Tôn trọng sự thật là sứ mệnh của nhà văn trong việc mang đến cho con người sự “giác ngộ” về bản chất của đời sống hiện tồn để từ đó mà hành động kiến tạo những giá trị còn thiếu khuyết. Vậy mà có những vấn đề xã hội được đặt ra và giải quyết từ rất sớm bằng con mắt tinh tường của văn học nhưng vì những lí do nào đó mà người ta đã tránh đề cập trực diện tới chúng trong giờ đọc hiểu văn bản ở không gian nhà trường… 

1.

Nhà văn (và nghệ sĩ chân chính nói chung) là những người nhạy cảm nhất với thời cuộc. Ở họ, mối quan hoài với nhân dân, đất nước, xã hội và con người bao giờ cũng trở thành nguồn chất liệu, cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật vút lên mà nhiều khi trở nên những thanh âm dội thẳng vào màng nhĩ thời đại. Nhà văn thực hiện trách nhiệm phản tỉnh, dự báo xã hội của mình bằng nghệ thuật. Tôi tin rằng, không một nhà văn nào có thể đứng ngoài những biến động xã hội, dù là những người chủ trương “duy mĩ” hay các cây bút lớn của phái “vị nghệ thuật”.

Có những vấn đề xã hội được đặt ra và giải quyết từ rất sớm bằng con mắt tinh tường của văn học nhưng vì những lí do nào đó mà người ta đã tránh đề cập trực diện tới chúng trong giờ đọc hiểu văn bản ở không gian nhà trường. Việc bổ khuyết những mảng nội dung quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất này, là điều cần thiết để trả về cho văn chương và cuộc đời những gì nó đã bị phớt lờ, để thiết tạo một không khí tiếp nhận cởi mở hơn, “vô tư” hơn, đa chiều hơn.

“Lời ai điếu…” được Nguyễn Minh Châu đọc to lên như một khao khát đặt dấu chấm cho một giai đoạn văn học đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình (1). Các sáng tác của những cây bút dấn thân “mở đường tinh anh và tài năng” (chữ dùng của Nguyên Ngọc) sau 1975 như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lưu Quang Vũ… là những phát ngôn bằng nghệ thuật chất chứa những suy tư, trăn trở và cả những kháng cự của những chủ thể sáng tạo trước một cách thế văn chương không còn tương thích với những đổi thay của đời sống xã hội.

Tư cách trí thức – công dân của nhà văn được gài cắm trong các hình tượng, các chi tiết, trong giọng kể… có khi rất nhuyễn, rất tinh; mà cũng có lúc khá rõ, không khó để nhận ra. Bước ra khỏi chiến tranh, khi cái “đại tự sự” – một thứ diễn ngôn của lí tưởng- đã dần lùi vào hậu trường trước những vấn đề thế sự mỗi lúc một hiện rõ và trở nên nhức nhối, văn đàn chứng kiến sự ra đời của những tác phẩm nhiều suy ngẫm khi chúng dũng cảm chất vấn những vấn đề thời sự với một tinh thần rất nhân bản.

2.

Ra đời trong giai đoạn hậu chiến, những tác phẩm như kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải… đã lần lượt chứng tỏ mối bận tâm lớn của các nhà văn với thời cuộc và con người. Những chủ thể sáng tạo thể hiện cái nhìn nghệ thuật, ý thức dấn thân và lương tâm nghề nghiệp trước hoàn cảnh xã hội ngày càng nhiều bất công ngang trái.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (1981) là vở kịch chứa đựng chiều sâu suy tư trước những vấn đề nóng rẫy của xã hội. Một ông Trương Ba chết oan được sống lại trong thân xác của anh hàng thịt; và từ đó bi kịch bắt đầu. Ngoài những sự quan liêu, ích kỉ, hèn nhát của cả đám “quan trời” lẫn “quan người” thì trung tâm của vở kịch tập trung phơi bày một dạng sống hồn này xác kia, bên trong một đằng bên ngoài một nẻo. Người ta khổ sở bởi việc che giấu những nhu cầu bản năng của mình bằng vỏ bọc của sự thanh cao. Cứ như thế, cuộc đấu tranh dai dẳng làm thành một đời sống cù nhầy, giả dối mà đến bản thân đương sự cũng thấy kinh tởm chính mình.

