(Qua các tập thơ Chồi biếc, Hoa dọc chiến hào, Gió Lào cát trắng và Lời ru trên mặt đất)

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Xuân Quỳnh mới lên ba tuổi. Mười năm sau, cô ở trong Đoàn ca múa Trung ương. Ngoài việc luyện tập và biểu diễn, cô văn công này rất thích ghi lại những cảm xúc của mình bằng… thơ. Được các nhà thơ lớp trước như Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Anh Thơ khuyến khích, cô càng say mê với công việc mới của mình. Năm 1962, Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn đăng một số bài. Một năm sau, tập thơ đầu tay Chồi biếc ra đời (in chung với Tơ tằm của Cẩm Lai). Bạn đọc biết Xuân Quỳnh từ đấy. Chồi biếc gồm mười tám bài thơ ngắn lấy chất liệu chủ yếu ở cuộc sống tâm tình của người diễn viên – là chính tác giả. Đời sống xã hội đi vào thơ còn ít, tuy đôi lúc cô nhắc đến:

Tiếng hát em có chàng trai đan nón lá
Có cô gái mắt huyền cởi nhẫn trao duyên
Và nỗi đau những mối tình chia cách
Sóng cửa Tùng thương nhớ vỗ ngày đêm.

(Về Đại hội)

Người đọc chú ý nhiều hơn đến mấy bài thơ tình. Là người lớn lên hoàn toàn trong chế độ mới, lại sinh hoạt hồn nhiên trong đoàn văn công, thơ tình của cô chắc có nhiều đặc sắc. Trong cách suy nghĩ quen thuộc, người phụ nữ thường xem mình là phái yếu, luôn luôn mong đợi sự chở che lúc nhỏ nhờ bố mẹ, lớn lên nhờ chồng, về già nhờ con. Cô văn công trẻ này không hề vướng mặc cảm ấy. Cô tin chính mình có đủ sức mạnh chở che cho người yêu:

Ngủ đi anh! cứ ngủ
Đã có em thức canh
Cho đẹp giấc mơ anh
Ngủ đi anh! hãy ngủ

Ngủ ngon anh! Để mai bình minh đến
Buồm chúng ta lại tung cánh ra khơi

(Ru)

Dầu chỉ là một cách nói đi nữa, người con trai cũng trở nên “bé bỏng” trong lời ra của cô. Trong câu hát dân gian Việt Nam, cô gái thường được ví với một cái bến tĩnh tại, bị động, khắc khoải đợi chờ người yêu như một con thuyền đi xa, có trở về hay không chưa định rõ:

Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Trong thơ Xuân Quỳnh, tình người con gái đã được ví như biển lớn:

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu

(Thuyền và biển)

Tình của người con gái rộng hơn, chủ động hơn, bao dung hơn. Và cũng thiết tha dữ dội:

…Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ

…Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.

(Thuyền và biển)

Ở đây có nét khác với truyền thống phương Đông, nơi tình yêu thường được bộc lộ một cách kín đáo thầm lặng. Cho đến nay, khi đưa tiễn người bạn trai láng giềng lên đường đánh Mỹ, có nhà thơ trẻ vẫn cứ muốn nhờ Hương thầm của hoa bưởi làm sứ giả của tình yêu.

Một bài thơ khác trong tập Hoa dọc chiến hào tình yêu còn được diễn đạt mãnh liệt hơn:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

(Sóng)

Tình cảm dạt dào – theo cách nói của một nhà văn nước ngoài – như nước lũ mùa xuân chảy xiết ấy, lễ giáo phong kiến cứ muốn nén lại, dìm xuống; nay được diễn tả bộc trực thiết tha. Xem yêu đương như một khía cạnh của quyền sống của mình, chùm thơ tình yêu của Xuân Quỳnh có tính chất mới, được tuổi trẻ ngày nay ưa thích. Có thể xem đó là phần đặc sắc nhất của tập Chồi biếc.

