Tự Lực văn đoàn đã khởi sự hoạt động báo chí và văn chương của mình trong một thời điểm chứa đầy cơ hội và thách thức.
Việc khởi động các dự án cải cách văn hóa xã hội từ trong cuộc khai thác thuộc địa sau Thế chiến thứ nhất đã làm nẩy nở ở Việt Nam những mầm mống của xã hội dân sự hiện đại theo mô hình Âu Tây, trau dồi ý thức công dân và trách nhiệm xã hội ở bộ phận tinh hoa bản xứ. Trong tình thế thuộc địa, các trí thức bản xứ lần tìm đường lối cho các dự án chính trị của mình, những suy tư về số phận dân tộc, và về thân phận người dân lệ thuộc. Những trăn trở này hầu hết đều được thực thi trước hết trên các diễn đàn văn hóa xã hội, mà báo chí chính là một lựa chọn hàng đầu.
So với khởi điểm hơn mười lăm năm trước của tờ tạp chí uy quyền Nam Phong, như một hệ quả của chính sách văn hóa giáo dục do Toàn quyền Albert Sarraut thực hiện, những độc giả mới và những nhà văn, nhà báo xuất thân từ lớp độc giả ưu tú ấy đã tăng lên rất đáng kể. Khảo sát về học đường Đông Dương hệ cao đẳng tiểu học niên học 1931 – 1932, những trí thức có thể được xếp vào loại người đọc tinh hoa ở giai đoạn này, Trịnh Văn Thảo có so sánh đáng lưu ý:
“Sự so sánh với năm 1921 thể hiện một bước nhảy thực sự về chất: từ con số 1.814 học sinh năm 1921 lên đến 4.894 năm 1931, tức là tăng gấp 3 lần. Cùng một bước tiến như vậy về phía giáo viên, từ 115 (51 người Âu và 64 người bản xứ) đến 262 (105 người Âu và 157 người bản xứ), tức là tăng 2 lần. Từ 105 nữ sinh năm 1921 lên 343 năm 1931, ngành cao đẳng tiểu học nữ đã tăng gấp 3 lần trong một thập kỷ với ba trường nữ trung học Việt Nam (Hà Nội, Huế và Sài Gòn).”1
Rõ ràng, cuộc cải tổ giáo dục Đông Dương từ Tổng quy học chính 1918 đã cung cấp cho đời sống báo chí Việt Nam những năm 1930 một thế hệ người đọc khác hẳn, ngày càng xa rời truyền thống Á Đông để nhập cuộc với thế giới Âu Tây. Các thành viên Tự Lực văn đoàn, và cộng sự như các họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường, Ngym Trần Quang Trân, Tô Tử Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp,… đều chia sẻ ý chí “phải theo mới” của vị chủ soái Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Tuy vậy, ở thời điểm này, họ cũng phải cạnh tranh gay gắt với thế hệ làm nên các tạp chí Đông Dương, Nam Phong trước đó. Việc Thượng Chi Phạm Quỳnh chuyển giao tờ Nam Phong cho Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng để vào Huế làm việc trong nội các Nam triều của vua Bảo Đại cùng dịp Nguyễn Tường Tam khởi sự Phong Hóa là một lựa chọn mang tính đối trọng của thế hệ này với lớp trẻ trưởng thành từ chính môi trường báo chí và học thuật mà họ gây dựng. Trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, tính chất biểu tượng của ngôi vị hoàng đế đem lại sự vững tâm cho các dịch chuyển tiệm tiến về phía hiện đại, theo phương cách trung dung, thể dụng Á – Âu, dung hòa tân – cựu. Có thể chính những cảm nhận về sức hấp dẫn này, điều làm cho sự cạnh tranh giữa lựa chọn dung hòa và theo mới hiện ra như hai “địch thủ”, đã khiến cho Tự Lực văn đoàn không ngừng nghỉ các nỗ lực đả phá vào tờ báo Nam Phong và ông chủ bút Phạm Quỳnh như là một đại diện chủ chốt của một lựa chọn, một xu hướng chính trị và văn hóa. Bởi vậy, dù khi tờ Nam Phong đình bản, Tự Lực văn đoàn nhận thấy sự sụp đổ mang tính biểu tượng về xu hướng văn hóa dung hòa của một thế hệ: “Tờ Nam Phong chết” – “Một thế-giới cũ tàn”2; thì sau đó, lựa chọn xu hướng bảo hoàng của Phạm Quỳnh vẫn khiến họ phải thường xuyên réo tên ông trên mặt báo, như một biểu tượng của đối thủ chính trị nặng kí nhất của mình.
