Nhà thơ Trần Hùng viết không nhiều, sau vài chục năm cầm bút, đến nay ông mới in các tập thơ: Gọi bạn (1991), Mơ quê (1998) và Thảm thắc, Vườn khuya (2015), Thơ Trần Hùng (2018), Mùa xa (2019). Trong đó, tập Vườn khuya nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam nam 2015 và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2017, đây là phần thưởng xứng đáng của một nhà thơ đã có những đóng góp riêng về giọng điệu, phong cách, bút pháp… cho nền thi ca hiện đại Việt Nam.

Quê gốc Hà Đông, sinh ra, lớn lên tại Yên Bái, nhưng tài năng thơ của Trần Hùng lại phát lộ tại Cao Bằng, quê vợ của ông. Từ cán bộ Đại đội pháo tham gia cuộc chiến tranh giữ nước tại Cao Bằng năm 1979, ông trở thành Tiểu đoàn trưởng trong quân đội. Sau đó, rời quân ngũ làm việc tại các cơ quan dân sự, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chánh Văn phòng Thị ủy, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Với cương vị công tác nào, ông cũng mẫn cán trong công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với thơ, Trần Hùng cũng rất tỉ mỉ, nghiêm cẩn. Đọc thơ ông, không thấy sự cẩu thả trong phép dùng chữ nghĩa mà ông đắn đo, cân nhắc kỹ càng. Do vậy câu nào, chữ nào trong thơ ông cũng mang nặng nỗi niềm, có sức lay động trái tim người đọc.

Thơ Trần Hùng được viết ra bởi sự tỉnh táo của lý trí cộng với sự đắm say của một trái tim đa cảm. Thơ ông bay bổng, thăng hoa bởi nỗi niềm thắc thỏm, khắc khoải và đầy khát vọng. Ngay từ những bài thơ đầu tiên, thơ Trần Hùng hé lộ giọng điệu và ngôn ngữ rất riêng. Một thứ ngôn ngữ thơ giản dị nhưng đầy ám ảnh được dồn nén bởi cảm xúc, được bật ra từ cõi vô thức của thi nhân.

Trong buổi chiều của miền sơn cước, ông bắt gặp một em bé câm với gánh củi nặng trên vai. Hình ảnh em bé liêu xiêu trong lúc ngày sắp hết đã động lòng trắc ẩn của nhà thơ:

Chiều vàng xuống lưng đèo

Em bé một mình với gánh củi

Em gái ơi sao em không nói

Đôi mắt to tóc cháy nắng thế kia

Vai nhỏ gầy mồ hôi đầm đìa

Đường quen về sao em còn vấp

Bước sau em lòng tôi se sắt

Anh gánh củi hộ rồi em còn khóc làm chi…

(Em bé câm)

Bài thơ đóng lại bằng một câu hỏi, tuy tác giả không hạ dấu hỏi nhưng đọc xong bài thơ, câu hỏi tự nhiên hiện lên trước mắt người đọc. Hình như cả hình dáng liêu xiêu của em bé câm cũng trở thành câu hỏi lớn. Việc tác giả gánh hộ em bé một thôi đường làm cho em bớt nhọc nhằn đôi chút, nhưng đấy chỉ là giải pháp nhất thời. Còn lâu dài liệu nhà thơ hay một ai đó có thể gánh giúp em bé được cả đời không? Làm sao để các em khuyết tật và các em bé miền núi nghèo khổ có thể được học hành, được nuôi dưỡng, chăm sóc bình đẳng như mọi đứa trẻ khác. Đó chính là khát vọng của Trần Hùng được mã hóa vào thi ca.

Do cảm xúc được kiểm soát bởi lý trí nên thơ Trần Hùng tuy có thoáng chút âu lo, thắc thỏm nhưng không ủy mị. Đấy là phẩm chất thơ đáng quý của Trần Hùng, luôn làm chủ mọi hoàn cảnh, điềm tĩnh, không bị ánh hào quang của quyền uy dẫn dụ, mê hoặc: … Ầu ơ hạt bụi đường xa/Là tôi bước một bước ba trở về/Ngày nào hạt bột chân quê/Ngày nào một chút quyền uy gọi là/Giật mình tuổi cũng đã xa/Mà chưa thật rõ là ta hay mình/Quyền uy rồi cũng phù vân/Trở về cũng hạt bụi trần cùng nhau… Một đêm cát bụi đầy trời/ Một đêm cát bụi ôm tôi vào lòng… (Ru cát bụi).

Trần Hùng ít làm thơ lục bát. Nhưng khi cảm xúc lên tiếng, cõi lòng lên tiếng và ông thấy rằng chỉ có lục bát mới nói hết được, mới chuyển tải được ý tưởng thì ông mới hạ bút viết thơ lục bát. Có lẽ bài Ru cát bụi ra đời trong tâm thế như vậy.

