Cho đến bây giờ đã sau 40 năm, mỗi lần chào cờ, tôi lại nhớ như in cái cảm xúc nghe “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao từ đêm giao thừa năm Quý Hợi 1983 qua radio tại ký túc xá của chúng tôi ở Thủ đô Sofia (Bulgaria)…

Ảnh hưởng từ nhạc Văn Cao

Chúng tôi, 6 đứa, đứng nghiêm tưởng tượng lá cờ Tổ quốc đang ở trước mặt, mắt đỏ hoe, nức nở khóc. Hình ảnh Việt Nam với những căn nhà, phố phường đơn sơ, hàng cây, cha mẹ, anh chị em hiện ra. Cho đến khi tiếng nhạc dứt, cả 6 đứa đều ngồi xuống, ôm mặt.

Ông bạn người Nga là giáo sư âm nhạc, khách mời tới dùng bữa năm mới nhìn chúng tôi đầy xúc cảm. Sau khi tôi giải thích, ông thốt lên: “Ôi Văn Cao. Dĩ nhiên rồi. Văn Cao và Quốc ca… các bạn nhớ nhà là phải”. Nhắc đến Văn Cao ông mở cặp lấy bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” lời Việt in trên báo Moskva, ông hát lơ lớ cho chúng tôi nghe, bài hát chúng tôi chưa lần nào được nghe ở Việt Nam.

Ông bảo: “Bài này rất hay, tôi không hiểu tại sao lại chưa được phổ biến ở Việt Nam”.

Và cứ thế câu chuyện về những bài hát của ông, cuộc đời ông, về cuộc sống trong giới những người làm văn nghệ hồi bây giờ cứ tuôn chảy. Cả 6 đứa chúng tôi đều sống ở Hà Nội, đều mê văn thơ nhạc họa, 3 đứa dở dang đại học, trong đó có tôi, sang Bulgaria theo diện xuất khẩu lao động, công việc căng thẳng nhưng thu nhập cao bù lại. Cứ tối đến là tụ tập để mở đài nghe nhạc hoặc bàn chuyện thời sự trong nước.

Và chuyện về những văn nghệ sĩ tài năng trong nước thì không bao giờ hết và không bao giờ chán. Giáo sư âm nhạc người Nga không nghe được chúng tôi nói tiếng Việt, tôi có dịch lại cho ông nghe một vài ý chính. Ông nhún vai: “Bên chúng tôi cũng thế. Sau chiến tranh cần phải có thời gian… Tôi tin với những gì tôi biết về ông ấy thì rồi sẽ có ngày tên tuổi ông ấy sẽ rực rỡ…”.

Chúng tôi mỗi đứa lần lượt hát: “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Tiến về Hà Nội”, “Làng tôi”, “Buồn tàn thu”, “Thiên thai”, “Bến xuân”, “Bến mơ”

Ông nhạc sĩ người Nga lại lấy thêm trong cặp ra một bản nhạc rồi hát bằng tiếng Nga xen tiếng Việt lơ lớ, cùng với Hồng, chúng tôi phụ họa bài “Trường ca sông Lô”. Ông bảo đây là một tác phẩm vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, sinh động và tinh tế. Ông nói về một tổng phổ mà ông viết cho bài này. Ông nhấn mạnh rằng, chỉ một bài này thôi tên tuổi của Văn Cao đã ngang tầm với các bậc thầy âm nhạc cổ điển châu Âu… Chúng tôi trò chuyện về Văn Cao cho tới sáng.

Nếu không có ông khách quý thì mâm cơm tết có lẽ chẳng đứa nào đụng đũa. Nhiều năm sau này, tôi có dịp đi khắp thế giới, và từng sống ở Mỹ nhưng cứ mỗi lần nghe thấy Quốc ca là tôi lại nhớ Tổ quốc da diết và muốn trở về. Người nhạc sĩ Nga nói, bài “Tiến quân ca” của Văn Cao cũng tác động đến ông.

