I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Võ Quảng (1920 -2007), là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi.

– Ông cũng là người đầu tiên dịch tác phẩm Đôn Kihôtê sang tiếng Việt dưới bút danh Hoàng Huy từ năm 1959. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

– Bài “Vượt thác” được trích từ chương XI của truyện “Quê nội”.

– Tác phẩm viết về cuộc sống làng quê của hai nhân vật Cục và Cù Lao. 

b. Bố cục

– 3 phần:

+ Từ đầu à thuyền chuẩn bị vượt qua nhiều thác nước: con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng.

+ Tiếp theo à thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò: con thuyền vượt qua đoạn sông có nhiều thác dữ

+ Còn lại: Con thuyền đã vượt qua thác dữ, đi trên khúc sông phẳng lặng

=> Bài văn có trình tự miêu tả khá giống với “Sông nước Cà Mau”: như một thước phim quay chậm, theo chân con thuyền à miêu tả theo trình tự thời gian. Tuy nhiên, theo trình tự ấy, chỉ có hai hình ảnh được tác giả tập trung thể hiện nổi bật: bức tranh thiên nhiên và con người. Tất cả đều hiện lên rất đẹp và ấn tượng.

II. Tìm hiểu tác phẩm

1. Vẻ đẹp của thiên nhiên

– Vùng đồng bằng:

+ Dòng sông êm đềm, hiền hòa, thơ mộng

+ Thuyền bè tấp nập

+ Hai bên bờ là quang cảnh trù phú, khoáng đạt với bãi dâu trải ra bạt ngàn.

– Sắp đến đoạn có nhiều ghềnh thác: vườn tược um tùm, chòm cổ thụ đứng trầm ngâm, núi cao đột ngột hiện ra

– Ở đoạn sông có nhiều ghềnh thác: dòng sông hiểm trở, dữ dội

– Khi vượt qua thác: dòng sông chảy quanh co; đột ngột mở ra một cùng đồng bằng rộng lớn

=> Cảnh sắc thiên nhiên có nhiều đổi thay, đa dạng, phong phú. Đưa người đọc đi từ ngỡ ngàng này đến những ngỡ ngàng khác.

=> Thiên nhiên không đẹp hiền hòa mà đẹp một vẻ đẹp hùng tráng, hoang sơ, kì vĩ. Thiên nhiên trong bài là hình ảnh của dòng sông và hai bên bờ. Tuy chỉ có hai hình ảnh nhưng chúng đã được tái hiện rất rõ nét, thể hiện rõ vẻ đẹp của vùng đất miền Trung.

Có hai hình ảnh được tác giả lặp lại ở phần đầu và cuối của đoạn trích: hình ảnh những cây cổ thụ. Nếu ở đoạn đầu, những cây cổ thụ đứng trầm ngâm nhìn xuống nước như báo hiệu một khúc sông hiểm trở thì ở đoạn cuối, những cây to vung tay lại như mời gọi về phía trước, chẳng khác nào tâm trạng hào hứng, phấn chấn của con người khi vượt qua được thác ghềnh nguy hiểm.

2. Vẻ đẹp của con người lao động

– Về hình dáng: khỏe mạnh, cường tráng, tư thế hào hùng, dũng mãnh (như pho tượng đồng, như hiệp sĩ của Trường Sơn)

– So sánh với pho tượng đồng đúc : tô đậm sức khỏe, sự rắn chắc, nước da nâu đỏ sậm (trơ như đá, vững như đồng)

– So sánh với hiệp sĩ của Trường Sơn: gợi ra hình ảnh huyền thoại của những anh hùng => tầm vóc và sức mạnh của người dũng sĩ

– Về hành động: mạnh mẽ, dứt khoát trong cuộc chiến đầy căng thẳng

=> Nhân vật được tập trung khắc họa nổi bật trong cuộc vượt thác. Dượng Hương Thư vừa là người đứng mũi chịu sào quả cảm, vừa là người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm.

 Khi nói về con người lao động, chắc hẳn không ít người trong chúng ta tưởng tượng đến những con người gầy còm, rách rưới, người đầy bùn đất, đầy mồ hôi. Không nghĩ tới, trong những trang văn của Võ Quảng, người dân lao động lại hiện lên đẹp đẽ đến vậy. Họ chẳng khác nào những người anh hùng với dáng vóc, vẻ đẹp của những vị thần, những dũng sĩ. Và họ đúng là những người hùng trong trận chiến chinh phục thiên nhiên. Hình ảnh dượng Hương Thư khiến ta nhớ lại chàng Sơn Tinh dũng cảm đương đầu và đánh bại Thủy Tinh trong truyền thuyết xưa. Song, ẩn chứa trong cái tư thế hào hùng kia lại biết bao những nhọc nhằn, vất vả của con người trong công cuộc mưu sinh. Họ phải đối mặt với khó khăn thử thách từng giờ, đối mặt với khó khăn thử thách hàng ngày, phải đánh cuộc cả mạng sống của mình cho cuộc sống đầy khó khăn, vất vả.

Tác giả so sánh dượng Hương Thư lúc vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà: nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ. Sao không phải là một dượng Hương Thư lúc nào cũng mạnh mẽ, oai hùng? Cách miêu tả ấy càng làm nổi bật nét đẹp của con người lao động. Những con người bình dị, nhu mì, mộc mạc trong cuộc sống lao động đầy hiểm nguy, gian khổ đã hóa thành những người anh hùng mạnh mẽ, can trường. 

III. Tổng kết

1. Nội dung

– Qua cảnh vượt thác của dượng Hương Thư, chú Hai và thằng Cù Lao, nhà văn ca ngợi cảnh thiên nhiên miền Trung đẹp, hùng vĩ, ca ngợi con người lao động dũng mãnh, hào hùng mà khiêm nhường, giản dị.

– Qua đó, ta cũng thấy được tình yêu sâu đậm của tác giả dành cho quê hương của mình.

2. Nghệ thuật

– Nghệ thuật tả cảnh, tả người từ điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác rất tự nhiên, sinh động.

– Biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa.