Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Văn học là một trong những loại hình nghệ thuật đưa con người đi về phía ánh sáng của cái thiện bằng cách gỡ bỏ dần những bóng tối của con người như sự tàn ác, thói ích kỷ, thói tham lam, thói thực dụng, để xây dựng một nhân cách, một đời sống cao đẹp hơn.
“Vì thế, ở góc độ nào đó, tôi nghĩ văn học cũng mang tính giáo dục và điều này thì quan trọng đối với văn học thiếu nhi. Những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi hiện nay đã tránh được sự giáo điều, xơ cứng. Các tác giả viết tinh tế hơn, ý nhị, tạo sự khơi mở và thấu hiểu. Từ thấu hiểu thì mới có sự thông cảm và tình yêu thương con người…Những tác phẩm như thế sẽ kiến tạo nhân cách cho con người” – nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu tại Trại sáng tác Văn học thiếu nhi 2024 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Khu du lịch biển Sao Mai (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Trong khuôn khổ Trại sáng tác Văn học thiếu nhi 2024, tọa đàm “Văn học thiếu nhi hiện nay – Thực trạng và giải pháp” đã diễn ra với sự chủ trì của nhà văn Thái Chí Thanh – Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng trại sáng tác. Trong buổi tọa đàm, nhà văn Trần Quốc Toàn (TP Hồ Chí Minh), nhà văn Trung Trung Đỉnh, TS Lê Nhật Ký (Bình Định), ThS Võ Nguyễn Bích Duyên (Phú Yên)… đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, những trăn trở suy tư và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị nhằm góp phần phát triển văn học thiếu nhi.
Nhận diện văn học thiếu nhi và những “cú hích”
Phát biểu đề dẫn, nhà văn Trần Quốc Toàn nói rằng văn học thiếu nhi là bộ phận văn học với một danh mục tác phẩm vượt qua thử thách thời gian, trở thành những tác phẩm kinh điển. Có thể kể: Dế mèn phiêu lưu ký (1942) của nhà văn Tô Hoài, Đất rừng phương Nam (1957) của nhà văn Đoàn Giỏi, Mái trường thân yêu (1964) của nhà văn Lê Khắc Hoan, Góc sân và khoảng trời (1968) của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Quê nội (1973) của nhà văn Võ Quảng, Chuyện hoa, chuyện quả (1974) của nhà văn Phạm Hổ… và nhiều tác phẩm của các nhà văn khác.
Đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi ngày càng đông đảo, chuyên nghiệp hơn. Có những tác giả với kinh nghiệm sáng tác đã vài chục năm như Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Tạ Duy Anh, Trung Sĩ, Nguyễn Khắc Cường, Trần Gia Bảo, Thái Chí Thanh, Bảo Ngọc, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hồ Việt Khuê, Lê Cảnh Nhac, Lê Luynh, Nguyễn Đức Hạnh, Đào Quốc Vịnh, Trương Thiếu Huyền… Bên cạnh đội ngũ sáng tác còn có những nhà nghiên cứu, giảng dạy, hình thành đội ngũ lý luận phê bình văn học thiếu nhi, có thể kể tên: Bùi Thanh Truyền, Thanh Tâm Nguyễn, Lê Nhật Ký, Lã Thị Bắc Lý, Nguyễn Thụy Anh…
Đáng chú ý, nhiều cây bút tuổi thiếu niên xuất hiện; có những cái tên đáng nhớ như Đỗ Tú Cường – tác giả 200 truyện và truyện tranh đã in báo kể từ khi em học tiểu học cho khi là học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP Hồ Chí Minh). Có 2 tác giả tuổi thiếu niên được trao giải thưởng Khát vọng Dế Mèn vào năm 2023, là em Cao Việt Quỳnh và Khải An. Hiện có nhiều trung tâm để các em ở tuổi quàng khăn đỏ thử sức viết của mình, đáng chú ý là CLB Đọc sách cùng con của TS Nguyễn Thụy Anh ở Hà Nội và dự án “Ô cửa sách” của Th.S Vũ Thanh Tâm ở Lâm Đồng. Từ những nơi này, lực lượng viết văn ở tuổi khăn quàng đỏ ngày càng nhiều hơn.
Nhà văn Trần Quốc Toàn cũng nhấn mạnh đến các hoạt động hỗ trợ sáng tác sôi nổi, có sức lôi cuốn người viết. NXB Kim Đồng, NXB Trẻ với mạng lưới phát hành rộng khắp, thường xuyên có những cuộc vận động sáng tác.
Trong bài viết Văn học thiếu nhi – Những điều trăn trở, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nguyên Giám đốc NXB Hội Nhà văn, viết: “Không một nhà văn nào trong suốt cuộc hành trình sáng tác của mình lại không có một đôi lần viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi. Nhưng thành công thì không phải ai cũng đạt được.
Văn học (cho) thiếu nhi và văn học (về) thiếu nhi hiện nay là cả một vấn đề lớn rất đáng được các nhà văn, các nhà giáo, các nhà nghiên cứu và cả các nhà xuất bản sách (chuyên cho thiếu nhi) bàn luận. Và mấy năm gần đây cũng đã có không ít cuộc hội thảo sôi nổi nghiêm túc, đầy trách nhiệm, đặc biệt NXB Kim Đồng và NXB Trẻ đã có những nỗ lực thiết thực nhằm tạo nên những “cú hích” đột pha như tổ chức những cuộc thi với quy mô lớn, giải thưởng cao…”.