Tình trạng con người sống giả sống dối trong một xã hội quan liêu, định kiến và giáo điều là một phát hiện từ rất sớm bởi con mắt tinh đời và đau đời của Lưu Quang Vũ. Vấn nạn ấy không những chưa kết thúc cùng cái “chết hẳn” của Trương Ba mà ngày nay dường như càng phổ biến và nhức nhối hơn. Lưu Quang Vũ đã nhiều lần phát biểu trong vở kịch của mình những khái quát lớn về phong hóa xã hội, về ý thức cá nhân, về suy niệm sống – chết… như: “Trị tội hết thiên hết thần thì lấy gì cho dân chúng họ thờ”; “Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai?”; “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác”; “Không thể sống với bất cứ giá nào được”; “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”…

Vấn đề mà Lưu Quang Vũ đặt ra và giải quyết trong vở kịch đã vượt ra khỏi sự cảm nhận về những đứt gãy, đổ vỡ trong đời sống xã hội thời hậu chiến. Không chỉ có thế, nó còn chạm tới những vùng sâu vùng xa trong giá trị của đời sống cá nhân con người.

“Chiếc thuyền ngoài xa” được Nguyễn Minh Châu viết năm 1983, khi chiến tranh kết thúc chưa được mười năm, nghĩa là trong không khí lạc quan, cái giọng ngợi ca đang vút lên trên mọi nẻo đường. Tác phẩm kể câu chuyện nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đi thực hiện một bức ảnh phong cảnh (biển có sương) theo yêu cầu của trưởng phòng, đó là bức ảnh không có con người. Nhưng sự thật cuộc sống đã tràn vào ống kính. Một gia đình khốn khổ: có khi cả tháng phải ăn cây xương rồng luộc chấm muối; người chồng vì “khổ quá” đâm ra u uất thành vũ phu, đánh vợ một cách tàn ác; đứa con trai nhỏ vì thương mẹ mà cầm dao định giết cha. Cuộc sống tăm tối như địa ngục trần gian của một gia đình làng chài trong xã hội “thanh bình”, những tiếng “gầm gừ” và tiếng khóc giữa “im lặng” như một cái tát vào mặt người nghệ sĩ để anh ta tỉnh ngộ mà im bặt tiếng hoan ca và bước lên chiếc thuyền cuộc đời nhiều đa đoan đa sự.

Hành trình nhận thức của người nghệ sĩ Phùng chính là hành trình đến với sự thật: dù chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng có những cuộc chiến khác còn khốc liệt đang đặt ra trước chúng ta. Truyện ngắn là tiếng nói thức tỉnh của nhà văn, là hồi chuông lay thức những người còn ngủ mê trên chiến thắng của dân tộc mà quên bẵng Con Người.
Nghệ thuật không thể bàng quan, vô cảm với cuộc sống của nhân dân và con người nói chung để theo đuổi những cái đẹp hào nhoáng, màu mè nhằm phủ lên một lớp sơn che lấp những cuộc người đau khổ. Phùng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước cuộc đời để rồi dần “đốn ngộ”. Chi tiết cuối tác phẩm – hình ảnh người đàn bà lam lũ bước ra từ bức ảnh hòa vào đám đông, phải ngắm thật kĩ thật lâu thì mới “nhìn thấy” được – chính là một lời cảnh tỉnh của người mở đường Nguyễn Minh Châu về những cuộc đời còn nhiều khổ đau trên đất nước này và nhắc nhở người nghệ sĩ phải đi sâu vào đời sống của hàng triệu cần lao thì mới có thể “trông thấy” những điều “đau đớn lòng”.