Cùng với sự lớn lên của tuổi đời, sự từng trải trong công tác, thế giới thơ Xuân Quỳnh mở rộng thêm, lời thơ nhuần nhuỵ hơn. Vẫn như trước, chị thích nói những gì thấm sâu tình cảm riêng, kỷ niệm riêng của mình. Tiếng gà trưa gợi lên những kỷ niệm ngày thơ bé với những ước mơ dung dị, những kỷ niệm đã trở thành một bộ phận tạo nên sức mạnh nội tâm của con người hôm nay. Nỗi khổ của những người ở đồng chiêm với cái nước “đã bao năm gặm mòn da thịt mẹ” lại càng khổ hơn trong tâm trạng day dứt:

Cô gái lấy chồng dù không cách núi sông
Quê mẹ nhìn về mênh mang nước trắng
Sao xa cách như một hòn đảo vắng
Biết gửi ai cho mẹ bát canh cần

(Bài hát đắp đường)

Khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, những trai làng ra đi chiến đấu, Xuân Quỳnh diễn đạt tấm lòng những người con gái ở hậu phương:

Những nhánh lúa theo tay người thẳng tắp
Như lòng thương nối tiếp không cùng
Của hậu phương gửi sâu vào thớ đất
Nỗi nhớ lên xanh cả cánh đồng!

(Hậu phương)

Lòng thương cần biến thành hành động, nỗi nhớ cũng phải trở nên có ích… những điều tưởng như khẩu hiệu đó đã trở thành hình ảnh mới lạ, tươi mát, đầy tình cảm.

Nếu trong tập thơ Chồi biếc, Xuân Quỳnh có mấy bài thơ về tình yêu xuất sắc, thì trong tập Hoa dọc chiến hào, mấy bài thơ về các con nổi hơn cả. Đó cũng là điều hợp quy luật: Khi mới lớn lên, tình yêu là xứ ước mơ, hi vọng. Và khi ước mơ hi vọng người ta thường thiết tha sôi nổi. Khi đã là mẹ, người phụ nữ lại dồn hết tình cảm cho con, kết tinh máu huyệt của mình. Những lời ru thể hiện rõ điều đó. Thật ra khi người mẹ nghiêng xuống vàng nôi hát ru, cái nhịp điệu êm êm là dành để cho con dễ đi vào giấc ngủ, còn lời hát chính là để tự nói với lòng mình:

Khi con sinh trời đã xanh rồi
Có vạch trắng của đường bay tên lửa
Cây lá màu nguỵ trang lúc nào chẳng rõ
Mặt đất dọc ngang xẻ những chiến hào
Lời mẹ ru không chỉ ngọt ngào
“Cái bống ngủ ngon, cánh cò bay mải…”
Bởi khi bay có cánh cò đã gãy
Trong lúc ngủ say cái bống vẫn giật mình

(Khi con ra đời)

Chất thời sự đã thấm nhuyễn vào tình cảm, cảm xúc. Nỗi lo âu về những bất trắc trong chiến tranh, người mẹ chỉ nói lướt qua các khóm từ “cánh cò đã gãy, cái bống giật mình”. Vì có bà mẹ nào dám nói hết, nói rõ với chính mình những tai hoạ bom đạn kẻ thù đã gây ra cho tuổi thơ. Chính ngay ở phố Huế, bom đạn Mỹ đã phá huỷ mấy ngôi nhà cao tầng cách nhà của Xuân Quỳnh không quá mấy trăm mét. Một lời ru khác, trong âm điệu nhẹ nhàng, nhắc đến những tàn khốc thực sự của cuộc oanh tạc:

Hàng mi tơ vẫn khép giấc ngon lành
Con đâu biết máy bay thù gầm rít
Con chỉ nghe lời mẹ ru quấn quýt
Bom chuyển hầm con ngỡ tiếng nôi đưa
Hơi đất vào man mát giấc mơ
Con nào hay hơi lửa thù rát mặt!…

…Ngủ yên con, ngủ đẫy giấc con nghe
Lời ru mẹ làm chiến hào che chở.

(Lời ru)

Hình bóng cuộc đời thực đã được lọc qua tâm trạng người mẹ. Trong giờ phút hiểm nguy, người mẹ như muốn truyền lại cho con, nhắc nhủ với chính mình niềm tự hào cũng như niềm đau, nỗi khổ của dân tộc. Lời ru là một trong số những bài đặc sắc nhất của Xuân Quỳnh. Bài thơ gợi lên một điều thân thiết: Tâm hồn dân tộc. Hoa dọc chiến hào tuy chưa phải phản ánh thật nhiều nét hiện thực của thời đại, nhưng những gì viết ra đều có chân cảm. Do đó người đọc ưa thích.

