Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Năm mười bốn tuổi, vào kì nghỉ hè tôi được bố mẹ cho theo dì ruột đi chơi xa một chuyến trên hồ Thác Bà. Dì tôi khi ấy mới ngoài hai mươi, là nhân viên của Công ti Thủy sản.

Thật vui sướng khi giữa mùa hè nắng gió, được ra đảo bằng tàu thủy và sống cả tháng trời trong mây nước bao la. Hồ Thác Bà, dài tám mươi cây số với hơn một ngàn ba trăm đảo nhỏ đảo to, trong mắt tôi cũng rợn ngợp và mênh mông như biển.

Theo dì vào chơi các nhà dân ở vùng lòng hồ, tôi làm quen với bọn trẻ cùng trang lứa, trong đó có một cô bé khá xinh xắn (bây giờ tôi chẳng còn nhớ tên cô là gì). Bố đi làm ở huyện xa, cô sống cùng mẹ trong ngôi nhà nhỏ ven đồi. Lần đầu tiên đến nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy trên bàn học của cô có những cuốn sách văn học Xô-viết mà tôi đã đọc và vô cùng yêu thích. Ngày ấy tôi không gọi cô bằng tên thật, mà đặt cho cô một cái tên Nga với ý nghịch ngợm: Vê-ra Va-xi-li-ép-na.

Vê-ra già dặn như người lớn. Cô thường đi một mình ra hồ, đứng rất lâu dưới rặng bạch đàn thân trắng mà cô gọi là bạch dương, ngước nhìn lên ngọn cây và thì thầm những câu gì đó. Mẹ cô thì chơi bài, uống rượu với đám đàn ông lai vãng từ các tàu thuyền qua lại trên hồ. Thỉnh thoảng bà ta cho một ai đó trong số họ ngủ lại qua đêm hoặc dẫn nhau ra đám lau sậy bên hồ chơi dưới trăng tới sáng. Một buổi trưa Vê-ra vào buồng mẹ, ném chiếc quần đàn ông qua cửa sổ và gào lên: “Đồ khốn kiếp! Tôi sẽ giết tất cả các người!”. Rồi ra giếng nước đầu nhà, kì cọ đôi tay mình thật kĩ bằng xà phòng Liên Xô, loại xà phòng 72 cứng như đất sét. Vừa xì xục rửa ráy, cô vừa nói với giọng căm phẫn: “Đàn ông thật ghê tởm. Tôi sẽ không bao giờ lấy chồng cho mà xem!”.

Một buổi chiều lộng gió, Vê-ra dẫn tôi lên trái đồi sau nhà. Trên ấy có nhiều bụi mâm xôi mà cô thích gọi bằng cái tên trong những truyện Nga là phúc bồn tử. Chúng tôi đi dọc sườn đồi, mải mê tìm quả chín. Khi nắng chiều sắp tắt, cả trái đồi rực lên như được dát vàng. Vê-ra ôm chiếc mũ trắng, nhìn tôi và nhoẻn cười. Trông cô như một thiên thần, và lần đầu tiên trong đời tôi được biết thế nào là rung động.

Trong những ngày hè đáng nhớ ấy, tôi còn gặp một người khá đặc biệt. Người này tên là Thụy, sống cô độc trên một hòn đảo, thỉnh thoảng chèo thuyền về ngang qua xóm lòng hồ. Khuôn mặt chìm dưới lớp râu rậm rạp, cái miệng đầy răng nhọn lúc nào cũng ngậm chiếc tẩu to gộc đẽo từ rễ cây. Có lần ông nói với tôi: “Sau này mày đừng lấy vợ. Tất cả đàn bà đều khốn nạn, chả đứa nào lương thiện đâu. Cứ nhìn mẹ con bé kia thì biết”.

Tôi hỏi Vê-ra thì cô kể, ông Thụy từng đi đào vàng dọc sông Chảy, thành chủ bãi và sống xa hoa khét tiếng một thời. Không hiểu vì sao ông bỗng hận đàn bà, mấy năm trước tự đốt nhà rồi ra sống ở đảo hoang, tháng tháng về thôn đổi thịt thú rừng lấy diêm, muối, rượu.

Một buổi sáng, ông chèo thuyền ra trạm thủy sản rủ tôi đi chơi đảo với ông. Ông đưa tôi đi rất xa, từ lúc sớm tinh mơ đến khi trời nắng gắt. Không nhớ ở trên thuyền tôi đã cãi ông chuyện gì, mà khi qua một đảo đá vôi, ông nói rằng tốt nhất là mày hãy ở lại đây và lấy một con khỉ cái làm vợ. Rồi đưa tôi lên đảo, rình lúc tôi khuất sau tảng đá lớn, ông lẳng lặng xuống thuyền và bỏ đi. Tôi trở lại tìm ông, chỉ thấy chiếc cần câu và con dao rựa.

Nghĩ ông chỉ dọa chơi nên tôi thản nhiên đi vào đảo. Đảo đầy chim và cây cối xanh tốt, qua một triền đá trắng thì nghe tiếng kêu lóe chóe của bầy khỉ chuyền cành. Đi sâu nữa thì gặp thác nước, rừng xanh, và một cái hang trong lòng núi đá.

Quá trưa vẫn không thấy ông Thụy quay lại, tôi bắt đầu lo sợ. Ông để lại cần câu và con dao, hai phương tiện sinh sống, hẳn có ý bắt tôi ở lại đảo này. Tôi sẽ trở thành người rừng và kết hôn cùng khỉ cái, điều ấy chẳng thú vị gì. Nếu không được cứu bởi tàu thuyền đi qua, tôi sẽ gửi xương lại ở đây, vĩnh viễn. Nghĩ đến đó, tóc tôi dựng ngược cả lên.

Cuối chiều, trời nổi mây giông. Tôi nhớ đến cái hang đá và đánh liều đến đó tìm chỗ trú ngụ qua đêm. Khi tới bãi cỏ gần cửa hang, tôi bắt gặp đàn kiến tha từ trong đó ra một mảnh xương cá dài trắng nhợt. Ngẫm nghĩ vài giây, tôi hốt hoảng bỏ chạy. Trong hang nhất định có người!

Tôi đã trải qua một đêm kinh hãi giữa rừng, dưới gốc cây cổ thụ. Mưa xối ào ạt trên vòm lá. Nửa đêm về sáng, mưa tạnh, tôi run rẩy lắng nghe tiếng trăn rắn trườn bò trên cỏ, những đốm mắt xanh lét trong bóng đêm đặc quánh cùng tiếng chân sột soạt của thú rừng…

Hôm sau nắng lại chói chang. Tôi ngồi cả ngày ở góc rừng ven hồ, mong ngóng một bóng thuyền qua lại. Đói và mệt, cầm hơi bằng mấy quả dâu da bọn khỉ ăn thừa vứt lại trên đá. Chiều tàn, nắng tắt trên khoảng hồ xanh lạnh lẽo, bỗng nhìn thấy chiếc thuyền đang bơi lại từ xa.

– Vê-ra! Va-xi-li-ép-na! – Tôi gào lên.

Tiếng tôi lan dài trên hồ vắng.

Đúng là Vê-ra. Cô đội mũ trắng, chèo chiếc thuyền nan với dáng vẻ thành thạo, nhà nghề. Chắc ông Thụy đã bảo cô ra đảo đón tôi. Chảy nước mắt bước lên thuyền, cứ nghĩ cô cũng xúc động rưng rưng, chẳng ngờ cô buông một câu làm tôi cụt hứng:

– Tưởng anh đã chặt cây dựng xong cho mình một cái nhà và tính kế ăn ở lâu dài rồi chứ. Hóa ra từ hôm qua đến nay chỉ ngồi khóc thôi à?

