Xuất phát từ góc nhìn nghệ thuật, bài viết phân tích khái quát về một khuynh hướng mới trong văn xuôi viết về chiến tranh trong những năm đầu thế kỷ XXI: văn hóa – nhân bản qua ba hình tượng nhân vật: người lính cách mạng; người lính ”phía bên kia”; người lính trên ”đường biên”.

Theo nghiên cứu đã công bố của chúng tôi, có 4 khuynh hướng viết về chiến tranh trong tiểu thuyết1 những năm đầu thế kỷ XXI: lịch sử – tái hiện; lịch sử – hư cấu; tự thuật – tự truyện; văn hóa – tái hiện. Những năm gần đây thêm một khuynh hướng mới, tạm gọi là văn hóa – nhân bản. Ở bài viết này, để phù hợp với chủ đề, nội dung xin được mở rộng đối tượng khảo sát trong văn xuôi.

   Khái niệm “nhân bản” hầu như đã được thống nhất là sự đề cao nhấn mạnh đến tính người, trân trọng và tôn trọng tất cả những tính cách có ở con người. Ngoài những phẩm chất cực kỳ tốt đẹp đã được khẳng định như say mê lý tưởng, dũng cảm, thông minh… đứng trước những tình huống vô cùng ác liệt của chiến tranh, người lính không tránh khỏi những phút mang tính bản năng xao động, yếu lòng. Đó là sự thật. Trong nhiều trường hợp chúng lại nói được nhiều nhất về bản chất chiến tranh. Sau 1975, do quán tính của sự ca ngợi, cổ vũ mà văn học chưa có điều kiện đi sâu phân tích thì sau 1986 và đặc biệt những năm gần đây, đủ một độ lùi thời gian cần thiết, điều kiện cho phép nên văn học nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, thấu đáo hơn. Hơn nữa nhu cầu biết sự thật là bản chất của con người. Một là, bản năng sinh tồn tự nhiên khiến con người cần biết rõ thực tế để hành động hợp lý, hiệu quả hơn. Hai là, do nhu cầu nhận thức chân lý để con người chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học mới. Thế nên ở nhiều nước có quy định, tùy tính chất mà các sự kiện (sau 30, 50 năm…) cần được “giải mật” để công khai trước dư luận. Đó cũng là cách để con người nhận thức đúng về quá khứ mà có bài học tốt hơn cho tương lai. Những điều này cũng góp phần lý giải vì sao gần đây trong văn xuôi, các thể loại phi hư cấu phát triển mạnh. Như vậy, viết sâu vào “tính người” là một đổi mới mang tính văn hóa, đóng góp vào sự phát triển của văn hóa, chúng tôi tạm gọi khái quát là “văn hóa – nhân bản”.

   Ở ngày hôm nay, lịch sử cho phép nói thật hơn những “góc khuất” mà người lính phải đối mặt trong chiến tranh để thế hệ trẻ biết cha anh họ đã sống chết như thế nào để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Sẽ càng làm rõ hơn cái giá của sự hi sinh để tri ân người đi trước, làm rõ hơn cái ý nghĩa của một ngày hòa bình để tránh xa chiến tranh. Trên đời này có gì quý hơn thân thể con người đâu. “Người ta là hoa đất”. Ngạn ngữ Việt có câu thật hay như vậy. Con người là đáng quý, đáng trọng, đáng được chiêm ngưỡng, tôn kính, nâng niu… Thế mà trên chiến trường đuổi giặc, người lính phải chịu đựng, đón đợi: “Ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà chưa đến lượt chôn mình” (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai).

   1. Nhân vật người lính cách mạng – xu hướng đời thường hóa

   Trước 1975 các nhà văn có xu hướng đẩy nhân vật vào miền “không khí vô trùng” nên nhân vật đẹp quá, lý tưởng quá. Rất không nên phê phán đây là “căn bệnh minh họa”, ở thời ấy thì phải có những nhân vật như vậy. Cái thời con người cùng sống với nhau dưới bầu trời lý tưởng thì có những nhân vật như Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu). Nhưng hôm nay thì phải khác. Hình tượng người lính phải được giải phóng ra khỏi công thức “người trời” hôm qua để trở về với đúng nghĩa “người đời”, để thật hơn, sinh động hơn.

   1.1. Một ngoại hình “giải sử thi”

   Cấu trúc nhân vật sử thi trước 1975 có ngoại hình đẹp để tương ứng với phẩm chất cao cả. Ở văn xuôi hôm nay lại có xu hướng đưa nhân vật về đúng với cái thực tế vốn có của nó.

