Truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, một truyền thuyết bi thương về nỗi đau chờ chồng đến hóa đá của người phụ nữ, phổ biến khắp khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Truyền thuyết này được ghi chép lại rất sớm tại Trung Hoa, sau đó xuất hiện trên các văn bản khác trong khu vực. Nghiên cứu này so sánh biểu tượng Hòn Vọng Phu trong văn học Việt Nam và Hàn Quốc, đưa ra những điểm giống và khác nhau trong tâm lý tiếp nhận biểu tượng và đồng thời tìm hiểu sức sống của biểu tượng trong các lĩnh vực văn hóa khác cũng như trong đời sống thường nhật.
Nội dung bài viết
1. Khảo nguồn gốc Hòn Vọng Phu tại Trung Quốc
Trong kho tàng văn học dân gian Trung Quốc, có nhiều truyền thuyết kể về nỗi đau chia ly, trong đó ba cốt truyện sau đây được xem là khá phổ biến. Một truyền thuyết kể rằng có người phụ nữ đứng chờ chồng, ngày qua ngày dấu chân lưu lại trên một hòn đá, sau để tưởng nhớ nhân dân gọi đá đó là đá Vọng Phu. Thuyết thứ hai kể rằng một người phụ nữ có chồng đã bỏ đi hoặc qua đời, nàng vẫn giữ trọng khí tiết với chồng, quyết không tái giá; sau được người đời lập tượng đá để tưởng niệm. Một thuyết nữa mang nội dung là hai vợ chồng vì lý do nào đó mà chia ly, người vợ lên trên núi ngóng trông tin tức người chồng, dưới sự vô tình của thời gian, cơ thể nàng đã hóa thành đá.
Các truyền thuyết này gắn liền với việc giải thích các cảnh vật, địa danh liên quan như Vọng Phu thạch, Vọng Phu đài, Thạch phu nhân, Vọng lang phong, v.v… phân bố rải rác khắp lục địa Trung Quốc, tập trung chủ yếu vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang. Những truyền thuyết dựa vào các cốt truyện trên chỉ là những cơ sở cấu thành hoàn chỉnh ban đầu của thuyết Hòn Vọng Phu (hay Vọng Phu thạch) Trung Hoa. Học giả Chung Kính Văn liệt truyền thuyết này thuộc Truyền thuyết địa phương Trung Quốc(1); nhà nghiên cứu Trương Vân đã tiến hành tổng hợp sự lưu truyền của thuyết Vọng Phu xưa và nay đồng thời phân loại thành tám môtif khác nhau(2).
Theo cách phân loại môtif của Trương Vân, xét thấy hai môtif “vợ chồng chia ly” và “trông chồng đến hóa đá” xuất hiện trong hầu hết các truyền thuyết Hòn Vọng Phu cả trong văn học dân gian và văn học viết. Nhằm tập trung lột tả tính bi thương của truyền thuyết, nghiên cứu này chỉ tập trung vào các truyền thuyết được cấu thành từ hai môtif trên, là hai môtif cơ bản tạo nên kết cấu cốt truyện hoàn chỉnh về biểu tượng Hòn Vọng Phu.
Đề tài Hòn Vọng Phu phát triển hưng thịnh trong văn học giai đoạn Đường (618-907) Tống (960-1279). Các thi nhân như Lý Bạch, Lưu Vũ Tích, Vương Kiến, Vương An Thạch, v.v… đều có thi phẩm mang chung nhan đề “Vọng Phu thạch” trong các thi tập của mình. Ngoài các tập thơ thì truyền thuyết này được vận dụng vào trong nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau. Giai đoạn Minh (1368-1644) Thanh (1644-1912) các truyền thuyết về Hòn Vọng Phu đã tương đối ổn định, hoàn chỉnh nhưng dần vượt ra khỏi hai môtif trên, thêm thắt những chi tiết mang vẻ huyền bí và ly kỳ.
