Bài viết phân tích về không gian, phong tục và đặc trưng tính cách, tâm hồn của con người xứ Huế (đầu thế kỷ XX) đã được thể hiện một cách rõ nét, sinh động trong tập truyện ngắn “Quê mẹ” của nhà văn, nhà thơ Thanh Tịnh. Từ đó, làm nổi bật giá trị bền vững của tập truyện ngắn và những biến thiên thời cuộc của xã hội Việt Nam.
Thanh Tịnh (1911-1988) là nhà văn xứ Huế tiêu biểu trong nửa đầu thế kỷ XX. Ông có tên khai sinh là Trần Văn Ninh, lên sáu tuổi đổi tên thành Trần Thanh Tịnh, bút danh Thanh Tịnh đi theo sự nghiệp sáng tác của ông từ ấy. Thanh Tịnh vừa làm thơ, vừa viết tản văn và truyện ngắn. Ông là một trong những tác gia sớm thành danh trong giai đoạn tiền chiến, trong giai đoạn văn học kháng chiến và giai đoạn hòa bình sau 1975, Thanh Tịnh đều có những cống hiến quan trọng. Thơ của Thanh Tịnh từng được Hoài Thanh đưa vào công trình phê bình nổi tiếng là Thi nhân Việt Nam. Văn chương của Thanh Tịnh phong phú trong trải nghiệm, bởi ông là một người đi nhiều, chiệm nghiệm và quan sát nhiều, song vẫn đậm đà bản sắc rất riêng của xứ Huế cố đô. Bản sắc Huế trong văn chương Thanh Tịnh có khi hiển lộ lên bề mặt, thông qua những địa danh cụ thể, có thật của xứ Huế, song đôi khi ẩn hiện trong chiều sâu tính cách, tâm hồn, ứng xử văn hóa của nhân vật. Tản văn – truyện ngắn Tôi đi học có lẽ là tác phẩm văn xuôi tiêu biểu và cũng nổi tiếng nhất của Thanh Tịnh mà người Việt Nam nào cũng biết, ai cũng đọc/ học bởi được đưa vào sách giáo khoa. Trong tác phẩm này, ta thấy được cái tôi trữ tình đầy nhạy cảm, những cảm xúc sâu lắng, khả năng biểu đạt trạng thái tâm hồn đầy tinh tế của Thanh Tịnh – một người con xứ Huế.
Giống như Mạc Ngôn dành cả sự nghiệp viết về huyện Cao Mật, Gabriel García Márquez chủ yếu viết về ngôi làng tưởng tượng Macondo, hay Nguyễn Quang Thiều dành cả hồn thơ để viết về làng Chùa quê hương ông, gần như toàn bộ sự nghiệp văn xuôi của Thanh Tịnh đều viết về làng Mỹ Lý – một làng quê xứ Huế do Thanh Tịnh sáng tạo ra, song nó chân thật và tiêu biểu cho không gian văn hóa xứ Huế. Làng Mỹ Lý giống làng Macondo của Márquez, hoàn toàn là một sản phẩm tưởng tượng của nhà văn, song đạt được tầm khái quát, đại diện cho bản sắc của cả một vùng địa văn hóa. Vì không là một địa danh cụ thể, có thật nào, nên cả Macondo và Mỹ Lý đều thấp thoáng đại diện cho mọi không gian văn hóa Mĩ Latinh hay xứ Huế. Trong văn học, không có thật không phải là bịa, và sự hư cấu khi đạt được tầm khái quát nhất định, sẽ làm nổi bật ý nghĩa muốn hướng đến hơn là phản ánh hiện thực như thật.
Thanh Tịnh sinh ra tại xóm Gia Lạc, thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng, xóm Gia Lạc thuộc làng Dương Nỗ – một làng quê ngoại ô phía Đông của thành phố Huế. Mọi cảm xúc đi học lần đầu của Thanh Tịnh được hun đúc từ Trường tiểu học Dương Nỗ xưa kia. Gần như trong mọi truyện ngắn ở tập Quê mẹ, Thanh Tịnh đều viết về làng Mỹ Lý, cộng hưởng với những địa danh có thật, những làng quê có thật ở xứ Huế. Mỹ Lý hiện lên thật sống động, lãng mạn nên thơ hơn bất cứ địa danh có thật nào ở xứ Huế trong văn Thanh Tịnh. Rất có thể, Thanh Tịnh đã chọn địa danh Mỹ Lý nhằm đại diện cho không gian văn hóa xứ Huế là bởi địa danh này đọc lên nghe rất thơ. Nhà văn Márquez cũng tâm sự rằng, địa danh Macondo trong những hư cấu của ông (tiêu biểu nhất là trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn) từng xuất hiện lần đầu trong một giấc mơ của nhà văn người Colombia. Ông lựa chọn ngay địa danh hư cấu ấy nhằm đại diện cho không gian văn hóa Mĩ Latinh là bởi Macondo đọc lên nghe rất nên thơ. Mỹ Lý đọc lên cũng nên thơ và lãng mạn không kém phần Macondo, đó có thể là nguyên do nhà văn Thanh Tịnh lựa chọn. Song bản sắc xứ Huế trong văn xuôi Thanh Tịnh không chỉ gói gọn trong địa danh Mỹ Lý, mà ta hoàn toàn có thể khảo sát trong nhiều chiều kích nghệ thuật. Trong khuôn khổ bài viết này, nhằm làm rõ bản sắc Huế (đầu thế kỷ XX) trong văn chương Thanh Tịnh, tôi sẽ tiến hành khảo cứu trên ba luận điểm cơ bản.
