Lang thang nhiều trên mảnh đất Nam Bộ, tôi đã chạm đến tầng tín ngưỡng của những “tôn giáo xách tay”. Còn tôi, tôi gọi đó là “đạo bỏ túi”.
Khái niệm “tôn giáo xách tay” là của nhà nghiên cứu Đỗ Thái Đồng để chỉ một số tôn giáo ở Nam Bộ được đề xuất trong một cuộc hội thảo về tôn giáo. Khái niệm này nhấn mạnh đến sự đơn giản hóa các thể thức trong tín ngưỡng và tôn giáo ở Nam Bộ. Sự đơn giản hóa này xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Sự đơn giản và thuận tiện ấy xuất phát từ cách sống của những người dân Nam Bộ, vốn là những lưu dân đi mở đất. Ở cái thuở ban đầu đấy, họ không có cơ ngơi hoành tráng, nhà cao cửa rộng và vẫn còn phiêu bạt đó đây để tìm cho mình một chỗ trú chân thích hợp. Trong điều kiện đó, có khi còn lênh đênh trên ghe, xuồng, hoặc ở chòi, ở lều, thì mọi thứ cần phải đơn giản, gọn nhẹ, kể cả tín ngưỡng, tôn giáo. Chỉ cần cành hoa, chén nước lạnh, nhúm gạo sống, miếng thịt… là có thể đủ cho một bàn thờ, thực hiện được các nghi lễ cúng bái. Xong việc, có thể dẹp bàn thờ, cho bát nhang vào túi cói, túi bang xách đi. Tín ngưỡng tôn giáo với người dân Nam Bộ không phải là sự ràng buộc khắt khe. Họ đến với tín ngưỡng, tôn giáo không phải vì giáo lý của tôn giáo đó. Thậm chí họ cũng không quan tâm nhiều đến giáo lý. Tín ngưỡng, tôn giáo đối với họ đơn giản chỉ là niềm tin, là chỗ dựa để họ vững lòng khi phải đối diện một thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ “Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội tợ bánh canh. Cỏ mọc thành tinh. Rắn đồng biết gáy”, hay “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường. Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua”.
Đi xuống vùng miền Tây Nam Bộ, sẽ dễ nhận thấy trước mỗi sân nhà, thậm chí trước mũi ghe, có một bàn thờ thiên. Bàn thờ thiên là bàn thờ trời, là một vị thần có quyền uy cao nhất theo tín ngưỡng của người Việt và người Hoa ở Nam Bộ. Bàn thờ thiên là một miếng ván gỗ nhỏ, được đặt trên một cây trụ gỗ. Trên bàn thờ thường có một bình hoa, bát nhang và chén nước lạnh. Vào ngày rằm mùng một, người ta thắp nhang vái tứ phương.
Ở đình làng, việc thờ cúng cũng khá đơn giản. Rất ít vị thành hoàng có tên tuổi và lai lịch rõ ràng, chỉ được ghi chung là “Thành hoàng bổn cảnh”. Nhiều đình làng không có sắc phong Thành hoàng, hay thậm chí đi ăn trộm sắc phong Thành hoàng của làng khác. Bàn thờ của đạo Hòa Hảo cũng khá đơn giản. Một tấm vải nâu (gọi là trần điều), bát nhang, chén nước lã, hoa, trái cây nếu có. Tín đồ cũng tu tại gia. Kinh của đạo Hòa Hảo gọi là Sấm giảng, viết ở thể lục bát, nôm na, dễ hiểu với số đông.
Một câu sấm giảng cho thấy sự ít ràng buộc về nghi thức, luật lệ:
Tu không cần lạy cần quỳ
Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.
Đạo Cao Đài cũng có hình thức kinh kệ đơn giản gọi là Cơ bút.
Bên cạnh những tôn giáo được nhắc nhiều trong sách vở như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Cao Đài… có thể được gọi là “tôn giáo xách tay” thì ở Nam Bộ xuất hiện những ông đạo. Đây là hiện tượng rất đặc thù, riêng có vùng đất này. Có những ông đạo nổi tiếng như đạo Khùng, đạo Tưởng, đạo Dừa, đạo Ngồi, đạo Nằm, đạo Chuối, đạo Gò Mối… Bản thân cái tên đã chỉ rõ tính chất quan trọng nhất của các loại “đạo” này. Ông đạo Khùng ngày nay chắc được xếp vào loại bệnh nhân tâm thần phân liệt. Ông đạo Nằm (tôi từng đến chùa nơi ông tu) chủ trương nằm để tu, nằm để phản đối chiến tranh (có thể là một hình thức bất bạo động kiểu thánh Gandhi chăng?). Ông đạo Ngồi thì lại tu… ngồi là chính. Ông đạo Dừa, đạo Chuối chủ trương dùng thực phẩm là những món này. Đạo Gò mối là do tu trên Gò mối, không cần chùa.
Khái niệm ông Đạo ở Nam Bộ là để chỉ những người có khả năng đặc biệt, như khả năng chữa bệnh, khả năng tập hợp quần chúng, khả năng huyền linh, dẫn dắt mọi người theo một chủ thuyết nào đó. Tóm lại, là người có khả năng làm những điều mà người bình thường không làm được, và mang màu sắc thần bí”.