Con người tài năng

Tôi về nước cuối năm 1986. Đất nước bắt đầu đổi mới xóa bỏ bao cấp. Người ta đón đọc những bài “Những việc cần làm ngay” của N.V.L (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). Tôi chưa được cơ quan cũ nhận về ngay, còn “ngồi chơi xơi nước” nên ban ngày tôi đem vải, thuốc Tây, mỹ phẩm mang từ bên kia về lên phố Hàng Chiếu và chợ Đồng Xuân bán lấy tiền cho các con ăn học. Thời gian này tôi rất hay lui tới nhóm văn nghệ ở phố Nguyễn Khuyến, vì tôi vẫn ôm mộng văn chương nghệ thuật. Đây là nơi có đủ mặt anh tài thường tụ hội “khi chén rượu lúc cuộc cờ”, có nhiều thông tin về giới văn nghệ và chính sách văn hóa…

Và rồi thật bất ngờ, tôi kiếm được vé đi xem đêm nhạc Văn Cao (năm 1987) được tổ chức ở rạp Kim Môn phố Hàng Buồm. Chương trình gồm 13 bài, trong đó có: “Trương Chi”, “Suối mơ”, “Đàn chim Việt”, “Trường ca sông Lô”, “Ngày mùa”… Nhạc sĩ Hồ Quang Bình là MC giới thiệu. Tôi xúc động lắm, nghĩ đổi mới thật rồi, có lẽ bắt đầu từ văn nghệ và khởi đầu từ Văn Cao.

Tôi vẫn luôn tâm niệm ông là một thiên tài, là nhạc sĩ có sức ảnh hưởng của nền tân nhạc Việt Nam. Và không chỉ âm nhạc, thơ và họa của ông cũng rất đáng nể… Năm 1989, lúc này không khí văn học nghệ thuật đổi mới rất sôi động. Nhạc sĩ Trần Tiến ra Bắc, anh rủ tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, rồi đến nhạc sĩ Văn Cao. Khi đến nhà Văn Cao anh Trần Tiến bảo tôi đi kiếm quà biếu ông bà. Nguyễn Thuỵ Kha bảo tốt nhất nên kiếm chai rượu. Tôi không biết chỗ mua rượu Tây (lúc đó vẫn còn hiếm lắm). Tôi hỏi Trần Tiến mua quà gì.

Anh đắn đo một hồi rồi bảo: “Em tìm mua 2 chai Làng Vân và 2 củ hồng sâm cho vào nhé”. Lúc ấy hồng sâm đắt và quý lắm chỉ dân đi nước ngoài mới có thể mang về. Khi chúng tôi đến, thuyết phục mãi bà Nghiêm Thuý Băng (vợ nhạc sĩ Văn Cao) mới nhận. Ngồi một lúc, chưa kịp mời ông bà ra quán thì GS Nguyễn Hào Hải đã có mặt, trên tay anh cầm chai Johnnie Walker Red Label. Mắt chúng tôi sáng lên. Nguyễn Hào Hải là bạn vong niên của họa sĩ Dương Bích Liên, mời tất cả sang nhà anh ở ngõ Hạ Hồi, ăn đồ Tây. Vợ anh là người rất khéo nấu… Không chỉ một lần như thế, nhiều lần tôi cùng Trần Tiến tới nhà Văn Cao.

Cứ leo hết cái cầu thang gạch xây nổi bên ngoài đến tầng 2 là gặp cánh cửa nhà Văn Cao ở đầu ngã ba Yết Kiêu và Vũ Lợi.

Chiếc đàn piano cũ kê đối diện với cửa, bên phải có bức tường treo bức tranh khổ vừa, áng chừng 100x120cm. Bức tranh vẽ một khối người. Gam vàng nâu là chủ đạo, mảng khối, hình họa chắc nịch, bút pháp mạnh mẽ.

Tôi không dám đến gần nhìn tên tranh và chữ ký. Nhưng sau này xem những bức tranh khác của ông tôi tin bức đó là của Văn Cao. Ông vẽ cái ông nghĩ, giống như thơ của ông, nhiều tầng ý nghĩa trong chữ, hội họa của ông thâm sâu, có câu chuyện chứa đựng trong nét và màu. Tôi yêu nhạc của ông bao nhiêu thì thích thơ của ông bấy nhiêu và kính nể hội họa của ông hơn thế nữa.