1. Không gian văn hóa xứ Huế
Tập truyện ngắn Quê mẹ có dung lượng ngắn, 18 truyện ngắn trình bày gọn trong 130 trang sách khổ bé (trung bình 01 truyện chỉ dài 07 trang), bởi số chữ trong từng truyện ngắn cụ thể của Thanh Tịnh thực sự khiêm tốn. Những truyện dài nhất của ông chỉ lên đến 9 hay 10 trang sách. Tuy nhiên, khi đọc tập truyện nói chung và các truyện ngắn nói riêng, chúng ta nhận ra không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc Huế trong gian đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Một trong những thủ pháp tiêu biểu của Thanh Tịnh khi miêu tả không gian văn hóa xứ Huế, đó là ông sử dụng rất nhiều những địa danh có thật, nổi tiếng của xứ Huế, bên cạnh địa danh làng Mỹ Lý trong tưởng tượng. Những người con xứ Huế, hay những người nặng lòng với mảnh đất “thần kinh” này, đều ít nhiều từng thăm viếng, vãn cảnh ở phá Cầu Hai, cửa biển Tư Hiền, đèo Phước Tượng, sông Phù Mỹ, núi Truồi… và hàng loạt những làng quê đại diện cho văn hóa làng xã nông nghiệp xứ Huế như làng Thanh Ý, làng Thế Chí, làng Vân Thọ, xóm Bình Lư, làng Thanh Mỹ, làng Hòa An… Thanh Tịnh đã làm sống động lên không gian địa văn hóa của Huế bởi những địa danh có thật và khá nổi tiếng này. Song tất cả không chỉ có vậy.
Nét đặc sắc trong Quê mẹ của Thanh Tịnh, đó là nhà văn đã làm nổi bật được vẻ đẹp tiêu biểu, đặc thù của không gian xứ Huế, thông qua những trang văn tinh tế giàu xúc cảm. Huế là một vùng đất vừa có núi, có biển, có sông, có đèo, có đầm phá mênh mang, tất cả đều mang một vẻ đẹp rất riêng của xứ kinh đô cuối cùng của một triều đại phong kiến ở Việt Nam. Tập truyện ngắn Quê mẹ dành nhiều không gian cho sông nước, biển hồ. Trong truyện Bến nứa, Thanh Tịnh miêu tả thật đẹp và buồn không gian sông nước mênh mang xứ Huế: “Trời mưa tầm tã… Tiếng cô lạc mất trong tiếng mưa rì rào của buổi chiều tàn buồn bã. Hôm ấy thuyền cô vắng khách… Nhưng sau lũy tre cao ngọn, cô ta chỉ nom thấy vài ngọn đèn xanh đang rung rinh trong bóng nhạt… Làng Viễn Trình ở gần biển, nên dân trong làng thường đem tôm cá lên chợ Thiên bán… Trời xẩm tối. Thuyền của Phương đến đầu làng Mỹ Lý thì trời tạnh mưa. Xa xa bên chân đồng làng Duyên Hải, đám mây đen dày đặc đã nứt nở ra dần, để lọt một thứ ánh sáng xanh rờn của mảnh trăng cuối thu”1. Chỉ qua đoạn trích ngắn này, ta đã có thể nhận ra những gì là thế mạnh trong phong cách của Thanh Tịnh.
Qua tập truyện ngắn Quê mẹ, bạn đọc còn có thể gặp gỡ rất nhiều cảnh đẹp, không gian đặc thù tại Huế như hàng cau ban đêm trong nhà vườn Huế. Dưới đôi mắt của những kẻ đang yêu si tình trong truyện ngắn Tình thư, cảnh nhà vườn Huế ban đêm hiện lên thật thơ mộng: “Chị Sương chống cằm ngồi yên lặng, hai mắt đăm đăm nhìn lên đọt cau gió khuya đưa qua lại. Ngoài đường lúc ấy vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng xa xa đưa lại vài tiếng chó sủa lên trời hay những nhịp đều đều của mấy chiều chày vồ giã gạo2. Không gian xứ Huế khi đã đề cập đến, không thể thiếu những cảnh vật lăng tẩm, phủ miếu đền đài của giai cấp phong kiến. Trong khi Thăng Long – Hà Nội không còn nhiều di tích thời chế độ phong kiến, do sự mai một của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh và quá trình đô thị hóa hiện đại diễn ra mạnh mẽ, thì cho đến thời điểm này, Huế vẫn là địa danh gìn giữ lại nhiều nhất không gian sinh hoạt của chế độ phong kiến xưa. Do đó, Việt Nam có khá nhiều địa danh được gọi là cố đô, song cố đô Huế luôn là nơi tiêu biểu, điển hình nhất cho một thời kỳ vàng son lịch sử trung đại.