Nhiều ông Đạo ở Nam Bộ không đại diện cho một tôn giáo nào. Ông không có đồ đệ, tín đồ (tất nhiên trừ một số vị danh tiếng như đạo Dừa), cũng không đề xuất ra lý thuyết hay giáo lý gì. Nhưng người dân thì sùng bái và tin các ông Đạo, thậm chí sợ hãi họ vì cho rằng các ông đạo có khả năng siêu phàm, hơn người thường. Các ông Đạo được xem là có khả năng tiếp xúc với thần thánh, thế giới siêu nhiên, và mọi hành vi kỳ quái dễ được giải thích là để tiếp xúc với thần linh.
Mặt khác, nhiều ông đạo lại kiêm luôn việc chữa bệnh, bốc thuốc cho người dân, vì thế, lòng tin lại được tăng thêm nếu ông chữa khỏi bệnh. Những ông đạo thường chữa bệnh bằng việc kết hợp hai phương thức. Họ dùng cây cỏ để chữa bệnh (trong trường hợp rắn cắn, cảm sốt…) và kèm theo là việc cúng bái, thực hiện các nghi thức có tính bùa chú như lên đồng, trừ ếm tà ma…
Người dân Nam Bộ cũng nhờ vả các ông đạo trong những lĩnh vực khác. Họ nhờ xem vận hạn, ngày lành tháng tốt cho việc ma chay, cưới hỏi. Họ cầu khẩn ông đạo ra tay trừ các loại yêu quái làm hại gia đình, làng xóm, giải thoát con người khỏi tai ương. Các loại bùa phép, ngải, cùng những nghi thức cầu cúng được thực hiện để ngăn chặn, trục xuất ma quỷ. Từ đó nảy sinh huyền thoại về các loại bùa phép tránh được dao kiếm, súng đạn…
Vậy tại sao ở mảnh đất miền Nam mới có các ông đạo, hay cao hơn một bậc là các “tôn giáo xách tay”? Quay lại với bối cảnh thời khẩn hoang Nam Bộ, người dân Việt cần đến nhu cầu tâm linh một cách đơn giản và thiết thực, nhất là khi nhiều tộc người có sự chung sống cộng cư với nhau, ảnh hưởng đến nhau. Nét cá tính của người Nam Bộ như bình dân, đơn giản, phóng khoáng, không câu nệ lễ nghĩa, không nghĩ cao xa, viển vông, mà lại thực tế là điều được hình thành từ thuở di dân. Những “tôn giáo xách tay” hay “ông đạo” đã đáp ứng được nhu cầu này. Sự tin tưởng thậm chí cả tin được xác lập, bởi vì người thấy phù hợp với lối sống, lối sinh hoạt của mình. Không cao xa về giáo lý, học thuyết, mà lại gần gũi, thiết thực nhưng vẫn có những yếu tố thần bí, ly kỳ, lạ lẫm đủ sức mê hoặc. Niềm tin vào những tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống như tín ngưỡng thờ Thành hoàng, Phật giáo… dường như chưa đủ, mặt khác lại quá phức tạp, chưa đáp ứng được điều mà tâm thức người dân Nam Bộ hướng đến. Những giáo lý đơn giản, những con người thật nửa linh thiêng, nửa trần tục như ông Đạo, xem ra là phù hợp hơn.
Tính phóng khoáng ấy còn được thể hiện ở chỗ người dân Nam Bộ có thể sẵn sàng theo hay rời bỏ tôn giáo mà không câu nệ. Họ cũng sẵn sàng chấp nhận một lúc nhiều tôn giáo hay chấp nhận hỗn dung tôn giáo (nhiều gia đình tôi quen biết có hiện tượng trong cùng một gia đình mà theo những tôn giáo khác nhau). Các nhà nghiên cứu cho rằng khi tôn giáo truyền thống vào Nam Bộ, cư dân ở đây đã có sự “tái cấu trúc” lại tín ngưỡng tôn giáo cho phù hợp với điều kiện sống, môi trường sống của mình.
Nếu Nam Bộ là môi trường động thì Bắc Bộ là môi trường tĩnh. Lũy tre làng, tập tục, hương ước của một vùng đất cổ đã khiến cho việc nảy sinh cái mới, nhất là cái mới trong tôn giáo xem ra có vẻ khó khăn hơn. Đất Bắc bộ lại là mảnh đất truyền thống của Phật giáo, là nơi gần với ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến Trung Hoa, xem ra bảo thủ hơn, thuần chất hơn trong mọi vấn đề, chứ không chỉ riêng vấn đề tôn giáo. Còn Trung Bộ, xét cho cùng cũng mang nhiều nét mới, đó cũng từng là mảnh đất của một tộc người khác, quốc gia khác. Nhưng môi trường biển khiến cho tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đất này ngoài truyền thống ra, lại chủ yếu mang những nét đặc trưng của miền biển, chứ không hướng đến sự đơn giản, thiết thực của những cư dân đồng bằng Nam Bộ. Mặt khác, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ cũng nhiều phần giống Bắc Bộ, lại là nơi đặt kinh đô suốt mấy trăm năm, không dễ gì có điều kiện cho những tôn giáo mới. Nam Trung Bộ thì tôn giáo vẫn chủ yếu có dấu ấn của người Chăm, hoàn cảnh không giống như ở Nam Bộ. Nên có thể nói sự xuất hiện của các “tôn giáo xách tay” hay “ông đạo ” ở Nam Bộ là sự riêng biệt và không lặp lại của lịch sử.
Xem thêm: Quan hệ giữa Nho giáo và Phật giáo ở Việt Nam
Hà Thanh Vân