Không chia sẻ ý thức hệ của thế hệ đi trước, Tự Lực văn đoàn vạch ra con đường mới cho mình bằng việc gây dựng “phong hóa” mới, lấy giáo dục và cảm hóa làm phương cách cải đổi thói thường xã hội. Theo đó, nói như Tứ Ly, Tự Lực văn đoàn đã “hăng hái đem văn chương phụng sự lý tưởng cải cách”3. Và nhờ “lý tưởng cải cách” mà thành quả đầu tiên họ gặt hái được lại chính ở phương tiện mà họ lựa chọn: đem đến sự thắng thế cho văn chương hiện đại. Văn chương ấy hiện lên như là sản phẩm của một mẫu người văn hóa mới đã ý thức sâu sắc về cá nhân, cũng như xác quyết vai trò và vị thế của tự do cá nhân; trong những hình thức mới mẻ được thâu thái từ cuộc tiếp xúc với văn hóa văn minh Âu Tây; bằng việc tài bồi và phát triển ngôn ngữ dân tộc, làm trong sáng và nâng cao tính khoa học của lời văn tiếng Việt. Ngay từ khi mới chủ trương báo Phong Hóa, Tự Lực văn đoàn đã quan tâm đến vấn đề này, muốn “chấn hưng nền quốc văn” bằng việc đề xuất thành lập hội đoàn để soạn sách về mẹo luật ngôn ngữ “làm mẫu để viết văn” và “đặt ra phần thưởng văn chương để tưởng lệ các nhà trước tác”; hình thành “một nền văn phẩm bình” và “những nhà phẩm bình phải có công tâm với nền quốc văn”.
“Lúc đã có một hội Hàn lâm hoặc hội văn học chỉ đường cho các nhà văn sĩ noi theo, và một nền văn chương phẩm bình vững chãi bổ khuyết và chính thụ cho quốc văn thì lo gì không có nhà trước thuật có trứ danh và có ngại gì các độc giả không đến các hàng sách Annam mà mua những pho sách có giá trị.”4
Về sau, Tự Lực văn đoàn đã làm theo đúng những chủ trương ấy. Tự Lực văn đoàn đã khai sinh và chuẩn mực hóa tiểu thuyết lãng mạn ở Việt Nam. Họ ủng hộ Thơ Mới, thúc đẩy sự tấn tới của Thơ Mới bằng việc quảng bá thi phẩm và thi sĩ, lý thuyết hóa thể loại, đóng góp những thi sĩ cấp tiến cho phong trào, khẳng định giá trị của Thơ Mới bằng các giải thưởng, bằng hoạt động phê bình, điểm sách, điểm tin. Họ cũng quan tâm tới kịch nghệ, đăng tải, chuyển thể và tham gia vào dàn dựng kịch nói. Tự Lực văn đoàn chú trọng văn chương tới mức, trong tôn chỉ của mình, với 10 điều và 9 nội dung, thì có tới 3 nội dung dành cho văn chương, trong đó nhấn mạnh: “tự mình làm ra những sách có giá trị về văn chương… để làm giàu thêm văn sản trong nước”; “dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam”; và “đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương An Nam”5. Điều hành báo chí tư nhân, thành lập hội dân sự, lập nhà xuất bản, trao giải thưởng văn chương, Tự Lực văn đoàn tỏ rõ là một tổ chức có đường lối và sức mạnh, tỏa bóng ảnh hưởng lên quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Với những thành công nổi trội ấy, trong không khí hồi nguyên các giá trị quá khứ vào những năm đầu Đổi Mới ở trong nước, trả lời phỏng vấn báo Bulledingue của phong trào sinh viên trong tổ chức người Việt tại Pháp, Hoàng Xuân Hãn khẳng quyết:
“Tự Lực không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại.”6
