Tao Đàn“Tôi là con mèo” (tựa gốc “Wagahai wa neko dearu”) là cuốn tiểu thuyết đầu tay cũng là tác phẩm đã tạo dựng tên tuổi cho Natsume Soseki, được đánh giá là một kiệt tác châm chiếm, đả kích sự lố lăng của làn sóng Âu hóa trong lịch sử Nhật Bản cận đại – thời kỳ Meiji.

Natsume Soseki được sinh ra ở Tokyo năm 1867, chỉ một năm trước khi bắt đầu thời đại Meiji (Minh Trị Duy Tân, 1868 – 1912). Ông là người thuộc thế hệ Hán học cuối cùng và thế hệ Tây học đầu tiên của Nhật Bản. Cuộc đời Soseki là nhân chứng cho buổi giao thời giữa Edo và Meiji, giữa truyền thống và hiện đại hóa. Là một con người luôn mang nặng tinh thần dân tộc, chướng tai gai mắt với những sự pha trộn khó chịu của văn hóa phương Tây và truyền thống Nhật Bản, chủ đề này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của Soseki – ông được coi là nhà văn dân tộc lớn nhất trong nền văn học cận đại ở Nhật Bản kể từ thời Minh Trị.

Chuyện kể của một con mèo không tên.

“Tôi là con mèo” bắt đầu được viết năm 1905, khi cuộc chiến tranh Nhật – Nga (1904 – 1905) đang ở đỉnh điểm. Truyện in dần trên tạp chí Hototogisu, đến cuối năm 1905 Soseki vốn định kết thúc ở chương 5, nhưng được độc giả tha thiết yêu cầu, Soseki lại viết tiếp và hoàn thành truyện vào năm 1907. Tác phẩm gồm 11 chương, hầu như độc lập với nhau.

“Tôi là con mèo. Tôi chưa có tên.”

Bắt đầu bằng câu giới thiệu bản thân giản đơn như thế và rồi xuyên suốt tác phẩm, con mèo không tên này quan sát, lắng nghe, tường thuật, đồng thời thể hiện thái độ của nó về vị chủ nhà – thầy giáo dạy trung học Kushami và các cuộc đàm luận của ông ta với bạn bè trí thức trong phòng khách ngôi nhà, thực chất đó là những cuộc thảo luận về triết học và nghệ thuật.

Với phương châm “sự thật là sự thật, không thể dối trá được” – sự thành thực trong lời kể của con mèo làm bật lên sự sáng suốt của kẻ ngoài cuộc bao nhiêu, lại càng tố cáo những thói đời hợm hĩnh của các bậc trí thức thời Minh Trị bấy nhiêu.

Trong tác phẩm đầu tay này, khối lượng đồ sộ kiến thức đông tây kim cổ đã được tích lũy từ nhỏ đến lớn của Soseki có dịp xuất hiện trong mọi cơ hội, đôi khi nghiêm túc, đôi khi hài hước, nhưng tất cả đều xuất phát từ trăn trở và tư tưởng đầy nhân văn, cao đẹp của một con người tài năng nặng lòng với thời thế.

“Tôi là con mèo” là một kiệt tác hàm chứa quá nhiều nội dung về vấn đề con người cá nhân và xã hội trong một thời kỳ đầy biến động của Nhật Bản. Là một tác phẩm kinh điển quá lớn để một người Việt Nam có thể cảm nhận trọn vẹn, cần phải có thêm hiểu biết lịch sử, văn hóa, tính cách tâm lý của người Nhật thì mới tiếp nhận được hết những giá trị của nó.

Thực trạng xã hội Nhật Bản trong buổi giao thời.

Hiện đại hóa là sự chuyển biến từ kiểu xã hội phong kiến trung đại sang một xã hội công nghiệp hoá, có đô thị phát triển. Bắt đầu từ cơ sở kinh tế, cuộc chuyển biến này kéo theo hàng loạt biến động, nhiều quan niệm của con người về cá nhân cũng như về thế giới có thay đổi. Đồng thời với sự trưởng thành của ý thức xã hội, con người cá nhân trong họ cũng được giải phóng.

Văn minh phương Tây đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt xã hội Nhật Bản. Những tòa nhà xây bằng gạch theo kiến trúc phương Tây mọc lên khắp Tokyo. Người có địa vị được phân biệt qua Âu phục, chính quyền quy định phải dùng Âu phục trong mọi nghi lễ chính thức. Đàn ông cắt tóc ngắn trở thành trào lưu, theo giáo sư Vĩnh Sính trong “Nhật Bản cận đại”, có hẳn một bài hát phổ thông để cổ xúy phong trào này:

“Gõ vào đầu để tóc ngắn dội ra tiếng ‘văn minh khai hóa’.”

