Con người Xuân Diệu dường như sinh ra để làm thơ. Một trái tim giàu có, chân thật, sôi nổi, hết sức nhạy cảm. Nhưng con người ấy cũng không thể không đến với văn xuôi, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám. Vì đây là một tâm hồn rất đỗi thèm khát tri âm tri kỷ, không phải chỉ trong giới tao nhân mặc khách, mà với tất cả mọi người. Đường lối văn nghệ nhân dân, văn nghệ đại chúng của Đảng đã đáp ứng rất trúng nhu cầu đó của Xuân Diệu. Muốn đông đảo đại chúng có thể hiểu được mình, muốn mọi khuynh hướng thị hiếu đều có thể đến với mình, tại sao lại chỉ làm thơ? Thơ có thể tác động thấm thía vào lòng người, nhưng đúc quá, kín quá, khó nói được điều gì nhiều. Văn xuôi cho phép nói đầy đủ hơn, cặn kẽ, chi tiết và mạch lạc sáng sủa hơn. Vả lại có phải lúc nào cũng có thể làm thơ được đâu, mà Xuân Diệu thì luôn luôn muốn lên tiếng với đời, giao tiếp với đời.

Nhưng văn xuôi Xuân Diệu là văn xuôi của một người làm thơ, của một thi sĩ đầy kinh nghiệm. Đọc những áng văn của ông, thấy rất nhiều kỹ thuật thơ được vận dụng.

Chẳng hạn như kỹ thuật cấu từ. Toàn bài xoay quanh một trung tâm, một thứ hạt nhân tư tưởng hình tượng của tác phẩm. Người viết phải làm cho cái hạt nhân ấy nở ra, phát triển lên, biến hóa thành nhiều lớp lang với những màu sắc và giọng điệu khác nhau. Ở đấy, những tri thức phong phú về đời sống, về văn hóa văn học, những quan sát tinh tế, độc đáo về thiên nhiên, xã hội đã giúp ích rất nhiều cho nhà thơ – bút ký. Nhưng mở ra rồi lại phải biết thu về, để toàn bài vẫn là một cơ thể thống nhất cùng bám vào một cái xương sống duy nhất, cùng rung lên trong một tình cảm chung. Nhiều bài trong Trường ca đã được viết theo lối ấy, lại thêm giọng điệu trữ tình đầy nhạc tính, chúng thực sự là những bài thơ văn xuôi: Hoa học trò, Đẹp trai, Thu, Giã từ tuổi nhỏ… Trong Triều lên là những bài bút ký – tùy bút: Ngày độc lập, Chiếc áo trấn thủ, Đứa con độc lập, Mùa xuân thắng…, trong Và cây đời mãi mãi xanh tươi là: Mùa xuân 40 năm, Một buổi sáng trên biển Hạ Long…, trong Mài sắt nên kim là: Chúng ta có thành phố rực rỡ tên vàng, Kỷ niệm hai mươi năm giải phóng thủ đô, Ngày xuân, Khi mà hoa Hà Nội cũng chiến thắng…

Để giữ cho dòng cảm nghĩ trở đi trở về với cái tứ của bài viết, cũng như trong sáng tác thơ, Xuân Diệu hay dùng và dùng rất đạt “kỹ thuật điệp khúc”.

Chẳng hạn trong bài Ngày độc lập, để truyền cho người đọc “cái cảm giác trội nhất, ăn sâu vào tâm khảm quốc dân hôm ấy” là hình ảnh giản dị và gần gũi một cách hết sức bất ngờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào trong buổi đầu ra mắt, bài viết trở đi trở lại cái điệp khúc bằng chính câu hỏiphá cách” đột ngột của Bác khi đọc bản Tuyên ngôn lịch sử: “Đồng bào có nghe rõ không?”. Tác giả gọi đây là “làn điện vô hình” tạo nên sự giao cảm của vị Chủ tịch nước với hàng vạn tâm hồn.

Chiếc áo trấn thủ là một bài bút ký ghi lại không khí căng thẳng của Hà Nội đêm 19-12-1946. Hình ảnh những chiếc áo trấn thủ xanh quyên góp của đồng bào ngày “Mùa đông binh sĩ” xuất hiện đồng loạt trên ngực những người lính bảo vệ thủ đô “phập phồng như một tấm lòng”, vừa là hình tượng hạt nhân của bài viết vừa là nét nhạc chủ đạo được láy đi láy lại:

“Súng trong tay họ. Lựu đạn võng lưng họ. Ông quần chít chân họ. Và trên ngực, trên ngực, những chiếc áo trấn thủ xanh”.