Trong hai ngày tôi mất tích, dì tôi lo sợ cuống cuồng. Khi bị tra hỏi về việc bỏ tôi lại trên đảo, ông Thụy làu bàu: “Tôi muốn giáo dục thằng bé về óc tự lập, lòng dũng cảm, chí kiên cường”. Này thì kiên cường, dì tôi nổi điên, hắt luôn vào mặt ông ta cái xô đựng ruột cá đỏ lòm mà dì để dành làm mắm.

Nghe tôi kể về cái hang trên đảo và mảnh xương cá, mọi người thở phào. Nghe đâu đã hai ngày, thuyền máy của công an tuần tiễu trên hồ truy bắt một tên tù trốn trại. Hắn đang ẩn náu trong một động đá vôi nào đó.

– Hú vía. Cháu mà chui vào cái hang ấy thì đã bị nó giữ lại làm con tin rồi – Dì tôi quả quyết.

… Hơn ba mươi năm, tôi chưa có dịp trở lại vùng hồ ấy. Mỗi khi nhớ đến ông Thụy, tôi lại bất giác mỉm cười. Ông đã cho tôi những kinh nghiệm đầu đời, cả Vê-ra cũng vậy. Không biết cô bây giờ ra sao…

Trong truyện Trên đảo này, bạn đọc sẽ thấy một câu chuyện khác, với những con người khác. Nhưng bóng dáng của Vê-ra và mẹ cô, ông Thụy, cả tôi và cái tình huống suýt trở thành Robinson trên đảo… đã được phản chiếu trong truyện, phần nào. Như những chùm quả xưa chín đỏ xôn xao, thấp thoáng trong lá xanh, trên đồi phúc bồn tử.

Nhà văn PHẠM DUY NGHĨA

TRÊN ĐẢO

Rừng nứa ẩm ướt sương. Vạch nứa, vạch cỏ sắc mà đi, hết bụi này đến bụi khác, nghe xon xót ở tay, ở chân vì cỏ cứa. Loáng thoáng hiện qua gốc nứa là màu xanh rợn của nước hồ. Có chỗ nước dềnh lên ì oạp ngập vào thân nứa, lợn cợn rác bọt thoảng mùi tanh của sinh vật chết. Vắt đầy trên đất, trên lá nứa khô rụng, trên cọng cỏ. Vắt trâu, vắt xanh, vắt hoa, vắt hẹ đủ chủng loại. Con ngo ngoe, con bất động, con nhua nhúa hoa vòi. Con bật từ dưới lên, con táp từ trên xuống. Vui chốc chốc lại hét lên. Tôi bảo nàng đi trước. Đi trước thì đỡ vắt, vì người đi sau mới là nạn nhân chính khi loài đỉa cạn này đã được đánh động và bắt kịp mùi hơi người qua mùi sương nhạt nhẽo. Thực ra tôi cũng sợ đỉa, sợ vắt chẳng kém gì Vui. Chuyện người chết vì đỉa được nghe cũng nhiều. Nào là đỉa chui vào bụng không biết bằng đường hậu môn hay cửa mình, hút sạch chất bổ tới lúc thành con đỉa vài ba cân trong cái bụng lặc lè, khiến người đàn bà xanh xao tiều tụy phải mang tiếng chửa hoang. Nào là đỉa qua mồm, qua mũi vào tận óc, đục ruỗng não bộ, khi bửa cái sọ người móp mọp như quả bưởi ủng ra thấy lúc nhúc toàn đỉa con. Chuyện về vắt thì ít hơn, nhưng qua rừng trong những ngày mưa dầm, sương nặng, nhìn vắt đen ngòm mặt đất không khỏi cảm thấy bất an về những chỗ kín trên người.

Ra khỏi rừng nứa rậm thì đến chỗ quang quẻ hơn phủ lau và cỏ tranh. Chúng tôi đã đi khá xa lên núi đảo. Lên cao nhìn xuống, tầm nhìn xa rộng hơn, sẽ có khả năng phát hiện ra chiếc thuyền nào đó. Tôi giải thích cho Vui như vậy, mặc dù nàng không nói được để biết là phản đối hay đồng tình. Nàng ngồi nhìn xuống màu xanh lục thăm thẳm của nước hồ, vẻ lo âu. Khổ, quần áo nàng ướt sũng sương, xanh lè những vệt nhựa cây, ống tay áo rách xẻ gần tới nách. Vết rách ấy phần do cây móc, gai cào, phần do quyết liệt chống trả tôi đêm hôm trước. Nghỉ một lúc rồi đứng dậy đi tiếp. Trông Vui thất thểu như một con rồ. Nhìn cái quần nhăn nhúm bẩn thỉu của nàng, tôi giật mình. Máu thấm đỏ loang một mảng ở bẹn.

– Chết, vắt bám chảy máu kìa! Dừng lại xem đã, Vui!

Tôi sán lại, săm soi. Vui đỏ mặt gạt tôi ra, rồi lùi lại sau, đẩy tôi đi trước. Bực tức, tôi định quát lên với nàng nhưng chợt nghĩ ra và sượng sùng. Nàng đang có kinh nguyệt…

Phía trên vùng cỏ tranh là rừng già. Xa xa có tiếng nai tác, tiếng gà rừng gáy. Lúc lại thấy ríu rít, loạt xoạt một đàn sóc nối đuôi nhau chạy trên cành. Đây đó có những quả gì đo đỏ, vàng vàng mà không dám hái ăn vì sợ độc. Tôi chỉ cầu trời bắt gặp một dây đài hái. Chỉ cần một dây trĩu trịt quả, chắc cứu được chúng tôi sống vài tuần. Thứ dây leo có quả thơm ngọt, béo bùi như cơm nếp thịt gà ấy, tầm tháng đông này quả vừa già, ăn cực ngon. Ở rừng, nó là cái kho lương thực, là đặc sản, là vàng. Nhìn đôi mắt tối sầm có lúc sáng rực lên của Vui, tôi biết nàng đói lắm. Khổ, người đói mắt thường hay sáng. Tôi cũng đói. Ngày hôm trước, chúng tôi phải chia nhau vài con tôm chết trắng nhợt nhặt ở ven hồ, và ba quả trứng chim ăn sống, nhai rau ráu cả vỏ. Bụng tôi là cái hủm đen ngòm, tiếp nhiên liệu bao nhiêu cũng vừa. Lúc sớm, tôi đã tống vào trong nó ít lõi chuối rừng nhai nhếu nháo, cộng thêm mấy cái lá bứa chua, giờ thấy xót ruột, chắc chúng đang tiết a-xít để hành tôi. Biết cứ đi thế này sẽ càng mất sức, nhưng ngồi một chỗ cũng chết. Ngoài hi vọng sẽ gặp thứ gì ăn được, tôi còn phấp phỏng mong sẽ trông thấy tàu, thuyền khi ra đến sườn bên kia của hòn đảo rộng lớn này. Quãng đó ít đảo lân cận, chỉ mênh mông nước, xa về phía đông mới là dãy núi Cao Biền.