   Thủ trưởng Đoàn 33 là Hai Lù (Rừng thiêng nước trong – Trần Văn Tuấn), linh hồn của đơn vị nhưng lại có một ngoại hình “nhỏ con, ốm nhom ốm nhách chỉ hơn 40 ký”, “có bàn chân đen đúa, thô kệch đầy những nốt sần và sẹo”, “bàn tay bé nhỏ dài nhẳng”, nói năng thì “rề rà giải thích lòng vòng” đôi khi triết lý thì lại “sơ sài, tối nghĩa”. Cũng trong tiểu thuyết này nhà văn đã triệt để “giải sử thi” cả tên các nhân vật anh hùng sao cho thật quê mùa dân dã với Tư Túi, Tư Râu, Hai Lù, Ba Tánh, Út Tửng… Nhân vật anh hùng Phạm Đọt (Bến đò xưa lặng lẽ – Xuân Đức) – “con gấu xám Đường 9” mà lại là người “cử chỉ có phần thô tháp”, nói năng thì “cục cằn”, ăn mặc thì “lôi thôi”. Nhân vật Hướng (Những bức tường lửa – Khuất Quang Thụy) – một dũng sĩ nhưng sở hữu một ngoại hình đen đúa, gầy gò khẳng khiu, “một sinh vật không hẳn giống lừa, không hẳn giống lạc đà… cái sinh vật lạ ấy ngóc đầu lên phơi ra một gương mặt đen nhẻm với một nụ cười sáng lóa…”.

   1.2. Một lý lịch “có vấn đề”

   Các nhân vật chính diện của sử thi luôn là những anh hùng tráng sĩ tiêu biểu cho sức mạnh thể chất và tinh thần, cho ý chí, lòng dũng cảm, trí tuệ của cả một cộng đồng. Bên cạnh những phẩm chất sử thi vốn có, nhân vật người lính hôm nay được các nhà văn xây dựng gần với con người đời thường, có tốt có xấu, nhiều hay và cũng lắm dở. Trước hết là vấn đề lý lịch. Một thời chúng ta vướng vào cái vòng “chủ nghĩa lý lịch” với quan niệm người cách mạng là phải có tiểu sử rõ ràng, trong sạch, ông bà cha mẹ phải nghèo, phải là tầng lớp bần nông không tài sản, không bóc lột ai mà chỉ có người khác bóc lột mình. Điều hạn chế ấy thuộc về lịch sử, chịu sự quy định của lịch sử, cái được của nó là góp phần làm “trong sạch hóa” đội ngũ, nhưng cái dở của nó là làm mất đi nhiều tài năng. Như là sự “phản biện” lại điều này mà trong văn xuôi có những “bản lý lịch” rất “phức tạp” của các nhân vật lãnh đạo chỉ huy, như Lâm (Khúc bi tráng cuối cùng – Chu Lai) – một sư đoàn trưởng, tư lệnh phó quân đoàn nhưng quá khứ lại có “tì vết”, từng có mối tình tay ba thời học sinh, có con đẻ ngoài giá thú là Hùng – một trung tá ngụy thiện chiến và khét tiếng chống cộng; như Ngoãn (Thượng Đức – Nguyễn Bảo) – một tiểu đoàn trưởng mà lại có người bố nghiện thuốc phiện và thù địch ra mặt với chính quyền địa phương…

   1.3. Một động cơ ra trận “phi sử thi”

   Từ góc nhìn đời tư cho thấy văn xuôi hôm nay quan tâm đến việc xây dựng hình tượng người lính như những số phận cá nhân hơn là với hình tượng một người anh hùng. Con người không chỉ là nhân chứng của các biến cố lịch sử mà chính các biến cố ấy trở thành phương tiện để khám phá bản chất, số phận nhân vật.

