Thuyền từ(1) một lá vơi vơi,
Bể trần chở biết bao người trầm luân(2).
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật(3)
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài.
Chiếc thuyền từ một lá vơi vơi,
Vớt chìm đắm đưa người lên cõi tĩnh.
Chữ kiến tính cũng là suất tính(4),
Trong ống dòm(5) đổ tiếng hư vô.
Kẻ muốn đem nhân kỳ nhân, hoả kỳ thư, lư kỳ cư(6),
Song đạo thống(7) hỏi rành rành công cứ(8).
Bạng y thiên lý hành tương khứ,
Đô tự nhân tâm tố xuất lai(9).
Bát khang trang(10) chẳng chút chông gai,
Cùng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc(11).
Trong nhật dụng(12) sao rằng đạo khác,
Cái luân hồi chẳng ở đâu xa.
Nghiệp duyên vốn tại mình ra,
Nơi vuông tấc(13) đủ thiên đường địa ngục.
Vì chưa thoát lòng trần mắt tục,
Nên mơ màng một bước một khơi.
Khiến cho phiền muộn Như Lai.

Nguồn: Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ do Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Lao động, 2011


* Chú thích:

(1) Thuyền từ: thuyền của nhà Phật, dịch ở chữ “từ phàm” (buồm từ) trong kinh Phật ra.

(2) Trầm luân: chìm đắm

(3) Trên trời và dưới trời không ai bằng Phật, câu của đức Thích Ca nói khi mới sinh ra: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới đất duy ta là một).

(4) Kiến tính: thấy rõ cái tính của mình, chữ kinh Phật. Suất tính: noi theo cái tính của mình.

(5) Trong ống dòm: lấy điển chữ Dĩ quản khuy thiên (lấy ống dòm trời), ý chê những người thiển cẩn.

(6) Đuổi người, đốt kinh, lấy chùa ở. Câu này ở trong bài Phật cốt của Hàn Dũ đời Đường.

(7) Đạo thống: giường mối của đạo.

(8) Công cứ: mọi người đều theo.

(9) Đạo dựa theo lẽ trời ra, Đều bởi tự lòng người lại.

(10) Bát là đồ dùng của nhà chùa; khang trang là rộng rãi; ý nói đạo Phật rộng rãi.

(11) Hà Lạc: do chữ “Hà đồ Lạc thư”: Đời vua Phục Hy có con long mã dâng đồ ở sông Hà, vua nhân đó mà hoạch ra bát quái; đời vua Đại Vũ có con rùa đem thư ra sông Lạc, vua nhân đấy mà chế ra cửu trù.

(12) Nhật dụng: ngày thường dùng.

(13) Vuông tấc: do chữ phương thốn ra, tức là lòng người.