Tuy nhiên, nhìn nhận sự hoạt động và những đóng góp của Tự Lực văn đoàn chỉ trên phương diện văn chương là còn hết sức phiến diện, cho dù chỉ ở phương diện này, vị trí của Tự Lực văn đoàn là quan trọng tới mức không thể vắng thiếu trong mọi điểm diện về văn học Việt Nam hiện đại. Chủ trương đem “văn chương phụng sự lý tưởng cải cách”, hoạt động báo chí và văn chương của Tự Lực văn đoàn vì thế manh tính cách xã hội một cách rõ rệt. Các đánh giá và tổng kết của người đương thời đều cho thấy điều này. Chẳng hạn, trong Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm cho rằng “công việc của Tự Lực văn đoàn đã có ảnh hưởng về đường xã hội và đường văn học”7. Tuy nhiên, việc xem xét tính cách xã hội của Tự Lực văn đoàn gói gọn trong “biệt tài trào phúng của các văn gia phái ấy, cả trong thơ văn và trong các bức hí họa” ngày càng tỏ ra không thích đáng. Tiếng cười trào phúng chỉ là một phương tiện để Tự Lực văn đoàn hướng vào mục đích “thay đổi hoàn cảnh”, “tiêu diệt cuộc đời cũ”, “phá hủy những hủ tục đồi phong, xây đắp một cuộc đời hợp với lẽ phải”8. “Theo chủ nghĩa bình dân” và “cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân”, ghét bỏ “tính cách trưởng giả quý phái”, như đã nói rõ trong tôn chỉ của mình, Tự Lực văn đoàn mong muốn “khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân”. “Trọng tự do cá nhân”, “lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ”, Tự Lực văn đoàn hướng tới đấu tranh cho và phổ biến về các “tư tưởng xã hội chú ý làm cho Người và Xã hội ngày một hay hơn lên”9. Chính quan điểm và niềm tin này đã nuôi dưỡng nhiệt tâm của Tự Lực văn đoàn đối với các vấn đề xã hội, hiện tình đất nước và đời sống người dân.
Tự Lực văn đoàn dành cho “dân quê” một sự quan tâm đặc biệt. Bởi với họ, dân quê “là căn bản của xã hội, vậy muốn cải tạo xã hội, phải quay đầu về dân quê”10. Họ hiểu rằng, muốn giải quyết được các vấn đề tồn đọng ở làng quê, từ kinh tế cho tới tổ chức xã hội và đời sống văn hóa, đều phải dựa vào việc giáo hóa: “đổi mới dân quê” theo hướng Âu hóa. Nhưng đối tượng mà Tự Lực văn đoàn thực sự hướng đến khi thảo luận về vấn đề dân quê lại không hẳn là người dân, mà là những trí thức (thành thị) như họ, những người đã và đang “cách biệt hẳn với dân quê”, “không cùng chịu nỗ lực mưu sự tiến bộ chung”. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế xô đẩy “bọn trí thức về nơi thôn dã”, “Phong Hóa nhân đó, hết sức khuyên họ đem những điều sở đắc dạy dỗ những người xung quanh, để cùng nhau chóng hưởng cõi hạnh phúc vô song của người nước văn minh”11. Với Tự Lực văn đoàn, để “đổi mới dân quê”, “bọn học thức phải nghĩ cách dạy cho dân quê cái quan niệm như mình đã”, bởi “có làm được thế thì việc cải cách trong đám dân quê mới được dễ dàng, mà bọn học thức mới có thể nhúng tay làm việc cho dân quê một cách có hiệu quả được”12. Nhìn thấy thực tế rằng “bọn học thức ngày nay cách biệt với dân quê nhiều lắm”, Tự Lực văn đoàn đã đứng ra phổ biến cho họ các quan niệm mới về đời sống dân quê, khuyến khích họ “lắng tai”, “mở mắt” và để ý “dò xét” tâm hồn chất phác của người dân để hiểu và… thay đổi. Bởi thay vì để cho dân quê duy trì “những bổn phận mà họ cho là to tát quý trọng” đối với “thần thánh, làng mạc, họ hàng”, bọn học thức phải đánh thức ở dân quê sự “chú trọng về vật chất”, hình thành ở dân quê “cái quan niệm vật chất về cuộc đời”. Trưởng thành bởi nền giáo dục thế tục duy lý, nuôi dưỡng quan điểm duy vật và tiến bộ về cuộc đời, lại tiếp xúc với sự vượt trội của nền văn minh vật chất Âu Tây, Tự Lực văn đoàn tin rằng “bọn thường dân một nước cần phải chú trọng về vật chất hơn là ngưỡng vọng những cái vô hình”, và theo đó, nhiệm vụ của bọn học thức là “phải phá bỏ cái đời mê muội, huyền bí của họ đi, lấy cái đời vật chất và theo nhẽ lý thay vào”13.
