Lúc còn đi học, mỗi khi nghe thầy giáo hỏi: Thế nào là văn học? Hoặc giải thích câu nói của Gorki: Văn học là nhân học… Cả lớp chúng tôi ai cũng mong mình cúi đầu thấp xuống để thầy không hỏi đến mình.

Sau này trong những năm đầu tiên đi dạy, tôi cũng sử dụng những câu hỏi đó hỏi sinh viên, hầu như ai cũng tránh cái nhìn của tôi.

Với khoa học xã hội, mỗi một câu hỏi đặt ra sẽ có rất nhiều cách để trả lời, nhưng chọn lựa cách trả lời nào là tuỳ vào năng lực nhận thức của mỗi người. Tôi cũng từng nghe cách giải thích danh hiệu Thi tiên của Lý Bạch: Thi tiên là tiên thơ… của một số người…

Riêng câu nói của Gorki nếu giải thích cho thật thấu đáo cũng không dễ chút nào, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng thì có thể trả lời gãy gọn, còn nếu không sẽ lúng ta lúng túng theo kiểu: Văn học là nhân học – là môn học về con người… Thế thì môn học về con người trong văn học khác với các ngành khoa học khác như thế nào?

Và trả lời câu hỏi: Thế nào là văn học? thì cũng có nhiều lựa chọn, trong Từ điển văn học, trong các tài liệu Lý luận văn học và nhất là bây giờ có Internet thì việc tìm kiếm không khó khăn gì.

Vấn đề mà tôi đang rất băn khoăn là liệu những câu hỏi này có được giáo viên dạy văn đặt ra cho học sinh trong mỗi năm học, để các em cũng có cái giật mình như chúng tôi ngày xưa, và biết được mức độ khó/ dễ của môn học này.

Có lần, một cháu học sinh lớp 9 đến nhà tôi nhờ hướng dẫn cách học môn văn, tôi đưa sách cho cháu bảo cháu đọc một văn bản trong đó và trả lời vài ba câu hỏi tôi đưa ra. Sau 30 phút quan sát, tôi thấy cháu cứ lật qua lật lại trang sách và ra vẻ chán chường, tôi nhắc cháu, con cứ đọc xong văn bản rồi trả lời câu hỏi, thấy tôi có vẻ cương quyết, cháu đã đọc và sau khi nắm bắt văn bản thì cháu trả lời trôi chảy các câu hỏi của tôi. Thi học kì năm đó, đề thi đúng vào văn bản tôi hướng dẫn cháu học, cháu tự tin làm bài và khoe rằng may quá, bài đó đã được học với tôi.

Thực ra, tôi chưa dạy gì cho cháu mà chỉ mới yêu cầu và bày cách cháu đọc văn bản thôi, đó là yêu cầu mà năm nay trong các đề thi văn đều thấy xuất hiện, khác với đề thi các năm trước. Chắc chắn, những lò luyện thi cứ thao thao bất tuyệt bình tán văn chương sẽ hố to, đương nhiên người thiệt thòi vẫn là học trò, còn người dạy thiếu gì cách để biện minh.

Thay đổi cách dạy học văn bắt đầu từ việc đọc văn bản không phải là chuyện mới, nhưng chuyện dạy học văn cứ như hiện nay là không ổn. Từ chuyện không bắt đầu từ văn bản mà bắt đầu từ những bài văn tham khảo, đọc thêm, từ những buổi dạy học thêm, người học không cần tư duy, động não, có người mớm hộ, làm hộ… thậm chí còn chưa sờ đến văn bản, nhưng vẫn viết ngon ơ về một nhân vật nào đó, bình tán một khổ thơ nào đó… Cho nên, những bài văn ngô nghê xuất hiện trên báo chí cũng không có gì là lạ.

Đọc văn cũng không dễ. Đọc sách có nhiều phương pháp để đọc nhanh. Đọc văn có nhiều phương pháp để đọc hiểu. Với văn bản tự sự, học sinh khi đọc cần nắm được những chi tiết, sự kiện, biến cố liên quan đến nhân vật… Với văn bản trữ tình, phải đọc đến mức thuộc cả những khoảng trắng, những dấu phẩy, dấu chấm, dấu chấm hỏi… trên mỗi dòng thơ…

Những bài văn phải viết theo kiểu tưởng tượng, miêu tả, hay luận bàn mà không có vốn sống, không có thực tiễn thì thật khó với học sinh. Có cháu tả mãi không ra hình dáng con lợn, vì từ bé đến lớn đã bao giờ cháu thấy con lợn thật đâu, chỉ thấy qua bài văn mẫu, qua lời miêu tả người lớn, thì đúng là học văn thật khó.

Tôi nhớ, hồi lên 7 tuổi, 4 giờ sáng bố tôi đưa tôi ra biển ngắm cảnh mặt trời mọc, bố rất hào hứng, còn tôi thì rất đói bụng, vì phải đi bộ đến hơn cây số, về nhà bố hỏi tôi: Mặt trời mọc trên biển có đẹp không con? Tôi lại trả lời: Biển của ba là đói bụng… Ấy thế mà, hơn 40 năm sau, tôi mới ngắm nhìn mặt trời mọc từ 5 giờ sáng theo dọc con đường từ Cam Ranh đến Nha Trang, và văn bản hướng dẫn cho học sinh tả cảnh, ở dàn bài chi tiết tôi mới viết được những câu văn như sau:

– Từ Nha Trang xuống Cam Ranh khoảng 60 km, bố con tôi đi bằng xe máy, bố giải thích : đi như thế cho tôi được ngắm cảnh mặt trời mọc.