Ngoài những bài ông ký thác những trải nghiệm, những chiêm nghiệm, những đớn đau, bất hạnh cuộc đời vào thi ca thì Trần Hùng còn có loạt bài thơ viết cho người thân và bè bạn. Trần Hùng sống chân thành với bè bạn trong đời thường cũng như trong thi ca. Chính vì vậy, ông dựng chân dung nhà thơ Bế Thành Long bằng những vần thơ xúc động, bằng một thứ tình cảm nâng niu, trân trọng:

Tuổi bảy mươi

Tự tin như trẻ lên ba, bồng bột như một ông già, buồn buồn như con gái

Vầng trán lang thang nơi nào ấy

Chưa về

Còn người thì ngồi đây

Chưa ăn gì

Có phải thế không

Chiếc bình thanh mảnh của tôi ơi

Rạn vỡ mà cứ chênh vênh thế

Bạn ngồi râu như cỏ

Ngọn khói lắc lư cười

Một câu thơ bé nhỏ đến bên người

Run rẩy 

(Như không)

Về người mẹ thân yêu của mình, Trần Hùng dành cho mẹ những vần thơ được viết lên từ trong tâm khảm: Mẹ ơi/Giao thừa rồi/Con quỳ xin mẹ đây/Xin mẹ uống một liều thuốc ngủ/Rồi nằm xuống – nhẹ nhàng thôi/Thanh thản cho đến sớm mai/Sẽ trở dậy thắp hương mẹ nhé... (Giao thừa). Chao ôi! Có gì sánh được sự trống vắng trong lòng người mẹ xa con trong phút giao thừa thiêng liêng. Phải là đứa con yêu mẹ lắm lắm, thương mẹ lắm lắm và hiểu mẹ lắm lắm mới sáng tạo nên những câu thơ đặc quánh nỗi niềm như vậy.

Trần Hùng khá thành công trong việc đưa thiên nhiên vào thơ. Thiên nhiên trong thơ ông không ồn ào mà lặng lẽ, khiêm nhường như tính cách của ông vậy: Dưới vòm đêm hương đất dịu dàng lan tỏa/Hoa ru im ánh trăng/Se sẽ ánh sáng tươi trong/Se sẽ vòm đêm tươi trong/Đâu đây rơi tiếng lá cuối cùng (Lối trăng). Trong bài thơ này tác giả lắng nghe chuyển động thiên nhiên hơn là miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Ngay một bài thơ có tên Mùa đom đóm đáng lẽ phải thật rộn ràng nhưng lại diễn ra trong tĩnh lặng. Tuy nhiên, trong bài thơ có “tiếng lá”, “tiếng cẩu nước”, “tiếng rửa chân” nhưng tất cả đều có vẻ khẽ khàng, không làm cho không khí bài thơ ồn ào lên được:

Những chiều buông như thế

Từ lửa tàn cuối đông bước chân về

Đuôi tóc lòng tay se sẽ

Mình lặng im trong ngõ

Mơ màng như hai trái ổi đêm… và trăng đã lên

Trăng đã lên thật rồi

Giật mình tiếng lá

Tiếng cẩu nước vội vàng, tiếng rửa chân vội vàng

Đom đóm cũng dần tàn… mùa đom đóm ơi.

Đọc những vần thơ trên làm ta nhớ da diết quê hương, nhớ da diết tuổi thơ trong buổi đêm từng bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh rồi dùng ánh sáng xanh lạnh của chúng để soi đường rong chơi khắp mọi ngõ ngách đường làng.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Thành Long, tác giả của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa nổi tiếng, có lần nói với tôi đại ý rằng: Viết văn ta không chỉ viết bằng mười đầu ngón tay mà còn viết bằng cả trái tim. Từ ý nhận định hết sức sâu sắc này tôi mạo muội tạm thời chia văn chương ra làm ba loại: Loại viết bằng ngón tay là loại văn đọc vào chỉ thấy xác chữ mà không thấy hồn vía của chữ; loại văn viết bằng trái tim người đọc tiếp nhận dễ dàng nhưng cũng dễ đi đến hoang mang, bế tắc trước những vấn đề gai góc nảy sinh từ cuộc sống; loại viết bằng sự kết hợp giữa mười đầu ngón tay và sự rung động của trái tim. Trần Hùng là nhà thơ với kiểu thứ 3 bằng sự kết hợp mười đầu ngón tay, lý trí tỉnh táo nhưng ẩn sau là một trái tim đa cảm, nhân hậu với những nỗi niềm khắc khoải và khát vọng.

HỮU TIẾN