Đọc truyện ngắn Con ông hoàng của Thanh Tịnh, chúng ta bắt gặp một không gian nhà vườn đầy hoài niệm tráng lệ của những người từng giữ vị trí cao trong chế độ phong kiến, nhưng giờ đây nhanh chóng suy tàn, sa sút trong thời đại mới. “Ở chính giữa làng Mỹ Lý và đối điện với đình làng Mây bên kia sông, là cái phủ nguy nga của ông Hoàng Thiên Ý. Ông Hoàng này oai quyền hống hách một thời xưa. Ông Hoàng qua đời đã lâu, con cháu của ông ta không có mấy, nên cảnh phủ càng ngày càng tiêu điều… Trước sân phủ có mất cây ổi lớn nên tôi nhớ lại thăm anh Vân luôn. Phủ tuy cao rộng thênh thang nhưng lúc nào cũng tối tăm và ảm đạm. Những cánh cửa trước tiền đường không mấy khi mở. Bầu không khí ở trong vì vậy trở nên nặng nề khó thở. Trước kia tôi thấy trong phủ có lắm cổ vật quý giá và đẹp mắt. Nhất là những chiếc lư hương bằng ngọc hay là những cành hoa bằng bạc chạm. Nhưng bao nhiêu vật báu ấy dần biến dần đi đâu mất… Cảnh phủ càng ngày càng tiêu điều, còn phía trong thì càng thấy rộng thêm mãi. Bát lư hương sành đến thay thế bát lư hương ngọc, và cách vài tháng sau tôi chỉ còn thất bát lư hương bằng gỗ. Bao nhiêu cột trong Phủ đã thấy trống trơn và cũ nát, vì chung quanh thân cột không có vật gì bám vào để làm bận mắt nữa”3. Như vậy, một không gian xứ Huế xưa hiện ra đẹp và tiêu điều bởi giai cấp phong kiến từng cầm quyền ở xứ này đã nhanh chóng sa sút và mất đi những đặc quyền kinh tế, trong chế độ nửa thực dân nửa phong kiến tiền chiến, cũng như giai đoạn cách mạng lên nắm quyền đã chủ trương giải phóng giai cấp cho những người cần lao. Dù vì lý do gì đi chăng nữa, không gian sinh hoạt của giai cấp phong kiến cũng đã nhanh chóng suy tàn, nhưng nó vẫn ở đó, lưu giữ vẻ đẹp vàng son một thời, gợi ra cho chúng ta rất nhiều bâng khuâng, hoài niệm về một thời hoàng kim chưa xa của Huế.
Bản sắc Huế còn được chuyển tải trong những không gian chùa chiền, bởi đây là mảnh đất của Phật giáo. Chùa Huế vừa đặc trưng, lại vừa là kết tinh của nghệ thuật kiến trúc thời trung đại ở Việt Nam. Những ngôi chùa xứ cố đô thường được tọa lạc trong những khung cảnh thiên nhiên hữu tình, những công trình nhân tạo được xây dựng hòa quyện với thiên nhiên, chìm đắm và hòa hợp với vẻ đẹp của trời đất. Ta có thể kể đến nhiều địa danh chùa Huế như Huyền Không Sơn Thượng, Linh Mụ, Từ Hiếu, Từ Đàm, Bảo Quốc… Trong tập truyện ngắn của Thanh Tịnh, không thể nào thiếu không gian của Phật giáo. “Bạch sư cụ, sáng nay nhân qua suối Nguyện hái hoa con lại thấy trên dải sông Tương thuyền của đám ngư phủ đang đua nhau chèo xuôi về cuối núi… Bạch sư cụ, và rừng mai sau triền núi Thệ hôm nay cũng trổ hoa trắng cả trời… Thế là mùa xuân sắp đến và thuyền ngư phủ đã trở lái về quê hương… Đêm hôm ấy trời tối đen như mực. Muôn ngôi sao đang run rẩy trên từng không. Về phía xa, cánh rừng mai đã loang loáng phơi một màu trắng sữa. Một mùi hương nhẹ ướp thơm cả khí trời. Cơn gió lạnh thoảng trong rừng thông nghe mơ màng như bản đàn mới dạo. Trước mái am tranh cây sơn trà ngập ngừng thả rơi từng chiếc lá một… Giữa lưng núi, những đàn đom đóm cứ thong thả bay lên cao trong như một đoàn thiện nam tín nữ đốt hương lên am lễ Phật. Về phía đồng nội có vài cái rớn màu vàng lẫn trong ngàn mây xám… Cũng như bên kia rừng thẳm, ngọn thác rụt rè đổ từng nhịp nước xuống mênh mông… Xa xa trên đồi liễu có vài ngọn lửa ngàn không sưởi nổi cả một trời sương”4. Có lẽ trong truyện ngắn Một đêm xuân mà tôi vừa trích dẫn ở trên, Thanh Tịnh đã đẩy nghệ thuật tả cảnh trong văn xuôi Việt Nam nói chung và xứ Huế nói riêng đầu thế kỷ XX lên một tầm cao mới. Cái tôi trữ tình lãng mạn vẫn chiếm ưu thế trong văn Thanh Tịnh như thế giới mĩ cảm của các nhà văn thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Văn chương của Thanh Tịnh có thế mạnh đặc thù về miêu tả không gian đầy tính lãng mạn và nặng về cảm tính. Do đó, văn chương của ông dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người như một tác phẩm thi ca. Thanh Tịnh đặc biệt thích miêu tả những không gian miền cao của tự nhiên, chưa có nhiều sự can thiệp của con người: “Vào giữa trưa, chúng tôi đến địa phận làng Thanh Mỹ. Thời tiết về hạ nhưng may cũng chưa nắng gắt. Có lẽ vì nhờ hơi đá bốc lên cao và khói sương ủ xuống nặng. Trời tuy nắng nhưng thời tiết có vẻ dễ chịu. Qua khỏi đồi thông, am Sơn Thần, trước mắt chúng tôi hong núi Truồi dựng lên sừng sững, oai nghiệm như một vị linh thần. Sườn núi từ trên cao chạy xuống từng đường trắng, rồi tỏa rộng bốn bề như những ngọn thác lùa đá ùn thành đồi”5.
