Max Brod từng nói: “Sẽ có ngày, thế kỷ XX được gọi là thế kỷ của Kafka”. Lời nhận định trên của Max Brod hoàn toàn không phải là sự quá lời dành cho người bạn quá cố của ông. Mà đó là lời nhận xét thật lòng của một nhà văn dành cho một người đồng nghiệp, một thiên tài văn chương cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sở dĩ Max Brod có thể nói như vậy bởi những sáng tác còn lưu giữ được cho đến ngày nay của Kafka nói chung, độc giả đều nhận thấy một hướng đi riêng của nhà văn trong việc sáng tạo nghệ thuật. Cụ thể, ở đó, tác giả đã sáng tạo nên những huyền thoại độc đáo. Mà tác phẩm Vụ án là một trong những tác phẩm hết sức tiêu biểu cho sự sáng tạo huyền thoại này của Franz Kafka.
Tái hiện huyền thoại trong Kinh Thánh
Kafka sáng tác Vụ án vào năm 1924 nhưng ông đã bỏ dở vào tháng Hai năm 1925, cuốn tiểu thuyết, tính cho đến thời điểm đó, đều trong trang thái bản thảo và chưa hoàn thành. Ấn bản Vụ án còn lưu truyền đến ngày nay đã qua sự gọt giũa, chỉnh sửa của Max Brod khi ông “cứu” được tác phẩm ấy khỏi ngọn lửa vùi do chính Kafka tạo nên vào quãng thời gian ngay trước khi ông mất. Nhưng dẫu tồn tại dưới dạng nào, bản thảo hay cuốn sách hoàn chỉnh hiện nay, Vụ án vẫn là một huyền thoại khó lý giải mà ở đó, tầng tầng những ẩn dụ của tác giả có thể khiến cho độc giả diễn giải theo nhiều cách khác nhau mà cách diễn giải nào cũng hợp lý.
Kafka sáng tạo nên huyền thoại trong Vụ án, nhưng đồng thời, tác phẩm cũng là sự tái hiện huyền thoại trong Kinh Thánh. Từ trái táo mà Joseph K ăn vào buổi sáng khi anh bị hai gã canh giữ xông vào nhà kết tội anh vào một vụ án đã gợi người ta nghĩ về tội tổ tông trong Kinh Cựu Ước: Adam – Eva đã ăn trái cấm (trái táo), cãi lại lệnh Chúa Trời. Vì thế mà hai người bị Chúa trừng phạt, đẩy khỏi Vườn Địa Đàng xuống trần gian. Cũng như Joseph K, sau buổi sáng hôm ấy, anh đã vướng vào một vụ án đẩy anh ra khỏi cuộc sống thường nhật.
Hay sự tái hiện huyền thoại Kinh Thánh còn thể hiện ở thời gian Joseph K nhận dược trên tờ phiếu triệu tập của tòa: Đến tòa án vào ngày Chủ nhật. Đây là một hiện tượng bất bình thường bởi chủ nhật là ngày nghỉ của các cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng đồng thời chi tiết này cũng ngầm ám chỉ đến việc Joseph K được Chúa triệu tập vì trong Kinh Thánh, ngày Chủ nhật cũng là ngày Chúa Nhật.
Hình ảnh con người chống lại sự cứu rỗi của Kyto giáo
Nhưng hơn cả, sự sáng tạo huyền thoại của Kafka trong tiểu thuyết Vụ án còn gắn liền với hình tượng con người chống lại sự cứu rỗi của Kyto giáo mà kết tinh lại ở hình ảnh nhân vật Joseph K. Dù đến cuối cùng, sự chống lại đó chỉ đưa con người tới sự thất bại. Có thể nói, ở khía cạnh này, nhà văn đã xây dựng lên một thế giới hiện thực nhưng lại đầy huyền ảo, hay nói cách khác là huyền thoại hóa thế giới hiện thực.
Trong thế giới của Vụ án, những yếu tố bình thường cùa cuộc sống cũng trở nên quái lạ, bất thường, phi lý; ranh giới giữa thực – ảo trở nên hết sức mơ hồ, biến ảo, khiến không chỉ nhân vật mà ngay chính độc giả cũng dễ nảy sinh cảm giác hoang mang khó phân định thực mơ. Ở đó, vụ án Joseph K dính phải được huyền thoại hóa ngay từ những trang đầu tiên, từ bối cảnh, những tình tiết phát triển vụ án, cách thức bộ máy tòa án vận hành…
Joseph K bị vướng vào một vụ án mà kẻ kết tội anh là một tòa án, song lại hiện lên như thế lực siêu hình, càng tim lại càng chẳng thấy. Thế lực đó biến mọi điều phi lý đều trở thành có lý, đạp lên mọi chuẩn mực thông thường trong quy trình xét hỏi xử kiện thông thường. Hai kẻ canh gác xông vào căn hộ Joseph K thuê mà không một lời giải thích, chỉ nói rằng anh có tội, anh phải theo một vụ án. Song tội danh của anh là gì, chúng không hề nói. Mọi giấy tờ tùy thân anh đưa ra nhằm chứng minh mình vô tội, hai kẻ đó cũng không thèm ngó ngàng đến.
