Bằng bút lực cuối đời, Vũ Trọng Phụng viết nên thiên tiểu thuyết “Trúng số độc đắc”, đặt vấn đề về sự tương quan giữa tiền tài và phẩm cách, về sức mạnh của đồng tiền, về bản chất của con người… qua một thể nghiệm tâm lý hết sức thú vị.
Nói cho cùng, liệu có bao nhiêu người có đủ tự tin giữ vững được sơ tâm nếu một ngày bỗng dưng trở nên giàu có?
Nội dung bài viết
Thói đời thay đổi, lòng người đổi thay.
Tiểu thuyết “Trúng số độc đắc” kể lại diễn biến tâm lý của một anh chàng thất nghiệp, vì trúng số độc đắc mà trở thành một tay cự phú. Xuyên suốt cả 9 chương truyện, Nguyễn Văn Phúc – nhân vật chính, xuất hiện trong từng trang từng trang sách, suy nghĩ và ngôn từ của anh trải dài tác phẩm, để người đọc cốt rõ cái đồng tiền đã khiến cho một kẻ được coi là người tốt trở nên “hư” như thế nào.
Phúc là một “cậu áo trắng dài”, ngày ngày ra vườn hoa đọc sách nhằm tu thân sửa chí, với mong muốn trở thành một hiền nhân quân tử ở đời. Cái sự rảnh rỗi đó là bởi Phúc đã thất nghiệp ngót nghét một năm, ở nhà bị vợ sỉ vả, bị bố mẹ coi khinh; ra ngoài bị lão chủ Tây ném đơn xin việc xuống đất, bị tòa báo nhục mạ quỵt tiền…
Và rồi, Phúc trúng số. Trúng số độc đắc mười vạn.
Chưa đầy nửa tháng sau khi biết tin, các nhà báo kéo đến chụp ảnh, phỏng vấn, cung kính Phúc vô cùng. Cái lão chủ Tây thấy Phúc đến là cúi đầu chào rất thấp, nịnh hót liên hồi, xin lỗi tới tấp. Bố mẹ thay đổi như có phép thần thông, khiến Phúc thấy mình như biến hình thành đại quý tử. Bố và anh cả Phúc tranh nhau năm trăm bạc của Phúc cho mà như hai con ác thú trước một miếng mồi…
Nhân tình thế thái thay đổi trắng trợn, Phúc mượn “Lẽ tục phú” của Trần Văn Nghĩa để tức cảnh sinh tình:
“Khi đắc thế thì đất nặn nên bụt, nghe hơi khá thì xăm xăm chen gót tới, đến ngỡ đàn ruồi;
Khó giữa chợ nào ai thèm hỏi, chẳng mua thù bán giận cũng thờ ơ;
Giàu trên non, lắm kẻ đi tìm, không ép đâu, nài thương mà sục sạo.”
Thói đời đổi trắng thay đen. Mà lòng người cũng thường thay đổi theo thói đời. Người xung quanh Phúc đã thế, mà Phúc – kẻ từng muốn tu nhân sửa chí thành một hiền nhân quân tử – cũng thế, anh trượt dài trên con đường tư bản hưởng thụ.
Kẻ thất bại tự ru mộng mình.
Vũ Trọng Phụng đã rất thành công đắp nặn nên Phúc – một nhân vật điển hình rơi vào chủ nghĩa vị tinh thần.
Phúc thất nghiệp và tự cho mình cái quyền hơn người là ngồi không và đọc sách, khăng khăng với luận điệu gàn dở là cuộc đời chỉ thanh cao và ý nghĩa khi người ta tu thân tích đức bằng sách vở. Đọc được nhiều sách khiến anh chàng tự nâng mình lên một bậc so với tất cả mọi người xung quanh. Đầu óc ưa lý luận bám vào ý nghĩ rằng anh cũng chẳng ăn hại mấy, vì sau này chia gia tài chắc chắn anh được hưởng một phần tư cái nhà ở phố Hàng Gai, nên anh thấy mình chẳng cần phải giúp đỡ gì cho gia đình cả.