Đi mãi rồi cũng gặp may. Có tiếng loạt xoạt, rồi một con cò lông màu lửa vụt lên từ bụi rậm, đậu trên cành lau khô bập bềnh. Tôi xô lại, nó sải cánh bay xuống phía hồ. Ngó vào bụi, tôi reo ầm lên như thằng trẻ con. Bốn con cò, đúng bốn con, kêu khíu khíu, lao nhao chực chạy. Tôi thò tay chộp mấy cái cổ mềm nhẽo chưa kín lông, lôi chúng ra khỏi mớ cỏ rác và cành khô vương vụn vỏ trứng hôi sực, cười ha hả rồi vồ lấy Vui, hôn chụt lên môi nàng. Vui không đẩy tôi ra mà cũng nhảy lên cười, tiếng cười của người câm, mắt long lanh nước. Được đà, tôi định vật nàng xuống, nhưng nàng vùng ra, mắt long lên điên dại. Nàng vừa nhào tới trước để tránh tôi, tôi hét lên và túm lưng áo nàng giật mạnh. Chiếc áo rách xoạc. Cả hai ngã chúi vào bụi rậm gần tổ cò. Ong đất từ đám cỏ tranh ngay đằng trước bay vọt lên như những hòn đạn đen sì. Tôi đè lên Vui, đầu rúc vào bụi, nín thở. Khi tiếng rù rì lặng hẳn, mới hoàn hồn. Tôi từng chứng kiến một thằng bạn chết vì ong đất núi tranh đốt. Chỉ cần nó táng cho một, hai nhát, đầu nổi u nổi cục, buốt như khoan óc, là xong đời.

Đêm xuống, chúng tôi lại xuống gần hồ, hi vọng sẽ gặp chiếc thuyền đi đêm nào đó. Điều đó có thể xảy ra vì ngoài những thuyền đánh cá, tôm, còn có người của công ti thủy sản hay của lâm trường Thác Bà qua lại trên hồ. Tôi đi vơ củi, chất thành đống to trên bãi cỏ. Vui cũng lúi húi nhặt lá khô. Đến khâu châm lửa, tôi hồi hộp như làm một việc hệ trọng. Trong bao diêm chỉ còn bốn que. Lúc chiều hửng chút nắng hanh, tôi phải mất một tiếng đồng hồ để phơi bốn que diêm ẩm. Xoẹt. Que thứ nhất chỉ xẹt lửa xanh rồi tắt vì bị sứt gần hết tủy. Que thứ hai xoè lửa nhưng vừa liếm vào cọng lá lau khô thì tắt. Tôi run rẩy. Còn hai que. Nếu tắt cả hai thì đêm này chúng tôi chết đói, chết rét. Xoẹt. Giọt lửa thứ ba dúi vào bông lau khô, cháy xèo xèo và bắt luôn vào mớ lá khô nhồi dưới lớp củi. Lửa bốc rừng rực, táp héo cả vạt lá của cây gì buông tán trên đầu. Tôi hì hục bẻ cả cây màng tang tươi, chất vào đống củi. Lá, vỏ màng tang xanh rờn bén lửa, toả mùi thơm gắt. Chúng tôi hể hả nướng cò ăn. Bốn thân cò đỏ hỏn, cổ kẹp vào thanh nứa, lủng lẳng thảm hại như bốn tội nhân bị hành hình. Vui rứt từng mẩu thịt, ăn nhón nhén. Tôi nuốt cả cái dạ dày cò chỉ cạo qua lớp phân, mút kiệt mấy đầu ngón tay rồi nằm kềnh ra bên vầng than ấm nóng, sướng âm ỉ. Cơ thể được bồi chất đạm, dục vọng lại sôi lên. Không kìm được, tôi chồm dậy hôn như điên vào lưng Vui qua lỗ rách trên áo nàng bằng cặp môi nhầy nhụa mỡ cò. Răng lập cập va phải chiếc cúc gài xu chiêng, đau điếng. Vui quay ngoắt lại nhìn tôi, mắt xanh lên dữ dội. Chưa khi nào tôi thấy nàng tức giận như thế. Nàng vùng đứng dậy, bỏ đi về phía hồ.

“Đàn bà chỉ chung thủy với chúng ta khi họ chưa có điều kiện để phản bội. Giả sử vợ ta bị lạc trong rừng hay dạt lên hoang đảo với một người đàn ông khác, dù chính chuyên đức hạnh đến mấy, cô ta sẽ cầm cự được mấy khắc, mấy giờ, mấy ngày?”

Ai đó từng nói thế.

Đã là đêm thứ ba chúng tôi ở trên đảo. Vậy mà tôi vẫn bất lực trước người đàn bà này. Tôi không thể ngờ một người vốn dịu dàng, đầy nữ tính như nàng lại sắt đá thế. Tôi, vâm váp lực lưỡng như gỗ trắc núi đá. Còn chồng nàng, một hình nhân xộc xệch, thiếu chân. Chả lẽ nàng cự tuyệt tôi vì quyết liệt thờ chồng? Càng khó hiểu khi bỗng dưng nàng bị câm. Chỉ qua một đêm, mặt bỗng trắng bệch ra, hỏi gì cũng im, chỉ gật, lắc, hét, cười và tia mắt sáng lên dài dại. Nàng ăn phải thứ lá làm mất tiếng chăng? Hay bị ma làm? Tôi rùng mình nghĩ đến hồn những người chết trôi ngày đêm bay vật vờ trên hồ và tạt vào các đảo.

– Anh xin lỗi. Quay lại đi em, anh sẽ không thế nữa…

Tôi chạy theo Vui, năn nỉ. Gió lạnh buốt. Mặt hồ bao la trắng bạc. Nàng lắc đầu buồn rầu, rồi lững thững quay về đống lửa. Suốt đêm, chúng tôi nằm cạnh nhau. Sương xuống. Đống than đỏ rực lịm dần, phủ lớp tàn tro xám trắng, sáng ra thì nguội ngắt. Tôi vùi ham muốn vào sâu trong âm thầm đói khát, không nỡ động đến người nàng.

*

*         *

Cũng chỉ tại mấy cây màng tang.

Sáng hôm ấy, tôi và Vui chèo thuyền ra đảo. Ti công nghiệp cần hạt màng tang để chế biến dầu hương liệu. Vợ lại vừa đẻ nên ngoài việc tìm màng tang là việc của công nhân đội cất dầu chúng tôi, tôi còn muốn ra đảo tìm chuối kim là loại thuốc tốt cho sản phụ. Màng tang hái xong, tôi đang leo lên bờ vực chặt chuối kim thì trời nổi mưa bão. Khi bão ngớt, tôi và Vui chạy xuống ven đảo chỗ buộc thuyền, thấy mất thuyền. Không hiểu gió bão đã cuốn nó đi, hay kẻ độc ác nào đi qua tháo trộm. Đáng tiếc là trên thuyền còn một con dao rựa của Vui, còn con dao chặt chuối thì tôi đánh rớt xuống hủm sâu lúc loay hoay trên bờ vực. Suốt từ trưa đến tối, tôi và Vui đứng nhìn nhưng mặt hồ mênh mông mù trắng không xuất hiện một cái thuyền nào. Tôi đã tính đến việc dùng tay bẻ nứa, lấy dây rừng buộc kết thành cái mảng để chèo về, nhưng việc ấy mất rất nhiều thời gian lại không an toàn. Ngày hôm sau có một chiếc thuyền xuất hiện ở rất xa, chúng tôi hò hét đến khản giọng chỉ thấy cái chấm đen ấy dịch chuyển theo chiều ngang rồi biến mất.

