Được hình thành từ khá sớm và khá đông đảo, trí thức tân học Nam Kỳ đã từng bước trưởng thành, vị thế của họ ngày càng được khẳng định trên mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là sau Chiến tranh thế giới thứ I. Tinh thần yêu nước và tri thức “tân học”, sự mạnh mẽ, phóng khoáng của người Nam bộ và tinh thần dân chủ phương Tây đã kết hợp và tạo nên phẩm chất trí thức Nam Kỳ, đưa họ trở thành lực lượng dẫn dắt phong trào yêu nước và cách mạng ở Nam Kỳ những thập niên đầu thế kỷ XX.

Động lực của vận động xã hội

Trí thức Nam Kỳ, được hình thành khá sớm nhưng để thành đội ngũ, thành một lực lượng xã hội thì phải đến năm 1919, sau chiến tranh thế giới I. Không có số liệu thống kê nào về số lượng trí thức Nam Kỳ vào giai đoạn này, nhưng theo một nghiên cứu của Nguyễn Đình Thống thì năm 1929 cả nước có khoảng 40 vạn trí thức trong đó Nam Kỳ chiếm một tỷ lệ khá lớn vì nền giáo dục tân học ở đây được thiết lập sớm hơn, lại có nhiều người du học Pháp trở về.

Họ hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, trong các cơ quan công quyền, các cơ quan chuyên môn như giáo dục, y tế, kỹ thuật… và hoạt động tự do trên nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, báo chí, xuất bản hoặc các lĩnh vực khác.

Trong số đó có nhiều người là công chức, viên chức trong bộ máy của chính quyền thuộc địa. Một số là công chức cao cấp từ tri huyện trở lên. Trong số công chức cao cấp có thể kể đến các ông Trần Chánh Chiếu (Đốc phủ), nhà văn Hồ Biểu Chánh (Đốc phủ), Ngô Minh Chiêu (Đốc phủ), Đỗ Hữu Try (thẩm phán)… Một số làm việc trong quân đội Pháp như Thái Văn Chánh, Nguyễn Văn Xuân…

Đông nhất là các viên chức chuyên môn về giáo dục, y tế, luật, khoa học – kỹ thuật. Họ là những người có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo tại trường đại học ở Hà Nội hoặc ở Pháp. Tiêu biểu là các kỹ sư Lưu Văn Lang, Kha Vạn Cân, Nguyễn Ngọc Bích…; các bác sĩ Hồ Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Hoài, Henrrige Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Văn Thinh, Phạm Ngọc Thạch, Lê Quang Trinh, Trần Quang Đệ…; các luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Diệp Văn Kỳ, Dương Văn Giáo, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Thái Văn Lung…; các nhà giáo Nguyễn Bá, Nguyễn Văn Vỹ, Nguyễn Thành Giung…

Ngoài ra, có một bộ phận hành nghề tự do, nhiều nhất là hoạt động báo chí, xuất bản, văn chương, nghệ thuật… Đông đảo nhất là làm báo. Họ là lực lượng chính của nền báo chí và xuất bản Nam Kỳ vốn đã phát triển sớm nhất, mạnh nhất cả nước. Năm 1922, Nam Kỳ có với 29 tờ tiếng Pháp, 10 tờ tiếng Việt; năm 1929 có 44 tờ tiếng Pháp, 27 tờ tiếng Việt. Từ trước năm 1930, ngành xuất bản, in đã khá phát triển với các nhà xuất bản, nhà in, thư quán/nhà sách như Nguyễn Văn Viết, Union/Nguyễn Văn Của, Bảo tồn thư xã, Đức Lưu Phương, Tín Đức thư xã, Thạch Thị Mậu, Xưa Nay, Cường Học thư xã, Tân Việt thư xã…

Các trí thức cũng đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ của văn học Nam Kỳ với các nhà văn nổi tiếng như Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Bình… Nền văn học mới của Nam Kỳ hình thành với “Phan Yên ngoại sử – Tiết phụ gian truân” (1910) của Trương Duy Toản – tiểu thuyết lịch sử bằng quốc ngữ đầu tiên; “Chơn cáo tự sự” (1910) của Michel Tinh; “Hà Hương phong nguyệt” (1912) của Lê Hoàng Mưu – tiểu thuyết tâm lý – xã hội đầu tiên…

Về hội họa, điêu khắc, ngoài nguồn đào tạo từ các trường Mỹ nghệ Gia Định, Mỹ nghệ Biên Hòa còn có các họa sỹ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Văn Đệ, Trần Văn Lắm… đã tạo ra nền tảng mới cho mỹ thuật hiện đại Nam Kỳ.

Ngoài ra, khá đông trí thức Nam Kỳ còn tham gia hoạt động tôn giáo. Các nhà trí thức như Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Dương Văn Giáo… đã sáng lập hoặc tham gia Đạo Cao Đài. Nhà sư Thiện Chiếu sáng lập tờ Phật hóa Tân Thanh niên; nhà sư Khánh Hòa sáng lập tạp chí Pháp Âm. Năm 1931, các trí thức là lực lượng chủ yếu lập ra Hội nghiên cứu Phật học. Các trí thức Công giáo đã ủng hộ việc tấn phong linh mục người Việt, thể hiện sự trỗi dậy tinh thần dân tộc của cộng đồng Công giáo Việt Nam.