Tự Lực văn đoàn đã đưa ra nhiều chương trình nhằm thay đổi nhận thức của trí thức và người dân quê – các “bản chương trình” về “vấn đề dân sinh” – từ đời sống vật chất cho tới đời sống tinh thần. Họ đã khá thành công trong việc đề xuất và thúc đẩy các thay đổi trong không gian vật chất của người nông dân, hướng suy nghĩ họ vào các lựa chọn cải thiện đời sống theo hướng hiện đại, chú trọng tới sự tiện ích, hợp vệ sinh, tiết kiệm và hiệu quả. Song những thúc giục cải đổi về mặt tinh thần, các phong tục tập quán, tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo,… nhiều khi vẫn thiếu đi những thấu hiểu bởi sự khác biệt của các “quan niệm riêng về cuộc đời”. Giữa trí thức và người dân quê vẫn là một khoảng cách rất lớn. Việc theo đuổi Tây học đã làm bật rễ những căn cước cổ truyền ở những trí thức trẻ, khiến không phải lúc nào họ cũng có thể chia sẻ với đời sống tinh thần của người dân quê, và hẳn nhiên Tự Lực văn đoàn cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ, dù nhiều ít họ đã ý thức được về điều đó. Đương thời, Pierre Gourou có phát hiện tinh tế và đầy cảm thông về hiện trạng này:
“Ngoài một số ngoại lệ, tương ứng với những nhân vật đặc biệt, người Việt Nam có học trở về làng rất khó khăn. Đời sống tín ngưỡng của làng xã không còn ràng buộc đối với anh ta và những tranh chấp chính trị trong làng không làm anh ta quan tâm; mặt khác, sự thiếu tiện nghi và ăn uống đạm bạc của đời sống ở làng làm anh ta chán nản. Phải xót xa khi nhận thấy sự đánh mất tình cảm như vậy đang diễn ra; nhưng cũng không thể trách móc những người Việt Nam đó; nền học vấn duy lý và duy vật mà họ đã tiếp thu không cho họ giữ lòng tin vào các vị thần làng; hiểu biết về thế giới bên ngoài khiến họ thấy rõ tính nhỏ nhen bủn xỉn trong đời sống chính trị làng xã; những thói quen mà họ đã tiếp thu ở thành thị, trong các trường đại học hoặc ở bên Pháp làm cho họ không ưa sự ngây ngô quê mùa. Tất cả những điều đó là rất con người.”14
Bên cạnh các thôn dân, Tự Lực văn đoàn cũng dành sự chú tâm tới thị dân, nhất là các thị dân là phụ nữ, từ những phụ nữ được hưởng thành quả của quá trình đô thị hóa từ cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp đến những phụ nữ bị ép buộc trở thành nạn dân của không gian xã hội mới mẻ này. Mượn cách nói của Tứ Ly, nếu dân quê là căn bản của xã hội, thì phụ nữ là căn bản của đô thị; muốn cải tạo xã hội, phải quay đầu về dân quê thì cũng theo đó, muốn xây dựng đô thị, phải chú tâm tới vấn đề phụ nữ. Người phụ nữ đổ bóng lên đời sống nông nghiệp cổ truyền của người Việt Nam, từ trong nhà, ra vườn ruộng, đến chợ búa hàng ngày và các dịp hội hè lễ tết. Bước vào đô thị hiện đại, người phụ nữ hiện diện càng rõ rệt trong nhịp sống hối hả của phố phường. Thực hiện “sứ mệnh khai hóa”, chính quyền Pháp ở thuộc địa đã trao cơ hội cho một bộ phận phụ nữ bản xứ nhưng đồng thời cũng nhấn chìm bộ phận khác xuống đáy cùng của thân phận nô lệ, phải bán trôn nuôi miệng trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt ở thị thành. Tổ chức ở Đông Dương thuộc Pháp nền học chính phổ cập và thế tục, nhưng do thiếu thốn về mặt kinh phí, giáo viên và các phương tiện vật chất, chính quyền thuộc địa đã không thể phổ biến các trường nam, nữ học riêng. Hạn chế này, theo đó buộc phải mở các lớp nam nữ học chung, không ngờ lại giúp cho nhiều trẻ em gái có cơ hội được đến trường hơn. Khảo sát về giáo dục tiểu học trong hệ thống nhà trường Pháp – Việt từ 1918 đến 1922, Trịnh Văn Thảo nhận định:
“Ngay cả khi tổng số trẻ em gái đến trường học không vượt quá 8% và 70% trong số đó đến từ Nam Kỳ, việc học của trẻ em gái không ngừng phát triển, cải chính những nghi ngờ và dự kiến bi quan của một số quan cai trị hồi cuối thế kỷ – sự việc này phải được ghi nhận là một thành tích của nhà trường”15
Hơn mười năm sau, ở giai đoạn Tự Lực văn đoàn bắt đầu sự nghiệp, năm học 1931-1932 ghi nhận số lượng nữ học sinh cả nước là 38.984/ 292.694 học sinh, chiếm tỉ lệ 13,3% (trong đó Bắc Kỳ có 8.218/ 108.425, chiếm 7,5%; Trung Kỳ có 1.675/ 52.284, chiếm 3,2%; và Nam Kỳ có 29.091/ 131.985 học sinh, chiếm 22%)16. Các nữ sinh vươn tới các bậc học cao hơn bị thu hẹp hơn nhiều, với 343/ 4.894 học sinh cao đẳng tiểu học vào năm 1931, dù chỉ chiếm 7% song đấy vẫn là một con số khá ấn tượng. Được bình đẳng với nam giới từ trong học tập, cùng đón nhận những kiến thức không khác gì nam giới, điều này đã tạo nền móng cho sự triển nở các ý thức về nữ quyền, các đòi hỏi nam nữ bình quyền, và tạo tiền đề thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động xã hội. Theo đó, trong hoàn cảnh mới, nam giới không thể bỏ quên mà không xem xét về vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội nữa. Những “gái mới”, “gái tân thời” từng bước khuynh đảo đời sống, trở thành đối tượng của các thảo luận trên các diễn đàn báo chí.
Sự trỗi dậy của vấn đề phụ nữ trong tình cảnh thuộc địa như vậy hiển nhiên đã thu hút được sự chú ý của Tự Lực văn đoàn, dẫu ở khởi đầu, không phải họ không có thành kiến với những thay đổi chóng vánh và thiếu kiểm soát của một bộ phận phụ nữ đô thị, khi biến họ thành đối tượng trào phúng trong nhiều tin bài và tranh biếm họa, dù không cực đoan tới mức quy kết đó là biểu hiện của “phong hóa suy đồi” như nhiều đánh giá lúc bấy giờ. Trong khi ngược lại, với những thân phận thấp hèn, Tự Lực văn đoàn lại tỏ bày sự cảm thông, mà nổi bật là việc sớm đăng dài kỳ phóng sự “Hà Nội ban đêm” của Tràng Khanh và Việt Sinh, nói về nạn phụ nữ mại dâm ở đô thị. Nhưng phụ nữ không chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội mà còn là nạn nhân của hoàn cảnh văn hóa. Từ mùa xuân năm 1934, cùng với họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường, Tự Lực văn đoàn làm “bồng bột lên” phong trào cải cách y phục phụ nữ trên diễn đàn Phong Hóa, để một năm sau, lối trang phục mới ấy đã đi vào đời sống, hiện diện trong đời sống đô thị khắp ngoài Bắc trong Nam. So với cải tạo thôn dân, thành công của phong trào cải cách y phục phụ nữ – dẫu chỉ mới phổ biến chủ yếu ở giới phụ nữ thượng lưu, có học, có tiền – rõ ràng đã được hưởng lợi từ chính sự trưởng thành và sự tự vận động của người phụ nữ. Tự Lực văn đoàn đã không phải nỗ lực hình thành ở họ “cái quan niệm vật chất về cuộc đời” như với thôn dân. Cùng chia sẻ “nền học vấn duy lý và duy vật”, Tự Lực văn đoàn chỉ thôi thúc phụ nữ quan tâm, chú trọng và đòi hỏi sự hiện diện của “tính mỹ thuật” trên con đường trở thành con người cá nhân hiện đại.