Vợ tôi và chồng Vui ở nhà hẳn vô cùng lo sợ. Chắc đã nhờ người chèo thuyền đi tìm, nhưng hồ Thác Bà bao nhiêu cái đảo, biết chúng tôi ở đảo nào mà tìm. Mà ba ngày rồi, có tìm cũng là tìm xác nổi trên hồ, chứ chắc gì tin chúng tôi còn sống ở đảo. Khổ nỗi chồng Vui thì tàn tật, vô dụng, vợ tôi thì xanh rớt, yếu như sên. Ở nhà chỉ có con bé lớn đỡ đần cho mẹ mới sinh em. Tôi vốn lì lợm, thương vợ ít thôi, chỉ lo cho thằng bé. Nhớ cái hôm được lôi ra khỏi mẹ, mình mẩy nhoe nhoét máu, cái chim nhòn nhọn của nó đã vểnh lên như muốn thử sức, cái miệng bé tí nhếch nhếch đã thoáng hiện nét gì dâm dâm, đểu đểu như bố. Nghe tôi bình phẩm, vợ tôi đang tái nhợt như tàu cải cớm nắng phải bật cười. Thằng này về sau, mang gien bố thì học dốt, tán gái lại lõi đời. Nó phải hại hàng trăm đứa con gái, làm nước mắt chúng chảy thành sông, tôi mới thích. Học thì nếu khá, tôi cho học hết lớp mười. Không thì xong lớp bảy tống đi công nhân, khôn ranh một tí thì đi buôn, chứ học lắm chỉ vừa hâm vừa kiết xác. Văn hay chữ tốt không bằng học dốt lắm tiền. Con vừa ra được mấy ngày, tôi đã xác định tinh thần với vợ thế.

Nhà Vui gần nhà tôi, dưới chân một quả đồi trồng sắn. Từ lâu đã ngầm thích nàng, nhưng tôi ít sang chơi. Tôi không ưa lão Thịnh chồng nàng cho lắm bởi tay này vừa keo kiệt vừa có tính ăn cắp vặt. Có lần lão mời tôi sang nhà uống rượu vì “hôm nay nhà có món ngon”. Món tiểu hổ nhá. Dù chỉ bằng nắm đấm, gầy nhom. “Tiểu hổ đâu ra vậy?” – tôi ngạc nhiên. “Nói khẽ thôi” – Thịnh thì thào – “Tôi lên nương sắn, thấy tiểu hổ vừa ị xong, đang bới đất vùi cứt. Tôi lấy mũ cối chụp, tiểu hổ cào xước cả mũ tôi.” “Ông bắt mèo nhà ai rồi.” “Nói khẽ thôi. Con này trông lạ lắm, tôi nghi là mèo rừng. Cứ uống đi, sợ đếch gì.” Bảo “uống đi”, nhưng lão chỉ chắt từ cái bình thủy tinh to tướng vào chén tôi mấy giọt đỏ nhờ nhờ, rồi buộc chặt nắp lại, bảo Vui đem chôn xuống đất. Bình rượu này ngâm rau thai người, chôn dưới đất hơn một năm rồi, có khách, quý lắm mới đào lên uống đấy. Thịnh bảo thế. Rượu chỉ đủ ướt môi, còn cơm thì hai phần ba nồi là độn sắn. Hai hôm sau, bà Thoan trong xóm đi dọc ven đồi chửi, đòi đào mả bố đứa nào bắt trộm con mèo của bà. Thịnh cười hề hề, mấy tháng sau lại mời tôi đánh chén. Bữa tiệc lần này hơi đặc biệt, đó là thịt chó rồ. “Tôi đang vác bó củi từ hồ về, thấy nó lao từ đám bụi chít trên đồi xuống” – Thịnh kể – “Con này đen sì, bốn mắt, hai mắt trợn trắng dã, lừ lừ chồm lên ngang ngực tôi. Tôi nhanh trí khôn, quẳng ngay bó củi trúng ức. Ẳng ẳng ẳng ẳng. Đ… mẹ mày, ăn mấy nhát cọc nữa vào đầu, sùi bọt mép chết đứ đừ. Hốt quá, nó mà đả một phát thì có ngày nhà tùng cắc phát tang. Dạo này sao mà nổi lên lắm chó rồ. Chó bốn mắt thì hay rồ lắm.” “Chết mẹ, nấu kĩ chưa đấy? Không khéo chơi vào rồ cả lũ.” “Nói khẽ thôi. Nếm bỏng lựt mồm rồi. Vui với con Tím không dám ăn, chỉ tôi với ông thôi.” Cái bình rượu đỏ nhờ ngâm rau người lại được đào lên, rẩy ra vài giọt vào hai chén hạt mít. “Măng ở đâu ra đấy?” – tôi chỉ bát canh. “Nói khẽ thôi. Đào ở bãi hoang gần hồ đấy.” Ngay hôm sau, việc chị Lài mất chó om xòm khắp xóm. Chó nào? Con chó đen bốn mắt chứ chó nào. “Tổ sư con chó nào ăn thịt con chó của bà. Chó ăn thịt chó thì là con chó” – tiếng chửi cứ xói lên phía nhà chúng tôi, riết róng. Thịnh sang nhà tôi, cười ngượng: “Ai bảo mắt nó trợn ngược làm mình cứ tưởng chó rồ.” Cũng hôm ấy, vợ tôi phát hiện mất hai ngọn măng trên nương vầu của nhà. Đang cữ tháng ba, mưa xuân lất phất làm măng vầu đội đất ẩm chui lên, nhọn hoắt, lún phún lông, trông thật ngon mắt. Mấy tối liền đi rình, vợ tôi bắt được con Tím, đứa con gái gầy nhẳng của vợ chồng Vui đang lụi cụi dùng dao đào trộm măng vầu. Nó khóc hu hu, quỳ xuống chắp tay: “Cháu lạy cô, cô đừng đánh cháu. Bố cháu xui cháu lên đào.”

Một hôm Thịnh nhắc tôi: “Tôi mời ông hai bữa rồi, vẫn chưa thấy ông mời lại bữa nào.” Tôi nói kháy: “Đợi hôm nào tôi đập được chó với đào được măng của hàng xóm, tôi sẽ mời.” Thịnh thì thào: “Nói nhỏ với ông nhé, muốn đập chó thành công, tốt nhất là rình lúc chó đang tơ nhau ấy. Lúc ấy chúng nó đang mờ mắt vì hạnh phúc, mình đập dễ hơn đập ruồi.” “Giết nó lúc nào chứ chọn lúc ấy, tôi thấy phải tội. Tưởng tượng nó cũng như mình…” “Ông điên à, sao lại ví chó như mình. Mình làm trò ấy trong buồng, kín đáo lịch sự, còn nó phơi ra ư ử giữa đường. Không biết tôn trọng ai, thì đáng chết!”

Một lần đi rừng, Thịnh bị rắn độc cắn. Bệnh viện cứu lão khỏi chết nhưng cái chân nhiễm độc bị hoại, phải cắt cụt đến đầu gối. Từ đó lão trở nên lầm lì, suốt ngày lịch kịch cái nạng. Nhà thêm túng bấn, nhưng Vui không hề kêu ca. Nàng vắt sức ra làm. Ngoài việc cơ quan còn nấu rượu, nuôi lợn. Lạ là càng tỏ ra chiều chồng, bữa nào cũng rót rượu cho lão uống. Hai mẹ con chỉ ăn rau dền, rau má nhì nhằng, còn Thịnh ung dung được dành con cá, vài cái tóp mỡ nhắm rượu. Hình ảnh này kể cũng lạc lõng giữa những năm đầu thập kỉ tám mươi, cả nước cấu xé nhau vì đói ăn, cả nước xếp hàng mua gạo mốc, gạo mọt. Tôi thắc mắc về thái độ cung phụng đậm màu phong kiến ấy, thì tình cờ nghe một ông bạn ở trong xóm vùng hồ kể: “Tôi biết chuyện tình của Thịnh từ hồi hắn là công nhân ở Lục Yên về đây xây đập thủy điện Thác Bà. Một đêm tối trời, hắn đi nhổ trộm sắn của dân, đang hì hục nhổ thì nghe có tiếng động lạ ở rìa nương. Sợ quá, hắn tụt quần ngồi thụp xuống, giả vờ đang đại tiện. Bụi cỏ nổi lên tiếng kêu ú ớ như ai bị nhét cái gì vào mồm. Thịnh lò dò đi tới, nhẹ như mèo. Ụp một cái, hắn chụp bao tải dùng để đựng sắn vào một cái đầu đen sì đang nhấp nhổm, rồi vung cây sắn còn nguyên chùm củ quật liên hồi. Thằng khốn nạn kia kêu váng. Cô gái nằm giãy giụa, máu me be bét đỏ đùi. Thì ra là gái trong làng, từ xóm trên về chẳng may bị bịt mặt, lôi lên nương cưỡng hiếp. Về sau Thịnh tìm đến nhà cô này hỏi mua mấy cây tre về làm lán trại. Cô khóc, dẫn Thịnh ra bụi tre sau nhà, bảo chặt cả bụi cũng được, chỉ cho chứ không bán. Sau này thành vợ Thịnh, dù hắn có dở như cứt, cô Vui này cũng chỉ biết cung cúc chịu ơn chồng.”

*

*         *

Buổi sáng u ám. Quạ bay đầy trời, ném xuống mặt hồ những thanh âm buồn thảm. Sương làm ẩm quần áo. Gần trưa, mây xám bỗng quang, nắng rọi tươi vàng khắp đảo. Tôi đặt que diêm duy nhất còn lại trên một mỏm đá, phơi cho thật nỏ. Nó là miếng ăn, nguồn ấm của chúng tôi, những người bất ngờ bị xô dạt về thời tiền sử. Tôi ngồi canh cái sự sống ấy, còn Vui lững thững đi xuống phía hồ.

Khá lâu không thấy nàng trở lại, tôi đi tìm. Vừa trông thấy nàng, tôi lủi ngay vào bụi rậm ven đảo, máu sôi lên rạo rực, căng mắt nhìn.

Vui đang ngồi bên hồ, khoả thân hoàn toàn. Nàng vừa tắm và giặt xong, đang đợi quần áo khô. Áo và quần phơi trên mấy cây chết khô vì nước ngập, còn đồ lót vắt trên nhánh sậy đung đưa gần bờ. Nắng loang vàng trên hồ, long lanh trên da thịt tươi rói ướt nước của Vui. Tôi nằm sấp trong cỏ, cơ bắp căng cứng, nóng rẫy, mắt rờ rẫm trên thân thể nàng. Miệng nuốt khan liên tục. Đầu nghĩ đến tình huống quần áo nàng bị gió thổi bay, nước cuốn, nàng buộc phải trần truồng chung sống với tôi. Rồi ăn lông ở lỗ, săn bắt hái lượm, sinh con ríu rít một đàn như khỉ trên đảo này. Đang bồn chồn nghĩ thế thì nghe vẳng tiếng động cơ chạy rì rì ngoài xa. Một chiếc ca-nô! Tôi suýt kêu toáng lên và lao ra khỏi bụi rậm, nhưng bất giác kìm mình lại. Tôi câm lặng nhìn chiếc thuyền máy đang chạy, bên trên chở loáng thoáng vài người. Tim dập dồn nện trong ngực. Vui đang thả một bàn chân xuống nước, tươi trắng, nuột nà. Không, tôi không muốn làm tan mất hình ảnh này. Sẽ không bao giờ có lần thứ hai, sẽ… Bỗng Vui nhổm dậy, cuống quýt vơ quần áo. Nàng đã trông thấy chiếc ca-nô. Nàng hối hả mặc. Nàng chạy dọc theo hồ. Nhưng chiếc thuyền máy ấy đã chạy xa, khuất hẳn sau một hòn đảo…

Khi tôi trở lại mỏm đá, thấy không còn que diêm. Gió đã gạt nó xuống sườn dốc. Lật tung cỏ mà tìm, đến chiều vẫn không thấy.

Lại đi. Người trước, người sau, đi vô hồn trên triền cỏ tranh. Tranh mùa đông sáng úa, từng trảng rực vàng. Gió hun hút ú dài. Áo Vui rách, lộ một mảng lưng và dây xu chiêng. Loại vải mỏng sờn, xơ bợt đường chỉ của người nghèo. Tôi chạnh lòng thương nàng, nghĩ tới một đêm rét mướt…

Lúc chiều tà, chúng tôi bàng hoàng đứng trước một nương lúa đã gặt, còn sót lại mấy túm rạ khô và một bãi tro đốt rạ. Trước đó, có hai con hươu vàng rực đang tha thẩn ăn tàn tro, thấy động liền biến đi trong chớp mắt. Trên lớp tro xám hiện vài lốt chân hươu nhỏ xíu.

Thì ra trên đảo có người?

Cuối nương lúa là một cây trám to, quả rụng đầy quanh gốc. Nhiều quả bị hươu nhằn dở, gặm nhơm nham. Đi tiếp, lại thấy một bãi ngô mọc dày và cao, đang tiết tháng mười nên cờ ngô khô trắng. Qua bãi ngô, thấy một tảng đá nâu sừng sững, và bên kia tảng đá, có khói xanh ngoằn ngoèo bốc lên từ một mái tranh.

Tôi kéo Vui lùi lại, đi lom khom dưới vạt ngô và rẽ xuống sườn dốc gần đó, ẩn mình trong đám sậy. Vui nhìn tôi, tỏ ý không hiểu vì sao phải làm vậy.

– Chúng mình cần đề phòng. – Tôi thì thào – Rất có thể đây là nơi ẩn náu của một tên tù trốn trại. Nó sẽ giết cả hai, và em thì còn bị hiếp nữa.

Mặt Vui biến sắc. Nỗi lo của tôi không phải không có căn cứ. Người ta đã nói nhiều về chuyện tù trốn ra đảo. Người bình thường không ai sống một mình ở nơi hoang vắng thế này.

Chúng tôi ngồi trong đám sậy rất lâu. Chả lẽ cứ ngồi đây mãi sao? Ánh mắt Vui tỏ vẻ băn khoăn. Nghĩ tới một ngôi nhà với bếp lửa ấm và thức ăn, tôi thấy bồn chồn. Liều lĩnh xộc vào ư? Nguy hiểm lắm. Tôi quyết đợi đêm xuống.

Khi trời đã tối hẳn, tôi bảo Vui ngồi đợi rồi lẻn qua bãi ngô. Bám lấy tảng đá, rướn mình nhòm qua kẽ mái tranh, chỉ thấy ánh lửa đỏ lập loà. Tôi tụt xuống, đi vòng ra phía sau ngôi nhà, đúng hơn là một cái lều to. Đầu bên kia chất đầy củi khô. Tôi quỳ xuống, cố nhìn qua lớp ống bương ken thành vách, chợt đụng mạnh vai vào đống củi, vội ngồi im. Chỉ phút sau, một bàn tay cứng như sắt lật tôi ngã sấp, và ngay lập tức, hai cổ tay bị thít lại bởi một sợi thừng.