Nhạc sĩ Xuân Oanh, tác giả của ca khúc “Mười chín tháng Tám” bảo với tôi, các ông (Xuân Oanh, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi…) không một ngày đến trường học nhạc, đều tự học cả nhạc cả họa, riêng Văn Cao có học dự thính ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Thật là thiên tài. 16 tuổi đã viết “Buồn tàn thu”, chưa đến 20 tuổi đã viết nhiều bài hát hay lạ lùng, không chỉ chinh phục mọi tâm hồn mà còn được giới chuyên môn kính nể.

Riêng về hội họa, tôi rất tiếc chưa được đọc bài nghiên cứu nào thật xứng tầm với ông trừ một số nhận xét ngắn của nhà nghiên cứu Thái Bá Vân mà những đoạn trong cuốn “10 gương mặt văn nghệ” của Tạ Tỵ. Theo Thái Bá Vân, cái nhìn hội họa ở Văn Cao có địa vị dẫn đường và chi phối… mở hướng thẩm mỹ mới cho minh họa và đồ họa ở ta.

Ông viết: “Có thể nói Văn Cao đã lập được một trường phái minh họa và bìa sách. Nhiều minh họa của anh trên báo Văn nghệ phải gọi là xuất sắc… Nếu âm nhạc, thơ ca là một bản thể tươi tốt của anh, thì hội họa là một tâm thức sâu sắc. Văn Cao có cái nhạy bén về cảm xúc, tinh tường trong quan sát…”

Đọc thơ Văn Cao, 30 năm sau đọc lại vẫn xúc động, cũng như xem tranh của ông sự ám ảnh theo suốt cuộc đời. Đi qua quãng thời gian nào của đời sống, gặp một hình ảnh bất chợt thì những câu thơ của Văn Cao lại hiện ra trong đầu… rồi một hình ảnh Văn Cao gầy gò, tóc bay phơ phất, mắt nhìn mông lung trước mặt người đối diện, giọng nói chậm rãi, hiền từ, nhưng câu nào của ông cũng làm người nghe ghi nhớ.

Người cùng thời với Văn Cao cho biết, họ đã từng thấy tranh của Văn Cao 2 lần trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai Trí Tiến Đức ở Hà Nội, các bức sơn dầu: “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm” và “Cuộc khiêu vũ những người tự tử”. Các ông ấy đều là họa sĩ, họ đánh giá cao giá trị tác phẩm của Văn Cao, họ nhắc đến cái mới, cái táo bạo (bút pháp lập thể) trong tranh của ông. Song thời đó hội họa ở Hà Nội chưa có một thị trường đúng nghĩa, người hiểu giá trị thì quá nghèo, người có tiền thì không hiểu nhiều về hội họa, có người chỉ mua loại tranh có bút pháp kiểu khác, tranh của Văn Cao không bán được…

Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội, sống trong thiếu thốn. Không ít lần ông phải bán tranh của mình với giá rẻ hoặc trừ dần vào tiền rượu và cà phê. Có một thời tên của ông hầu như không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ ở Hà Nội. Để sống, ông phải làm nhiều việc: Viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ minh họa cho các báo, vẽ cho cả các nhãn hàng nho nhỏ của Việt Nam.

Xã hội thay đổi mạnh mẽ từ sau Đổi mới. Đất nước “thay da đổi thịt”, phố phường đẹp lên rất nhiều bởi những ngôi nhà, những căn biệt thự Pháp được sửa sang, trong mỗi nhà khát vọng cuộc sống no đủ của đa số người dân được đánh thức. Nhưng có vẻ như căn phòng gác 2 ở góc Yết Kiêu – Vũ Hữu Lợi vẫn không thay đổi.

Cái dáng khắc khổ của người nhạc sĩ già đi bên cạnh vợ như tạc vào con phố nhỏ, như cây bàng đối diện, lá cứ đỏ, cành cứ khô trong mùa đông vắng. Hình ảnh đó in sâu trong ký ức nhiều người. Năm 1995 ông từ giã cuộc sống bởi già yếu và bệnh tật. Tôi nhớ đôi mắt đỏ hoe thương tiếc ông của ca sĩ Lê Dung, người hát “Trường ca sông Lô” hay nhất lúc bấy giờ.

Cuộc sống khá hơn nhưng giới văn nghệ sĩ thì không thay đổi bao nhiêu. Những khó khăn của nhiều nhạc sĩ trong đó có khó khăn của gia đình Văn Cao khiến cho nhạc sĩ Phó Đức Phương ấp ủ sáng lập Hiệp hội Bản quyền tác giả âm nhạc, đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ. Năm 2002 Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ra đời. Tiền bản quyền tác phẩm đem lại sự thay đổi của không ít nhạc sĩ. Năm 2010 nhạc sĩ Phó Đức Phương đưa ý tưởng, ngoài các tác phẩm đã được biết đến như đã kể, Văn Cao phải được hưởng bản quyền tác giả của tác phẩm “Tiến quân ca” (điều có trong luật định đã có tiền lệ ở một số quốc gia trên thế giới, nếu tác phẩm đó được sử dụng trong những chương trình nghệ thuật có bán vé, có kinh doanh).

Tuy nhiên, có người đã không đọc hết câu nói chính xác, vô tư của ông: “…Nếu sử dụng trong các chương trình kinh doanh có bán vé…”. Thế là cộng đồng dậy sóng. Gia đình Văn Cao (phu nhân của ông và các con) ngay sau đó đã hóa giải những cơn sóng ấy bằng một văn bản hiến tặng cho nhân dân, cho đất nước bản Quốc ca bất hủ.

Nhớ Văn Cao qua “Đàn chim Việt”

Khán giả cũng yêu Văn Cao như ông yêu họ. Nhà nước đã trao tặng ông nhiều danh hiệu, huân huy chương cao quý (Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất…), nhiều đường phố trên khắp cả nước được đặt tên ông. Bài hát của ông vang lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên sân khấu và trong lòng người Việt Nam.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, một chương trình âm nhạc hoành tráng mang tên tác phẩm của ông: “Đàn chim Việt” vừa diễn ra vào tối ngày 20.8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chương trình bao gồm những tác phẩm tiêu biểu của ông, được thể hiện qua những tên tuổi như: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương; Các ca sĩ Mỹ Linh, Tùng Dương, Hương Lan, Trần Thu Hà cùng mấy trăm ca sĩ trong dàn hợp xướng; 4 dàn nhạc: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Sun Symphony Orchestra, Đoàn Nghi lễ Quân đội và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội;

Những nhạc sĩ hòa âm phối khí tài hoa như: Đỗ Hồng Quân, Đỗ Bảo, Dương Cầm, Mai Kiên, Trọng Đài, Minh Đạo, Hoài Sa, Thanh Phương, Lưu Quang Minh, Đức Tần… Với những người chỉ đạo nội dung có uy tín: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Đức Trịnh, nhạc sĩ Vũ Đức Tân.

Tôi muốn nhắc đến luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, một người đã tham gia nhiều hoạt động xã hội, nhiều dự án thiện nguyện, hoặc ủng hộ các sáng tạo nghệ thuật. Chị là Giám đốc Công ty Luật InvestPro, là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chị cũng là thành viên sáng lập Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời.

Chị cùng một số người có sáng kiến tổ chức chương trình nghệ thuật nhân dịp 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao và được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệt liệt ủng hộ.

Với chương tình này, chị mang tình cảm của một người hàng xóm của Văn Cao. Nhà chị ở phố Đỗ Hành. Chị kính trọng nhạc sĩ tài hoa Văn Cao, chị mến mộ gia đình hàng xóm ấy, người tài năng mà giản dị, sống cuộc đời đơn sơ… Chị luôn nghĩ phải làm gì để tưởng nhớ đến ông… Dịp này chị đã mời nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán – người chụp ảnh Văn Cao, và những bức ảnh Văn Cao ở các thời kỳ khác nhau của Nguyễn Đình Toán đã có mặt trong chương trình âm nhạc ngày 20/8 vừa rồi cũng với tâm tình đó.

Không còn một chỗ trống trong khán phòng. Màn hình lớn được dựng ở bên ngoài nhà hát để người dân được cùng tưởng nhớ đến người nhạc sĩ mà họ luôn yêu mến.

Là người cũng đã tổ chức nhiều chương trình âm nhạc, tôi chắc chắn rằng kinh phí cho đêm diễn là không nhỏ. Nếu không có sự tích cực của Quỳnh Anh và những đóng góp của nhiều người khác thì chương trình “Đàn chim Việt” khó có thể thành công một cách mỹ mãn như thế.

TRẦN THỊ TRƯỜNG