Xuân Quỳnh không phải là nhà thơ chỉ biết lắng nghe những rung động của chính tâm hồn mình, chị muốn đi sâu vào hiện thực lớn để nghe tâm hồn thời đại. Với tư cách phóng viên Tuần báo Văn nghệ, chị đã gửi lại sau lưng” thành phố tuổi thơ” “thành phố tuổi thanh niên”. Ba lô trên vai, chị đi đến vùng đất chưa có gì kỷ niệm – vùng Vĩnh Linh – Quảng Trị. Vùng cửa ngõ chiến trường này có những cơn gió nóng dữ dội từ phía tây thổi sang làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt. Và những đụn cát, trắng đến ngao ngán, chạy dài liên tiếp hàng mấy chục cây số. Xuân Quỳnh đến sống ở đây, thâm nhập, tìm hiểu.

Cuộc đời tôi có cát chở che
Khi đánh giặc cát lại làm công sự
Máu đồng đội và máu tôi đã đổ
Trên cát này mà gió quạt vừa se

(Gió Lào cát trắng)

Và dần dần yêu thương gắn bó với vùng đất khắc nghiệt:

Tôi sẵn lòng đem hiến cả đời tôi
Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa.

(Gió Lào cát trắng)

Chị hiểu hơn tâm tư tình cảm của nhân dân vùng chiến trường này. Họ yêu cái làng nhỏ chỉ còn lại trong ký ức, mặc dầu bom đạn đã san bằng hết các công trình trên mặt đất.

Làng tôi đầy sao anh lại ngạc nhiên

Giặc phá hết không còn gì cả

Chúng tôi sống không còn nhà cửa

Chỉ có tấm lòng và cây súng trong tay

Uống nước hố bom và đánh giặc đêm ngày

Và khi ngủ gối đầu lên bao đạn…

(Làng)

Bom đạn đã bóc đi một lớp đất dày. Và trong cảnh khốc liệt đó cỏ xanh được xem như một biểu hiện của sự sống:

Anh bỗng nghĩ đến một vùng cỏ dại

Nỗi nhớ đầu anh nhớ quê anh

(Cỏ dại)

Câu hỏi về làng xóm cũng bắt đầu từ cỏ:

Đất quê mình cỏ đã mọc lên chưa?

Xuân Quỳnh cũng ghi lại hình ảnh cụ thể của lòng kiên trì chiến đấu, của sức sống nhân dân trong những địa đạo Vĩnh Linh nổi tiếng của nước ta:

Giặc Mỹ ném bom định huỷ diệt làng ta

Xuân không xanh, thu cũng không vàng nữa

Giữa ban ngày mịt mù bom toạ độ

Và ban đêm, pháo sáng thắp thâu đêm

Mặt đất không còn khái niệm thời gian

Ta mang thời gian vào lòng đất

Đốt đèn lên, ta làm ban ngày

Tính mùa cá ta thu, tính vụ lúa ta cày

Thời gian của ta không bao giờ mất

Thời gian của ta đi trong lòng đất.

(Thời gian đi trong lòng đất)

Tứ thơ không phải của một đầu óc tư biện, suy tư theo những phạm trù triết học. Tứ thơ đó nảy sinh từ vùng đất oanh liệt “một phần đất trộn bốn phần sắt thép” mà ai không đến không dễ gì có được. Cũng trên mảnh đất trần trụi ấy mới thấy hết sắc đẹp cảu màu cờ:

Đất đau thương ngàn lần sống chết

Đến bây giờ đã có cờ bay

Rồi sẽ có làng, rồi sẽ có cây

Có thành phố, tiếng cười và ánh sáng

(Bắt đầu bằng những lá cờ)

Chất liệu của cuộc sống khốc liệt của Quảng Trị 1973 đã vào nhiều trong thơ. Không khỏi có người cho rằng những bài thơ thế ít dấu ấn tâm hồn, chỉ có giá trị nhân văn. Tâm hồn nhà thơ quý thật đấy, nhưng quý hơn là tâm hồn ấy phản ánh được một số khía cạnh nào của tâm hồn nhân dân. Đọc Gió Lào cát trắng ta thấy quý nhân dân nơi tuyến lửa, và quý tác giả hơn. Và giữa những chi tiết ấy ta vẫn thấy nổi rõ lên tấm lòng người phụ nữ. Là người mẹ, chị xúc động mãi khi nhìn những vết chân trẻ em chạy giặc, in rối loạn trên trảng cát bỏng:

Bãi cát bỏng, ngọn gió Lào hung dữ

Vết chân trẻ em làm đau nỗi nhớ

Là người quen việc nội trợ, chị nhớ đến các loại rau trong bữa cơm thường ngày:

Nụ tầm xuân đâu, mà bước xuống ruộng cà

Hàng rào thép gai mồng tơi không leo được

Các bãi sông đầy bom nổ chậm

Con bướm vàng bay không thấy cải hoa vàng

Em sơ tán rau rền không mọc nữa

Thương mẹ già con nhớ vị rau đay

(Rau)

Và tha thiết hơn là nhớ về Hà Nội, nhớ thuở hoa niên, nhớ bạn bè.

