Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, người ta nhắc nhiều đến những cụm từ giao lưu, hội nhập và phát triển. Chúng ta chứng kiến, ghi nhận biết bao sự đổi thay như vũ bão trong hầu hết các ngành, lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Tất cả đều chuyển động trong một quỹ đạo, dưới ảnh hưởng của một trọng lực, một lực hướng tâm mà người ta gọi là công nghệ 4.0. Và văn học, với tư cách là một ngành khoa học xã hội, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển cũng không nằm ngoài quỹ đạo tất yếu của thời đại. Cũng như nhiều ngành xã hội khác, văn học buộc phải chuyển mình để khẳng định được tầm quan trọng và tính ứng dụng sâu rộng trong xã hội hiện đại.
Khả năng của ngành văn học
Người ta nói, văn học là nhân học; là bách khoa toàn thư về cảm xúc của con người; là là lăng kính vạn năng phản chiếu một cách sinh động hiện thực của cuộc sống. Thông qua văn học, chúng ta nhận thức được vô vàn những điều quý giá, bổ ích về con người, lịch sử, xã hội,… từ trong quá khứ đến cuộc sống hiện tại. Văn học không chỉ nâng cao vốn văn hóa, tầm hiểu biết mà còn bồi dưỡng, khơi dậy bên trong con người biết bao tư tưởng, tình cảm, nhân sinh quan tốt đẹp, những giá trị chân – thiện – mỹ. Và trong xã hội hiện đại, khi mà những giá trị đạo đức đang có nguy cơ bị băng hoại, thì văn học qua những tác phẩm chân chính như một làn gió mát, cảm hóa, khơi dậy những phẩm chất, giá trị tốt đẹp bị khuất lấp bên trong con người. Chúng tôi bàn đến vấn đề không phải để là nhắc lại một điều “xưa như trái đất”, mà muốn khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của ngành văn học trong xã hội hiện đại.
Trong những năm trở lại đây, những khối ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trở nên hấp dẫn, bởi nó mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Những khối ngành xã hội ngày càng ít người muốn theo học. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, thách thức lớn nhất đặt ra cho toàn xã hội là hòa nhập chứ không hòa tan, và đòi hỏi sự phát triển cân bằng giữa tất cả các ngành. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó của xã hội cũng như tiếp thu phương pháp, tư duy tiến bộ, hiện nay ngành văn học tại các trường đại học đã được xây dựng theo một khung chương trình đào tạo chuẩn quốc tế. Sinh viên không chỉ được trang bị một nền tảng lý luận khoa học, lý thuyết tiếp nhận của ngành mà còn có tính thực tiễn, tính ứng dụng liên ngành để có thể ứng dụng trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay. Người học văn không chỉ nắm vững kỹ năng, phương pháp phê bình, nghiên cứu, giảng dạy mà còn là khả năng hoạt động trong lĩnh vực, báo chí, văn hóa, xuất bản, dịch thuật và thẩm định,…
Thực tế sinh viên trong các ngành khoa học xã hội tại các trường đại học ngày càng hoang mang, lo lắng về việc xác định cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đại bộ phận sinh viên ngành văn học bị bó hẹp trong tư duy tốt nghiệp xong chỉ giảng dạy, “đất diễn”, cơ hội nghề nghiệp bị quy hoạch, bó hẹp trong những mảnh đất nhỏ. Chưa hết, trong quá trình thực hiện những trăn trở của đam mê nghề nghiệp, không ít người vấp phải những khó khăn, mà một trong số đó là những “chi phí mở” quá cao với điều kiện từ cơ hội thực tế của nghề có thể mang lại. Thế nhưng, với vốn kiến thức sâu rộng được đào tạo bài bản, cộng thêm năng lực mỹ cảm vốn là bản năng của những người học văn được trang bị đầy đủ từ các học phần hiện nay giúp họ nhạy bén trước vấn đề, hoàn toàn mở rộng biên độ sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Bởi vậy, những lĩnh vực truyền thông, ý tưởng, quan hệ công chúng là những cơ hội cho những người theo đuổi ngành văn học.