Văn học thiếu nhi là một trong những lĩnh vực quan trọng, được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X quan tâm, ưu tiên. Đầu năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam phát động cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi. Cuộc vận động kéo dài trong 5 năm, chia làm 2 đợt, thông qua sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, những hành động, những suy nghĩ tốt đẹp, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai.
Năm 2023, NXB Kim Đồng công bố thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng và phát động cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023-2025; tổng trị giá giải thưởng của cuộc thi lên tới 360 triệu đồng. Giải thưởng văn học mang tên Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sáng lập từ năm 2020. “Văn học thiếu nhi đã đáp ứng được việc cung cấp ngữ liệu cho việc dạy Ngữ văn và Tiếng Việt ở 3 bộ sách giáo khoa. Văn học thiếu nhi đã góp phần đưa văn Việt Nam ra thế giới qua các tác phẩm chuyển ngữ và các tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế. Truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần được giải Peter Pan của Thụy Điển… Văn học thiếu nhi khởi sắc và có nhiều thành tựu, đóng góp vào sự phát triển của văn học Việt Nam”, nhà văn Trần Quốc Toàn nhận định.
Tham dự tọa đàm, TS Lê Nhật Ký (Trường Đại học Quy Nhơn,) nói về những đóng góp của các nhà văn trong khu vực Nam Trung Bộ đối với sự phát triển của văn học thiếu nhi. Và hiện nay, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, tỉnh thành nào cũng có các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi, trong đó có những người đã để lại dấu ấn.
Th.S Võ Nguyễn Bích Duyên (Trường đại học Phú Yên) cho biết chị cùng một số đồng nghiệp ở trường đã tiến hành khảo sát và nhận thấy từ năm 1995 đến nay, cả nước có hơn 300 tác giả viết cho thiếu nhi; số lượng tác phẩm có thể lên tới 2.000. Đây là con số chưa đầy đủ, tuy nhiên đã phác họa phần nào bức tranh văn học thiếu nhi Việt Nam từ năm 1995 đến nay.
“Đội ngũ sáng tác rất đông đảo, nhiều độ tuổi. Có những nhà văn, nhà thơ sinh vào thập niên 30, còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục viết cho thiếu nhi. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của những cây bút nhỏ tuổi, tương đối ấn tượng, như em Minh Anh, 16 tuổi, đã xuất bản một tập thơ song ngữ rất dày, hay Cao Việt Quỳnh, tác giả bộ sách giả tưởng Người sao chổi… Lực lượng sáng tác mới, rất đặc biệt và rất khác biệt. Và chúng ta có quyền hy vọng về đội ngũ sáng tác…
Tuy nhiên chúng ta đang thiếu những tác giả bật lên như là những người tiêu biểu và điển hình ở mảng văn học thiếu nhi. Chúng ta đang tìm kiếm thêm một Trần Đăng Khoa nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy. Chúng ta tìm kiếm thêm một Nguyễn Nhật Ánh nhưng vẫn chưa có. Có lẽ kỳ vọng của chúng ta về văn học thiếu nhi hiện nay tương đối cao, khi chúng ta đặt trong sự so sánh với cái gọi là thời hoàng kim”, Th.S Bích Duyên nói.
Để văn học thiếu nhi ngày càng phát triển
Tại buổi tọa đàm, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học đã nêu nhiều giải pháp nhằm phát triển văn học thiếu nhi. Nhà văn Trần Quốc Toàn nói rằng cần dành trang cho văn học thiếu nhi trên Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, Viết & Đọc; ra tạp chí Văn học thiếu nhi Việt Nam – tác phẩm và dư luận; hoàn chỉnh, công bố và cập nhận danh mục Tác phẩm văn học thiếu nhi chọn lọc với các tiêu chí cụ thể; duy trì, nâng cao chất lượng các trại viết Cây bút tuổi hồng vào mỗi mùa hè; duy trì mỗi năm 2 trại sáng tác dành cho các nhà văn và nâng cao chất lượng. Mỗi trại phải có ít nhất một chuyến thâm nhập thực tế, một tọa đàm về văn học thiếu nhi và đầu tư xuất bản một đầu sách chọn từ các bản thảo hoàn thành trong trại sáng tác.
Từ góc nhìn của một nhà giáo, TS Lê Nhật Ký cho rằng cần đưa văn học thiếu nhi vào trường học. “Văn học thiếu nhi phải được “tiêu thụ” và chia sẻ bởi chính thiếu nhi. Và trên cơ sở đó, chúng ta khảo sát để biết trẻ em thích đọc những điều gì, không thích những gì. Nếu không nắm được tâm lý đó thì việc sáng tác văn học dành cho thiếu nhi cũng sẽ gặp khó khăn”, TS Lê Nhật Ký nói. Ông gợi ý rằng có thể đưa tác phẩm của các nhà văn ở địa phương vào môn Giáo dục địa phương.
Theo Th.S Võ Nguyễn Bích Duyên, văn học thiếu nhi Việt Nam đang được quan tâm, đó là động lực thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, Th.S Bích Duyên cũng băn khoăn về “độ trễ”, “độ vênh” của văn học thiếu nhi so với hiện thực của thiếu nhi hiện nay. Do đó, người viết cần phải gần các em hơn nữa, viết về những điều “tương thích” với các em, để các em yêu thích tác phẩm văn học. Mặt khác, các tác giả cũng cần đổi mới cách viết. Nhà giáo Bích Duyên nói: “Tôi nghĩ viết cho thiếu nhi để hay là rất khó. Nếu không tâm huyết thì không thể nào viết được”.
YÊN LAN