Song đóng góp nổi bật nhất của Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ không phải ở những thụ hưởng văn minh vật chất, mà là đấu tranh cho các quyền lợi và địa vị của họ trên lĩnh vực văn hóa tinh thần. Với văn chương Tự Lực văn đoàn, lần đầu tiên phụ nữ được hiện diện một cách mạnh mẽ trong tư cách của những nhân vật chủ động. Từ các tiểu thuyết lãng mạn Hồn bướm mơ tiên (1932), Nửa chừng xuân (1933), Gánh hàng hoa (1933-1934), qua bước ngoặt “xã hội tiểu thuyết” Đời mưa gió (1934) đến Đoạn tuyệt (1934-1935), Lạnh lùng (1935-1937), tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn ngày càng dành ra sự quan tâm và vị thế chủ động cho người phụ nữ, xem đấy như một dấu chỉ để “luận đề” về cuộc đấu tranh giữa mới và cũ, giữa con người cá nhân và chủ nghĩa đại gia đình. Dẫu nhận thức rằng, “viết truyện không phải để chỉ “cách” cho ai như viết một bài luận, hay một cái chương trình”, và khi viết truyện “cũng không thể đổi sự thực để làm lợi một lý thuyết nào cả”, nhưng tâm huyết với vấn đề phụ nữ, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam dám chấp nhận hy sinh ít nhiều tính nghệ thuật để hướng tới tính “luận đề” trong sáng tác của mình. Thậm chí, khi Đoạn tuyệt thành công vang dội và nhận nhiều dư luận trái chiều, nhân ý kiến của độc giả L. Quốc Lang về tiểu thuyết này, Nhất Linh không ngại ngần đứng ra “chỉ giúp” cho người đọc chủ đích của mình khi sáng tác:
“Cái dụng ý của tôi không phải để vẽ ra “một cô gái mới thắng gia đình cũ” và tìm được cách thoát ly như ông tưởng, cũng không phải để chỉ cách thoát ly cho các nàng dâu mới, hay để giảng nghĩa cho người ta biết thế nào là cuộc đời mới.”17
Từ trong hoạt động văn chương và báo chí của Tự Lực văn đoàn, người phụ nữ có thể rút ra rất nhiều “bài học” bổ ích cho cuộc vận động và đấu tranh đòi quyền tự do và bình đẳng của họ. Khi vấn đề phụ nữ bắt đầu thu hút được sự chú ý của các nhà dân tộc chủ nghĩa vào những thập niên đầu thế kỷ 20, các thảo luận mới chỉ thường xuyên đặt vấn đề phụ nữ bên cạnh dân tộc, đặt cuộc đấu tranh cho quyền phụ nữ và nữ quyền vào cùng một bình diện với đấu tranh cho nhân quyền, cho độc lập dân tộc. Từ những năm 1930, khi phụ nữ bắt đầu khẳng định được vị thế xã hội và có tiếng nói, các thảo luận dần chuyển hướng sang vấn đề giới và xã hội, các đòi hỏi về quyền phụ nữ và nữ quyền ngày càng mang tính chất của các phong trào chính trị xã hội như cách thức mà vấn đề này hiện diện trong đời sống văn hóa xã hội phương Tây. Có thể nói, cùng với sự ra đời và hoạt động thành công của các tờ báo (về/của) phụ nữ (Phụ nữ tân văn, Phụ nữ tùng san, Phụ nữ thời đàm,… ở cả Nam – Trung – Bắc), các thảo luận và các sáng tác của Tự Lực văn đoàn đã góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ Việt Nam tiến một bước khá xa.