Nhắc đến không gian xứ Huế ngoài chùa chiền và núi non trùng điệp hữu tình, ta cũng không thể quên không gian đầm phá sông nước mênh mang đặc thù nhất của Việt Nam. Trong rất nhiều truyện ngắn trong tập Quê mẹ, Thanh Tịnh đã viết về không gian đầm phá, sông nước chằng chịt ở Huế. Ở đó, rất nhiều mảnh đời, cảnh ngộ gia đình sống trọn kiếp người trong những con thuyền trên sông nước, làm nghề chài lưới hay đưa đón khách qua sông, qua đầm phá. Truyện Làng là một ví dụ tiêu biểu cho không gian sông nước – đầm phá này: “Cách chân đèo Phước Tượng hai cây số và ở giữa phá Cầu Hai có một chồng đã xám mọc lên thật cao. Trên chồng đá ấy có cái am vôi trơ trọi đứng một mình. Mặt am nhìn về phía núi Tùy Vân và cách đó ba cây số là cửa biển Tư Hiền. Lưng am chênh chếch xây về dãy Trường Sơn và riêng hòn Bạch Mã trán cao chất ngất, về phía ấy chân núi bò ra tận phá và nhiều khoảng chuồi thẳng mình trong bầu nước rộng mênh mông… Từ phá Tam Giang đến Cầu Hai cách nhau ngót trăm cây số. Tôi phải chèo suốt ngày đêm… Tôi nhắm chừng chân đèo Phước Tượng chèo tới mãi. Nhưng càng đến gần sương mù càng sa xuống nặng. Sau tôi thấy như khói đặc từ mặt nước bốc lên không. Mặt phá vì thế trông mông lung không bờ bến. Xa xa đèo Phước Tượng như trôi dập dìu trong ngàn mây trắng”6.
Xét về không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Thanh Tịnh, có lẽ sẽ là thiếu sót lớn nếu không đề cập đến thứ không gian đầy lãng mạn và hoài niệm trong Tôi đi học – một trong những tác phẩm đã đi vào lòng mọi thế hệ độc giả từng cắp sách đến trường và là tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường… Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”7. Đoạn văn trên đã được bao thế hệ bạn đọc là những học sinh thuộc lòng, đi vào tâm thức của những thế hệ từng đi qua tuổi áo trắng như một hoài niệm đẹp. Dĩ nhiên, thứ không gian mùa thu, lá rụng ấy có màu sắc Bắc Kỳ hơn Trung Kỳ, nó có tính khái quát chung bởi Thanh Tịnh không cốt tả cảnh bên ngoài, mà cố gắng miêu tả sự thay đổi tâm trạng bên trong của đứa bé lần đầu đi học, sắp sửa dự lễ tựu trường đầy hồi hộp và náo nức. Nét đặc sắc của không gian xứ Huế trong Tôi đi học xuất hiện ở đoạn sau của tác phẩm nổi tiếng này: “Trước đó mấy hôm, lúc đi qua làng Hoà An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé lại trường một lần. Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ… Trước mặt tôi trường Mỹ Lý trong vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hoà An. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ”8. Thanh Tịnh đã sử dụng nhiều chất liệu hoài niệm về không gian trường học thuở ấu thời của mình tại làng Dương Nỗ để đưa vào trong tác phẩm Tôi đi học.
Không gian sinh hoạt của một vùng nông thôn ngoại thành xứ Huế cũng đã được nhà văn tái hiện khá chi tiết, đầy đủ trong tập truyện ngắn Quê mẹ. “Bao nhiêu cảnh rực rỡ ngoài đình mà tôi thấy được lúc đi học về đã làm cho tôi rối trí. Tôi tưởng tượng đến cảnh oai nghiêm của thần thánh, vẻ đạo mạo của mấy viên chức sắc trong làng, rồi tôi đâm ra lo sợ… Sáng hôm sau tôi đã nghe tiếng trống ở đầu làng đưa đến rất kêu và rất chậm…”9. Không gian xứ Huế trong lúc này đậm tính văn hoá và lễ nghi, đúng với truyền thống xứ kinh kỳ.
2. Tính cách, tâm hồn con người xứ Huế
Đọc tập truyện ngắn Quê mẹ của Thanh Tịnh, bạn đọc không chỉ gặp gỡ với không gian và cảnh vật xứ Huế, mà còn nhận ra những mảnh đời tư với nét đặc trưng nội tâm, thân phận của con người xứ Huế (đầu thế kỷ XX). Có thể thấy những nhân vật trong tập truyện Quê mẹ, nhất là những nhân vật nữ, đều tập trung biểu đạt các nét tính cách điển hình của người Huế trong quá khứ và cả hiện tại: nội tâm, tinh tế, giữ chữ lễ vẹn tròn, chung thủy, khép kín trong tính dục, song cũng khá bảo thủ và nặng nề yếu tố đạo đức Nho giáo, không dám sống hiện sinh cho tình yêu. Về cơ bản, những nhân vật trong tập truyện ngắn Quê mẹ của Thanh Tịnh đã làm nổi bật những giá trị nhân văn, đồng thời cũng chỉ ra những giới hạn của tâm hồn, tính cách của những người con xứ Huế.
Là một người Huế chính gốc, lại có những năm tháng sinh ra, lớn lên ở Huế, nên Thanh Tịnh rất hiểu tâm hồn, tính cách của con người xứ kinh kỳ. Ông khéo léo mô tả được nét ý nhị, sâu sắc và tinh tế của những cô gái Huế như mẹ ông, vợ ông. Chúng ta hãy đọc kỹ đoạn văn sau như một ví dụ tiêu biểu: “Chiều hôm ấy lúc thoáng thấy bóng chồng đi về đến cổng, cô Thảo liền vội vàng ẵm con ra sân để đón. Thấy anh Vận ra dáng mệt nhọc nên cô ta chưa dám hỏi gì hết. Vào tới sân anh Vận liền đến ngồi trên cái chõng. Cô Thảo để con ngồi một bên chồng, rồi đột ngột chỉ cây thanh trà bên bờ hè nói khẽ:
– Cây thanh trà mới đây mà đã có trái rồi cậu ạ.
Anh Vận để con ngồi trên chân, rồi cúi đầu xuống nhìn mặt con dịu lời đáp:
– Thế à? Cây thanh trà ấy trông dáng khô khan không ngờ lại giống tốt.
Cô Thảo ghé ngồi một bên chồng nói tiếp:
– Cây thanh trà ấy tôi đem từ bên nhà qua đây. Mới hai năm đã có trái ăn được kể cũng nhanh thật.
Anh Vận như sực nhớ một việc gì, nhìn vợ hỏi vội:
– Tôi nhớ ra rồi. Hôm ấy là ngày giỗ ông bên mợ. Mợ về làng ăn giỗ rồi đem cây thanh trà ấy qua cho tôi. Tôi cũng quên lúc ấy mợ đã có thằng Lụn chưa? …
– Rồi nhưng nó mới được ba tháng.
– Mà tôi quên giỗ ông nhằm ngày mấy?
Cô Thảo nhìn chồng mỉm cười:
– Được vài ông rể quý như cậu thì ngày giỗ của nhà tôi cũng không khỏi hương tàn bàn lạnh. Giỗ ông nhằm một ngày dễ nhớ nhất mà cậu cũng quên…
Thật ra tối hôm ấy cô muốn xin chồng về làng giỗ ông, nhưng cô không muốn nói thẳng. Cô nghĩ nhắc chồng ngày giỗ ở nhà mình là một việc chướng lắm. Thật tự nhiên để cho chồng nhớ lại thì hơn”10.
Như vậy, cô Thảo đã nhắc khéo chồng mình rằng sắp đến ngày giỗ trong nhà cha mẹ đẻ của cô, anh cần phải tự nhớ ra ngày để thu xếp cho vợ về quê dự ngày giỗ. Trong mọi truyện ngắn của Thanh Tịnh, ta đều bắt gặp những nhân vật nữ có sự tinh tế, tâm lý song cũng nặng về lễ giáo phong kiến như Thảo. Thói thường những phụ nữ trong đời sống hiện đại khi trong tình huống này đều nhắc chồng trực diện, thậm chí trách móc, la mắng những người chồng vô tâm. Nhưng Thảo vẫn muốn gợi nhắc cho chồng tự nhớ ra giày giỗ, đó là biểu hiện của cách ứng xử tinh tế và khéo léo của người (phụ nữ) Huế. Thảo không buông lời trách móc làm tổn thương chồng. Chị cũng muốn anh tự nhớ ra ngày giỗ bên quê vợ. Chị biết rằng anh không vô tâm, nhạt nhẽo, chỉ bởi rằng anh quá vất vả, khổ tâm trong công việc mà chính quyền thực dân đang bóc lột anh. Chỉ một đoạn văn ngắn nhỏ, người kể chuyện không bình giá hay biểu lộ cảm xúc về các nhân vật, song chúng ta vẫn nhận ra vẻ đẹp của tâm hồn và tính cách người dân xứ Huế, nhất là những người phụ nữ trong gia đình, đóng vai người mẹ, người chị. Phải ở Huế mới hiểu sâu sắc nghệ thuật xây dựng tính cách và tâm hồn của Thanh Tịnh. Đối với người Huế nặng nề lễ giáo phong kiến, một khi người con gái đi lấy chồng, nhất là chồng ở xa, thì không dễ để xin về quê thăm cha mẹ hay dự giỗ chạp. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, người con gái một khi lấy chồng là trở thành con nhà người ta (nhà chồng), mọi việc ở gia đình cha mẹ ruột rất khó để tham dự hay đóng góp như các thành viên nam khác. Phải hiểu như vậy mới cảm được sâu sắc hơn tại sao Thảo lại kỳ công nhắc chồng tự nhớ ra ngày giỗ ông bên nhà nàng. Sự tinh tế của Thanh Tịnh đã được phát huy trong việc khắc họa tâm hồn và tính cách những người con xứ Huế hôm qua và hôm nay.
Ngay cả khi gia đình gặp nhiều khó khăn, tai biến, đa phần những người Huế cũng đều cố gắng giấu đi, nhằm thể hiện tính tự trọng, thậm chí sĩ diện cực đoan của người cố đô. Trong truyện Con so về nhà mẹ, nhân vật nữ tên Hoa có gia đình cha mẹ đẻ rất nghèo, song cô vẫn cố gắng giấu điều này với nhà chồng cô, nhằm giữ thể diện cho ba mẹ. “Cô Hoa thở dài yên lặng. Cô biết mẹ cô nghèo, làm lụng luôn tay và không đủ nuôi đàn em dại. Và theo tục lệ thì chỉ đẻ con so là về nhà mẹ thôi. Chứ cô sinh đẻ mấy lần cô cũng qua nhờ mẹ cả… Cô đang ở một cảnh rất thường tình nhưng khó xử. Trước mặt chồng, cô không dám tỏ thật nỗi cơ hàn của mẹ cô. Cô sợ nhà bên chồng khinh. Và trước mẹ cô, cô lại càng tránh nói đến cảnh túng bấn của chồng cô. Cô sợ mẹ cô buồn. Người ta đàng hoàng nói đến cảnh nghèo cho nhau nghe chỉ lúc một trong hai bên giàu sang, sung túc thôi. Chứ hai đằng đều nghèo, thì kể cái nghèo ra không tiện và thêm tủi”11. Tương tự Hoa, những nhân vật nam trong truyện Con ông hoàng cũng giấu đi hoàn cảnh kinh tế bi đát của gia đình quý tộc một thời vàng son. “Trước kia tôi thấy trong phủ có lắm cổ vật quý giá và đẹp mắt. Nhất là những chiếc lư hương bằng ngọc hay là những cành hoa bằng bạc chạm. Nhưng bao nhiêu vật báu ấy dần biến đi đâu mất. Tôi hỏi anh Vân thì anh lúng túng đỏ cả mặt… Tuy vậy trước sân nhà ông Hậu lúc nào cũng thấy đầy hoa tươi cỏ đẹp… Cả ngày ông ta không làm gì hết. Ông ta chỉ đi tỉa hoa hay vác cần ra ngồi câu bên bờ sông Hà Nại”12. Anh Vân – cháu con của gia đình phong kiến suy tàn phải mặc áo rách vá, đi học thì không có tiền mua sách sử ký. Nhưng gia đình anh Vân đối xử với mọi người nhất mực phong lưu, cũng như cố gắng che mắt thiên hạ về tình trạng kinh tế bi đát của gia đình mình. Người ta đến cho quà cáp nhằm tri ân ơn nghĩa cũ thì gia đình ông Hậu lại biếu đáp lễ nhiều hơn. “Tôi thấy nhà anh Vân túng thiếu nên thương hại. Nhưng ông Hậu lúc nào cũng thấy nhàn hạ say sưa trọn ngày”13. Gia đình quý tộc suy tàn này đã bán hết những cổ vật quý giá do cha ông để lại. Sau đó, ông Hậu phải đi xa viết chữ Nho thư pháp nhằm lấy tiền sinh sống, chứ họ quyết không để ai giúp đỡ hay thương hại.
Những thói hư, tật xấu của người Huế cũng được Thanh Tịnh thẳng thắn chỉ ra như sự ganh tị, sĩ diện hão, khách sáo, ác khẩu… Khi cô Thảo giải thích chồng cô mắc việc quan không về quê vợ dự đám giỗ được (Quê mẹ) với gia đình mẹ đẻ, nhân vật Khuê – chị em chú bác với Thảo đã đốp chát thể hiện sự nhỏ nhen của mình: “Thứ đồ làm hương thơ mỗi năm được làm hai mẫu ruộng công mà cũng đòi là việc quan”14. Bản thân cô Thảo cũng có tính sĩ diện hão, trong khi điều kiện kinh tế bên nhà chồng cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng khi về quê cha mẹ ăn giỗ, cô vẫn sẵn sàng “vung tay quá trán” toàn bộ số tiền mình tiết kiệm được để cho các em: “Chỉ trong nháy mắt cô Thảo đã phân phát tất cả số tiền cô đã dành dụm trong một năm”15. Những người con gái xứ Huế nhanh nhạy, tháo vát, buôn bán giỏi là thiểu số, họ cũng chịu nhiều điều tiếng, dị nghị trong cuộc sống đời tư của mình. Trong truyện ngắn Bên con đường sắt, cô Duyên xinh đẹp, tháo vát vốn nổi tiếng kinh doanh có tài. Cửa hàng gạo của Duyên vốn đông khách, cô cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình. Mặc dù vậy, xã hội xứ Huế nông thôn cổ truyền cũng đầy khắc nghiệt, định kiến với những người phụ nữ kinh doanh, buôn bán giỏi: “Cô ta tiếp đón khách qua đường vui vẻ và chân thật nên ai cũng bằng lòng. Riêng các cô gái trong làng thì không ai ưa tính tình thẳng thắn của cô Duyên. Họ quen ra vào trong những nếp nhà nghi lễ gắt gao nên họ cho lối tiếp khách của cô Duyên trông không được đứng đắn lắm… Các chị em chớ nói đùa! Trong chị em mình chị nào ế chồng thì lên quán cô Duyên cô sẽ chia bớt chồng cho. Vì quán cô Duyên thì đa nhân duyên lắm đấy”16. Rồi cuối cùng mối tình của cô Duyên với thầy Trưu lái tàu cũng đi vào ngõ cụt và sớm tan vỡ.
Đọc Quê mẹ, chúng ta còn bắt gặp những mối tình si tuyệt vọng của những người con xứ Huế, vì những ngăn trở lễ giáo kiểu Nho gia, hoặc do điều kiện kinh tế, công việc mà không đến được cùng nhau. Trong truyện Bến nứa, cô Phương lái đò chồng mất sớm một mình nuôi con (cu Nghểu) trên chiếc thuyền lênh đênh sông nước vừa là nhà, lại vừa là công cụ sinh hoạt kiếm cơm cho cả gia đình. Hai vợ chồng lấy nhau được một năm thì sinh con, rồi anh mắc bệnh thương hàn mất sớm bỏ lại vợ dại con côi. Trên những chuyến thuyền đưa khách, Phương thường nhờ những người đàn ông giả vờ làm cha của con mình để an ủi cu Nghểu. Cũng có đôi khi có những người đàn ông đi thuyền có tình ý (anh Thảo), song rồi thân phận cô đơn của Phương vẫn là một định mệnh. Truyện Tìm trong câu hát kể về anh Đạt goá vợ, dẫu đã nảy sinh tình ý mới với một người con gái giống vợ mình, song cuối cùng anh vẫn ở vậy nuôi con như số phận của Phương trong truyện Bến nứa.
Trong truyện Tình thư, cô gái Huế tên Sương – con bác cả Hoàng vào năm 17 tuổi đã nhận được lời tỏ tình của thầy xếp Ga có tên Nguyễn Xuân. Hai người “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, qua những bức thư nhờ viết hộ (do cô Sương không biết chữ) họ đã thề non hẹn biển cùng nhau. Song rồi cuối cùng mối tình này cũng rơi vào ngõ cụt chia ly, bởi anh Nguyễn Xuân chấp nhận “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, phải ra Bắc lập gia đình với một cô (con gái của một cụ Tuần) do bố mẹ lựa chọn. Mối tình của họ hoàn toàn trong sáng, chưa một lần đụng chạm thể xác, cũng như họ không hề có ý định phản kháng, chống đối lại những sắp đặt hôn nhân phi tình yêu của cha mẹ. Truyện Trai bạn cũng có cốt truyện gần như tương tự, viết về mối tình dang dở và trong sáng giữa anh chàng đi làm công thuê tên Mẫn với cô thiếu nữ xinh đẹp con của chủ đất tên Hương (con gái đầu của ông cả Lai – một điền chủ ở làng Mỹ Lý). Họ đã yêu và gửi gắm cho nhau những cảm xúc đầu đời, song khi mùa gặt đi qua, những người làm công thuê phải trở về quê hương, mối tình của họ cũng chóng vánh kết thúc. Những người Huế luôn sâu sắc, tinh tế trong tình yêu, song đồng thời, giới hạn của họ là không dám biểu lộ cảm xúc thật, không dám hi sinh và đấu tranh đến cùng cho tình yêu, trước những cấm kỵ và cương toả của hiện thực, của những ràng buộc đạo đức Nho giáo phong kiến. Như vậy, qua Quê mẹ, Thanh Tịnh không chỉ ca ngợi, miêu tả vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của người Huế (đầu thế kỷ XX) mà còn có cái nhìn phê phán thẳng vào sự thật, những giới hạn trong văn hoá ứng xử, những thói hư tật xấu của người xứ cố đô. Tôi đánh giá cao nhà văn ở điểm nhìn biện chứng này.
3. Văn hoá, phong tục xứ Huế
Thanh Tịnh là một nhà văn có thế mạnh trong việc miêu tả, tái hiện văn hoá, phong tục của một vùng đất, nhờ vào kinh nghiệm sống phong phú của nhà văn, cùng đặc trưng lối viết chú trọng vào chiều sâu cảm xúc và tâm hồn của nhân vật. Làng Mỹ Lý bởi vậy là một địa danh đại diện chung cho không gian văn hoá xứ Huế cố đô. Đọc tập truyện Quê mẹ, bạn đọc có thể làm quen với những lễ nghi, phong tục, lễ hội đặc sắc xứ Huế. Từ đó chúng ta có điều kiện hiểu hơn về thân phận nữ nhi sau khi đã lập gia đình ở xứ Huế. Thành phần hành trang cùng lễ vật mang về nhà cha mẹ ruột ăn giỗ của Thảo thật đơn sơ, giản dị, bao gồm: “một buồng chuối mật, năm hào tiền đi mượn, một đôi hoa tai đi mượn, và một cái nón lá mới”. Qua hành lý về cố hương này, ta nhận ra đời sống khó khăn của người con dâu tên Thảo, song đồng thời cũng thấy được tính sĩ diện hão, trọng lễ tiết, che giấu điều kiện kinh tế nghèo khó của người Huế (những đồ đi thuê, mượn).
Hệ thống từ vựng đại từ xưng hô ở xứ Huế (đầu thế kỷ XX) cũng được Thanh Tịnh tái hiện sống động trong tập truyện. Vợ chồng thì gọi nhau bằng cậu và mợ, gọi cha thì bằng thầy, ông thì gọi là ôn (từ địa phương xứ Huế). Thân phận những người phụ nữ trong gia đình Huế xưa nhìn chung là thiệt thòi, chịu nhiều áp chế về giới bởi những người đàn ông Nho giáo phong kiến. Tình yêu cá nhân chịu sự quy định bởi ý muốn cha mẹ “đặt đâu phải ngồi đấy”, hôn nhân phải dựa trên nền tảng vững chắc “môn đăng hộ đối”. Khi sinh con ra, phụ nữ thường xin về nhà cha mẹ đẻ để nuôi dưỡng được tốt hơn (thường là con so mới được ra về quê mẹ). Muốn đi đâu xa ra giỏi gia đình chồng, dù có về quê cha mẹ ruột ăn giỗ cũng cần được chồng và cha mẹ chồng cho phép. Những người đàn bà quê xứ Huế đa phần không biết chữ, kể cả chữ Quốc ngữ dễ học, bởi họ không được đến trường theo học văn hoá như đàn ông. Về cơ bản, phụ nữ xứ Huế (đầu thế kỷ XX) chỉ chủ yếu mang thiên chức sinh sản, giúp việc nhà và bản thân họ trở thành một sinh thể phụ thuộc kinh tế vào những người đàn ông nắm quyền trong gia đình (cha – anh – chồng – con trai). Đây có thể xem như là giới hạn của văn hoá truyền thống xứ Huế nặng về lễ giáo phong kiến. Những người goá vợ, goá chồng về cơ bản rất khó “đi bước nữa” (tái hôn) để làm lại cuộc đời.
Bên cạnh đó là nền tảng văn hoá tâm linh phong phú, người Huế sống nặng về tâm linh, đôi khi mê tín quá đà. Truyện Ngậm ngải tìm trầm kể về câu chuyện mê tín hoang đường của một người đàn ông tên Diệm hoá thành hổ. Ông Diệm đi tìm trầm trong núi sâu, để có sức khoẻ vượt rừng hiểm trở và bùa phép chống bệnh tật, thú dữ, ma quỷ, ông chấp nhận “ngậm cây ngải” trong miệng, nhưng do ngậm ngải quá lâu, thân thể ông dần biến đổi hoá thành hổ dữ. Truyền thuyết về luyện cây ngải thành bùa chú cũng rất ly kỳ: “Họ hấp cây ngải trong vò mật ong một tháng, để giữa dòng suối chảy một trăm ngày. Đoạn phải đặt trong tay đủ năm người chết, và đeo trước ngực năm bà già trong đời giữ vẹn tiết trinh. Vẫn chưa hết. Xong phải nhét vào trong cái giò heo để lừa cho hổ ăn. Nghĩa là nếu may thì ngải sẽ nằm trong bụng con hổ. Đoạn phải bẫy cho được con hổ ấy, rồi giết ngay và lấy ngải ra”17.
