I. Những nét chính về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả

– Vũ Khoan sinh năm 1937, quê huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội).

– Ông là một nhà hoạt động chính trị, nhiều năm là Thứ trưởng Bộ ngoại giao, từng là Bộ trưởng Bộ thương mại và Phó Thủ tướng Chính phủ.

– Ông là người có nhiều đóng góp vào công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan quan hệ quốc tế và xúc tiến thương mại cho Việt Nam.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

– Văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” được đăng trên tạp chí Tia sáng năm 2001. Bài viết ra đời trong những năm đầu của thế kỉ XXI, đó là thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang trên con đường phát triển và hội nhập thế giới.

– Bài viết được in trong tập “Một góc nhìn của trí thức” năm 2002.

b. Phương thức biểu đạt: Nghị luận

c. Bố cục: Ba phần

–  Phần 1: Từ đầu đến “thiên niên  kỉ mới”: Vai trò của con người trong hành trang bước vào thế  kỉ mới.

– Phần 2:Tiế theo đến “kinh doanh và hội nhập”: Những mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề của đất nước trong bối cảnh mới.

– Phần 3: Còn lại: Những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Vai trò của con người trong hành trang vào thế kỉ mới

– Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới trước hết là sự chuẩn bị về mặt bản thân con người. Đây là luận cứ quan trọng, mở đầu cho hệ thống luận cứ của văn bản và có ý nghĩa đặt vấn đề để mở ra hướng lập luận cho toàn bài.

– Tác giả đã đưa ra một loạt các lí lẽ:

+ Con người là động lực phát triển của lịch sử.

+ Ngày nay, nền kinh tế tri thức càng phát triển thì vai trò của con người càng nổi trội và được khẳng định.

+ Chúng ta đang bước vào thế  kỉ mới với nhiệm vụ cơ bản là trở thành một nước công nghiệp, hiện đại hóa vào năm 2020 thì việc chuẩn bị hành trang (tri thức, khoa học, công nghệ, tư tưởng, lối sống…) là vô cùng cần thiết.

2. Những mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong bối cảnh mới

– Bối cảnh của thế giới hiện nay:

+ Khoa học và công nghệ phát triển như huyền thoại.

+ Có sự giao thoa, hội nhập sâu rộng giữa các nền kinh tế.

=> Đó là cơ hội song cũng là thử thách của chúng ta.

– Mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước: Nước ta phải đồng thời giải quyết được ba nhiệm vụ:

+ Thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp.

+ Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

+ Đồng thời, phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

=> Từ việc gắn mục tiêu, nhiệm vụ của con người Việt Nam với thực tế lịch sử, kinh tế của đất nước trong thời  kì đổi mới, tác giả đã dẫn dắt tới vấn đề cơ bản cần bàn luận: “Những điểm mạnh – điểm yếu của con người Việt Nam”.

3. Những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam

– Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam cần được nhận thức rõ khi bước vào nền kinh tế mới. Đây là luận cứ trung tâm, quan trọng nhất của cả bài nên được tác giả triển khai cụ thể và phân tích khá thấu đáo.

Những điểm mạnh trong tính cách và thói quen của con người Việt Nam:

+ Trong tư duy: thông minh nhạy bén với cái mới.

+ Trong lao động: cần cù, sáng tạo.

+ Trong công cuộc chiến đấu, chống giặc ngoại xâm: có tinh thần đoàn kết, đùm bọc.

+ Đối với cái mới: thích ứng nhanh.

=> Cho thấy cái nhìn sáng suốt của một vị cán bộ lãnh đạo cấp cao, nhà hoạt động chính trị tâm huyết và giàu kinh nghiệm. 

Những điểm yếu trong tính cách, thói quen của con người Việt Nam:

+ Thiếu kiến thức cơ bản và kém khả năng thực hành, sáng tạo do lối học chay, học vẹt.

+ Thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ khẩn trương.

+  Thường đố kỵ nhau trong làm ăn và trong cuộc sống hàng ngày.

+ Thái độ kì thị đối với kinh doanh, quen với bao cấp, thói sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức, thói “khôn vặt”, ít giữ chữ tín.

=> Tác giả đã dũng cảm khi chỉ ra những cái yếu, những vấn đề vô cùng tế nhị của con người Việt Nam cần phải khắc phục khi bước vào thế kỉ mới, khi đứng trước vận hội mới, thách thức mới.

=> Tác giả đã nêu, phân tích rất cụ thể, thấu đáo và so sánh hai mặt trong quan hệ biện chứng, luôn đối chiếu với những yêu cầu, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay chứ không chỉ nhìn vào lịch sử.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” là lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ Việt Nam cần thấy được những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu của bản thân, rèn luyện cho mình những đức tính, thói quen tốt để đáp ứng nhiệm vụ đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2. Nghệ thuật

– Vận dụng khéo léo ca dao, tục ngữ vào trong bài viết đã tạo nên một lối nói dung dị, đậm đà, và giúp cho các lý lẽ trở nên mềm mại.

– Giọng văn sắc sảo, nhiệt thành, tâm huyết.

– Cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, mang tính tranh biện đầy sức thuyết phục.

IV. Một số dạng đề tham khảo

Câu 1. Trong văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”, tác giả Vũ Khoan viết:

Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị của bản thân con người là quan trọng nhất.  Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò của con người lại càng nổi trội”.

  1. Tác giả Vũ Khoan viết văn bản trên vào thời điểm nào? Thời điểm đó có ý nghĩa gì?
  2. Xác định và gọi tên một thành phần biệt lập có trong đoạn trích trên?
  3. Em hiểu từ “hành trang” trong đoạn trích trên như thế nào? Vì sao tác giả khẳng định: “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân của con người là quan trọng nhất.
  4. Từ ý kiến trên, kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về việc chuẩn bị hành trang để bước vào tương lai của thế hệ trẻ ngày nay.

Câu 2. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi :

“Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.”

( Ngữ Văn 9, tập II, NXB GD)

Câu 1: Đoạn trích trên trích trong văn bản nào? Đoạn trích thể hiện thái độ của tác giả về vấn đề gì ?

Câu 2: Chỉ ra phép lập luận luận trong đoạn văn trên và cho biết hiệu quả của nghệ thuật lập luận đó trong việc thể hiện vấn đề được nói đến?

Câu 3: Viết một đoạn văn (khoảng 1/2 trang giấy thi) trình bày một vài nét nhận thức của bản thân trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. (Trong đoạn văn có sử dụng thành phần biệt lập, chỉ rõ thành phần biệt lập được sử dụng)

Làm chủ kiến thức Ngữ văn 9 – Luyện thi vào 10

Tác giả: Phạm Trung Tình