Và từ sau buổi sáng hôm ấy là hành trình dai dẳng đeo đuổi vụ án của Jeseph K. Song tất nhiên, càng theo đuổi, càng cố gắng tìm đến cùng sự thật về vụ án, Joseph K càng thất vọng và mệt mỏi. Bởi vốn dĩ, làm gì có vụ án nào. Song cả thế giới ấy đều khẳng định Joseph K dính phải một vụ án. Mà khi bị kết tội như vậy, tâm lý con người sẽ tìm mọi cách để chứng minh mình vô tội. Nhưng ngay chính tâm lý của K, tìm cách chứng minh mình vô tội đã ngầm thừa nhận mình có tội dẫu bản thân anh biết rằng, đây vốn là một vụ án oan.
Bản chất vụ án lẫn phiên tòa, tòa án của Joseph K cũng là một thứ gì đó hết sức mơ hồ, hoang đường. Anh bị kết án, những kẻ kết án anh đều xác định vụ án của anh cực kỳ nghiêm trọng nhưng Joseph K vẫn “có tự do”, được tại ngoại, vẫn được đi làm và sống một cuộc đời bình thường. Phiên tòa K tham dự mà đến cuối cùng nó có thực là phiên tòa khi những người phụ trách lại chẳng hiểu gì về vụ án họ xét xử. Ai kết án, kết án vì tội gì, tại vì sao lại kết án. Tất cả bí ẩn đó đều chỉ được giải đáp bằng một lời đáp hết sức hờ hững: Joseph K cần phải đi hỏi cấp trên. Nhưng cấp trên lại có cấp trên cao nữa và đến cuối cùng, cấp trên ấy mãi mãi là một bí ẩn cao vời vắng mặt. Và điều này dường như gợi con người ta liên tưởng đến sự vắng mặt của một đáng tối cao, hay chính là đấng toàn năng trong sự phán xét, trong tòa án của con người.
Đồng thời, danh tính của con người ở vụ án của Joseph K cũng đặc biệt trở nên mơ hồ. Một kẻ thợ mộc tên Lanz do Joseph K tự tưởng tượng ra bỗng dưng được thừa nhận là có tồn tại, sự thiếu tên gọi của các quan tòa, thẩm phán làm cho người đọc như cảm tưởng: anh có thể là anh, nhưng cũng có thể là bất cứ ai trong tòa án ấy. Danh tính, thứ để gọi tên một con người, cuối cùng cũng trở nên nhòe mờ trong thế giới hư thực, hiện thực nhưng nhuốm màu huyền ảo mà Kafka tạo dựng lên.
Khép lại câu chuyện, Joseph K chết, chết trong sự mệt mỏi khi theo đuổi vụ án mà đến cuối cùng anh vẫn không hiểu được anh có tội gì, quan trọng hơn là không hiểu được hệ thống tòa án đã kết tội anh. Thế giới mà Joseph K đã sống là thế giới phi lý, nơi người ta mặc nhiên thừa nhận tư tưởng, hành động người khác gán cho một cá thể. Joseph K vướng vào vụ án, gần như không ai quá đỗi ngạc nhiên, mọi người đều bình thản trước sự kiện đó.
Cũng giống như Gregor Samsa, hóa thân thành một sinh vật khổng lồ nhưng cả thế giới quanh anh vẫn vận hành bình thường như sự tồn tại của anh không hề có ý nghĩa. Có thể nói, chính cái sự mơ hồ, hư thực đã giết chết một Joseph K, bởi không gì dễ giết chết tinh thần một con người hơn là khiến con người đó kiệt quệ, mất phương trong một mê cung chằng chịt của sự hoài nghi về bản thân, con người lẫn xã hội. Và ngay chính kết cấu theo motif mê cung như vậy cũng là một cách tái tạo motif thường thấy trong thần thoại Phương Tây của Kafka ở tác phẩm Vụ án.
Joseph K là mẫu hình của những kẻ chống lại sự cứu rỗi nhưng đến cuối cùng vẫn đi đến kết cục của sự thất bại. Và huyền thoại được sáng tạo lên trong tác phẩm Vụ án là một thứ huyền thoại gắn liền với hiện thực, một thứ huyền thoại được tạo dựng, khúc xạ lên từ chính những điều phi lý, vô nghĩa lý trong cuộc sống. Mà ở đó, con người bị bủa vây bởi một hệ thống mê cung, mạng nhện chằng chịt những hoài nghi, những sự hư thực không rõ ràng của sự quan liêu, độc tài. Và, giữa bao vụ án, bao tòa án, đã có bao Joseph K thực sự xuất hiện ngoài đời thực?
Mọt Mọt