Tuy vậy, Thanh Tịnh cũng giới thiệu với chúng ta nhiều lễ nghi, lễ hội tốt đẹp, nhân văn của xứ Huế. Tiêu biểu như tục mót lúa sau mỗi kỳ gặt. Những người đi mót lúa đa phần là người lao động nghèo, là phụ nữ, trẻ em và người già gặp khó khăn. Những điền chủ và thợ gặt thuê bao giờ cũng cố ý để lại một phần lúa trên ruộng nhằm giúp đỡ những đối tượng này. Những điền chủ và thợ gặt chuyên nghiệp tin rằng, bằng cách sẻ chia ấy với những người nghèo, thì sang năm mùa màng, nương rẫy của họ mới được ông trời thương cho bội thu. “Rồi ruộng đồng nào có người mót đông, người ta sẽ cho điền chủ ấy nhân từ và đến mùa sau sẽ gặp nhiều điều may mắn”18. Đây là một phong tục tương trợ nông nghiệp tốt đẹp trong truyện Con so về nhà mẹ. Những người nghèo bị chết trên đường như người cu ly xe già cũng được cộng đồng người dân xứ Huế thờ phụng qua cái am bên vệ đường (truyện ngắn Am cu ly xe). Truyện ngắn Ra làng lại giới thiệu với chúng ta những phong tục của làng quê xứ Huế, tiêu biểu nhân một dịp làng tế. Hội làng với biết bao lễ nghi trang trọng, sự chuẩn bị kỳ công, song cũng ẩn chứa nhiều sự phiền nhiễu, lãng phí và mâu thuẫn cãi cọ giữa những người lớn tuổi có chức sắc. Truyện ngắn Thanh Tịnh do đó, vừa có yếu tố lãng mạn, vừa có yếu tố hiện thực đậm nét.
Điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết này, đó là truyện ngắn Thanh Tịnh đã phản ánh chân thật quá trình chuyển đổi của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Xét từ góc độ kinh tế, cơ sở hạ tầng, đó là sự chuyển đổi từ văn minh nông nghiệp truyền thống sang văn minh công nghiệp phương Tây hiện đại. Mặc dù đời sống nhân dân, nhất là phụ nữ còn nhiều khó khăn, túng thiếu, song những dấu hiệu của một xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã hiện ra rõ ràng. Biểu tượng cho quá trình này đó là sự xuất hiện của các ga xép (ga tàu hỏa) đi qua các làng quê, những đầu máy xe lửa và tầng lớp công nhân, lái tàu của ngành đường sắt. Gần như truyện ngắn nào trong tập Quê mẹ cũng có hình tượng con tàu hỏa, ga xép và người làm ngành đường sắt xuất hiện, nào là ga Hòa An, ga Văn Xá, ga xép ở làng Mỹ Lý, ga tạm… Ngay từ đầu thế kỷ XX, trong Quê mẹ, đường sắt Việt Nam đã có những chuyến tàu chạy xuyên qua Tết Nguyên đán cổ truyền, chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của ngành này. Xét từ góc độ chính trị, văn hóa, đó là sự chuyển đổi từ văn hóa Nho giáo truyền thống sang văn hóa Tây học hiện đại. Có thể dễ dàng nhận ra sự thất thế của chữ Nho và tầng lớp Nho học trong truyện ngắn Thanh Tịnh. Qua các truyện ngắn như Con ông hoàng, Quê mẹ, Quê bạn, Chú tôi… tầng lớp Nho học đã sớm suy vi tàn tạ, ngay cả những bậc đại khoa, đại phong kiến cũng nhanh chóng nghèo đói trong tình hình mới, chữ Nho hoàn toàn không ai học nữa. Thay vào đó, là chữ Quốc ngữ và tầng lớp Tây học mới nhanh chóng thay thế lực lượng Nho học trong xã hội Việt Nam nói chung và xứ Huế nói riêng vào đầu thế kỷ XX. Bản thân Thanh Tịnh cũng là trí thức Tây học, song thuở nhỏ từng học chữ Hán và sinh ra trong xã hội phong kiến cổ truyền ở đất cố đô.
Tóm lại, tập truyện ngắn Quê mẹ ngày nay đọc lại ta vẫn còn thấy nhiều điều mới mẻ, thú vị, trong cuộc thám hiểm tâm hồn con người Việt Nam hôm qua và hôm nay. Vì có những giá trị bền vững theo thời gian, cũng như có những giá trị nhanh chóng biến thiên theo thời cuộc. Quê mẹ vừa có giá trị bền vững, lại biểu đạt cuộc biến thiên thời cuộc dữ dội của xã hội Việt Nam và xứ Huế đầu thế kỷ XX.
TS Phan Tuấn Anh
Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Vĩnh Bình (2006), Thanh Tịnh Văn & Đời, NXB Thuận Hóa.
2. Léopold Michel Cadière, Edmond Gras (1999), Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế, NXB Hà Nội.
3. Léopold Michel Cadière (Chủ biên, 2021), Những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué), NXB Thuận Hoá.
4. Michel Đức Chaigneau (2020), Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX, NXB Hà Nội.
5. Trần Kiêm Đoàn (2018), Về Huế, NXB Phụ nữ.
6. Hà Nguyễn (2019), Tiểu vùng văn hóa xứ Huế, NXB Thông tin và Truyền thông.
7. Trần Đức Anh Sơn (2021), Kiểu Huế, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Hoài Thanh, Hoài Chân (1998), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học.
9. Thanh Tịnh (1983), Quê mẹ (tập truyện ngắn), NXB Văn học.
10. Nguyễn Đắc Xuân (2022), Với người cầm bút xứ Huế, NXB Thuận Hóa.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 Thanh Tịnh (1983), Quê mẹ (tập truyện ngắn), NXB Văn học, tr. 12-13, 42, 47-49, 72-74, 64, 75-77, 85, 86, 121, 6-8, 33-34, 48, 49, 10, 11, 98, 66, 28