Tao Đàn – Nguyễn Công Hoan nổi tiếng với ngòi bút châm biếm đả kích vô cùng mạnh mẽ, tinh thần thể dục không phải là một ngoại lệ. Tác phẩm vạch rõ tính chất bịp bợm của “phong trào thể dục thể thao” mà thực dân Pháp cổ động rầm rộ nhằm đánh lạc hướng thanh niên đương thời, làm nổi bật lên những mâu thuẫn nằm sâu trong hiện thực đất nước.
Ngòi bút sắc bén khoét sâu vào hiện thực tối mòn của đất nước ta thời kì bị thực dân Pháp đô hộ
Tinh thần thể dục không nằm ngoài thiên chức đó của văn học. Được “thai nghén” trong lòng một đất nước đang bị giặc ngoại xâm chiếm đóng, tác phẩm thoát thai từ mảnh đất khô cằn tăm tối, mang theo những tiếng ai oán của vạn dân, vạch trần một xã hội đểu giả. Lấy tình huống truyện là quan trên sức giấy xuống bắt người dân xã Ngũ Vọng tập trung để lên sân vận động để bóng đá, nhân dân trong xã không ai muốn đi, người trốn chạy, người lo lót, người van xin để không phải đi xem bóng đá, một tình huống truyện đầy tính chất trào phúng, thậm chí là nực cười được nhà văn xây dựng để làm nổi bật lên sử giả tạo của thực dân Pháp.
Tinh thần thể dục mà thực dân Pháp hô hào, ca ngợi thực chất chỉ là vỏ bọc che lấp đi những phận đời bèo bọt bên trong đó. Không ở nơi đâu, người ta bị bắt phải đi xem bóng đá khi cái đói và cái chết đang rượt đuổi sau lưng. Thực dân pháp không quan tâm đến cuộc sống của những vị khán giả bất đắc dĩ.
Ta khóc than cho Anh Mịch van xin ông Lí thống thiết để miễn cho việc đi xem bóng đá vì anh còn phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị
Ta quặn thắt cho Bác Phô gái xin ông Lí cho chồng mình không phải đi xem bóng đá với lí do ốm đau, còn mang cả cành cau biếu nhưng ông Lí cũng rất kiên quyết “Ốm gần chết cũng phải đi”.
Ta đau nhói cho những người không may mắn, không thể trốn thoát được phải tập trung xếp hàng năm để lên đường đi xem bóng đá. Họ bị giải đi như đoàn tù binh.
Thể thao được tạo ra để mang đến niềm vui cho mọi người trên tinh thần tự nguyện, song, trong tác phẩm nó lại là thứ công cụ thể bọn quan lại ra oai với lãnh đạo cấp trên và thể hiện sự quyền uy đối với dân đen. Nguyễn Công Hoan đã quan sát rất kĩ cuộc sống, ông đào sâu vào lòng hiện thực, gào thét cho những phận dân đen không có tiếng nói, đả kích mạnh mẽ bọn quan lại và là tiếng thét mãnh liệt muốn đập tan cái xã hội đã thối nát từ tận trong xương tủy. Đau đớn thay khi chính những con người đáng lẽ phải là đầy tớ của nhân dân đang bán đứng đất nước của mình!
Những mâu thuẫn trào phúng cơ bản tạo nên áng văn không thể nhầm lẫn
Tinh thần thể dục là sự đi lại liên tục giữa tối và sáng, giữa ác và thiện, giữa sự khuếch trương của bọn quan lại thực dân phong kiến với ước mong xin được ở nhà của người dân. Mở rộng ra, đó là mâu thuẫn của cả một dân tộc. Một bên là quan lại đặt dưới sự bảo hộ của chính quyền thực dân pháp, một bên là người dân nghèo khổ đã mất nước và không có nơi nương tựa. Đó không đơn thuần chỉ là những chi tiết của một tác phẩm truyện ngắn, nhà văn đã nhìn xa hơn về hiện thực của đất nước, sự mâu thuẫn hàng nghìn năm giữa các giai cấp chưa bị xóa bỏ, địa chủ phong kiến vẫn có cơ hội chà đạp người dân, và đằng sau điệu bộ khai hóa của thực dân pháp là một hình thức bóc lột khác, tàn bạo hơn và tinh vi hơn.
Tinh thần thể dục đã chĩa mũi dao sâu cay về phía chính quyền thực dân và bọn phong kiến tay sai, đồng thời đồng cảm sâu sắc với những người dân là nạn nhân trong mâu thuẫn này. Sự sung sướng của quan lại được xây dựng trên nền tảng là máu và nước mắt của người nông dân. Từ việc miêu tả những mâu thuẫn nhỏ trong hành động của từng nhân vật, tác phẩm đặt ra một câu hỏi lớn cho toàn dân tộc, đến bao giơ dân mới được no, đất nước mới được hạnh phúc ? Mâu thuẫn dân tộc vẫn còn đó, cớ sao không thể giải quyết?
Đằng sau tiếng cười châm biếm là nước mắt của một dân tộc
Truyện ngắn được viết theo lối hài hước, nhẹ nhàng, mang lại tiếng cười cho độc giả, song đó không phải là tiếng cười sảng khoái mà là tiếng cười suy ngẫm. Độc giả cười xong buộc phải nghĩ, đã có một thời đất nước loạn lạc, con dân lầm than, quan thì chỉ biết vơ vét, người dân thì không có lãnh đạo để đấu tranh cho cuộc sống của mình. Tác phẩm đã lột tả không thương tiếc xã hội thực dân nửa phong kiến, làm lật tẩy âm mưu của bọn thực dân khi chúng bày ra cái gọi là “phong trào thể thao”, “sức khỏe nòi giống” nhưng thực chất là đánh lạc hướng thanh niên, làm phân tán tinh thần đấu tranh và nhiệm vụ cứu nước của họ lúc đó. Trong khi cuộc sống của dân chúng vô cùng khốn khổ thì chính quyền tay sai thực dân lại bày đặt những trò thể thao xa xỉ.
Thực dân pháp ru ngủ dân tộc trong những thú vui xa xỉ, trong sự ngu dốt không được học hành, trong khói trắng và men rượu, làm lụi tàn đi phẩm chất kiên cường của người dân Việt Nam. Song tác phẩm đã đánh thức lại phẩm chất đó trong mỗi con người thời bấy giờ, làm sống lại khát khao tự do độc lập, niềm tin về hạnh phúc và quyền được mưu cầu hạnh phúc, dạy cho độc giả biết nhìn nhận vào sự thật của đất nước mà đứng dậy đấu tranh cho chính bản thân mình.
Cười mà như khóc, đả kích mà như không đả kích, châm biếm tưởng hời hợt mà lại vô cùng sâu cay, tinh thần thể dục đã hoàn thành xuất sắc thiên chức của nó, đó là phê phán hiện thực tăm tối. Một áng văn trào phúng không chỉ dừng lại ở châm biếm, mà còn là mong muốn của chính người dân đang muốn vứt cái xã hội tồi tàn đó xuống địa ngục; thực sự là một tác phẩm xuất sắc.
Thảo Nguyên