Truy ngược dòng lịch sử, vào giai đoạn Ngụy (220-265) Tấn (265-420), một trích đoạn trong tác phẩm Liệt dị truyện của Ngụy Văn Đế Tào Phi lần đầu tiên xuất hiện cụmtừ “Vọng Phu thạch”, đồng thời bao hàm hai môtif hoàn chỉnh. Trích đoạn ghi chép rằng: “Trên ngọn núi phía Bắc Tân huyện Vũ Xương có Vọng Phu thạch, hình tựa dáng người đang đứng. Thuyết kể rằng: xưa có nàng chinh phụ, chồng đi tòng quân cứu nước; nàng bồng con nhỏ lên trên ngọn núi này đưa tiễn, đứng ngóng trông đến khi cơ thể hóa thành đá”(3).
Liệt dị truyện được chú dẫn trong các tác phẩm Tùy thư kinh tịch chí của Ngụy Chinh, Thái bình ngự lãm do Lý Phưởng chủ biên, Dư địa kỷ thắng của Vương Tượng Chi, v.v… chứng minh tính xác thực của tác phẩm. Truyền thuyết Vọng phu thạch ở địa phận Vũ Xương có thể được xem là xuất hiện sớm nhất, và được nhắc đến trong khá nhiều tác phẩm đời Nam Bắc Triều (420-589) như trong Thần dị truyện của Vương Phủ, Sưu thần ký của Can Bảo, trong Dư địa chí của Cố Dã Vương, v.v… Từ thời điểm này trở đi các địa phương bắt đầu có các ghi chép về Hòn Vọng Phu. Nhưng Vọng Phu thạch Vũ Xương chỉ có thể là kết cấu cốt truyện hoàn chỉnh đầu tiên, làm cơ sở cho các tác phẩm sau này, chứ chưa phải là nguồn gốc của truyền thuyết.
Học giả Trung Quốc Lý Đạo Hòa trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Vọng Phu thạch là truyền thuyết dựa trên nguyên mẫu của Nữ Kiêu, vợ vua Hạ Vũ trong huyền thoại Trung Hoa cổ đại. Các tài liệu đời Hán (202 TCN–220) như Ngô Việt xuân thu, Thượng thư, Hoài Nam tử, Liệt nữ truyện, v.v… đều có ghi chép về câu truyện Nữ Kiêu, nhưng giữa các môtif lại có nhiều sai biệt, thiếu tính thống nhất khi so sánh với Vọng Phu thạch Vũ Xương. Tuy nhiên, giai đoạn này đã manh nha ý niệm về các môtif của truyền thuyết, đồng thời Liệt dị truyện cũng ghi chép lại câu truyện từ “tích xưa”, vì thế xem nàng Nữ Kiêu chính là nguyên mẫu của truyền thuyết Hòn Vọng Phu là hoàn toàn thuyết phục.
Tổng thuật những điểm trên, có thể thấy truyền thuyết Hòn Vọng Phu tại Trung Quốc được ghi chép từ khá sớm, bắt đầu từ giai đoạn Ngụy Tấn với kết cấu cốt truyện hoàn chỉnh là truyền thuyết Vọng Phu thạch ở địa phận Vũ Xương xưa, dựa trên nguyên mẫu nàng Nữ Kiêu, sử dụng hai môtif chính là “vợ chồng chia ly” và “trông chồng đến hóa đá”. Giai đoạn Nam Bắc triều đã bắt đầu phổ biến dọc theo lưu vực Trường Giang. Các tác gia giai đoạn Đường Tống đã góp phần đưa Hòn Vọng Phu trở thành biểu tượng mang tính khu vực.
