Trong thơ Trần Nhân Tông đôi khi nghe thấy một tiếng thở dài não nuột, xót xa dành cho nỗi đau thân phận của con người. Tuy ở trên ngôi cao chín bệ nhưng tâm hồn ông lúc nào cũng thường trực một nỗi trăn trở, suy tư cho bao nhiêu bi kịch của con người trong cuộc đời trần thế. Hiếm có một vị hoàng đế nào mà con tim luôn dào dạt tình thương và những nỗi niềm trắc ẩn như ông. Ông có lẽ là người đầu tiên trong văn học Việt Nam thấu hiểu và cảm thông cho nỗi niềm của người cung nữ.
Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng
Hoàng li bất ngữ oán Đông phong
Vô đoan lạc nhật Tây lầu ngoại
Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông
(Khuê Oán)
(Ngủ dậy cuốn rèm thấy hoa hồng rụng,
Chim hoàng oanh chẳng hót, giận gió xuân.
Bỗng dưng mặt trời lặn ngoài lầu Tây
Bóng hoa đầu cành đều hướng về hướng đông)
(Nỗi oán của người phòng the)
Câu thơ đầu tiên là hành động “Ngủ dậy cuốn rèm”. Người phụ nữ nhìn thấy điều gì từ thế giới bên ngoài? Câu trả lời xuất hiện liền ngay sau đó. Nàng nhìn thấy những cánh hồng rơi rụng, chim oanh ngừng tiếng hót, mặt trời lặn về Tây và những bóng hoa đầu cành hết thảy đều ngã về hướng Đông. Những cánh hồng rơi rụng gợi một cái gì xơ xác, tạo cảm giác bất an trong tâm trạng. Chim oanh bặt tiếng hót vì oán gió xuân sao vội đến rồi vội đi quá tàn nhẫn, vô tình. Trong thơ cổ, “đông phong” hay “đông quân” thường là những hình ảnh biểu tượng chỉ vua chúa. Vậy thì “khuê oán” ở đây không phải là nỗi buồn của một người khuê phụ nào đó đang đợi chờ chồng mà chắc chắn đấy phải là nỗi oán của người cung nữ trong chốn thâm cung. Hai câu thơ sau ẩn chứa một tâm sự buồn man mác. “Mặt trời lặn ngoài lầu Tây” là quy luật của đời người. Thời gian cứ lạnh lùng trôi đi, tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại mà người cung nhân cứ mãi “ngóng về hướng đông” để trông chờ đấng quân vương. Tuổi xuân cứ thế tàn phai trong khắc khoải, vô vọng.
Chế độ cung nữ là một chế độ vô cùng tàn nhẫn trong các triều đại phong kiến phương Đông. Xưa nay có biết bao thi nhân đã nhỏ lệ cảm thông và viết thành những tiếng than bi thiết cho nỗi cô đơn của con người nơi thâm cung lạnh lẽo. Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Trinh và đặc biệt là Nguyễn Gia Thiều đều có những bài thơ rất hay viết về đề tài này. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong những hồn thơ giàu trắc ẩn ấy, Trần Nhân Tông là một ông vua. Một ông vua mà có sự đồng cảm sâu sắc với nỗi sầu cung nhân như vậy thì tâm hồn ông cao đẹp biết chừng nào. Nói như Nguyễn Huệ Chi và Trần Thị Băng Thanh “con người tinh tế của Trần Nhân Tông đã không bỏ qua một tiếng thở dài, dù lẩn khuất đâu đấy của lớp người vốn sinh ra chỉ để phục dịch, trang trí cho ông: người cung nữ.” (1)
Một lần cầm quân chinh phạt phía Tây, bất chợt một tứ thơ ùa về trong tâm tưởng Trần Nhân Tông:
Cẩm phàm khinh sấn lãng hoa khai,
Bồng để yêm yêm thủ bất đài.
Tam giáp mộ vân vô nhạn đáo,
Cửu than minh nguyệt hữu long lai.
Thê lương hành sắc thiêm cung mộng,
Liêu hoạn nhàn sầu đáo tửu bôi.
Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng,
Nam nhi cấp cấp nhược vi tai.
(Tây chinh đạo trung)
(Buồm gấm bay vèo, hoa sóng tung lên,
Dưới mui hồng đầu nghe mệt mỏi.
Mây chiều ở Tam Giáp trông không thấy nhạn,
Trăng sáng ở Cửu Than thấy cá rồng.
Cảnh đi đường lạnh lẽo lại vương vấn giấc mơ cung nội,
Mối sầu vơ vẩn đến với chén rượu.
Hán Vũ Đế bị mang tiếng là kẻ “ cùng binh độc vũ”,
Kẻ làm trai vội vã về việc chiến chinh để làm gì?)
Trong bài thơ có hình bóng một con người với những phút giây tự vấn chính mình để nhận ra sự vô nghĩa của chiến tranh. Trực tiếp thể nghiệm cùng cuộc sống của người lính trận, cảm thông sâu sắc cho số phận và những nỗi gian lao của họ, tấm lòng ông thường trực một nỗi trăn trở về ý nghĩa đích thực của cuộc chinh phạt mà mình đề xướng từ đó mơ về nơi cung nội, cảm thấy trân trọng cuộc sống nhàn nhã. Trong một lúc, Trần Nhân Tông dường như không còn là một ông vua nữa mà hóa thân thành người lính và từ vị thế người lính, ông mới nhìn ra được mặt trái của những cuộc chiến chinh. Vẻ đẹp nhân văn của bài thơ thể hiện ở chỗ một vị hoàng đế cầm quân chinh phạt lại trực tiếp bộc lộ nỗi oán ghét chiến tranh và sự khao khát mãnh liệt về hòa bình. Câu hỏi “kẻ làm trai cứ phải vội vã về việc chinh chiến để làm gì?” vang lên như một niềm trăn trở lớn, thể hiện ý thức phản tỉnh sâu sắc của nhà vua trên hành trình tìm đến với những giá trị đích thực của cuộc sống.
Có thể thấy, tấm lòng Trần Nhân Tông lúc nào cũng hướng tới muôn dân và trái tim ông lúc nào cũng thổn thức vì những nỗi đau nhân thế. Điều này khiến những trước tác của ông thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân đạo tạo nên một sức cuốn hút mãnh liệt trong lòng người đọc bao nhiêu thế hệ.
Hồ Tấn Nguyên Minh
* Chú thích:
(1) Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, “ Trần Nhân Tông – chính khách, thi nhân và tầm vóc thời đại”, Viet – studies.com.