Trong tiến trình phát triển của thế giới, dù muốn hay không phải khẳng định rằng hiện đại hóa là một bước tiến bộ. Tuy nhiên, ở Nhật Bản dưới thời kỳ Minh Trị, làn sóng Âu hóa lan tràn đến mức bất kỳ cái gì của phương Tây đều được xem là sang trọng, đúng mốt – mặt trái văn hóa có phần giống với Việt Nam thời Pháp thuộc – “tấn trò đời” mà Vũ Trọng Phụng đã đả kích trong “Số đỏ“.

Người dân xem việc tiếp thu càng nhiều càng tốt là biểu hiện cho mức độ văn minh của mình, không xem xét những thứ được tiếp thu là tốt hay xấu, là tích cực hay tiêu cực, là phù hợp hay chệch đường. Bề ngoài họ bắt chước rập khuôn, bên trong vẫn là bản tính nhu nhược được vun đầy suốt thời chuyên chế. Sự thay đổi quá nhanh không khỏi dẫn tới những sự vội vã, ép uổng, hóa thành kệch cỡm.

Rõ ràng rằng Soseki không chối bỏ quá trình hiện đại hóa, ông đồng tình với sự khai hóa văn minh nảy sinh từ nhu cầu nội tại nhưng không đồng tình với một Nhật Bản với tay theo Tây, chạy theo những giá trị giả tạo, những tầng lớp tư sản mới mê đắm đồng tiền, thang giá trị của con người được đánh giá bằng những tiêu chí không hề khách quan.

Mối lương duyên giữa ông giáo Kushami và con mèo.

Cảm hứng viết “Tôi là con mèo” đến từ đời sống hiện thực xảy ra xung quanh Soseki. Những nhân vật chính trong truyện đều lấy nguyên mẫu từ bạn bè, học trò, những người xung quanh ông. Một số được đưa nguyên tên thật vào tác phẩm như nhà thơ Masaoka Shiki, nhà thơ Takahama Kyoshi. Tất cả được miêu tả qua lăng kính trào lộng, đùa vui, mang đậm chất hoạt kê. Thầy giáo Kushami và con mèo cũng là nhân vật dựa vào hình mẫu từ bản thân tác giả Soseki và con mèo nhà ông.

Kushami luôn suy nghĩ và hành động theo lối riêng, ông quẩn quanh trong thế giới của riêng mình, mua nhiều sách để ra vẻ học thức dẫu chẳng đọc được bao nhiêu, ông đua đòi những đam mê nửa vời… Mà thực chất là ông đang loay hoay tìm kiếm niềm an ủi, cái gì cũng muốn thử một chút chỉ để mong thoát khỏi thực tại, thoát khỏi sự lạc lõng dẫu sống giữa gia đình và xã hội. Ông không muốn thay đổi để hòa nhập trước một xã hội đáng thất vọng ngoài kia, dẫu cách cư xử của ông cũng không mẫu mực gì cho cam, dù bản thân là một người thầy giáo.

Ông giáo Kushami đại diện cho một bộ phận người Nhật Bản lúc bấy giờ không theo kịp xu hướng của xã hội, họ dừng lại trước guồng quay của hiện đại hóa quá nhanh, và rồi họ trở thành người bên lề xã hội – bị nhạo báng, khinh khi. Dưới ngòi bút của Soseki, thời đại Minh Trị đã đào tạo ra những con người mang chất “thám tử”, chuyên rình mò, soi moi, tọc mạch người khác – những con người bên lề xã hội như ông giáo Kushami – điều này càng đẩy mạnh mâu thuẫn cực đoan ở cả hai nhóm đối tượng.

Con mèo được xây dựng không giống con mèo bình thường, nó có thể tự nhiên hấp thụ kiến thức và hòa nhập xã hội loài người. Giọng kể của nó về tất cả các nhân vật đều mang theo sự châm biếm, nhưng con mèo lại mang những đặc điểm tương tự ông giáo Kushami. Chỉ có con mèo có thể hiểu tường tận suy nghĩ của ông giáo trước một bức thư lạ, có thể đào sâu vào góc khuất và lý giải cặn kẽ hành động của ông giáo.

Giữa cặp chủ vật nuôi này có một mối lương duyên, ông giáo là người cho phép giữ con mèo lại ngôi nhà và bảo vệ nó dù cho nó chẳng mang lại lợi ích gì, không bắt chuột, không đánh động khi có trộm, chỉ nằm lười suốt ngày. Chính con mèo là bản sao của ông, không muốn làm gì, chỉ muốn buông xuôi, nghe chuyện đời và nhận xét người khác.

Ông giáo Kushami là nhân vật biếm họa mà Soseki tự trào, mang những khuyết điểm của Soseki và con mèo đại diện cho cái nhìn nghiêm khắc của ông đối với bản thân mình và xã hội Âu hóa đương thời.

Những bọn điên trong xã hội.

