Cách đây vài năm, cộng đồng mạng “dậy sóng” vì một phát ngôn gán truyện tranh với hình ảnh tiêu cực của con sâu đi kèm cùng các định kiến “đục khoét tâm hồn”, “vô bổ”,… Với tư duy của một dân tộc mang truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước như Việt Nam, hình ảnh con sâu xưa nay đi vào tiềm thức chúng ta cùng với sự tiêu cực, xấu xí. Tuy nhiên, nếu thoát ra khỏi tư duy nông nghiệp thì chúng ta có thể đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn: tại sao con sâu lại ẩn dụ cho sự tiêu cực, nếu con sâu là tích cực thì sao? Trong tiếng Anh, “book” là sách, “worm” là sâu, chúng ta có từ “bookworm” có nghĩa là mọt sách, con sâu trong trường hợp này không hoàn toàn có nghĩa tiêu cực. Chính chúng ta trở thành những con sâu đi “đục phá”, đào bới, tìm kiếm kiến thức, và biết đâu được, có khi nào sau khi được con sâu truyện tranh “đục khoét”, tâm hồn chúng ta sẽ trở thành một vùng đất màu mỡ và tươi tốt hơn để gieo những mầm kiến thức sau này?
Có lẽ sẽ có một số ý kiến cho rằng truyện tranh thậm chí còn chẳng nên được coi là một thể loại văn học. Đó là một đề tài tạo ra những cuộc tranh luận không có hồi kết và mấu chốt nằm ở sự khác biệt về cách định nghĩa văn học của mỗi người. Văn học như một chất lỏng vô hình, không có hình thù nhất định và vì thế, chúng ta chẳng có một định nghĩa nhất quán nào về văn học để chứng minh ai đúng ai sai. Dẫu vậy, nếu xét từ phương diện tác động đến độc giả thì văn học nói chung và truyện tranh nói riêng đều mang lại những giá trị tích cực trên các bình diện nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí,…
“Ngôn từ” có khả năng truyền tải các vấn đề về con người và thế giới một cách uyển chuyển, hàm súc, khi nó được kết hợp với “hình ảnh” trong thể loại truyện tranh thì càng gia tăng khả năng biểu đạt của “ngôn từ” và kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Với lợi thế sử dụng hình ảnh, các chủ đề được truyền tải trong truyện tranh lại càng trực quan, sinh động hơn. Ở bang Maryland của Mỹ, chính quyền bang này đã thực hiện chương trình “Comic Book Initiative” (Sáng kiến sách truyện tranh), trong đó sử dụng truyện tranh như một công cụ đồ họa hỗ trợ học tập, giảng dạy cho học sinh tiểu học, trung học.
Tiếp đó, xét đến yếu tố thẩm mỹ của truyện tranh, những chất liệu tạo thành truyện tranh – ngôn từ và hình ảnh – có mức độ đóng góp như nhau trong việc thể hiện cốt truyện với mục đích chuyển tải thông điệp hay tư tưởng mà tác giả gửi gắm. Do vậy, khác với loại hình tranh minh họa – hình ảnh phục vụ, theo sát văn bản được trình bày – thì chất liệu ngôn từ trong truyện tranh không có vai trò chính yếu mà song song cùng chất liệu hình ảnh bộc lộ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Có thể nói đó là sự kết hợp của hai loại hình nghệ thuật hội họa và văn học, do đó, truyện tranh là hình thức nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao.