   Trong Mùa hè giá buốt (Văn Lê), Nguyễn Sĩ Việt – tiểu đoàn trưởng tài năng, đầy bản lĩnh nhưng được chú ý khắc họa từ những nét đời thường nhất. Động cơ ra trận của Việt trước hết lại là việc chạy trốn khỏi sự đòi hỏi tình dục quá mạnh mẽ của Lụa, vợ anh. Do sự sắp đặt của gia đình, Việt lấy vợ từ năm 16 tuổi. Người vợ hơn 4 tuổi ấy thực sự “làm chồng” Việt ở mọi phương diện. Vinh – nhân vật chính trong Màu rừng ruộng (Đỗ Tiến Thụy),ra trận cũng là một sự chạy trốn khỏi nỗi buồn, nỗi xót xa khi người con gái anh thương mến đi lấy chồng, lại lấy một ông chồng già đã có tám đứa con. Đám cưới diễn ra khi bà vợ cả vừa mất, còn đắp chiếu để đấy: “Vâng, tôi muốn đi khỏi cái làng Bùi tin hin ngột ngạt. Trong mọi con đường ra đi không con đường nào danh dự bằng con đường đi lính”. Ngoãn là một trong những nhân vật chiếm khá nhiều trang viết trong Thượng Đức. Là một tiểu đoàn phó dũng cảm, năng động, bản lĩnh nhưng ít ai ngờ được một trong những động cơ vào bộ đội của anh lại là để “rửa” lý lịch cho gia đình, cho tương lai của mấy đứa em, vì gia đình anh có “lý lịch phức tạp”. Ông nội làm lý trưởng, bố nghiện thuốc phiện “phá gia chi tử”, nhà nghèo, cơm bữa có bữa không, quần áo rách buộc túm đằng trước đằng sau, vậy mà vẫn mắc vào tội “con cháu lý tưởng”. Anh nghĩ chỉ có đi bộ đội mới làm cho lý lịch gia đình anh được trong sáng, hai thằng em mới có tương lai tốt đẹp hơn. Hoàng Kỳ Trung (Dưới chín tầng trời – Dương Hướng) cũng ra đi kháng chiến với mục đích xóa đi cái “vết đen” trong lý lịch gia đình,ra đi để cứu lấy cả gia tộc đang bị điêu đứng…

   Khai thác “động cơ” kiểu này không phải gần đây, mà ngay từ Thời xa vắng, Lê Lựu đã cho nhân vật Sài vào bộ đội: “Đi như sự chui lủi, chạy trốn hôm qua, hôm nay và ngày mai mà tự bằng lòng với quyết định được coi là vô cùng dũng cảm của mình. Hãy im lặng chịu đựng”. Nhìn từ góc độ động cơ ra trận của người chiến sĩ, văn xuôi hôm nay đã tạo ra sự đa dạng hóa các tình huống. Nó như muốn cự tuyệt với lối đưa ra những lý do kiểu “giáo huấn” trong tiểu thuyết trước 1975: ra trận là xuất phát từ lòng yêu nước, căm thù bè lũ phong kiến bóc lột và đế quốc xâm lăng, là yêu độc lập, tự do, yêu chủ nghĩa xã hội… Những điều ấy đúng nhưng có phần sáo và nhất là sự giống nhau trong nhiều tác phẩm thì đơn điệu, dẫn đến nhạt, khó thuyết phục.

   1.4. Một cấu trúc tính cách đa diện, phức tạp, “rất người”

   Văn xuôi giai đoạn 1945-1975 miêu tả tính cách nhân vật người chiến sĩ cách mạng là phải dũng cảm, gan dạ, thông minh, tỉnh táo, không một tì vết… Có vậy mới làm tốt nhiệm vụ khích lệ, động viên, ca ngợi, cổ vũ mọi người đánh giặc. Nhân vật người lính thường rất ít tính xấu, thói xấu vì được miêu tả trong ánh hào quang chiến thắng, do vậy mà cấu trúc hình tượng dễ bị hiểu là đơn giản, một chiều, sơ lược. Chiến tranh không chỉ có chiến thắng mà còn có cả chiến bại. Văn xuôi hôm nay đã khắc phục cái hạn chế sơ lược đơn giản trên bằng cách đặt nhân vật người lính vào giữa bối cảnh cuộc chiến. Sự khốc liệt của nó đúng là một thứ “thuốc thử” để phơi bày cái hay dở của con người.