Thách thức của ngành văn học
Bất kể ngành gì, dù có hình thành, tồn tại và phát triển lâu dài đến mấy thì cũng có những giới hạn của riêng nó. Bản thân nó trong quá trình tồn tại muốn phát triển buộc phải sinh ra những “kháng thể” tốt để bảo vệ lại mình. Đồng thời, nó cũng chính là những thách thức mà trong xã hội hiện đại buộc người học phải linh động, trau dồi, tích lũy bên cạnh kiến thức nền tảng chuyên ngành để phù hợp với cơ hội nghề nghiệp đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Trong xã hội phong kiến, môn văn được xã hội đặc biệt coi trọng. Người ta lấy văn hay chữ tốt để làm thước đó giá trị văn hóa, đạo đức, học vấn của một con người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, ngành văn đang dần bị yếu thế, số lượng sinh viên lựa chọn ngành văn học ngày một ít mà một phần là do cơ hội nghề nghiệp. Sự đổi mới trong chương trình đạo để nâng cơ hội nghề nghiệp cho cho sinh viên ngành văn học không phải trường đại học nào cũng có thể. Thách thức của ngành văn học như nhân đôi, khi mà không chỉ tinh thần của người theo học ngành văn về cơ hội nghề nghiệp, mà đó còn là tinh thần chung của toàn xã hội nhìn nhận về một ngành khoa học xã hội. Trước thách thức đó, đòi hỏi một sự nỗ lực, cải cách đồng bộ trong hệ thống giáo dục của nước nhà. Bên cạnh đó còn sự nỗ lực của bản thân người học, bên cạnh kiến thức nền tảng được trang bị phải có những tư duy đột biến và năng lực nhạy bén.
Người ta gọi thế kỉ XXI là kỷ nguyên của công nghệ số – kỷ nguyên công nghệ 4.0. Tốc độ phát triển như vũ bão của các ngành công nghệ thông tin đã kéo con người lại gần nhau hơn. “Vạn vật kết nối” là những cụm từ tưởng như chỉ xuất hiện trong những tác phẩm văn học về khoa học viễn tưởng. Mọi thứ tương tác và kết nối trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Con người được thỏa mãn nhu cầu tri thức bất tận chỉ bằng một vài cú click chuột. Không ai có thể phủ nhận được tính ưu việt của internet trong đời sống hiện nay. Trong đó, đối với ngành văn học, người ta nhắc đến thể loại văn học mạng. Đúng như quan điểm của Âu Dương Hữu Quyền trong bài viết “Đi tìm bản thể luận và nhận thức về ý nghĩa văn học mạng”, ông cho rằng: văn học mạng đã giải phóng quyền diễn ngôn văn học, thể hiện xu thế của văn học thời đại khoa học kỹ thuật cao, thể hiện tinh thần tự do của nghệ thuật và phá vỡ các lề thói của văn học truyền thống. Sự tương tác, phản hồi giữa tác giả và người đọc chưa bao giờ nhanh đến như vậy. Trong môi trường văn học mạng, những tác phẩm văn học nhanh chóng trở thành “món ăn nhanh”, “xuất bản” tức thời để đuổi kịp tốc độ phát triển của thời đại. Văn học dường như đã hoàn thành sứ mệnh tính đại chúng của nó trong thời đại, kỷ nguyên của công nghệ số.
Tốc độ là đặc trưng của công nghệ số. Tốc độ đó là sự biến đổi không ngừng, thay đổi đến chóng mặt cho tất cả các ngành. Đối với ngành văn học, nó vừa tạo ra cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức rất lớn. Đơn cử là sự xuất hiện của những ngành nghề rất mới và rất hot như: viết content, biên tập nội dung website,… đó là những công việc đòi hỏi nhiều về chữ nghĩa, câu cú mà văn học có cơ hội được giao lưu, khẳng định lĩnh vực và “sân chơi” của mình. Song bên cạnh đó, nó đòi hỏi người làm phải tích hợp được một vài kỹ năng công nghệ thông tin mà chúng tôi tin chắc rằng đối với ngành khoa học xã hội chưa có sự đào tạo bài bản cho sinh viên: biên tập nội dung video, sử dụng phần mềm chỉnh sửa video, hình ảnh,… Những điều này, buộc sinh viên ngành văn phải không ngừng học hỏi, phả bỏ nhiều giới hạn của bản thân và có những sức bật nhất định để năng hoạt hơn với những cơ hội nghề nghiệp của xã hội. Bởi tư duy của những người theo ngành xã hội và tư duy của người làm lĩnh vực công nghệ thông tin là có sự khác nhau nhất định.
Cho dù ở bất kỳ một xã hội nào, văn học sẽ luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Trước những thách thức của xã hội hiện đại, ngành văn học bằng thế mạnh rất đặc trưng của mình đã nắm bắt được những khả năng để thể hiện và khẳng định được ví thế của riêng mình.
Vấn đề mà chúng tôi nêu ra ở trên đây là một vấn đề lớn, phức tạp cần phải được nhìn nhận và nghiên cứu trong khuôn khổ của một công trình nghiên cứu mới có thể đánh giá hết được. Song do điều kiện về thời gian cũng như giới hạn năng lực, chúng tôi mạn phép được bàn luận những khía cạnh cơ bản của vấn đề. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, đánh giá khách quan để khi có điều kiện sẽ có cơ hội được bàn luận sâu rộng hơn về vấn đề này.
PHẠM TRUNG TÌNH
Hà Nội, Đông giá 2017