Soseki đã dụng công xây dựng những sản phẩm điển hình của thời Minh Trị, ông phơi bày vẹn toàn, ông châm biếm hết thảy, không có chính diện cũng chẳng có phản diện, chỉ có “con đẻ” của xã hội – một xã hội mà ông giáo Kushami nhìn nhận rằng:

“Xã hội biết đâu chả là nơi tụ tập toàn những bọn điên với nhau. Chính cái gọi là xã hội, phải chăng là việc những thằng điên tụ tập lại, đâm chém, giằng xé nhau, chành chọe, chửi bới nhau, rồi tất cả gộp lại thành một tập thể, lúc tan rã, lúc thịnh vượng. Cứ thịnh vượng lên rồi lại tan rã đi như một tế bào, và cứ thế mà sống mà tồn tại? Trong cái xã hội đó, những kẻ ít nhiều biết lý lẽ, biết phải trái lại trở thành vướng, cho nên xã hội phải làm ra một cái gọi là “nhà thương điên” để nhốt họ vào đó. Nếu vậy thì chính những người bị nhốt trong nhà thương điên tối tăm kia mới là người bình thường, còn những bọn đang nhởn nhơ phá phách ngoài xã hội, trái lại mới đúng là những thằng điên.”

Người Nhật dưới buổi giao thời ngày càng trở nên hèn nhược và ích kỷ. Con người không dám nói ra những suy nghĩ trong lòng, lâu dần hình thành cách sống gian dối và ngụy tạo. Không thành thật trở thành thói quen, làm sai không dám nhận lại luôn đỗ lỗi cho người khác.

Từ vô danh tiểu tốt như anh phu xe hám của, ti tiện, đến bọn học sinh được giáo dục hẳn hoi đều trở thành nô lệ của đồng tiền… tất cả tạo nên một xã hội đáng thất vọng khiến cá nhân như ông giáo Kushami buồn nản, ngán ngẩm trước hiện thực xã hội, ngán ngẩm với chính bản thân mình.

Dường như nhiệm vụ của giới trí thức Nhật Bản thời kỳ đó là xướng họa, ngâm vịnh, nghiên cứu những thứ không giống ai: bài thơ nhại đời của ông giáo, món Tochimenbo của Meitei (thật ra Tochimenbo là bút danh của một nhà thơ Hai-ku), những câu chuyện tầm phào của anh Kangetsu về cô gái có ý định tự tử thầm gọi tên mình, Meitei hưởng ứng bằng câu chuyện suýt treo cổ… Tất cả đều khiến con mèo phát chán:

“Tóm lại thì ông chủ cũng như Kangetsu và Meitei, đều là những kẻ ăn không ngồi rồi, nhàn rỗi. Họ như những dây leo, nhờ gió thổi mà tung lên, sống nhởn nhơ, vẻ cao siêu sang trọng, nhưng thực ra cũng đầy lòng tham, thói xấu, tầm thường. Thói ganh đua, lòng hiếu thắng vẫn thỉnh thoảng hé ra trong những chuyện đùa tếu hàng ngày của họ. Chỉ tiến thêm một bước nữa thì họ cũng một gáo một giuộc, cùng hội cùng thuyền với những kẻ phàm phu, tục tử mà hàng ngày họ vẫn chửi bới, xỉ vả thôi.”

Những nhân vật trong “Tôi là con mèo” chê bai, bình phẩm những con người bình thường thậm chí là xấu xa trong xã hội, nhưng nếu tiến thêm một bước nữa họ cũng trở thành đối tượng mà họ chê bai.

Tỉnh và điên. Lánh đục và lãnh cảm. Thoát tục và chạy trốn … Những ranh giới ấy rất dễ nhập nhằng khi mà con người không đủ tỉnh táo. Sự nhập nhằng và sa đà tất yếu dẫn đến bi kịch, con người bỗng nhận ra mình trở thành người mà mình từng ghét cay ghét đắng.

Con mèo là điển hình của sự nhập nhằng giữa ranh giới. Tuy là mèo nhưng lại suy nghĩ và hành động như người, mặc dù không ưa gì người nhưng lại muốn trở thành người, từ chỗ ghét người đến hòa nhập vào xã hội loài người. Và rồi cuối cùng chết như một con người say xỉn để quên đi nỗi đau nhân thế.

Cái chết của con mèo là sự bất lực cùng bế tắc khôn cùng mang ý thức phản tỉnh của ông giáo Kushami và xã hội Nhật Bản trước làn sóng Âu hóa đương thời.

Soseki muốn thông qua nhân vật của mình để xã hội có cơ hội nhìn lại kết quả của quá trình hiện đại hóa. Trong những câu chuyện đời thường đậm nét hoạt kê là lời cảnh tỉnh đầy thận trọng và kín đáo, xuất phát từ một trái tim nặng lòng với thời cuộc, mang đôi mắt tỏ tường giữa một xã hội đang mù quáng chạy theo văn minh.