“Súng đạn là sức mạnh, nhưng chăn áo là cảm với tình (…) Sắt lửa có giết, nhưng vẫn còn chỗ trái tim đập. Trái tim đập dưới áo trấn thủ, trái tim đập nơi áo trấn thủ”…

Có những điệp khúc mượn ngay những câu thơ quen thuộc của người xưa, được vận dụng một cách đúng chỗ nên trở thành sáng tạo. Chẳng hạn bài Một buổi sáng trên vịnh Hạ Long, điệp khúc là câu thơ mượn của Trần Nhân Tông “Sơn hà vạn cổ điện kim âu – Núi sông cạn thuở vững âu vàng” đã diễn tả được thật là hàm súc tâm trạng sảng khoái và đầy tự hào của tác giả trước phong cảnh hùng vĩ và tuyệt vời mỹ lệ của Tổ quốc trên biển Hạ Long khi Giônxơn vừa phải chấm dứt cuộc leo thang chiến tranh ra miền Bắc.

Kỹ thuật thơ còn giúp Xuân Diệu điểm xuyết trong bài viết của mình những chi tiết, những hình ảnh đẹp, vừa ngụ nhiều ý nghĩa vừa đầy chất thơ, giống như những nhãn tự trong một bài thơ cổ điển. Hình ảnh ấy thường đặt ở phần kết thúc của bài bút ký khiến lời văn đã hết mà dư ba còn mãi. Kết thúc bài Tôi mang trong người tôi quê hương thống nhất, tác giả đã chọn được một hình ảnh rất tự nhiên mà rất tượng trưng cho quê hương thống nhất: sự sinh hoạt chan hòa giữa đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam tập kết trước cửa chợ Đồng Xuân, Hà Nội: Các bà má búi tóc, khăn sọc vắt vai, những cán bộ khu Năm quần áo màu xám “xita”, các em bé miền Nam hát lanh lảnh vui chơi bên lề đường với các em bé Bắc, các cô thiếu nữ Hà Nội thanh tao, các anh bộ đội mũ bọc lưới dưới có sao vàng…

Ở bài Mùa xuân thắng là hình ảnh cây bàng Hà Nội mùa đông, lá bị cháy rét xịt lại một màu rỉ sắt. Bỗng một cơn gió thốc tới “Cây bàng lại trút lá, say sưa. Cành của nó nhẹ bớt đi, chọc lên cao hơn. Bây giờ tôi mới nhìn kỹ: thì ra ở những cành trui nhất, đã ló những chút mầm xanh rồi. Cây bàng! Có phải người là hình ảnh của những cuộc đấu tranh mới, cũ? Có phải người dạy cho ta bài học về cuộc chiến đấu để giành lấy mùa xuân?”.

Riêng tôi cứ vương vấn mãi với cái kết thúc đón sơ bình dị này của bài Đời trẻ:

“Tôi đạp chiếc xe đạp đi qua, với anh bạn cưỡi con ngựa. Một thiếu niên mười lăm tuổi trên đồi vừa chạy xuống, ngừng lại với đứa bé con, reo lên: “Con ngựa, con ngựa, thích không? Con ngựa!”. Và em đứng nhìn con ngựa đi qua, với hai mắt xanh. Có phải em chưa hề trông thấy con ngựa đâu. Nhưng lòng em trẻ, vui, em thấy cái gì cũng đáng trầm trồ khen ngợi cả. Con ngựa đi qua đồi hôm ấy, chứ cái ba lô đi qua, chắc em cũng sẽ bảo: “Cái ba lô! Thích không? Cái ba lô!”…

Thật khó mà kể ra cho hết những điều gọi là “kỹ thuật” viết văn của Xuân Diệu. Nào là “kỹ thuật” đưa đẩy bằng văn chương kim cổ, một thứ văn “lẩy” Kiểu, “lẩy” Chinh phụ, Lục Vân Tiên, “lẩy” ca dao tục ngữ – Xuân Diệu là cả một cái kho sống về ca dao , tục ngữ của cả Trung, Nam, Bắc – “lẩy” cả thơ hiện đại, thơ thế giới. Đúng là những liên hệ, liên tưởng nhằm diễn đạt một cách sinh động và biến hóa những cảm nghĩ của mình dựa vào một vốn văn học uyên bác. Có những liên tưởng hết sức bất ngờ: trong bài viết về ngày bầu cử quốc hội đầu tiên sau ngày Tổ quốc thống nhất (Ngày hội non sông), từ cảm nghĩ về những má già miền Nam, gần suốt đời sống trong đau khổ, tăm tối, nay tự tay bỏ lá phiếu bầu cho những nguyện vọng của mình, Xuân Diệu liên hệ đến hai bàn tay chắp lại trước bàn thờ Phật của bà mẹ Thôi Oanh Oanh – cũng như của biết bao bà mẹ miền Nam trong xã hội cũ đầy oan ức: “Trong đời bao sự đau lòng – Xin đem gửi cả vào trong lạy này”. Bây giờ lịch sử đã lật sang trang, những bàn tay ấy cầm lá phiếu bầu với bao tin tưởng ở tương lai đất nước mình, tương lai con cháu mình: “Tôi bầu cho Bác Hồ vĩnh cửu muôn đời, tôi bầu cho Tổ quốc Việt Nam, tôi bầu cho chủ nghĩa xã hội”… Nào là “kỹ thuật” luôn luôn đổi giọng, giọng sôi nổi, giọng trầm lắng, giọng hùng biện, giọng trữ tình, giọng miền Bắc, giọng miền Nam, miền Trung… Nào là “kỹ thuật” dồn văn từ thấp đến cao, cho đến cao trào… Văn chương cũng như tình yêu, còn có hàng trăm cách làm duyên làm dáng khác ở những cây bút có kinh nghiệm.

Nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật, kỹ thuật dù khéo léo tinh xảo đến đâu tự nó cũng không thể tạo nên được một giá trị thẩm mỹ nào. Xuân Diệu hiểu hơn ai hết, cái bí quyết thần thông nhất vẫn là ở trái tim, ở tâm hồn. Trái tim chân thật, sức yêu mãnh liệt và cặp mắt xanh non (Xuân Diệu thích nói đến hai chữ “xanh non” hay “biếc rờn” của cặp mắt thanh niên) ấy là tất cả kinh nghiệm nghệ thuật sống còn của ông.

“Lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh; ấy là mùa thu đã về (…) Thu không phải là mùa sầu. Ấy chính là mùa yêu, mùa yêu nhau bằng linh hồn, mùa những linh hồn yêu mến nhau” (Thu). Văn Xuân Diệu là như thế đấy: mới mẻ, trẻ trung, nhiều khi táo bạo. Nhưng thực ra, ông chỉ nói sự thật, sự thật của trời đất, sự thật của lòng mình mà thành ra thế thôi. Tất nhiên là phải nói bằng lòng yêu mến, bằng tình đắm say.

Nhưng trước cách mạng, thích gì nói thế, Xuân Diêu nào có phải buộc cho mình một trách nhiệm gì đâu. Sau cách mạng thì không thể như thế nữa. Lòng yêu phải mở rộng ra rất nhiều. Cách mạng đòi hỏi người nghệ sĩ phải có trái tim lớn lắm, khỏe lắm. Vẫn có thể tiếp tục nói về tình yêu, về mùa thu…, nhưng phải nói nhiều hơn về chính trị, về thời sự, về cách mạng… Giữ cho được không bao giờ vơi cạn, không bao giờ đuối sức tình cảm, cảm xúc của mình thật khó vậy thay! Huống chi tuổi càng cao, tâm hồn cứ trẻ mãi được sao! Có ai nghĩ đến đằng sau những trang văn tươi mát là cuộc phấn đấu quyết liệt với tuổi già của người cầm bút: “Dường như suốt cuộc đời riêng của tôi, luôn luôn tôi học tập cái niềm vui trẻ đó, cứ dăm năm một, tôi lại phấn đấu đổi mới tâm hồn mình lên một bậc, cho kịp với tuổi thanh xuân lứa nọ nối bước lứa kia”  Niềm vui lớn của tuổi trẻ).

Ông đã không uổng công.

Từ ngày đất nước thống nhất, được đi đi về về thăm quê Nam, hình như Xuân Diệu có trẻ thêm ra, một phần vì niềm vui lớn của dân tộc, một phần vì được tắm gội trong không khí những kỷ niệm của tuổi ấu thơ trên mỗi bước đi nơi quê mẹ.

Này đây Xuân Diệu lại lội xuống cái bàu sen nơi trường làng ngày xưa mà tuổi nhỏ ông từng lội qua; này đây ông ôm trái xoài Thanh Ca Bình Định mà lòng tưởng thấy cái làng Tân Điền thuở nào ông thường tới để lượm xoài rụng; này đây ông lại đi vào bóng mát của những khu “vườn địa đàng” Nam Bộ “có những con sóc tự sinh nhảy chuyền từ ngọn dừa này sang ngọn dừa kia và cái đuôi sóc cong còn in lên nền trời…” (Về lại quê Nam). Không hiểu sao hình ảnh “cái đuôi sóc cong còn in lên nền trời” cứ khiến tôi hình dung đôi mắt của Xuân Diệu còn rất đỗi “xanh non”.

Nguyễn Đăng Mạnh