Chặng đường “phong hóa” của Tự Lực văn đoàn diễn ra trong 4 năm (9/1932 – 6/1936) nhưng đã ghi nhận nhiều thành công, đồng thời với một tốc độ chuyển biến rất mau lẹ. Ở giai đoạn đầu, tính chất văn chương có phần lấn lướt, khi nhóm chủ trương tờ Phong Hóa như một tờ báo văn chương, dù văn chương ấy cũng là để “phục vụ lý tưởng cải cách”. Thành công nhanh chóng bằng việc tạo ra một văn phong báo chí trào phúng mới mẻ, lại định hình chuẩn mực thẩm mỹ mới với tiểu thuyết lãng mạn, tờ Phong Hóa tạo lập được vị trí trang trọng trong trường trí thức và văn chương. Với địa vị và vốn tượng trưng được tích lũy ấy, năm 1934, nhóm “bồng bột” khởi động nhiều hoạt động văn chương và xã hội, và đều để lại ấn tượng tốt đẹp: khơi dậy phong trào Thơ Mới, khởi động phong trào trang phục mới và tích cực thúc đẩy chương trình “đổi mới” thôn dân và thôn quê. Bước ngoặt chính trị xã hội năm 1935 khiến Tự Lực văn đoàn chia lưng vốn của mình thành 2 ngả chính song hành và đan bện với nhau: một ngả, tiếp tục các vun bồi phương diện nghệ thuật văn chương và ngả khác, dấn thân vào phương diện xã hội và chính trị. Ở ngay khởi đầu, tờ Ngày Nay đã được thể nghiệm như một tờ báo dư luận, đặt mối quan tâm vào các vấn đề “xã hội”, bên cạnh tờ Phong Hóa ngày càng vững mạnh trên đường hướng “trào phúng và văn chương”. Trở lại sau khi bị chính quyền thuộc địa đình bản ba tháng, từ 8/1935, tờ Phong Hóa bao gồm trong nó cả thuộc tính “xã hội” của Ngày Nay; và sau khi Phong Hóa chính thức bị đình bản, từ 6/1936, Ngày Nay trở lại tiếp nối vào Ngày Nay đã tự đình bản từ giữa năm 1935, lại bao gồm trong nó cả thuộc tính “trào phúng và văn chương” của Phong Hóa; trong khi cả hai tờ báo từ 1935, đều ươm ủ trong nó những yếu tố cấu thành phương diện “chính trị” của một tờ báo tranh đấu, mà Ngày Nay sẽ tỏ rõ ở giai đoạn sau. Trong một bối cảnh xã hội và chính trị mới, thường trực gây men các cuộc cách mạng xã hội nhằm thay đổi xã hội thuộc địa, Ngày Nay tục bản trở thành một tờ báo nghị luận xã hội đanh thép, dù vẫn dành không gian đáng kể cho văn chương, nhất là những trang viết ngày càng tiến sâu vào hiện đại, hoặc hiểu biết cặn kẽ hơn đời sống xã hội, hoặc lặn sâu vào tâm tính con người. Nhà xuất bản Đời Nay được thành lập giữa năm 1934, cũng thành công trong suốt những tháng năm này, nhất là với chủ trương Tủ sách Lá Mạ, in sách hay giá rẻ để phổ biến tới đông đảo độc giả bình dân. Tháng 8/1937, Hội Ánh sáng được thành lập như một tổ chức thành viên của Tự Lực văn đoàn. Vai trò xã hội của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long ngày càng trở nên rõ rệt và quan trọng, hướng hoạt động của văn đoàn can dự sâu hơn vào đời sống thế sự nhân sinh. Trong khi ở một hướng khác, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khởi sự hoạt động chính trị, với việc lập ra đảng Hưng Việt (1938) rồi đổi tên thành Đại Việt dân chính vào năm sau (1939), tổ chức mà ông giữ vai trò Tổng Thư ký đảng. Từ lãnh địa văn chương, qua hoạt động xã hội, tiến tới hoạt động chính trị, màu sắc của Tự Lực văn đoàn không còn thống nhất nữa, nhất là khi các thành viên của văn đoàn, người bị bắt, người thì mất sớm, người thì lưu tán. Ngày 7 tháng 9/1940, báo Ngày Nay đình bản sau 224 số. Nhà xuất bản Đời Nay vẫn còn hoạt động. Song Tự Lực văn đoàn không còn hội đủ điều kiện để hoạt động như một nhóm có tổ chức gắn kết nữa.
Trong suốt 8 năm hoạt động (1932 – 1940), Tự Lực văn đoàn không có ngày tháng nào giam hãm mình trong tháp ngà nghệ thuật theo như cách sau này người ta mô tả và hình dung. Nhiệt tâm cải cách, nhiệt tình tin yêu cái mới, nhiệt hứng sáng tạo và lan truyền cảm hứng, dựa trên lương trí duy lý và duy vật, với niềm tin vào sự tất thắng của khoa học và tiến bộ, Tự Lực văn đoàn dấn thân vào các hoạt động xã hội “làm cho Người và Xã hội ngày một hay hơn lên”. Lý trí và tình cảm ấy cũng chi phối hành vi sáng tạo nghệ thuật. Tất cả điều đó tạo nên khuynh hướng xã hội của Tự Lực văn đoàn – những trí thức trẻ lựa chọn hoạt động báo chí và hư cấu văn chương để kiến tạo xã hội mới trong tình thế thuộc địa. Một nhận thức như thế là cần thiết, bên cạnh các nghiên cứu về các vấn đề cụ thể khác, để tái nhìn nhận Tự Lực văn đoàn trong tiến trình hiện đại hóa xã hội và văn chương Việt Nam.