Trong “Một người Hà Nội” (1990) của Nguyễn Khải, nhân vật chính là cô Hiền, một “nhà tư sản” có lối sống trưởng giả, lịch lãm, sang trọng giữa lúc cả xã hội đang khó khăn, thiếu thốn. Nhưng nhân vật “tôi” trong truyện cuối cùng đã dành trọn vẹn tình yêu, sự ngưỡng mộ và lòng kính trọng cho người cô của mình, bởi thấy ở đó một người đàn bà trí lự, bản lĩnh, linh hoạt mà vững vàng, tùy thời mà cứng cỏi; bên ngoài xã hội thì rất khôn ngoan, trong nhà thì là một nội tướng; sống lịch lãm nhưng không phô phang; sống sang trọng nhưng nếp nhà như sơn. Tiếp xúc với người đàn bà “tư sản” ấy, từ chỗ xa lánh đến nể phục, từ nghi ngại đến tin cậy, từ xã giao đến yêu mến chan chứa…, nhân vật “tôi” đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi về một “giai tầng thượng lưu để làm chuẩn cho mọi giá trị”: đó chính là tầng lớp của những người như cô Hiền, chứ không phải là những bần cố nông ăn uống nhồm nhoàm, nói năng bỗ bã vô duyên, hãnh tiến hàm hồ như… “tôi”.

Trong tác phẩm này, có rất nhiều chi tiết cũng bộc lộ thái độ phản tỉnh của tác giả, đơn cử như chi tiết con trai cô Hiền reo lên: “Mẹ ơi! Đồng chí Khải đến!”. Cô Hiền cau mặt gắt: “Phải gọi là anh Khải, hiểu chưa?”. Thái độ này của cô Hiền thể hiện cái sự muốn rạch ròi giữa ngữ cảnh chính trị và ngữ cảnh gia đình. Một chi tiết khác, cô Hiền nói thẳng: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”. Câu nói này thể hiện cái tâm thế tự do, cái tư duy độc lập của cô. Hay một lần khác, cô hỏi chồng: “Ông muốn làm một ông chủ dưới chế độ này à?”; “Chế độ này không thích cá nhân làm giàu”. Đặt tác phẩm này trong bối cảnh nghệ thuật của nó là miền Bắc ngay sau 1954, càng cảm nhận sâu hơn bản lĩnh khí khái của “một người Hà Nội” là cô Hiền.

 

Ba tác phẩm vừa điểm qua đều có những gặp gỡ thú vị là sự thành thật trước những nhức nhối của xã hội và tinh thần lay thức về những giá trị của đời sống. Các nhà văn lớn đã hướng ngòi bút vào số phận con người và không thôi kiếm tìm trong những số phận ấy những “hạt bụi vàng” của nhân tính để trân trọng và hi vọng. Tôn trọng sự thật là sứ mệnh của nhà văn trong việc mang đến cho con người sự “giác ngộ” về bản chất của đời sống hiện tồn để từ đó mà hành động kiến tạo những giá trị còn thiếu khuyết.

3.

Những tác phẩm kể trên đều được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông như những tinh tuyển có tính đại diện cho những bước đi của văn học gắn liền với đời sống xã hội. Giáo dục chỉ đạt được mục đích của nó khi tôn trọng sự thật. Các nhà văn đã nỗ lực để đưa chân lí nghệ thuật tiệm cận với chân lí đời sống, để dân chủ hóa nền văn học; và môn văn trong nhà trường cần ghi nhận và tôn vinh nỗ lực ấy. Sự thật thiêng liêng hơn tất cả trong sứ mệnh phát triển con người.

Khi chọn các tác giả và tác phẩm nói trên để đưa vào sách giáo khoa, hẳn các nhà nghiên cứu, biên soạn sách không vô tình. Phải có cái nhìn xuyên lịch sử văn học và thủng cấu trúc chỉnh thể nghệ thuật văn bản thì người giáo viên mới có thể gợi mở các vấn đề như đã trình bày ở trên để học sinh có cơ hội thảo luận, đối thoại và trưởng thành dần ở sự đọc hiểu văn bản tác phẩm cũng như sự nhìn đời của mình; từ đó mà đánh thức tinh thần trách nhiệm với quê hương, đất nước và đồng bào mình bằng nỗ lực kiến tạo trong khả năng của bản thân. Nếu cho rằng, đưa những vấn đề nói trên (đặc biệt là khi dạy “Một người Hà Nội”) ra để bàn luận là “nhạy cảm”, là không phù hợp không gian nhà trường, không phù hợp tâm lí tiếp nhận của học sinh bậc trung học phổ thông, thì vô hình trung, đọc hiểu văn bản tác phẩm văn học sau 1975 trở nên đúng mà không trúng.

THÁI HẠO

(1): “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, bài báo của Nguyễn Minh Châu in trên Báo Văn nghệ số 49&50, ngày 5/2/1987