Với bản tính sĩ diện hảo, Phúc trốn tránh sự thật rằng đứng trước thực tế cuộc sống, tất cả những gì cao thượng mà cổ nhân để lại chỉ là những lý luận chết cứng, vô tri, nếu không biết cách ứng dụng và tạo điều kiện để ứng dụng. Sách chỉ có thể sống, sinh động và hữu ích khi người đọc biết áp dụng và thực hành nó trong đời sống. Nếu tư tưởng là một mầm cây được sinh ra từ sách vở và giáo dục, thì hành động là ánh sáng và phân bón nuôi dưỡng cây lớn mạnh trước bão giông là thực tế cuộc đời.
Không chịu chấp nhận thất bại của bản thân mà chui rúc trong vỏ bọc của sách vở, tự huyễn hoặc trên tư tưởng Thánh hiền, Phúc mang hơi hướm của tinh thần AQ bất diệt, một phép thắng lợi tinh thần, tự ru mộng mình.
Mộng chợt tỉnh khi nhận ra nỗi nhục của một kẻ không làm chủ được đồng tiền, Phúc lại mơ một giấc mơ khác, mơ mình trúng số: “Cứ biết rằng ở đời này nếu ta có nhiều tiền, thì ta làm được nhiều việc tốt đẹp lắm. Nếu tôi giàu thì anh xem.”
Vậy mà Phúc trúng số thật. Thế nhưng khi nhảy từ thái cực âm sang thái cực dương vì một cục tiền từ trên trời rơi xuống, chữ nghĩa Thánh hiền coi khinh tiền bạc dường như bị tiền quạt đi đâu mất, Phúc triết lý rằng: “Xưa kia tôi đạo đức vì chưa đủ tiền để hư.”
Sự tha hóa của con người dưới sức mạnh đồng tiền.
Trong khi những tác giả hiện thực cùng thời mới chỉ phân chia xã hội thành hai lớp lang tốt và xấu, đề cao cái tốt và hạ bệ cái xấu, thì Vũ Trọng Phụng là nhà văn Việt Nam đầu tiên đã phanh phui bản chất của người, kể cả những người được coi là hiền lành, chân thật.
Không có trắng tuyệt đối, đen tuyệt đối, Vũ Trọng Phụng vẽ nên dải màu xám của lòng người và của cuộc đời. Dải màu xám đó chính là sự tha hóa của con người. Ông đi trước thời đại, ông tả chân một xã hội hai mặt với những con người hai mặt, dùng đối thoại và độc thoại nội tâm của các nhân vật, như một phương pháp thám hiểm vùng tiềm thức của con người.
Vũ Trọng Phụng không dùng ngòi bút để chống lại một thành phần, một giai cấp, cũng không trực tiếp chỉ trích sự mục nát, thối rữa của xã hội Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân. Ông mô tả sự tha hoá của con người, trên toàn diện xã hội, dưới chiều sâu, qua nhiều từng lớp, nhiều hạng người, mỗi người có một cách tha hoá khác nhau trước thế lực của tiền bạc.
Nếu “Giông tố” là một xã hội chó đểu đánh vào sự trâng tráo tàn bạo của thế lực đồng tiền, của thế lực phản bội dựa vào đế quốc, của hạng tay sai núp dưới bóng thực dân hòng chuộc lợi, đẩy nhân dân vào thế lầm than. Hay “Kỹ nghệ lấy Tây” khi hôn nhân là một cái nghề, đặt đồng tiền lên trên giá trị con người, trong cái xã hội mà công lý không nằm bên lẽ phải mà nghiêng hẳn về phía có túi tiền nặng hơn. Thì “Trúng số độc đắc” là một thể nghiệm tâm lý cụ thể hơn trong nội tại của một con người, khi chuyển biến từ kiếp sống thanh bần sang trọc phú.