– Dọc theo bờ biển, xe của bố con tôi bon bon, tôi nhìn sang bên phải là núi, bên trái là biển. Tạo hoá cho ta những vùng đất đẹp đến kì lạ.

– Mặt trời từ từ nhô lên, màu hồng nhạt, màu hồng thẫm và những tia hồng lấp loá trên mặt biển.

– Sau hơn 30 phút, chúng tôi đã đi được nửa đường, con đường này từng là nơi diễn ra các cuộc thi hoa hậu thế giới, các resort xanh mướt một màu xanh của những cây cối được cắt tỉa khéo léo.

– Con người từng ao ước được sống trong môi trường trong lành và xanh mát, thì nơi này là biểu tượng cho môi trường xanh, đẹp nhất.

– Hừng đông nhuộm thắm con đường hai bố con tôi đang đi, gió biển mát rượi, đi qua những đoạn đường giữa những dãy núi cao có cảm giác như đang đi ở Sa Pa hay Đà Lạt, bất giác tôi đưa tay lên cài lại cái cổ áo vì sợ bị lạnh đột ngột.

– Càng đi, càng thấy tầm mắt mình rộng mở, biển mênh mông, núi cao vút, con đường nhựa mịn màng, mặt trời treo lơ lửng trên mặt biển, gió thổi rười rượi.

– Đến Cam Ranh vừa đúng 6 giờ sáng, bố con tôi ngồi nghỉ bên quán nước ven đường với một tâm trạng thư thái, nhẹ nhõm…

– Người ta thường tả một vùng đất với cầu, đò, chợ, thiên nhiên… Nhưng với tôi, ấn tượng nhất vẫn là con đường từ Nha Trang đến Cam Ranh, được ngắm mặt trời mọc, được nghe gió biển rì rào, được ngắm cảnh hút tầm mắt…

Lấy ví dụ này chắc có người nói rằng tại tôi không có năng khiếu văn chương nên miêu tả mặt trời mọc mà cũng khó khăn đến nhường ấy, tôi không muốn bàn về chuyện năng khiếu hay không năng khiếu mà muốn bàn đến một sự thật hiển nhiên là nếu không có thực tiễn thì lấy gì mà miêu tả, không có cảm xúc càng không có ấn tượng.

Những đề văn nghị luận đều khó với người thi và cũng khó cho người chấm, bởi vậy sai số, lệch điểm giữa hai người chấm là thường tình. Chọn những câu nói nổi tiếng để bình luận tưởng là hay nhưng rất khó, như câu Văn học là nhân học, vừa súc tích, vừa ngắn gọn như kiểu cấu trúc của câu tục ngữ, giải thích cho tường tận là khó vô cùng. Xưa nay, có ai nói phân tích tục ngữ là dễ đâu… Chọn những câu nói, những trích đoạn trên những bài báo càng làm khó cho học sinh và vô tình khiến cho học sinh mắc lỗi, vì thực ra trong tư duy của các em chưa đủ sức để đề cao hay luận giải một vấn đề nghị luận nào đó như mong muốn của người lớn cả.

Nhà văn viết ra một văn bản thật hay, thì họ phải đau ở đâu đó viết mới hay; vậy tuổi học trò làm sao có những trải nghiệm, những nỗi đau như người lớn để bắt được tiếng nói tri âm ở nhà văn. Nói như thế, không có nghĩa là tuổi học trò không đến được với những tác phẩm văn chương kinh điển, ngày xưa học đến lớp 5 chúng tôi đã không còn sách để đọc, ngày nay, có người dù đã là cán bộ công chức cũng chưa chắc đã đọc xong một cuốn sách nào cho ra hồn.

Hai thời kì, hai cách đến với văn chương khác nhau. Chúng tôi mê đọc sách vì trong đó tìm thấy tiếng nói của tâm hồn mình, và cố nâng tâm hồn mình cao bằng những tâm hồn của những con người thánh thiện. Nhà sách, thư viện là điểm đến của tuổi học trò, vì nơi đó sẽ tìm thấy tri thức trong sách vở và trong chính cuộc đời…

Tư duy bắt đầu từ ngôn ngữ và thực tiễn. Văn chương bắt nguồn từ hiện thực, dù học văn kiểu gì thì trước hết vẫn phải đọc văn bản, đọc kĩ văn bản, lắng nghe từng câu chữ trên văn bản thì sẽ cảm nhận hết cái hay của văn chương và việc tìm ra các biện pháp tu từ trên những dòng thơ hay tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong mỗi tác phẩm truyện cũng như hiểu được cách lập luận chặt chẽ của những văn bản chính luận, văn bản nhật dụng là việc làm không thể thiếu trong dạy học văn. Quy trình này đi từ thấp đến cao, theo vòng xoáy trôn ốc để nâng cao năng lực thẩm mĩ của học sinh thì đó mới là cái đích cần đến của chuyện dạy học văn.

Người dạy giỏi văn hay người học giỏi văn thường bắt đầu từ năng khiếu bẩm sinh cộng thêm quá trình rèn luyện, tích luỹ vốn sống, đọc nhiều sách văn học trong và ngoài nước, biết cảm nhận cái hay cái đẹp của văn chương, biết hư cấu và tưởng tượng… Nhưng quan trọng nhất vẫn là hiểu và biết yêu quý văn chương bắt đầu từ những câu hỏi tưởng như đơn giản nhất mà mãi mãi người học vẫn chưa tìm được câu trả lời thoả đáng, đó là: Thế nào là văn học? Vì sao Gorki nói: Văn học là nhân học?

HOÀNG THỊ THU THUỶ