   Trước đó là con người cao cả, con người xả thân nhưng ở ngày hôm nay thì hình tượng được “nhận thức lại”, bổ sung thêm hướng được đưa trở về với đời thường, ngoài cái anh hùng có cả cái hèn nhát, sợ hãi, sai lầm… Quan niệm về người anh hùng không theo khuôn mẫu cứng nhắc mà “mềm mại”, uyển chuyển hơn. Trong Những bức tường lửa, nhà văn Khuất Quang Thụy đã để cho nhân vật chính Hùng Phong (sau này là anh hùng, thiếu tướng) là một cấu trúc phức tạp, vừa là một anh hùng vừa là “một thằng đểu”. Anh ta không yêu mà vẫn có chuyện “như vợ chồng” với Đào, bạn học cùng lớp, có con với Thanh, cũng là bạn học cùng lớp, nhưng lại chọn vợ là con gái một vị tướng, cho dù mới chỉ gặp mặt một lần và cô ấy cũng chỉ “xấu và gầy nhẳng”. Như là một sự nhân quả, cuối đời vị tướng Hùng Phong phải trả giá: con gái đầu hư hỏng rồi lấy chồng Đài Loan, làm vợ thứ ba thứ tư gì đó. Con trai phải vào trại cai nghiện. Vợ thì bỏ đi… Như vậy nhân vật của sử thi hôm nay cũng vẫn có thể là nhân vật của tiểu thuyết đời tư.

   Xây dựng cấu trúc nhân vật đa diện, phức tạp này, các nhà văn hôm nay dường như muốn phá bỏ đường biên giữa tiểu thuyết đời tư và tiểu thuyết sử thi, để chất sống thực tràn vào những trang văn vốn nghiêm trang nay tươi tắn, uyển chuyển, sinh động hơn. Nhưng cũng có sự đổi mới thiếu logic, như đưa người lính về đời thường lại thấy nhân vật ngu ngơ quá. Ví như trong Mùa hè giá buốt nhà văn để cho nhân vật Việt lấy vợ lúc 16 tuổi, vợ (Lụa) 20 tuổi, điều ấy ở thời đó (1948) không lạ. Nhưng chi tiết đêm tân hôn Việt ngu ngơ đến mức để cho vợ dạy cả cách làm tình thì thật không hợp với tâm lý e thẹn của người phụ nữ Việt (ở thời điểm ấy), không phù hợp với tâm sinh lý của một chàng trai đã 16 tuổi. Không ghét bỏ vợ mà trong thời bình, tám năm trời, nhà chỉ cách “hơn ba mươi giờ đồng hồ cuốc bộ” Việt cũng không về nhà. Tính cách có phần “vô cảm” ấy cũng không logic với sự nổi tiếng của một cán bộ chỉ huy là Phó Tham mưu trưởng Phân khu Nguyễn Sỹ Việt sau này…

   2. Nhân vật người lính “phía bên kia” – xu hướng hòa giải

   Nhìn ở tầm vĩ mô dễ thấy một đặc điểm nhân đạo bao trùm, xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam. Một phương diện của đặc điểm này là bao dung, độ lượng với nhân vật kẻ thù. Có thể coi đây vừa là thuộc tính vừa là phẩm chất, có nghĩa là nó sẵn có, thường trực, tất yếu, luôn phát sáng. Đấy là hệ quả của một tâm thức cộng đồng ăn sâu thành tính cách dân tộc giàu tình nhân ái, sẻ chia: thương người như thể thương thân.

   Phải rõ ràng một điều: vì nhiệm vụ chính trị cổ vũ, động viên toàn dân đánh giặc mà khi xây dựng nhân vật kẻ thù, văn xuôi sử thi 1945-1975 thường chủ yếu miêu tả nhân vật kẻ thù theo bút pháp “hiện thực tàn nhẫn” một chiều, để làm nổi lên một vài nét tính cách như tàn ác, hiểm độc… Nhân vật hiện lên chưa có cá tính và theo cái nhìn thực tế của nhiệm vụ đánh giặc thì kiểu nhân vật ấy cũng chưa cần có cá tính, phức tạp. Cũng vì thế đây là đặc điểm của kiểu nhân vật này chứ không nên coi đó là hạn chế. Sau 1975 do nhiệm vụ chính trị đã khác, thời đại đổi thay, có những quan niệm hiển nhiên lỗi thời, do vậy các nhà văn buộc phải có những đổi mới thi pháp. Ở phương diện nhân vật kẻ thù, người có công đổi mới khá triệt để là Nguyễn Trọng Oánh với các bộ tiểu thuyết Đất trắng và Mây cuối chân trời.