Trong lều, lửa bập bùng. Một chiếc đèn bão treo sát mái. Ghế ngồi bằng những tảng gốc cây còn nguyên rễ xù xì. Bên vách ghép bằng bương treo đầy những túi. Túi da cáo vằn vện, túi da hươu sao lốm đốm vàng, túi da nai đỏ rực. Bên kia lấy luôn tảng đá làm vách, mặt đá ám khói đen sì, chi chít chữ vạch lờ mờ. Nhìn loáng thoáng có chữ “giết”.

– Mày là ai? Đến đây làm gì?

Người đàn ông vừa trói tôi dằn giọng, tia mắt xanh lạnh lẽo xoáy vào vết sẹo ở cằm tôi. Ông ta có cái sọ rắn chắc như đẽo bằng đá, sống mũi gồ lên hằn một vạch ở sơn căn, râu ria lồm xồm mọc từ lỗ mũi mọc ra, hai con ngươi màu tro đảo liên tục trong ổ mắt sâu hoắm.

Sau khi nghe tôi thuật chuyện đi lấy màng tang bị mất thuyền, người đàn ông rút soạt con dao dài nhọn cài trong ống trên vách, lăm lăm như định chọc tiết, lừ mắt nhìn tôi rồi đi ra. Tôi có cảm giác đã gặp khuôn mặt này ở đâu đó. Trông quen lắm, đâu như ở mục truy nã tội phạm trên báo Hoàng Liên Sơn một hai năm về trước. Đang hoang mang nghĩ, thì thấy ông ta dẫn Vui đi vào. Nhìn tôi bị trói, Vui hoảng hốt.

– Người này câm à? – Ông ta hất hàm.

Tôi gật đầu. Vui ngồi xuống bên cái bàn thấp tè vương vãi xương cá, hai bàn tay kẹp vào đùi, run run. Người đàn ông lấy ở đâu ra mấy con cá, cạo vảy sào sạo, vừa làm vừa gườm gườm để mắt đến chúng tôi. Một cậu con trai chừng mười sáu, mười bảy tuổi từ đâu xồng xộc bước vào, dừng sững giữa lều nhìn chúng tôi trừng trừng. Rồi lẳng con thú nhỏ đang vác trên vai xuống đất. Con hoẵng.

Người đàn ông lật con vật oải cái cổ mềm vấy máu, bực tức kêu:

– Sao lại hoẵng đực?

– Con thấy nó đang vờn nhau với con cái ở gần hang dơi. Con bắn con cái, nhưng trúng vào con đực.

– Cái đồ mày… – Ông ta hậm hực – Cởi trói cho ông kia!

Cậu con trai treo khẩu súng kíp lên vách đá, đưa mấy ngón tay lạnh ngắt cởi thừng cho tôi rồi lôi con hoẵng ra cửa lều làm thịt.

– Ăn thịt, uống rượu đi. – Ông chủ lều nói, khi thức ăn đã dọn cả lên bàn – Lúc đầu, tôi nghi anh là thằng khốn kiếp ấy. Chuyện xảy ra lâu rồi. Tôi tên là Thụy…

Thịt hoẵng nướng, cá kho trám, cháo cá chép bốc khói ngào ngạt. Rượu đựng trong vò, nóng ran, đốt quăn lưỡi. Cái hủm đen ngòm đang rỗng rễnh trong bụng tôi được thể tiếp nhận không ngừng nghỉ những miếng nhai vội, những giọt cay nóng. Cậu con trai chỉ ăn, câm lặng. Người đàn ông lâu lâu lại đảo mắt nhìn Vui đầy ác cảm. Ánh mắt xanh lạnh như nước hồ.

– Vì thằng khốn ấy mà con đĩ già giết con tôi. – Ông ta nói, khi Vui và người con trai đã lăn ra ngủ trong ổ rơm và đệm lau cạnh bếp lửa – Người nó to gộc, cũng mang vết sẹo ở cằm giống anh. Đã mười năm tôi thèm được cạo xương chúng nó…

*

*         *

Hồi ấy Thụy là công nhân lâm trường Thác Bà. Ông lấy vợ người Tày, sinh một con trai. Hai mẹ con sống trong một bản thưa nhà khá heo hút gần hồ, làm nương, bắt cá sinh sống.

Thụy ở trong lán tít rừng sâu. Đội của ông có nhiệm vụ vừa khai thác nứa, củi, gỗ, vừa trồng mới và chăm sóc rừng. Kiếp sơn tràng, quanh năm làm bạn với vắt, suốt đời lăn lộn giữa tự nhiên đến nỗi giấc mơ nào cũng đẫm màu xanh của hồ, của rừng, có lúc ngẩn ngơ không biết cây đã hoá thành mình hay mình đã hoá thành cây cối, lau sậy. Cả tháng mới về nhà một lần. Mỗi lần về, Thụy không kịp tắm rửa, đè nghiến vợ ra giường. Tay cuống quýt lột quần áo vợ soàn soạt như lột vỏ cây, môi tham lam chà miết trên làn da trắng như lõi chuối. Nào mông, nào rốn, nào bẹn. Cho bõ những đêm ngồi hút thuốc lào vặt, nhìn trăng suông lai láng mặt hồ. Cô vợ trẻ ưỡn mình cười khanh khách. Lúc Thụy đổ xuống như cái cây bị bão quật, mồm thở phì phò, cô ta vẫn cười khì khì, đi nướng cá cho chồng uống rượu. Thụy nhìn cái vẻ vừa hiền vừa lẳng của vợ mình, thích lắm.

Một lần về nhà, Thụy không thấy vợ con đâu mà thấy một người đàn ông say rượu đang nằm trên giường. Ông hỏi gã là ai. “Tao là tao, ở nhà tao. Mày ở đâu đến, cút mẹ mày đi” – gã lè nhè chửi bới, còn chực đánh ông. Thụy im lặng. Lúc sau thằng bé đi đâu về, bảo Thụy: “Chú Cường đấy, bố không nhớ à.” “Cường nào?” “Chú Cường đi tàu đánh cá ngoài cảng, hôm nào qua đây cũng vào nhà mình ngủ chung với mẹ. Mẹ bảo là chú Cường em của bố mà.” Rồi nó khoe cái mỏ neo bằng nhựa: “Chú Cường cho đấy. Hì!” Thụy tái mặt, không nói câu nào. Ông lấy cuộn dây chão dùng để kéo gỗ, trói chặt “chú Cường” lại, ném xuống hồ. Rồi châm lửa đốt nhà, lôi thằng bé về lán trong rừng ở. Cuối năm ấy, Thụy lại lấy vợ. Bà này hơn ông bốn tuổi, nhà cũng gần hồ, đằng sau một cái bến nhỏ. Thụy tính: “Trẻ, đẹp là vợ người ta. Xấu, già thì tin được.” Nghĩ tới cái mặt xám xịt đầy mụn ruồi của vợ, ông yên tâm ở lì trong lán, vài ba tháng mới về một lần.