Em có đem gì theo đâu
Em để lại cho anh tất cả
Doi cát vàng với dòng sông đỏ
Bờ bãi quanh năm xanh mướt màu xuân
Những làng hoa hương thoáng xa gần
Vườn hoa trẻ như thuở mười sáu tuổi

(Em có đem gì theo đâu)

Tình cảm người phụ nữ mới thể hiện rất rõ trong thơ. Người mẹ trẻ từ chiến trường Vĩnh Linh nghĩ đến các con đang sơ tán ở một làng quê nào đó ở miền Bắc, đã viết những lời thơ đậm đà tình thương con và cũng đậm đà ý nghĩa chiến đấu.

Chiến hào mặt đất dọc ngang
Sẽ dài như những con đường con qua
Hầm sâu giờ quý hơn nhà
Súng là tình nghĩa đạn là lương tâm
Mẹ nuôi ngọn lửa trong hầm
Để khi khôn lớn con cầm lên tay
Những điều mẹ nghĩ hôm nay
Ghi cho con nhớ những ngày còn thơ

(Tuổi thơ của con)

Với Gió Lào cát trắng, thơ Xuân Quỳnh đã lớn lên nhiều trong cách nhìn, cách nghĩ chín chắn và từng trải. Nhà thơ đã ý thức hơn vị trí của người nghệ sĩ và chức năng của thơ trong cuộc chiến đấu chung. Đó là tập thơ hay nhất trong tất cả các cây bút nữ lúc đó. Sau Đại thắng mùa Xuân 1975 cũng như nhiều nhà thơ khác, Xuân Quỳnh có dịp đi trên nhiều miền của đất nước. Tập Lời ru trên mặt đất mang cảm hứng chủ đạo là niềm vui đất nước liền một dải, hồi sinh và náo nức dựng xây. Có những điều rất giản dị nhưng phải qua bao nhiêu kỳ tích mới đạt được.

Hai mươi năm hai mươi năm mong nhớ
Hai mươi năm tôi mới có một khung cửa sổ
Để mở ra là gặp quê nhà

(Đêm trở về)

Và da diết hơn là nỗi nhớ những người không được nhìn thấy ngày đoàn tụ:

Con đã tới mũi Cà Mau sóng vỗ
Những vùng đất trong giấc mơ tuổi nhỏ
Những đèn vui lửa sáng của muôn nhà
Người đã bên nhau, cầu đã nối bờ
Càng thương mẹ, thương câu hát cũ

(Gửi mẹ)

Đất nước thống nhất không chỉ có niềm vui mà còn có bao nhiêu công việc phải lo toan. Xuân Quỳnh sống đời sống nội tâm của những người con trai, con gái miền Bắc đi xây dựng khu kinh tế mới.

Em ở đây giữa nắng mênh mông
Mùa trái lạ, điệp trùng bờ bến lạ
Đất hoang dã gọi tay người đến vỡ
Thép gai còn nham nhở dấu ngày qua

Và khi ở vùng nắng ấm phương Nam, họ vẫn nhớ cái rét mướt của phương Bắc:

Miền nắng xa thăm thẳm một mình

Nghe rét đến nhớ về Hà Nội.

Nghe rét đến nhớ về Hà Nội là bài thơ đã nói được những điều tinh tế về tinh cảm Bắc – Nam. Xuân Quỳnh đã diễn đạt những tình cảm suy nghĩ của đời sống xã hội trong giai đoạn mới. Trong nhiều trường hợp ước mơ của cá nhân và ước mơ của dân tộc hài hoà nhuần nhuyễn. Tiếp nối những lời ru trước kia, bài Lời ru trên mặt đất nói lên nguyện vọng sâu xa của người phụ nữ sau những cuộc đời chiến tranh lâu dài ác liệt:

Ngủ đi con, hãy ngủ đi

À ơi cái ngủ đang về cùng con,

Từ trong lá cỏ tươi non,

Vượt lên mảnh đất vẫn còn mảnh bom

Từ ngôi nhà mới vừa làm

Nghe trong cái ngủ nồng nàn mùi vôi.