   2.1. Một ngoại hình đẹp

   Đúng với quan niệm tôn trọng con người, hơn nữa, cùng một tổ tiên, nguồn cội, văn xuôi hôm nay miêu tả nhân vật không chỉ là toàn cái xấu mà còn có những nét đẹp đáng quý. Nhân vật trung tá Nguyễn Quốc Hùng (Thượng Đức) sở hữu một ngoại hình “rất đàn ông” với “da trắng, tầm thước, gương mặt bảnh bao, có bộ ria được cắt tỉa chu đáo, trông Hùng giống một kỹ sư bác sĩ hơn là một sĩ quan chỉ huy”, thậm chí khi đã cận kề cái chết, “mặt Hùng vẫn trắng trẻo thư sinh. Râu quai nón. Bộ ria lâu ngày không cắt tỉa vẫn còn vẻ đỏm dáng”. Tướng Lê Minh Đảo (Hoàng Đình Quang – Xuân Lộc) luôn có phong thái hào hoa, nhã nhặn với khuôn mặt sáng sủa, nhẹ nhõm, thông minh. Em ruột của Đảo – Lê Hằng Minh, một sĩ quan tài ba được miêu tả như một nghệ sĩ với đôi mắt sáng, bộ ria mép xanh, nét mặt tươi, miệng cười duyên và chơi đàn rất giỏi. Thiếu tá Hồng Nhị (Nam Hà – Ngày rất dài) “có thể hình cân đối, khoẻ mạnh, khuôn mặt chữ điền, da ngăm đen, trán cao, tóc thường xuyên cắt ngắn, cặp mắt sắc và sâu…”. Các nhân vật “phía bên kia” trong Vùng lõm (Nguyễn Quang Hà) cũng được miêu tả với cái nhìn đầy thiện cảm, như Dũng có vẻ ngoài “cao, to, đẹp trai” và “đôi mắt đen láy tỏ ra là một người trung thực”; như Phan Lộc “cao ráo, đẹp trai”… Tư duy cổ tích trong xây dựng nhân vật luôn thống nhất ngoại hình với tính cách. Sân khấu chèo tuồng cổ ở ta cũng tiếp thu điều này và coi đó là một nguyên tắc nghệ thuật cơ bản: “Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi”. Như một quán tính, tư duy ấy còn tràn cả vào tiểu thuyết giai đoạn 1945-1975 nhưng từ sau 1975 thì đã được khắc phục và đổi mới.

   2.2. Một nhân cách, một lý tưởng, một tài năng

   Ngoài phương diện ngoại hình thì cấu trúc bên trong nhân vật “phía bên kia” cũng được cải tạo lại theo xu hướng nhân bản, nhân tính hơn. Trong Ông cố vấn – Hồ sơ một điệp viên (Hữu Mai), mặc dù vẫn miêu tả những vật chóp bu trong chính thể gia đình họ Ngô như là sự điển hình của mưu mô, tàn bạo thì tác giả vẫn có những lời khen, như Ngô Đình Cẩn là “một đứa con hiếu thảo, chú ý chăm nom mẹ già, khi vào vấn an mẹ bao giờ cũng mặc áo dài”, Ngô Đình Nhu là người “có kiến thức, nhạy cảm và thông minh”… Các nhân vật thiếu tá Hồng Nhị (Ngày rất dài), thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn (Khúc bi tráng cuối cùng), trung tá Nguyễn Quốc Hùng (Thượng Đức) vốn là những trí thức (Hồng Nhị tốt nghiệp Xuất sắc Cử nhân Toán Lý Đại học Bách khoa Sài Gòn) và đều có tài quân sự. Hồng Nhị rất giỏi tổ chức các mạng lưới điệp báo; Lê Minh Đảo có tầm tư duy chiến lược; Phạm Ngọc Tuấn có khả năng phán đoán chính xác vị trí và cách bố phòng của đối phương… Chúng đều là những kẻ sống có lý tưởng và tôn thờ lý tưởng đến cùng nên tận tuỵ, mẫn cán trong nhiệm vụ, giàu lòng tự trọng, không sa đọa, trác táng trong đời sống. Nguyễn Quốc Hùng là một người chồng đúng mực, một người cha tốt, diễn biến tâm trạng của nhân vật trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời cho thấy rõ hơn điều đó: “… nước mắt Hùng bỗng ứa ra. Kỷ niệm đâu đó ùa vào căn phòng. Y cảm thấy như vợ và hai con gái đang ngồi chờ ở kia. Người vợ hiền dịu đang mỉm cười nhìn y âu yếm. Hai đứa con gái chạy lại với ba. Y không chỉ sờ thấy mà còn ngửi thấy thoảng mùi thơm ngọt của da thịt vợ con”. Những giọt nước mắt kia, những suy nghĩ ấy chỉ có được ở một con người tử tế!