Sau khi có với Thụy một đứa con trai, vợ ông còn đẻ liên tiếp hai đứa nữa. Hai đứa này đen sì, tay dài như vượn. Thấy lạ, ông vặn hỏi. Bà vợ khinh khỉnh bảo: “Con ông chứ con ai.” Ông về, chúng loi choi chạy ra từ rừng sặt sau nhà, mắt thô lố nhìn ông như nhìn con vật lạ. Còn đứa con riêng của Thụy, mười bốn, mười lăm tuổi rồi vẫn ngô nghê, đần độn. Ông không biết mấy năm ở cùng mẹ ghẻ, nó thường xuyên bị đánh, toàn đánh vào đầu. Một hôm từ rừng về, ra phía sau nhà, ông bắt gặp nó đang loay hoay nhét chim mình vào khe thịt dưới khấu đuôi con trâu cái. Trạc trâu buộc vào gốc cây khế to, bóng trùm xanh rợp. Người thì lồm cồm, chật vật, trâu thì cong đuôi, dỏng tai nghe ngóng, trên cao gió thổi rì rào. Điên tiết, Thụy lôi cổ thằng bé xuống bãi đất ẩm lăn lóc những quả khế thối ủng, vụt cho toé máu. Nó khóc lóc khai từng làm trò ấy nhiều lần, không chỉ với trâu mà cả gà và lợn. Rồi nó rên rỉ kể làm Thụy há hốc mồm, chết đứng. Thì ra thằng bé bị ám ảnh vì đã từng trông thấy bà mẹ ghẻ làm cái việc này rất nhiều lần với một người đàn ông có sẹo. Cái giường ken két. Đống thịt phập phồng. Và tấm lưng xăm trổ to bè, lấp lánh dính vài vẩy cá…

Thụy rút dao ra, rồi kìm lại. Ông biết cái thằng ấy. Nó trẻ hơn vợ ông bảy tuổi, đen như trâu, cằm có vết sẹo như vắt bám. Nó thả rọ tôm, quăng chài bắt cá quanh hồ, người lúc nào cũng tanh tưởi. Thì ra đã mấy năm nó thay ông làm chồng con đĩ già. Con đĩ da nhăn mặt bủng, ngứa trôn bốn mùa, một tuần không được vài lần thì phát rồ phát dại. Ông phải lấy của thằng này cái cục thịt thối tha ở háng. Phải xẻo, khoét thành lỗ đỏ lòm. Phải ném vào bình ngâm rượu để suốt đời trông thấy hận thù. Thụy về lán lâm trường, ngay hôm sau lại trở ra, mang theo một túi thức ăn và phục kích trong rừng sặt gần bến nước. Một ngày. Hai ngày. Ba ngày. Lâu quá. Đến đêm ngày thứ tư, lúc đã muộn, ông thấy nó đáp thuyền vào bến, ngật ngưỡng đi vào lối dẫn lên nhà ông. Bốn bề vắng tanh. Đêm đó giữa tuần trăng, rất sáng.

“Để nó vào nhà mới giết, ta không thoát khỏi vòng tù tội. Làm tại đây là gọn, phi tang.” Thụy tính toán rồi gọi giật:

– Thằng sẹo!

Thằng cằm sẹo quay phắt lại, thấy Thụy, mặt biến sắc. Huỵch một cái, Thụy hạ nó gục xuống cỏ, nhét cục đá vào mồm rồi lôi xềnh xệch ra mép hồ. Xoạt. Cái quần trật xuống, lộ ra cục thịt tai tái, bèo nhèo. Lưỡi dao sắc của Thụy hoa lên, bắt ánh trăng sáng loá. Thằng sẹo giãy đành đạch, vãi nước tiểu khai mù. “Đằng nào mày cũng chết. Cắt nắm thịt bẩn này đi chẳng để làm gì, mày thành con ma không chim cũng tội. Thôi, ta cho mày được chết toàn thây.” Thụy nghĩ, rồi móc cục đá ra, chĩa dao vào cổ thằng sẹo.

Tao đã biết hết. Đồ chó, có biết vì sao không?

– Tôi không biết… tha… cho tôi…

– Thằng con tao ngu dại, nhưng mắt nó không mù. Bây giờ, đời mày hết. Ngày mai, tao chôn sống hai đứa nghịch tử của mày với con đĩ già. Nhìn trời lần cuối đi.

Thụy giúi ngập đầu thằng sẹo vào nước hồ. Ọc ọc. Ọc ọc. Nước sủi bong bóng. Trăng vỡ vụn long lanh. Đến khi buông tay, thấy cái đầu hôi rình vẫn ngật vào nước, Thụy lủi lên rừng. Ông đi một mạch suốt đêm dưới trăng đến lán của đội sơn tràng trong rừng thẳm.

Hai ngày sau Thụy trở ra, sững sờ đứng trước cái nền nhà cháy đen sì. Nghe tiếng ông kêu, thằng con thứ hai từ rừng sặt chạy về. Thằng bé mới lên sáu, mình mẩy lấm lem nhọ xỉn. Nó run rẩy dẫn Thụy ra cây khế sau nhà, mấp máy không ra hơi, chỉ vào đống đất nhão nhoẹt đỏ loét trong cái rãnh trước kia là hào tránh bom thời chiến. Ông ngã vào gốc cây, mặt xanh như trái khế. Trời, quân dã thú. Nó, con mụ phù thủy, chính tay nó đã nhốt đứa con riêng của ông trong bao tải buộc chặt, lấy vồ đập, rồi vứt xuống hào. Cái bao tải rúm ró, lồng phồng, rồi lặng ngắt… Thằng bé sáu tuổi chết khiếp trốn lên rừng sặt. Mẹ nó phóng lửa đốt nhà, rồi xuống thuyền đi mất tăm cùng hai đứa nhỏ đen sì và thằng mặt sẹo. Thằng này vẫn sống. Nó đã được bàn tay dâm phụ trả thù…

– Từ đó tôi bỏ việc ở lâm trường, đưa thằng nhỏ lên sống ở đảo này. Tôi hận đàn bà, tuyệt đời không muốn nhìn thấy chúng. Đàn bà, động vật có vú, là loài tráo trở dâm loạn, cả đời tôi nợ máu với loài này. Hai bố con tự cày cuốc, săn bắt, câu kéo mà sống. Đi săn, tôi không bao giờ nhằm con đực, chỉ nhằm con cái mà bóp cò. Việc đó đã thành nguyên tắc, cả hai bố con đều tuân theo, chỉ khi nào bắn chệch như thằng Tâm hôm nay mới ăn con đực. Nó cầm súng chưa vững tay, chứ đạn sắt đạn chì của tôi, mười năm nay chỉ biết ngửi mùi giống cái.

Vò rượu cạn. Hơi men bốc cùng ánh lửa hắt đỏ mặt Thụy. Ông trợn mắt, khoát tay lên rui lều, nơi lủng lẳng treo dấu tích của những cuộc tàn sát. Sọ thú nhe răng vàng khè, mắt lòi giận dữ. Sọ chim mỏ khoằm nhọn hoắt. Những tấm lông thú vằn vện. Những cặp chân chim, chân gà khô quắt. Những khúc xương cá như con rết dài… Tất cả đung đưa, như trong một cuộc trưng bày, triển lãm. Hình ảnh man rợ này, tôi đã nhác thấy khi vừa bước chân vào lều.

– Chồn, cáo, mèo rừng, diều, quạ… một tay tôi hạ, trên khắp các đảo vùng hồ. Những con sấy khô này đều là giống cái cả. Nhìn chúng giãy giụa, máu me đỏ lòm, tôi thấy hả. Tôi thích bắn nát bộ phận sinh dục của chúng, cái lỗ dâm, nguồn loạn, đôi khi cũng bắn vào đầu…

– Sao ông nhẹ tay với giống đực? Đời ông cũng khổ vì chúng chứ.