Bên cạnh những giá trị về giáo dục và thẩm mỹ, truyện tranh mang đến cho người đọc sự thỏa mãn về nhu cầu giải trí. Ở nhiều quốc gia, đọc truyện tranh là một thú vui tiêu khiển đi vào đời sống văn hóa đương đại. Hầu hết truyện tranh đều mang những đặc điểm chung như tính hài hước, đơn giản, phiêu lưu,… Trong đó sự hài hước là yếu tố vô cùng thu hút đối với độc giả, nhất là các độc giả nhỏ tuổi. Với những vấn đề, thông điệp phức tạp thì truyện tranh cũng có cách truyền đạt rất đơn giản, dễ hiểu khiến nó trở thành một loại hình giải trí “ăn liền”, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Đối với mỗi quốc gia hiện nay, phát triển và xuất khẩu văn hóa có tầm quan trọng không kém gì với phát triển kinh tế, và thực tế đã chứng minh truyện tranh là một công cụ có sức mạnh truyền tải và lan tỏa văn hóa hữu hiệu. Ở Mỹ, trong giai đoạn từ khi phát hành cuốn truyện tranh đầu tiên có tên “Yellow Kid” (Đứa trẻ da vàng) của Richard Outcault đến năm 1920, truyện tranh (comic) đã đi vào đời sống thường nhật của người dân, trở thành một phần văn hóa đại chúng và thậm chí được nâng tầm lên thành một biểu tượng văn hóa quốc gia, góp phần đánh bóng tên tuổi “miền đất hứa”. Làn sóng văn hóa truyện tranh này đến thế kỷ XIX đã lan sang đến Nhật Bản, và tại đây, nghệ thuật thị giác của phương Tây kết hợp với hội họa truyền thống Nhật Bản đã tạo ra một hiện tượng văn hóa lai – manga. Ở Nhật Bản, manga đi vào đời sống người dân, là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của Nhật Bản được đại chúng tiếp nhận rộng rãi và trở thành một công cụ hữu hiệu để “thúc đẩy hình ảnh thương hiệu Nhật Bản” bởi nó mang đậm bản sắc và tư duy Nhật Bản. Không hề thua kém, Việt Nam chúng ta tuy còn hạn chế trong việc mang bản sắc văn hóa dân tộc vươn ra nền văn hoá nhân loại, nhưng để kể ra một vài cái tên nổi bật trong làng truyện tranh Việt Nam cũng không phải quá khó: chúng ta có “Thần Đồng Đất Việt”, “Dũng sĩ Hesman”, “Tí Quậy”, “Trạng Quỳnh”,… Trong đó, chắc hẳn “Thần Đồng Đất Việt” là bộ truyện tranh huyền thoại, đặc biệt với thế hệ 9x. Những câu chuyện, sự kiện xảy ra trong “Thần Đồng Đất Việt” hầu hết được phát triển dựa trên các sự kiện có thật trong lịch sử, tuy nhiên không trùng lặp với bối cảnh tương ứng trong truyện, thời Hậu Lê. Bộ truyện là hành trình cuộc đời của Lê Tí, trạng nguyên Đại Việt cùng với 3 người bạn thân của mình. Với tài trí của mình, cậu đã giúp đỡ mẹ, bạn bè và những người trong làng giải quyết nhiều khó khăn. Sau đó, vượt qua 3 kỳ thi Hương, Hội, Đình, trở thành Trạng Nguyên trẻ tuổi nhất Đại Việt, và sau này còn được Đại Minh công nhận là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. “Thần Đồng Đất Việt” kết tinh trong đó là văn hóa, tinh thần, bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Vậy nên, khoan bàn đến làm thế nào để mang những giá trị này đến với các nước bạn, trước hết, sao chúng ta không phát triển nó ở chính nội tại nước ta, để những tác phẩm “đáng thờ” như vậy “được thờ” mà không bị những định kiến gạt bỏ, phủ nhận giá trị thực?