Lời ru thấm đượm tinh thần hoà bình xây dựng đó cũng không quên truyền thống đấu tranh:

À ơi ngọn lửa ngày xưa

Mẹ nuôi dưới đất bây giờ về đâu

Nhìn lên rực rỡ trên đầu

Lửa hôm qua đã trong màu cơ bay

Hoa thở dân gian, vừa hư ảo vừa xác thực tạo nên sự hấp dẫn của bài thơ này. Càng về sau Xuân Quỳnh càng chú ý viết cho các em. Chùm thơ xuân cho ba con nhỏ được người người đọc ưa thích. Tú Mỡ nhìn các cháu với con mắt của người ông vui tính (Một trò chơi không thành), Huy Cận thường chú ý những khía cạnh triết lý trong đời sống trẻ em (Hai bàn tay, Con tôm). Là người mẹ, điều giàu có nhất của Xuân Quỳnh là tình thương. Chính tình thương làm nên vẻ đẹp của các bài Mùa xuân mừng con thêm một tuổi, Cắt nghĩa, Con chả biết được đâu,… Với tình thương, tác giả nhìn ra  những kỳ thú trong lối nghĩ, lối nói của các em và cũng là một mảng của tâm hồn mình (Con yêu mẹ, Mùa dông nắng ở đâu?). Chỉ những người mẹ giàu tình thương, vui tính, và khẩu tài,… mới kể chuyện Cổ tích về loài  người cho các em nghe, rồi là bài Cái ngoan của Mí. Điều thắc mắc của Mí rất đáng yêu. Lời giải đáp cho Mí rất gọn đúng:

Cái ngoan mà đem cho

Lại càng ngoan hơn nữa.

Chùm thơ này đã nâng bản năng làm mẹ lên nghệ thuật làm mẹ. Có tình thương, có nghệ thuật người phụ nữ mới thấy hết hạnh phúc của mình. Nếu trước kia một mảng thơ tình yêu trong Chồi biếc cho thấy tâm hồn bạo và mới của cô thiếu nữ trong Lời ru trên mặt đất  mở ra thế giới nội tâm phong phú của người mẹ thuộc thế hệ mới. Phải chăng Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ mang đậm “nữ tính” nhất hôm nay.

* * *

Xuân Quỳnh thuộc thế hệ Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Nguyễn Khoa Điềm… những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay chị là một trong số ít cây bút nữ có sức sáng tạo dồi dào. Sự dồi dào đó là kết quả của một quá trình chịu khó đi sâu vào cuộc sống. Có thể nói không đến cùng Gió Lào cát trắng chị không có tập thơ về vùng ấy. Và thiếu tập thơ Gió Lào cát trắng, ý nghĩa xã hội của thơ Xuân Quỳnh sẽ hẹp đi nhiều!

Và điều quý hơn, cũng với sự dồi dào đó, thơ chị có bản sắc riêng. Đó là sự trẻ trung, chân thành. Trước kia, trong chùm thơ tình yêu ta đã gặp sự chân thành ấy. Sau này ta còn gặp những người làm việc trong gia đình: bà mẹ vất vả, người chị hay lo, những đứa con mỗi đứa một tính. Chị nói tự nhiên, không khoa trương, không lạm dụng kỹ xảo. Đọc thơ, ta như gặp một con người với những lo âu, suy nghĩ, vui buồn gần gũi. Chị có lối viết tưởng như thoải mái dễ dàng:

Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống, cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng

(Truyện cổ tích loài người)

Từ ngữ như gọi nhau, như say như tỉnh, biến hoá thông minh, như bản chất những đồng dao xưa cổ nhất. Quả thật ngôn ngữ của Xuân Quỳnh trở nên mềm mại duyên dáng hẳn khi kế thừa và phát triển những vẻ đẹp của ngôn ngữ ca dao dân ca:

Mẹ lại hát ru con bài ca đất nước

Vợ cấy chồng cày đồng cạn đồng sâu

Và yêu nhau cởi áo cho nhau.

Ta nhớ nhớ lại âm điệu của câu hát quan họ, của những màu sắc sặc sỡ của hội chèo làng quê Việt Nam. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh có những nét như bàng quơ, như vô lý, như thừa thãi,… nhưng đó chính là cái hồn nhiên, nhiều bản ăng của nghệ thuật hát ru dân tộc. Một loạt bài thơ như: Khi con ra đời, Lời ru, Tuổi thơ của con, Lời ru trên mặt đất thể hiện rõ đặc sắc của thơ Xuân Quỳnh.

Nguyễn Xuân Nam