Mau trích từ chương XVIII – Rừng đước Cà Mau, truyện Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi.
– Tuy là trích từ một tác phẩm truyện nhưng bài văn này có thể xem là một bài văn tả khá hoàn chỉnh về cảnh quan sông nước vùng Cà Mau.
b. Bố cục: 4 đoạn.
Đoạn 1: Từ đầu => đơn điệu: Cảm giác, ấn tượng ban đầu về Cà Mau.
Đoạn 2: Tiếp => ban mai: Thuyết minh, giới thiệu về cách gọi tên đất, tên sông ở vùng đó; tả về dòng sông, rừng đước.
Đoạn 3: Còn lại: Tả về chợ Năm Căn.
Người kể chuyện (chú bé An) đứng trên con thuyền xuôi theo các kênh rạch => có thể miêu tả một vùng rộng lớn, cũng có thể dừng lại để tả cụ thể. Hình ảnh trong đoạn văn hiện lên như một đoạn phim quay chậm.
II. Trọng tâm kiến thức
1. Ấn tượng ban đầu về vùng sông nước Cà Mau
– Tác giả đã tái hiện những hình ảnh rất đặc trưng của vùng Nam Bộ:
+ Sông ngòi, kênh rạch bủa răng chi chít như mạng nhện.
+ Trời xanh, nước xanh, cây xanh…
=> Quang cảnh: lặng lẽ 1 màu xanh đơn điệu.
– Cùng với những hình ảnh rất Nam Bộ đó là thứ âm thanh đặc trưng: rì rào bất tận của những khu rừng, sóng biển.
=> Tác giả tả, cảm nhận qua 2 giác quan là mắt và tai, tả xen với kể ; lối liệt kê, dùng điệp từ, tính từ. => Cà Mau – một vùng đất đẹp còn nguyên sơ đầy bí ẩn và hấp dẫn.
=> Ấn tượng ban đầu về vùng sông nước Cà Mau mà tác giả mang đến cho người đọc là một vùng thiên nhiên hoang sơ, là một màu xanh bất tận. Không gian rộng lớn mênh mông mà mới tiếp xúc, ta dễ có cảm giác về sự đơn điệu, triền miên.
– Cái hay của đoạn văn không chỉ là giúp chúng ta hình dung được một cách rõ ràng khung cảnh thiên nhiên mà là mang đến cho chúng ta cái hồn của thiên nhiên, mang đến cho chúng ta những ấn tượng thật ám ảnh về sông nước Cà Mau.
– Theo con thuyền rẽ sóng trên dòng kênh Cà Mau, chúng ta được đưa mắt ngắm nhìn khắp khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, hoang sơ mà huyền bí. Những câu văn giàu nhạc điệu như dẫn dắt chúng ta vào một cõi mộng. Thiên nhiên Cà Mau là một sự ám ảnh. Từ ám ảnh về sự chằng chịt của kênh rạch đến ám ảnh về cái màu xanh lặng lẽ điệp trùng. Con người ta cứ chìm dần, chìm dần vào trong giấc mộng ám ảnh đó mà không biết cách nào để thoát ra. Câu văn cuối khiến ta nhớ đến tiếng hát của những nàng tiên cá, thứ âm thanh ma mị mê say khiến cho người ta mất hết tri giác để chìm vào ảo giác. Cách miêu tả của tác giả quả thật là vô cùng độc đáo, vừa khen lại vừa chê, vừa thực lại vừa hư ảo đến vô cùng.
2. Vẻ đẹp của dòng sông và rừng đước
* Cách đặt tên các địa danh
– Tên các địa danh: đặt theo đặc điểm riêng biệt của nó.
=> Cách đặt tên cho dòng sông, con kênh, vùng đất cho thấy:
+ Thiên nhiên ở đây còn rất tự nhiên, hoang dã, phong phú.
+ Con người sống rất gần với thiên nhiên, giản dị, chất phác.
* Vẻ đẹp của dòng sông và rừng đước
– Dòng sông: rộng hơn ngàn thước, nước đổ ầm ầm như thác, cá bơi lội hàng đàn, đen trũi như người bơi ếch.
=> Dòng sông Năm Căn rộng lớn và hùng vĩ.
=> Các động từ: thoát qua, đổ ra, xuôi về đã diễn tả được trạng thái hoạt động đặc trưng của con thuyền trong mỗi khung cảnh : vượt qua chặng đường khó khăn của kênh Bọ Mắt => đổ ra sông lớn => nhẹ nhàng xuôi theo dòng nước êm ả.
– Rừng đước: như 2 dãy trưởng thành vô tận, màu xanh lá mạ, xanh rêu, xanh chai lọ… loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói rừng ban mai.
– Cách gọi tên màu xanh cũng cho thấy cái tâm hồn dân dã, bình dị của người dân vùng sông nước.
=> Rừng đước cao ngất mang vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ mà lại nên thơ.
=> Tác giả diễn tả màu xanh của rừng đước với ba mức độ khác nhau: màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ. Những sắc thái khác nhau của cùng một màu xanh đã miêu tả các lớp cây đước từ non đến già tiếp nối nhau.
3. Cảnh chợ Năm Căn
– Chợ Năm Căn trù phú: Khung cảnh rộng lớn; tấp nập… như bất cứ một khu chợ sầm uất nào.
– Chợ Năm Căn có những điểm độc đáo riêng mà chỉ nơi đây mới có:
+ Chợ họp ngay trên sông mua mọi thứ mà không cần bước ra khỏi thuyền.
+ Có sự kết hợp giữa thô sơ, giản dị và văn minh, hiện đại
+ Sự đa dạng về màu sắc, trang phục, tiếng nói của người bán hàng thuộc những dân tộc: Hoa, Miên,
=> Tác giả đã quan sát kĩ lưỡng, vừa bao quát lại vừa cụ thể, chú ý cả hình khối, màu sắc và âm thanh => Chợ Năm Căn hiện lên đầy sống động, ấn tượng.
III. Tổng kết
1. Nội dung
– Bài văn miêu tả cảnh quan sông nước Cà Mau. Cảnh thiên nhiên nơi đây thật rộng lớn, hoang dã và hùng vĩ. Khung cảnh sinh hoạt của con người cũng thật trù phú, độc đáo và tấp nập.
2. Nghệ thuật
– Miêu tả vừa bao quát vừa cụ thể, chân thực mà sống động, ấn tượng