Một hoạt động đặc trưng và sôi nổi của trí thức ở Nam Kỳ thời này là thành lập các hội đoàn trí thức tự do như Hội Khuyến học (1905), Hội Đức Trí thể dục (1926), Hội nghiên cứu Phật học (1931), Hội Nam Kỳ tương tế tổ chức việc nhà in, Hội Dục Anh (1930), Hội Ái hữu báo giới Nam Kỳ, Hội Giáo dục tương trợ Nam kỳ (1908)…

Đi đầu trong hoạt động chính trị và cách mạng

Tại Nam Kỳ, đội ngũ trí thức không chỉ là lực lượng tiên phong trong cuộc vận động khai minh, hiện đại hóa văn hóa, giáo dục mà còn còn đi đầu trong các hoạt động yêu nước và cách mạng nhằm mục tiêu độc lập và dân chủ.

Là xứ thuộc địa, trí thức Nam Kỳ được nới lỏng hơn về quy chế hoạt động báo chí, phát ngôn để bày tỏ thái độ, quan điểm cá nhân nên các hoạt động chính trị công khai và sôi nổi hơn. Họ có thể nhóm họp để tranh luận, cũng có thể đăng đàn diễn thuyết hoặc bày tỏ quan điểm trên báo chí. Nguyễn An Ninh là nhà yêu nước, nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà báo đã triệt để tận dụng lợi thế này.

Tháng 10.1922, sau khi viết xong luận án tiến sĩ Luật đại học Sorbonne Paris, Nguyễn An Ninh chưa bảo vệ mà về nước và đã nói với cha: “Con sẽ đánh thức đồng bào còn đang mê ngủ. Sẽ làm cho họ hiểu bổn phận mỗi người trước vận mệnh của đất nước. Sẽ giải thích cho họ biết phải làm gì, và theo ai. Rồi con sẽ tổ chức một lực lượng quần chúng…”; và: “…con muốn bắt đầu từ lực lượng trí thức và thanh niên sinh viên. Họ sẽ là động lực cách mạng, tiếp thu kiến thức, giác ngộ lại cho giai cấp khác như nông dân, công nhân và mọi tầng lớp yêu nước khác…”.

Tối ngày 25.01.1923, Nguyễn An Ninh diễn thuyết tại Hội Khuyến học Nam Kỳ, Sài Gòn, với chủ đề “Chung đúc nền học thức cho dân An Nam”. Tối ngày 15.10.1923, cũng tại Hội Khuyến học Nam Kỳ, Nguyễn An Ninh diễn thuyết về chủ đề “Lý tưởng thanh niên An Nam” bằng tiếng Pháp. Ông chỉ rõ “văn hóa là tâm hồn của dân tộc”, phải có niềm tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam.

Ông khuyên thanh niên phải sống có hoài bão, ước mơ mà ước mơ cao đẹp nhất là phụng sự đất nước, phải đấu tranh để đạt được ước mơ đó, phải dám ra khỏi nhà, quan sát cuộc sống quanh mình, mở tầm nhìn rộng, đem tài năng đưa dân tộc ta lên ngang hàng với các nước trên thế giới, làm cuộc sống dân ta tươi đẹp hơn.

Bài diễn thuyết này của Nguyễn An Ninh đã chỉ ra hướng đi cho thanh niên, nhanh chóng trở thành một trào lưu mạnh mẽ khắp Nam Bộ lúc bấy giờ.

Cũng từ năm 1923, Nguyễn An Ninh bắt đầu làm báo La Cloche Fêleé (Chuông rè), cùng với Thanh niên (1925) của Nguyễn Ái Quốc và Tiếng Dân (1927) của Huỳnh Thúc Kháng tạo thành một bộ ba báo chí cổ vũ tinh thần yêu nước và cách mạng Việt Nam những năm 1920.

Năm 1926, sau khi ra tù, ông sáng lập Thanh niên Cao vọng Đảng, một tổ chức yêu nước hoạt động theo nguyên tắc hội kín ở Nam Kỳ. Ngoài ra, ông còn phối hợp vận động phát triển Việt Nam Cách mệnh Thanh niên ở Nam Kỳ.

Tháng 6 năm 1936, tận dụng cơ hội ở Pháp Chính phủ Bình dân được thành lập, Nguyễn An Ninh đã nhạy bén đưa ra ý tưởng triệu tập Đông Dương đại hội. Ý tưởng này đã được thực hiện, Đông Dương đại hội trở thành cao trào cách mạng của quần chúng những năm 1936 – 1939. Trong hơn 20 năm, Nguyễn An Ninh là hạt nhân trung tâm của các phong trào yêu nước và cách mạng của Nam Kỳ.

Cũng ở Nam Kỳ trong giai đoạn này, giới trí thức còn tham gia các tổ chức chính trị bí mật khác là Việt Nam Quốc dân Đảng như Trần Huy Liệu, Tô Chấn…; Tân Việt Cách mạng Đảng như Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Thị Minh Khai…; Thanh niên Cách mạng đồng chí hội như Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Ngọc Ba… Phần lớn những người này về sau đều tham gia Đảng Cộng sản, trở thành những nhà lãnh đạo của Đảng.

VĨNH KHÁNH