Nếu nói cuộc đời là bức tranh muôn màu, vậy bạn nghĩ nó có màu gì? Có lẽ sâu bên trong mỗi người chúng ta đều sẽ tự phác họa nên một mảng màu riêng trong đôi mắt cảm quan của mình. Còn đối với An Mi, nhân vật xuyên suốt trong câu chuyện, cuộc đời hoặc là một “màu đen tuyệt đối của sự vùi lấp tuyệt đối”, hoặc là “màu trắng tuyệt đối của sự mất mát tuyệt đối”, hai mảng màu đối lập theo dòng chảy của thời gian loang vào nhau thành một màu xám tro lạnh buốt, mơ hồ, tựa như màu của tro bụi, tựa như màu tro của chồng cô.
“Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng có lẽ không phải một tác phẩm xa lạ đối với bạn đọc. Được viết cách đây hơn một thập kỷ nhưng phong cách và lối hành văn tự nhiên mà đậm chất nghệ thuật của tác giả vẫn còn một sức lôi cuốn lớn. 17 chương gói gọn trong gần 200 trang sách đã từ từ đưa độc giả đến với những trải nghiệm văn học tuyệt vời.
Ấn tượng đầu tiên của người đọc khi lật những trang văn đầu tiên có lẽ là ở cách bắt đầu câu chuyện của tác giả – một cái chết. Cái chết bất ngờ và đột ngột của người chồng mãi trở thành câu hỏi không lời giải đáp của người thiếu phụ ở lại. Sự ra đi của chồng, người thân còn lại duy nhất đã khiến An Mi rơi vào tuyệt vọng. Với cô, cuộc đời nguyên vẹn không phải chỉ cần một thứ keo gắn đồ vật với những khoảnh khắc của cuộc đời, mà còn cần một thứ keo gắn chính mỗi người vào cuộc đời nữa. Chồng cô chính là chất keo ấy, nhưng giờ đây đã không còn. Mục đích duy nhất của cô là tìm đường để đi đến cái chết theo một cách nào đó, và cô đã chọn những chuyến xe lửa là điểm khởi đầu cho sự kết thúc ấy.
Khúc quanh của câu chuyện xuất hiện khi cô vô tình gặp gỡ người lễ tân khách sạn trong đêm. Trong cuốn sổ mà anh ta đưa cho cô chứa đựng một câu chuyện bi kịch về một gia đình với những tình tiết đầy mâu thuẫn, điều đó thôi thúc nội tâm An Mi đi tìm câu trả lời cho một sự thật nào đó đang bị vùi lấp. Cô tạm quên đi những chuyến xe lửa, chấp nhận sống trong cuộc đời của những con người xa lạ để rồi vỡ lẽ ra hiện thực cay đắng. Người anh trai tưởng như sẽ dành cả cuộc đời mình để kiếm tìm người em trai lưu lạc đã lựa chọn đi theo tiếng gọi của tình yêu, chấp nhận chối bỏ sự thật về người em trai ruột thịt mà anh ta từng coi là mục đích sống duy nhất của mình. Người em trai bị mất đi ký ức tuổi thơ, sống trong nhà nuôi trẻ tâm thần và có lẽ mãi mãi em cũng không thể biết được mình là ai, mình đã bị khước từ như thế nào. Cuối cùng, trong vai của người mẹ có đam mê chơi đàn hồ cầm đã chết, An Mi nhận ra bản thân không thể sống cuộc đời của người khác, bản thân cô chỉ đang mượn họ, thông qua họ để có cớ khóc than cho chính bản thân mình. Trong suốt hành trình hơn 2 năm đi tìm kiếm sự thật của những cuộc đời khác, cô tìm lại được ký ức về chính mình, ký ức về chiến tranh đã cướp mất người thân của cô, về người cha nuôi dạy cô hát những bản thánh ca đã tự sát bằng một phát súng ngắn ngủi vang lên trong nhà thờ. Với cô, cha nuôi ra đi chính bởi vì ông đã sống cuộc đời của người khác quá lâu, một cuộc đời không dành cho ông.
Vào những trang cuối cùng của câu chuyện, An Mi quay về trên những chuyến tàu và chọn lấy cái chết của riêng cô. Chính trong những giây phút cuối cùng giữa sự sống và cái chết, ký ức lại ùa về gợi nhắc cô nhớ về người em gái bé nhỏ mà cô đã lãng quên trong lúc bom rơi đạn lạc, đứa em chính là thứ keo gắn cô với những khoảnh khắc của cuộc đời, nhưng đáng tiếc thay cô đã bỏ lỡ nó, hay nói đúng hơn là hủy hoại nó. Trong một khoảnh khắc, An Mi đã muốn níu mình ở lại với cuộc đời, nhưng sự thức tỉnh ấy đã đến muộn và không đủ sức để giữ cô.
Khép lại trang cuối cùng, có lẽ người đọc vẫn chưa khỏi bàng hoàng vì sự ra đi của An Mi. Không có một cái kết viên mãn cho tất cả các nhân vật, câu chuyện là một dấu chấm lửng gợi ra trong lòng độc giả nhiều suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người và cuộc đời. Con người không thể tồn tại một mình đơn lẻ mà phải được gắn kết với nhau bởi tình yêu, đó có thể là tình cảm gia đình ruột thịt, tình yêu quê hương xứ sở hay đơn giản là sự chân thành đến từ mỗi tâm hồn. Tất thảy những điều đó chính là điểm tựa, là chất keo chặt chẽ và bền bỉ gắn kết mỗi người với cuộc đời muôn màu muôn vẻ này. Cái chết của nhân vật chính không phải là sự kết thúc, nó mở ra con đường cho sự thức tỉnh quay trở về sau tất thảy những lãng quên.
Tác phẩm với dung lượng vừa phải, nội dung mới mẻ và mạch văn lôi cuốn khiến người đọc như nhập vai thành một nhân vật trong câu chuyện, để rồi từ đó cùng khóc, cùng buồn với số phận của họ. Đâu đó, người đọc như nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong đó, khẽ khàng nhìn nhận được mặt tốt và xấu bên trong con người mình để hướng tới những điều giá trị hơn.