Trúng số độc đắc, khi trong tay đã sẵn đồng tiền, bước đầu Phúc cũng giúp đỡ mọi người, từ gia đình đến kẻ thân thuộc. Anh cũng cúng tiền vào hội Tế sinh của cụ Cả Mọc – người suốt đời tận tụy, hy sinh hết sản nghiệp để nuôi hàng ngàn trẻ con thiên hạ mà bố mẹ nghèo đói bỏ cầu bất, cầu bơ.
Nhưng khi bước sang cuộc đời trưởng giả, tậu nhà, sắm ô tô, tiền tài dư dả, Phúc bắt đầu trác táng, cái triết lý sống thanh cao của anh ngày ấy chỉ phù hợp cho người nghèo. Đứng trước đồng tiền, anh cũng chỉ là một người như tất cả mọi người.
“Phúc không biết rằng sự giàu có đã khiến anh cậy của mà hỗn xược với đời, và một khi sự đời đối với anh cái gì cũng không quá khó khăn nữa, thì tất nhiên anh nếm chính cái hạnh phúc hẳn hoi mà cũng cứ là thực bất tri kỳ vị.”
Đồng tiền. Nó khiến Phúc quên đi những triết lý nuôi dưỡng hiền nhân quân tử mà anh từng tôn thờ. Nó đưa anh trai của Phúc, từ đứa con phá gia chi tử đến địa vị của một ông phán, bố mẹ cũng phải khúm núm kiêng dè. Nó biến ông bác phúc hậu, phương phi của Phúc thành một lão ăn mày hốc hác và bẩn thỉu. Nó biến mối quan hệ máu mủ ruột già bỗng chốc trở nên rẻ rúng, hôi tanh. Nó khiến mối quan hệ tưởng chừng tri kỷ bỗng thành sáo rỗng, giả tạo.
Bằng sức quan sát hơn người và ngòi bút tả chân đầy sắc sảo, Vũ Trọng Phụng đã khắc hoạ thành công những con người mù quáng chạy theo đồng tiền. Họ không sống theo luân thường đạo lý, nhân nghĩa hay liêm sỉ nữa, họ đặt đồng tiền lên đầu quả tim.
“Trúng số độc đắc” tiếp tục là một đứa con gien trội của Vũ Trọng Phụng, vì dù là phép thắng lợi tinh thần, hay là sức mạnh của đồng tiền, nó vẫn luôn luôn tồn tại trong bất kỳ một xã hội nào.
Tác phẩm cuối đời của tài hoa Vũ Trọng Phụng.
Trái với lối thường viết các tiểu thuyết khác, cứ đến ngày báo ra mới viết một chương, đưa in, xong hết mới thành sách. Vũ Trọng Phụng viết “Trúng Số Độc Đắc” một mạch cho đến khi hoàn thành, lại tự tay đóng lấy thành quyển, ngắm nghía mân mê như không muốn rời tay, mãi rồi mới đưa cho nhà xuất bản.
Người bạn cố tri của Vũ Trọng Phụng là nhà văn Ngọc Giao, kể lại rằng mấy hôm trước khi qua đời, Vũ Trọng Phụng đã nhờ Ngọc Giao dìu đến tận nhà in, xin mấy tờ bản thảo đã xếp chữ rồi, lấm lem mực in và dấu tay thợ in, dặn Ngọc Giao giữ lại để lót đầu cho mình khi đặt thi hài mình vào áo quan.
Vũ Trọng Phụng ra đời dưới một ngôi sao xấu, để rồi ra đi trong nghèo đói và bệnh tật, đến nổi phải thủ thỉ trên giường bệnh với người bạn văn Vũ Bằng rằng: “Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này”.
Thế nhưng cuộc đời ngắn ngủi 27 năm với cả những gập ghềnh, cũng đã đủ để cho tài hoa Vũ Trọng Phụng nở rộ trên văn đàn nước nhà và vươn tầm thế giới.
Mong hương hồn nhà văn thanh thản.
Kính dâng một nén hương lòng tưởng nhớ đến bậc thầy, bậc đại thụ của nền văn học Việt Nam.