2. Biểu tượng Hòn Vọng Phu qua hai nền văn học
2.1. Hòn Vọng Phu trong văn học Việt Nam
Một truyền thuyết nổi tiếng về Hòn Vọng Phu lưu truyền ở đất Lạng Sơn: “Tô Văn và Tô Thị là hai anh em. Thuở bé, trong một lần vô tình, người anh gây thương tích cho người em, do quá lo sợ nên người anh đã bỏ đi biệt tăm. Sau nhiều năm, vì không nhận ra nhau mà hai người kết duyên vợ chồng. Một hôm khi ngồi tâm sự với nhau, chàng mới nhận ra nàng chính là em ruột của mình. Chàng như cháy ruột gan, nhưng vẫn không muốn nàng biết sự thật. Khi có lệnh quan đi lính, chàng đã đăng lính và từ đó không trở về. Tô Thị khóc hoài khóc mãi. Nhớ thương chồng day dứt, nàng ngày ngày bồng con lên núi chờ chồng. Năm tháng trôi qua cùng với nỗi đau tuyệt vọng, cơ thể nàng Tô Thị đã hóa đá và mãi nhìn về hướng chồng đi.
Truyền thuyết trên không chỉ lưu truyền nơi xứ Lạng mà còn in dấu trong lòng người dân Việt dưới hai câu ca dao nổi tiếng thuộc một phần của văn học dân gian truyền miệng:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh(4)…
Lạng Sơn trong lịch sử luôn là địa phương trọng yếu, là chiến trường ác liệt nhất trước các cuộc xâm lăng của các thế lực phương Bắc đồng thời là đầu mối giao lưu văn hóa Việt Nam và Trung Hoa. Nằm ở vị trí đặc biệt như vậy, rất có thể Lạng Sơn là điểm gặp gỡ đầu tiên của biểu tượng Hòn Vọng Phu giữa hai nền văn hóa. Lãnh thổ nước ta mở rộng theo thời gian, từ Bắc xuống Nam, do đó khi tiến dần về phương Nam, ta lại bắt gặp các truyền thuyết Hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, v.v… Truyền thuyết ở các địa phương đều mang chung hai môtif “vợ chồng chia ly” và “trông chồng đến hóa đá” và dần dần đã vô danh hóa, tất thẩy đều mang chung tên gọi Hòn Vọng Phu, lưu truyền thông qua hình thức ca dao hoặc truyện kể. Tuy mang nội dung tương tự nhau nhưng các chi tiết về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của các nhân vật và lý do ra đi của nhân vật người chồng thay đổi tùy theo khu vực mà nó đi đến, phần nào gần gũi với đời sống của cư dân.
Không chỉ tồn tại trong văn học dân gian, các truyền thuyết trên đều được ghi chép đầy đủ trong nhiều tài liệu thời Hậu Lê (1427-1789). Một tài liệu đề cập khá sớm đến Hòn Vọng Phu, đến nàng Tô Thị là sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, trong mục ghi chép về Lạng Sơn, tuy nhiên bị xem là ghi chép lẫn giữa “Tô Huệ dệt gấm hồi văn” của Trung Quốc với “Tô Thị vọng phu” của ta(5). Sau đó trong Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú cũng đề cập đến câu truyện này(6). Lĩnh Nam chích quái, một tác phẩm do Trần Thế Pháp biên soạn được Vũ Quỳnh và Kiều Phú thời Lê nhuận chính đã ghi chép Hòn Vọng Phu Quảng Trị mang nhan đề “Truyện thần núi Vọng Phu”(7). Trong truyện đề cập đến “… huyện Vũ Xương, ở cửa bể đạo Thuận Hóa…” và nằm trong phần “Phụ lục” nên có thể truyện này được ghi chép sau giai đoạn của Trần Thế Pháp(8). Đại Nam nhất thống chí, quyển chín do Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng và Trần Xán biên soạn năm Duy Tân thứ ba (năm 1909) cũng ghi chép lại Hòn Vọng Phu ở Bình Định(9). Bên cạnh các tư liệu xưa, có khá nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn hiện đại viết về nàng Tô Thị, về Hòn Vọng Phu như truyện ngắn Nàng Tô của Vi Thị Thu Đạm, truyện thơ Truyện nàng Tô Thị của Thái Bá Tân, Chuyện nàng Tô Thị của Minh Thảo, v.v…
