Dập dìu trăng mạn gió lèo,
Lòng ngâm vân thuỷ(2) lơi chèo yên ba(3).
Cảnh Tây hồ khen ai khéo đặt,
Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền(4).
Bóng kỳ đài(5) giăng mặt nước như in,
Tàn thảo thụ(6) lum xum toà cổ sát(7).
Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà(8) bát ngát,
Hỏi năm nao vũ quán điếu đài(9).
Mà cỏ hoa man mác dấu thương đài(10),
Để khách rượu làng thơ ngơ ngẩn.
Yên tiêu Nam quốc mỹ nhân tận,
Oán nhập đông phong phương thảo đa
(11).

Đồ thiên nhiên một áng(12) yên ba,
Dễ khiển hứng câu thơ chén rượu.
Buồm nửa lá trăng thanh gió dịu,
Chiền đâu đây một tiếng chuông rơi.
Tây Hồ cảnh biết mấy mươi.

Nguồn: Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ do Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Lao động, 2011


* Chú thích:

(1) Tây Hồ: Hồ Tây, một hồ lớn ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, có nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử.

(2) Vân thủy: mây nước.

(3) Yên ba: khói sóng.

(4) Lâm tuyền: rừng và khe, chỉ chỗ ẩn dật.

(5) Kì đài: đài dựng cột cờ.

(6) Thảo thụ: cỏ cây.

(7) Cổ sát: chùa cổ, đây chỉ chùa Trấn Quốc.

(8) Cô vụ: con cò lẻ loi; lạc hà: ráng chiều; lấy ý từ bài Đằng Vương các tự của Vương Bột đời Đường: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”, (Ráng chiều với con cò lẻ cùng bay, Nước mùa thu với trời thẳm cùng một màu).

(9) Vũ quán: quán mùa hát; điếu đài: đài câu cá (của chúa Trịnh xây trên Hồ Tây).

(10) Thương đài: rêu xanh.

(11) Hương tàn người đẹp phương Nam hết, Buồn thay gió đông thổi vào cỏ thơm nhiều. Đây là hai câu trong bài thơ Quá Dượng Đế hành cung của Lưu Thương đời Đường.

(12) Áng yên ba: đám khói sóng.