– Giống cái bao giờ cũng bạc hơn. Cá ngựa cái đẻ xong, gửi trứng cho con đực rồi bơi đi không bao giờ thấy lại chồng và những đứa con chưa kịp ra đời. Một số loài côn trùng rắn rết còn khốn nạn hơn, con cái ăn thịt luôn bạn tình sau khi ân ái. Bọn gian phu, tôi cũng hận thật, nhưng ngẫm ra chúng chỉ sa chân vào cái hố mê loạn do đàn bà đặt sẵn mà thôi. Như cái thằng sẹo ấy…

Thụy chợt bưng mặt khóc. Tiếng khóc hù hụ trong đêm.

– Chúng nó đã chết rụi ở đâu, chắc vậy, mười năm rồi. Bắt giết được chúng cũng chẳng làm gì, khi con tôi không còn. Đêm đêm tôi vẫn thường mơ thấy nó hiện lên trên nấm mồ cạnh cây khế, nhìn tôi thật buồn, thằng con dại xấu số của tôi. Chỗ ấy khế ủng rụng đầy, tối và ẩm thấp lắm…

Đêm ấy, nằm bên Thụy trên nền đất, tôi trằn trọc mãi. Có tiếng hươu gộ ngoài nương, khô và buồn. Hôm sau dậy sớm, tôi bảo ông ta:

– Vào đất liền mà sống đi ông ạ. Hai bố con định ở đây suốt đời sao?

– Tôi đã thề không bao giờ trở lại đất liền.

– Đừng cay nghiệt quá, ông nhớ là còn thằng Tâm. Ông bắt nó phải chết già, không con, không vợ trên đảo này?

– Không chịu được, thì tự trốn đi. Nó chưa bỏ tôi, nghĩa là nó còn chịu được.

Thụy dẫn tôi ra bãi nương, chỉ xuống sườn dốc và khe lũng:

– Anh xem, cây thuốc phiện của tôi mọc xanh cả đảo. Nghe nói nhiều nơi tận Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ, thuốc phiện trồng lén trong núi cũng bị người nhà nước vào phá bỏ. Còn ở đây, mình tôi trồng, mình tôi tận hưởng. Chim thú, cá tôm lúc nào cũng sẵn. Dầu, muối, rượu thì chèo thuyền đi một buổi là kiếm về được. So với cái sướng của thổ ti đời trước, tôi kém cạnh gì…

Tôi nhìn một vệt xanh rợp rải từ trên cao xuống lũng, rồi nhìn vào mặt Thụy. Ông ta ngây ngây như đang say mùi hương của nương anh túc trong mùa ủ quả. Tôi lắc đầu:

– Thằng bé của ông rồi lại chết chìm trong khói thuốc thôi.

Thụy trầm ngâm:

– Nó đã từng bỏ đi khỏi đảo mấy ngày. Khi về, người rũ rượi bơ phờ, mắt đỏ như cục tiết. Nó khai thật với tôi rằng nó phải lòng một đứa con gái, con nhà chài lưới, ở đâu gần đập thủy điện. Tôi tuyên bố: mày muốn thì vĩnh viễn bỏ bố mà đi, còn dẫn nó lên đảo gặp tao, tao sẽ đập nó chết tươi ngay tức khắc. Nó cụp mắt, đến cả tháng không mở mồm nói với bố một lần, lúc nào cũng ngơ ngơ như thằng đần, thằng dại. Dạo ấy nó giống hệt cái con đàn bà vờ câm kia của anh. Con yêu tinh này đang đóng giả lừa anh đấy. Thôi đưa nó đi cho khuất mắt, hừ…

Tôi nhìn Thụy, ngạc nhiên.

Cậu con trai của Thụy dẫn tôi và Vui xuống chỗ để thuyền. Chiếc thuyền nan chầm chậm rời đảo. Cả ba người đều im lặng, chỉ có tiếng chèo cót két. Từ xa hiện dần lên cái chóp nhọn của nhà thờ Chính Tâm nhô trên mặt nước. Tôi bâng khuâng nghĩ đến vùng dân cư một thuở nay đã chìm khuất dưới lòng hồ…

– Ở chỗ này ngày nào cũng có tàu thuyền đi qua về cảng Hương Lý. Cô chú lên đây ngồi đợi, thấy thuyền đến thì xin về nhờ.

Tâm dừng thuyền tại một hòn đảo có bãi rộng, khá bằng phẳng chờm ra mép nước như một cái bến. Gió lạnh thổi miếng vải rách ở lưng Vui lất phất. Sương trắng nhè nhẹ bay trên mặt hồ. Tôi hỏi Tâm:

– Cháu có biết chữ không?

Nó lắc đầu vẻ ngượng ngùng, rồi nói:

– Không.

– Có thích vào ở trong đất liền không?

Tâm gật đầu. Nó đang đờ đẫn nhìn vào mảng thịt lộ ra ở lỗ rách trên áo Vui, trong mắt ủ một giọt lửa cháy âm ỉ. Về trưa trời hửng, nắng lăn tăn rắc vàng trên hồ. Bất chợt Vui reo to:

– Có thuyền kìa!

Cả tôi và Tâm đều sửng sốt. Tiếng kêu đầu tiên, rỡ ràng, trong vắt của người đàn bà sau gần một tuần câm lặng. Một chiếc thuyền tôn dài đang lướt sóng tiến lại. Trên thuyền có hai người.

Mãi sau này, trong một lần cùng đi thu mua hạt màng tang về cất dầu, Vui mới cười với tôi: “Anh có biết vì sao em phải giả dại, giả câm trong mấy ngày trên đảo không? Em thì lo nát ruột, mà anh thì ngay đêm đầu tiên đã giở trò… Em không làm thế để anh sợ, thì sao giữ được mình, hả cái đồ dê cụ nhà anh?”

*

*         *

Hai năm sau, một mình tôi chèo thuyền ra hòn đảo ấy. Tôi muốn gặp lại Thụy để nói với ông ta một điều. Rằng đàn bà trên đời, nếu đều xấu cả, thì vẫn còn một người trong trẻo như mạch nước giữa rừng. Người đó là Vui. Ngay cả Thịnh, lão chồng tàn tật của nàng cũng không thể tin rằng giữa chúng tôi không xảy ra chuyện gì, ở nơi chơ vơ giữa mênh mông trời nước ấy…

Và do đó, ông ta đừng làm khổ đời thằng bé. Ông phải đưa nó trở về.

Hôm đó là một ngày mùa xuân, trời lạnh se. Suốt từ lũng đảo ngược lên triền nương, hoa thuốc phiện nở bừng. Bên những bông trắng muốt trinh nguyên là bông tím ngọt ngào, man mác. Mà không chỉ thuốc phiện, dường như mọi cỏ cây trên đảo vắng đều đang nô nức trổ hoa.

Leo hết sườn dốc, tôi sững sờ nhìn cái lều đã đổ nghiêng xuống. Một bên mái gác hờ vào tảng đá, đồ đạc bên trong mối mọt, hoang tàn. Mùi ẩm mốc cho biết đã từ rất lâu, nơi đây không còn có mặt con người. Đi qua bãi đất chỉ còn gốc ngô mục ải, đến gốc trám, tôi giật mình. Có một mô đất tròn, cỏ phủ xanh lẫn thứ dây gì bò lan như dây muống.

Ai đã bỏ đi, để một người nằm lại? Hay là mộ đứa con riêng được chuyển về từ chỗ ở xưa, gần gốc khế… Mãi sau này, tôi vẫn băn khoăn.

Chỉ còn tiếng nai tác lẻ loi trên đảo vắng. Mong rằng không phải cả hai, thì một người trong bố con họ đã trở về với đất liền.

Phạm Duy Nghĩa