Ngoài các ghi chép bằng văn xuôi, chúng ta dễ dàng bắt gặp khá nhiều bài thơ vịnh về Hòn Vọng Phu từ thời Hậu Lê. Thái Thuận trong Lã Đường di cảo thi tập đã có bài thơ nhan đề “Vọng Phu sơn”, Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Trãi có bài thơ “Vọng Phu thạch”, và một bài thơ nhan đề “Vịnh Tô Thị Vọng Phu sơn” in trong Hoa trình tiêu khiển tập của Nguyễn Đề. Đến giai đoạn nhà Nguyễn (1802-1945), nổi lên là các tác phẩm cùng mang chung nhan đề “Vọng Phu thạch” của Cao Bá Quát trong Cao Chu Thần thi tập, Phan Châu Trinh trong Tây Hồ thi tập. Ta cũng dễ dàng bắt gặp nhiều bài thơ lấy đề tài Hòn Vọng Phu trong thơ văn hiện đại: “Núi vọng phu” trong Lệ Thanh thi tập của Hàn Mặc Tử, thi phẩm cùng tên của Hồ Dzếnh. Bài thơ “Vọng Phu 1”:
Đầu nước đá ôm con, cuối nước đá đợi chồng
Đâu chẳng sông Thương đâu chẳng Kỳ Cùng
Là tượng đá của những thời binh lửa
Nàng Vọng phu đầu sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông…
được in trong Ta gửi cho mình và “Vọng Phu 2” in trong Hoa trên đá II của Chế Lan Viên. Trong tập thơ Lục bát tình thương của Từ Nguyễn có bài thơ “Thương đá Vọng Phu”, bài thơ “Đá vọng phu” của Nguyễn Vũ trong Thương nhớ tài hoa, v.v… Và một tác phẩm gần đây nhất vừa được xuất bản năm 2012 của Vũ Thanh, Hòn Vọng Phu trường thi:
…Thương ai tấc dạ vàng son
Bế con lên đứng đầu non đợi chồng
Trăm năm vẹn chữ tâm đồng
Ngàn năm hóa đá tạc lòng trung trinh(10)…
(Câu 2445 – 2448)
Tất thảy những tác phẩm nêu trên chỉ mới điểm qua những tác phẩm sáng tác về Hòn Vọng Phu, chưa kể đến những tác phẩm vận dụng truyền thuyết Hòn Vọng Phu trong lúc sáng tác. Với số lượng tác phẩm đồ sộ, chúng tôi cho rằng, mức độ phổ biến của biểu tượng Hòn Vọng Phu trong văn học Việt Nam là một thực tế hiếm thấy.
2.2. Hòn Vọng Phu trong văn học Hàn Quốc
Phía cực nam đảo Jeju có một tảng đá độc lập nằm giữa biển gọi là Oedolgae (Độc Lập Nham), tảng đá ấy lưu truyền một truyền thuyết bi thương bao hàm đầy đủ cả hai môtif đã nêu trên về Hòn Vọng Phu. Đoạn kết truyền thuyết này hai nhân vật tuy đều hóa đá nhưng lại được đoàn tụ thể hiện tính nhân văn, rất khác so với các truyền thuyết Hòn Vọng Phu khác. Tiếc rằng truyền thuyết này chỉ lưu truyền trong địa phương và hầu như không có ghi chép bằng văn tự, nên được xếp loại vào văn học dân gian truyền miệng của địa phương. Mặt khác, có một truyền thuyết khác gắn với chính hòn đá này nhưng kể về tướng quân Choe Yeong (Thôi Oánh) và hoàn toàn không liên quan đến Hòn Vọng Phu.