Đoàn Ánh Dương
1. Trịnh Văn Thảo: Nhà trường Pháp ở Đông Dương. (Nguyễn Trí Chỉ, Trịnh Văn Tùng dịch). Nxb. Thế giới, H., 2010, tr.163. In nghiêng do tác giả nhấn mạnh.
Với độc giả phổ thông, có thể xem như chỉ cần đọc thông viết thạo, vẫn theo khảo sát của Trịnh Văn Thảo, số lượng học sinh tiểu học cũng tăng gấp đôi trong vòng 10 năm, từ 162.210 học sinh năm 1921 lên 320.000 học sinh năm 1931; tương tự như thế là số lượng giáo viên, từ 5.094 lên 9.036 giáo viên (tr. 163). Song đây mới chỉ là con số thống kê ở hệ thống công lập. Đối với hệ thống tư thục, số lượng học sinh và giáo viên cũng tăng lên rất đáng kể: 14.868 học sinh năm 1921 lên 35.637 năm 1931, từ 857 giáo viên năm 1921 lên 3.000 năm 1931 (tr.164-165). Ấy là chưa kể đến số học sinh và giáo viên trong hệ thống giáo dục tư thục mang tính tôn giáo (chủ yếu là trường Thiên chúa), và giáo dục của cộng đồng người Hoa.
2. Phong Hóa, số 139 (20 tháng 3/1935), tr.2.
3. Tứ Ly: “Bên đường dừng bước”. Phong Hóa, số 154 (20 tháng 9/1934), tr.2.
4. Văn Lực: “Cũng bàn về quốc văn”. Phong Hóa, số 20 (22 tháng 9/1932), tr.8-9.
5. Tự Lực Văn Đoàn: “Tự Lực Văn Đoàn”. Phong Hóa, số 87 (2 tháng 3/1934), tr.2.
6. Hoàng Xuân Hãn: “Chuyện trò với Hoàng Xuân Hãn” (Đỗ Hữu Thạch dịch; NKĐ hiệu đính), Sông Hương, số 37 (4/1989).
7. Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu (Hiệu đính theo chương trình bậc Trung học ban bố ngày 27/8/1949). Hà Nội: Bộ Quốc gia Giáo dục, 1950, tr.543.
8. Tứ Ly: “Bên đường dừng bước”. Bđd., tr.2.
9. Tự Lực Văn Đoàn: “Tự Lực Văn Đoàn”. Bđd., tr.2.
10. Tứ Ly: “1934”. Phong Hoá , số 134 – Xuan Giáp Tuất (30 tháng 1/1935), tr.3.
11. Tứ Ly: “1934”. Bđd., tr.3.
12. Nhất Linh, “Dân quê muốn gì?” Phong Hóa, số 48 (26 tháng 5/1933), tr.1.
13. Nhất Linh, “Dân quê muốn gì?” Phong Hóa, số 49 (2 tháng 6/1933), tr.1.
14. Pierre Gourou: Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ. Nghiên cứu địa lý nhân văn. (Nguyễn Khắc Đạm, Đào Hùng, Nguyễn Hoàng Oanh dịch; Đào Thế Tuấn hiệu đính) (Tái bản lần thứ 1). Tp.HCM: Trẻ, 2015, tr.251. Với văn chương, sáng tác của Nam Cao là một biểu hiện sống động của nhận thức như thế này.
15. Trịnh Văn Thảo: Nhà trường Pháp ở Đông Dương. Sđd., tr.152.
16. Trịnh Văn Thảo: Nhà trường Pháp ở Đông Dương. Sđd., tr.162. Dựa trên số liệu của toàn Đông Dương, tôi lọc ra số liệu của Việt Nam và tính tỉ lệ nữ học sinh. Nhưng đây mới là chỉ tính riêng trong hệ thống giáo dục công lập. Nếu có số liệu về giáo dục tư thục, giáo dục mang tính tôn giáo, giáo dục trong cộng đồng người Hoa, thì số nữ học sinh chắc chắn phải nhiều hơn đáng kể.
17. Nhất Linh: “Dụng ý của tôi khi viết ‘Đoạn Tuyệt’”. Phong Hóa, số 184 (24 tháng 4/1936), tr.8.