Đối với truyện tranh, chúng ta cũng bắt gặp một số ý kiến trái chiều khá phổ biến. Trước hết, chúng ta thường bị giới hạn trong một định kiến rằng truyện tranh không mang nhiều ý nghĩa, hoặc thậm chí không có những chức năng như đã nói ở trên của văn học, rằng “con sâu truyện tranh” này chỉ làm lãng phí thời gian mà không mang lại một giá trị thiết thực nào. Thế nhưng, như một nhà nho nổi tiếng uyên bác của Việt Nam vào thế kỉ XIX Nguyễn Văn Siêu đã từng nhận định: “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ.”, truyện tranh hay truyện chữ cũng không phải ngoại lệ, đều có những loại “đáng thờ” và “không đáng thờ”. Mặc dù ra đời sau những loại hình văn học cổ điển như thơ, văn xuôi và kịch, truyện tranh vẫn có những tác phẩm sâu sắc về nội dung, mang đến nhiều thông điệp đậm tính nhân văn. Xét đến các tác phẩm truyện tranh trong nước, đọc “Trạng Quỳnh”, ta cười cái cười mỉa mai, châm biếm, thư giãn, nhưng không hề vô bổ. “Trạng Quỳnh” cho ta cái nhìn về thiện, ác, cho ta biết thế nào là phải trái, đúng sai. Qua đó, ta cũng nhìn thấy được một phần văn hóa, tinh thần dân tộc, đó chính là lý do “Trạng Quỳnh” vẫn còn sống mãi trong nền văn học và đời sống dân gian Việt Nam. Với truyện tranh nước ngoài, ta cũng có hằng hà sa số các tác phẩm có nội dung sâu sắc, chứa đựng ý nghĩa tinh thần to lớn và những bài học giá trị: Conan mở cho chúng ta một thế giới tư duy logic để tìm lời giải đáp cho những vụ án vô cùng gay go, các siêu anh hùng Marvel cho chúng ta niềm tin về công lý, nối dài trí tưởng tượng của chúng ta với những năng lực siêu nhiên. Vậy nên, việc chúng ta cần quan tâm hơn ở đây không phải là câu chuyện được thể hiện bằng hình thức nào, mà là nội dung như thế nào, thông điệp tác giả muốn mang đến là gì. Vấn đề của chúng ta nằm ở chỗ phải lựa chọn sách sao cho phù hợp và có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, một bộ phận cũng gạt bỏ vai trò của truyện tranh và ưu việt hóa vai trò của truyện chữ vì cho rằng truyện tranh không có khả năng kích thích khả năng ngôn ngữ. Nhưng bạn đã từng thấy một đứa trẻ 5-6 tuổi nào ngấu nghiến đọc một quyển sách dày cộp chỉ toàn chữ là chữ chưa? Có lẽ có, song chắc không nhiều. Khi chưa biết chữ, ta thường được bố mẹ đọc cho những câu chuyện cổ tích, những bài học được lồng trong các câu chuyện, và chắc hẳn chúng ta cũng khó có thể nào kiếm được một quyển truyện để đọc cho trẻ em trong độ tuổi ấy mà lại không có tranh. Bên cạnh giọng kể của bố mẹ, hình ảnh trong truyện là thứ cuốn hút chúng ta, kích thích sự tò mò, ham muốn “biết chữ” của những đứa trẻ chưa biết chữ lúc ấy. Khi đã biết đọc rồi, trong giai đoạn đầu tiên của việc tự đọc hiếm có đứa trẻ nào lại bỏ qua được sức hút của truyện tranh, và từ đây chúng mới dần dần quá độ sang đọc các thể loại văn học khác. Như vậy truyện tranh có hữu ích đối không? Có, đương nhiên là có, trong quá trình hình thành môi trường thói quen đọc sách thì truyện tranh chính là thứ mồi nhử, một “con sâu” khai phá vùng đất tâm hồn, tạo cho chúng ta nền tảng, gieo cho ta thói quen, sự yêu thích đối với việc đọc.
Tóm lại, mọi thứ đều cần có một sự cân bằng hài hoà ngay cả trong việc lựa chọn thể loại sách để đọc. Các thể loại sách cũng giống như các chất dinh dưỡng trong đồ ăn thức uống, chúng ta cần bổ sung đầy đủ các chất thì mới có thể duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Nếu truyện chữ được ví như chất xơ thì khi chúng ta nạp quá nhiều chất xơ mà lại bỏ quên hấp thu các khoáng chất, vi lượng từ truyện tranh và nhiều loại vitamin từ các thể loại sách khác nhau, thì một điều chắc chắn xảy đến đó là cơ thể của chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng do sự thiếu hụt chất. Liệu có là bất công khi chúng ta gạt bỏ và phủ nhận những giá trị đáng trân trọng của truyện tranh chỉ vì những định kiến, thiên kiến của xã hội?