   Quan niệm về sự hóa giải hận thù, “sống để yêu thương” nên có nhân vật được miêu tả như những người tử tế. Đó là hình ảnh thân thiện của thượng sĩ cảnh sát ngụy Nghiêm Xuân Dũng (Vùng lõm), thường xuyên về làng, thăm hỏi bà con, ai đau là có quà thăm hỏi. Dũng bảo lãnh cho ông Hòe ra tù (vì tội mua gạo cho bộ đội giải phóng) vì thấy gia cảnh nheo nhóc. Dũng cứu bà Xuân, báo ngày ngụy về bắt lính để thanh niên đi trốn… Những việc làm ấy hẳn nhiên được “người dân Lai Hạ khen Dũng có lòng thương người”. Những người như vậy thì sớm muộn cũng trở về với cách mạng… Xây dựng nhân vật kiểu này các nhà tiểu thuyết dường như mở ra một ý nghĩa: Hãy nhìn những người “phía bên kia” bằng con mắt nhân ái hơn, bởi trong số họ có rất nhiều người tốt, có những người lại trở thành người cách mạng.

   Như vậy, so với trước đó, nhân vật kẻ thù đã được quan niệm và nhận thức lại theo hướng như là những con người bình thường, vừa xấu vừa tốt, đa diện, phức tạp, nhiều chiều. Nhưng lý tưởng quyết định hướng đi, có khi là người tốt nhưng lý tưởng khác nhau mà đi theo những con đường khác nhau. Từ hình tượng này, văn học hôm nay đã đặt ra một vấn đề mang ý nghĩa phổ quát chung: điều cơ bản nhất, quan trọng nhất trong việc giáo dục con người, nhất là giáo dục thế hệ trẻ là giáo dục lý tưởng. Lý tưởng luôn mang tính định hướng, định hướng đúng sẽ đi theo con đường đúng và ngược lại. Từ góc độ ý nghĩa nghệ thuật, ít nhất tạo ra những hiệu quả sau: Một là, góp phần tạo ra tình huống căng thẳng trong miêu tả. Không chỉ hèn yếu, manh động, tàn bạo, dốt nát… kẻ thù còn là những con người có học thức, trí tuệ, bản lĩnh. Cho nên chiến thắng được kẻ thù phải mạnh hơn hẳn về mọi mặt. Theo logic thông thường thì cũng chẳng vẻ vang gì nhiều khi chiến thắng một kẻ thù yếu ớt, ngu dốt… Nhưng chúng ta đã đánh thắng một kẻ thù như vậy thì chiến thắng ấy càng phải được khẳng định. Hai là, đưa ra cái nhìn nhân ái, độ lượng hơn vì dù có là kẻ thù nhưng đều là người Việt Nam cùng dòng máu Lạc Hồng. Nhìn nhận kẻ thù không chỉ ở phương diện thú tính mà còn ở cả phần nhân tính đã góp phần nới rộng thêm, làm sâu sắc thêm quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học hôm nay.

   3. Hình tượng mới – người lính trên “đường biên”

   Sản sinh ra trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt nên văn học 1945-1975 có những đặc điểm riêng, như vì dồn sức cho nhiệm vụ chính trị nên phải chạy theo sự kiện, coi trọng sự kiện, do vậy vấn đề con người chưa được chú ý đứng mức. Con người được miêu tả trong thế phân cực địch ta, tốt xấu… Đây không phải là hạn chế, mà là một đặc trưng bởi hoàn cảnh cuộc sống kháng chiến cực kỳ ác liệt quy định. Sau 1986, do độ lùi thời gian, do nhu cầu nhận thức bản chất lịch sử, nhu cầu hòa giải… mà sự tiếp cận tất phải mới, thế hiện tập trung vào vấn đề tính người.

   Lý thuyết trung tâm – ngoại vi (Core – Peripheral Theory) của Immanuel Wallerstein (1930-2019) được nâng thành Lý thuyết hệ thống thế giới hiện đại (Modern World-Systems Theory) ảnh hưởng đến nhiều ngành khoa học. Khái niệm “văn hóa ngoại biên” (marginal culture) xuất hiện để chỉ vùng trung gian gặp gỡ, tức các “đường biên” là nơi cộng sinh, pha tạp, chồng chéo nhau của nhiều dòng/ luồng văn hóa, do vậy ở đây sức sống văn hóa mới mãnh liệt nhất. Biểu tượng mới về người lính này, theo chúng tôi hiểu, nằm trên “đường biên” ấy, mà nhà văn tiên phong ở ta là Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh. Chính nhờ/ vì đẩy ra “đường biên” nên nhân vật Kiên với đầy “sức sống” như vậy, cũng vì thế mà gây tranh luận. Bởi được bao phủ nhiều lớp mã văn hóa nên hình tượng được mơ hồ hóa, mời gọi khám phá, cũng là sự thách thức giải mã. Xét từ bình diện con người, có thể tạm khái quát vào mấy nhóm sau:

   Con người tuân theo tiếng gọi bản năng có tốt xấu, có hay dở… Nước mắt – một tiểu thuyết hay của Đào Thắng đi theo hướng này với các nhân vật là chiến sĩ của đơn vị pháo binh Ðoàn pháo binh Sông Châu. Những người lính không phải chỉ chịu đựng gian khổ, hi sinh mà còn phải chứng kiến (cũng là nạn nhân) cái đê hèn, khốn nạn của “chỉ huy” (tham mưu trưởng Ðoàn Cung) lấy cái chết của bộ đội làm “cầu thang tiến thân”. Nhân vật Lam Hồng – một nữ sinh, một biểu tượng cho “tính người” vừa thánh thiện vừa trần tục xuất hiện đúng thời điểm mà các chiến sĩ bảo vệ thành phố Vinh “vào một đêm như đêm nay cần nghe tiếng con người…”. Thánh thiện ở chỗ cô gái “bỗng thấy từ trong trái tim mình trào lên một tình cảm lạ lùng. Tình cảm ấy không hẳn là tình yêu, nó bồng bột dâng trào và cô gái bỗng thấy mình lớn hẳn lên, lớn hơn anh rất nhiều. Anh cần được chở che, cần được nghe một lời nói dịu ngọt, cần được vỗ về, ôm ấp như trẻ thơ”. Cô bỏ học, bỏ nơi sơ tán quay về nơi bom rơi, đạn nổ, ra trận địa pháo, san sẻ với Thái và những người lính, đem tình yêu giúp các chiến sĩ vững lòng trên mâm pháo, giúp Thái chữa cơn bệnh tâm thần hoảng loạn vì “chấn thương quá ngưỡng”, tìm lại niềm tin để tiếp tục chiến đấu… Nhưng chiến tranh đã giết chết, hủy hoại tất cả. Một trận bom tàn khốc đã chôn sống Thái và Lam Hồng, trong một căn hầm bỏng cháy bom napan. Lời kêu cứu cuối cùng của người con gái nhức nhối vô cùng: “Trả người yêu cho tôi!”. Lam Hồng đã sống thật nhất với bản năng tình thương của người nữ, người vợ, người mẹ. Ý tưởng nhân bản dồn tụ, vang vọng, đầy dư âm trong tiếng nói phẫn nộ, ai oán, bi thương, khát khao cháy bỏng về hòa bình ở phần kết tác phẩm: “Chúng tôi sẽ chết, sẽ bị đốt cháy thành than… Dân tộc chúng tôi xứng đáng hưởng cái quyền tối thượng: Ðược sống trong hòa bình”. Hữu Ước với Suối Cọp lấy bối cảnh vùng Suối Cọp, nơi tiếp giáp Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, gần đường 9 Quảng Trị đi sâu phân tích “cõi thầm kín” trong chiến tranh. Tiểu thuyết cho thấy một khi con người ở vào hoàn cảnh cận kề cái chết thì bản năng tình dục càng trở nên mạnh mẽ như một minh chứng ngọn lửa sự sống không chịu lụi tàn trước bất kỳ tội ác, âm mưu nào. Nhờ vậy, sex chỉ là phương tiện đề khám phá chiều sâu nhân bản của con người, không hề khiêu dâm, trái lại, càng thấy trân quý cuộc đời.

   Con người là nạn nhân của chiến tranh. Nguyễn Một trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín kiến tạo thành công một “không gian đường biên” đầy sự chết chóc, ly tán, hoảng loạn và cũng vang lên âm hưởng trữ tình của thơ của nhạc. Lại như một xã hội với biết bao thân phận người lính, người dân, người có vị thế… nhưng đều bị quy chiếu bởi “thần chiến tranh” phi nhân tính. Nổi lên một nhân vật Sơn “một kẻ trung lập”, không “ta” cũng chẳng “địch” nên không “ác” cũng chẳng “thiện”. Gia đình ấy có ba anh em tử trận, hai người “tận nghĩa với quốc gia”, một người “hi sinh vì Tổ quốc”, đều bị bắn phơi xác dưới ánh mặt trời. “Thần chiến tranh” thì không hề có mặt nhưng những sự tàn phá về nhân hình, nhân tính thì hiện hữu và dai dẳng. Nhân vật “ngụy” trước đây nằm ở phía “đầu mút” của sự phân cực thì nay được kéo về khu vực “đường biên”. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh lựa chọn điểm nhìn trần thuật theo hướng này, từ “cõi thầm kín” của nhân vật thuộc “phe địch” với thái độ khách quan, điềm tĩnh. Nhân vật trung tâm Nguyễn Văn Thiệu hiện lên “rất người”, đáng thương, đáng ghét, đáng trọng… với một nỗi ám ảnh cũng “rất người” luôn lo sợ bị “đảo chính”. Thiệu “chỉ thấy thoải mái trên sân quần vợt. Cứ bỏ vợt xuống là nỗi ám ảnh về một cuộc đảo chính lại ập đến…”.

   Trong mọi hoàn cảnh, với tất cả năng lực người, con người cần được tôn trọng, kính trọng, được hưởng thụ những điều tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Hồ Anh Thái trong Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu tạo ra một “không gian đường biên” đặc biệt: không gian của những linh hồn tử sĩ. Chiến tranh được nhìn qua cái kỳ ảo. Phan – anh lính trẻ có khả năng nhìn xuyên tường làm việc lập hồ sơ tử sĩ dưới một căn hầm. Thế là anh “gặp” các chiến sĩ khi họ “chờ đến lượt trình diện và được anh vào sổ, chờ anh viết giấy báo tử đưa lên cho chỉ huy…”. Ai cũng muốn được “vào sổ” sớm để gia đình và cả dư luận biết mình đã chết, tránh bị hiểu nhầm là “đào ngũ”, “chiêu hồi”, “phản động”… Được gặp rồi đi theo vợ một liệt sĩ, người kể nới rộng “không gian đường biên” của thành phố với tất cả những gì có thời chiến tranh, tốt có xấu có, anh hùng, dũng cảm có, ủy mị, sầu thương có… “Không gian đường biên” trong Bất chợt mai vàng của Nguyễn Trí Huân là sự lồng ghép rất khéo của hai không gian: dịch bệnh (hiện tại) và chiến tranh (quá khứ) tạo ra sự “cư trú” để các nhân vật “đi về”. Họ đi về quá khứ cũng là một cách để “cân bằng” hiện tại, vì về bản chất, cả hai cũng đều là “chiến tranh” (Chống dịch như chống giặc)… Ngược lại, sống trong “không gian dịch bệnh”, đối diện với cái chết nên nhân vật (ông Tuân, tướng Phong) suy nghĩ về hôm qua không có “vật cản”, thông suốt, có thế nào kể vậy…

   Như vậy trong văn xuôi hôm nay đang dần rõ nét một hình tượng người lính nói chung vừa là “ta”, vừa là “địch”, vừa “thiên thần”, vừa “quỷ sứ”… Nó biểu hiện tính mới về nghệ thuật nhưng cũng cần cảnh giác về sự “phân rã” tính thiêng vốn có và sự xóa nhòa ranh giới chính nghĩa, phi nghĩa, giữa kẻ đi xâm lược cướp nước và cả dân tộc đoàn kết, hi sinh giữ nước. Rất cần có cái nhìn mới nhân văn khám phá chiều sâu về con người, cần đổi mới thi pháp nhưng cũng rất cần thổi bùng lên ngọn lửa lý tưởng yêu nước hôm qua để soi sáng cho thời đại mới hôm nay. 

PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ, THS NGUYỄN THỊ VUI


Tài liệu tham khảo:
1. Davidovich, V. E. (2002), Dưới lăng kính triết học, NXB Chính trị quốc gia.
2. Stephen Norris (2004): Thomas Kuhn’s Impact on Science Education: What lessons can be learned? Science Education Volumn88, Issuel January.
3. Trần Đình Sử (2015), Trên đường biên của lý luận văn học, NXB Văn học.
4. Thomas Kuhn (2008), Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, NXB Tri thức, Chu Lan Đình dịch.
5. Nguyễn Thanh Tú (2014), Tiểu thuyết và chiến tranh, NXB Quân đội nhân dân.

Chú thích:
1 Xin xem: Nguyễn Thanh Tú (2014), Tiểu thuyết và chiến tranh, chuyên luận, NXB Quân đội nhân dân.