Ngoài truyền thuyết tương đối phổ biến ở Jeju, khắp các địa phương đều có truyền thuyết gắn với đề tài Hòn Vọng Phu như Hòn Vọng Phu ở Anmyeon-do thuộc Chungcheong Nam-do, Hòn Vọng Phu Jinju thuộc Gyeongsang Nam-do, Hòn Vọng Phu ở Teajongdae thuộc Busan, v.v… Mỗi địa phương đều có truyền thuyết giải thích các tảng đá, địa danh về những người vợ trông chồng khác nhau. Ở mỗi địa phương, các chi tiết về đời sống cũng khác nhau, như có người chồng thương nhân, người chồng ngư dân, người chồng quan quân, v.v…
Một truyền thuyết Mangbuseok (Vọng Phu Thạch) có thể xem là cụ thể và mang tính tiêu biểu nhất chính là truyền thuyết về phu nhân của Bak Je-sang (Phác Đê Thượng – Tam quốc sử ký và Tam quốc di sự có sự khác biệt giữa hai tên gọi Phác Đê Thượng và Kim Đê Thượng. Sau trong Tam quốc di sự do Trần Thị Bích Phượng dịch năm 2012 đã thống nhất sửa lại là Phác Đê Thượng) người nước Tân La (57 TCN-935) hóa đá trên đỉnh Chisul(11) và được xem là thần mẫu của đỉnh núi này. Nàng được ghi chép trong khá nhiều sử sách, đặc biệt là trong hai bộ sử Tam quốc sử ký do Kim Bu-sik (Kim Phú Thức) chủ biên và Tam quốc di sự của nhà sư Il Yeon (Nhất Nhiên).
Trong Tam quốc sử ký, quyển 45, phần “Liệt truyện” thứ năm và Tam quốc di sự, quyển một, phần “Kỷ dị”, mục “Vua Nea-mul và Kim Je-sang” đều có ghi chép về sự tích Bak Je-sang, nhưng giữa hai sách có nhiều điểm khác biệt. Phần đầu của hai câu truyện đều miêu tả việc Je-sang phụng mệnh vua Nul-ji đưa hai người em là Mi-sa-huen và Bo-kho (Tam quốc di sự gọi Mi-sa-huen là Mi-hae, Bo-kho là Bo-hae, đồng thời có khác biệt về thời gian) đang làm con tin nhiều năm ở nước Oải (Cách gọi của các vương triều Trung Hoa xưa đối với quần đảo Nhật Bản) với nước Cao Câu Ly trở về. Sau do một mực trung kiên với quốc gia, ông không chịu khuất phục vua nước Oải nên bị thiêu sống ở Mokdo.
Từ sau chi tiết Je-sang qua đời, hai truyện lại ghi chép khác nhau hoàn toàn. Tam quốc sử ký, vua Nul-ji hay tin buồn, truy phong Je-sang là “Daeachan” (Một chức quan ngũ phẩm trong hệ thống quan lại 17 bậc của Silla), phong thưởng cho gia đình, lệnh Mi-sa-huen lấy con gái thứ hai của Je-sang để báo ân. Khi gặp lại người em, vua vui mừng khôn xiết, trong lúc thiết đãi yến tiệc, ông sáng tác một bài ca mang tựa “Ưu tức khúc”. Còn trong Tam quốc di sự, khi hay tin chồng qua đời, vợ Je-sang nằm vật trên bãi cát phía nam chùa Vọng Đức khóc thảm thiết. Ít lâu sau do nỗi nhớ chồng không nguôi nên nàng đã cùng ba cô con gái lên đỉnh núi Chisul trông về nước Oải khóc thống thiết rồi trút hơi thở cuối cùng. Nàng được vua phong làm “Quốc đại phu nhân”, sau trở thành thần núi Chisul và hiện nàng vẫn được thờ tại đây.
Tuy nhiên, cả hai bộ sử trên đều không ghi chép chi tiết nàng “hóa đá” dù đều đầy đủ các chi tiết “vợ chồng chia ly”, “trông chồng”. Trong một số sách như Tân tăng Đông quốc dư địa thắng lãm, Đông quốc thông giám, Đông quốc văn hiến bị khảo, Đông sử cương mục và kể cả trong quyển chín bộ chính sử Nhật Bản thư kỷ của Nhật Bản cũng có ghi chép về Bak Je-sang nhưng tất thẩy đều không nhắc đến chi tiết “hóa đá” của vợ ông.
Môtif “trông chồng đến hóa đá” của Hàn Quốc thật sự chỉ bắt đầu xuất hiện từ sau thế kỷ XV (Trước đó, “Hòn Vọng Phu” trong các tác phẩm văn học Hàn Quốc chủ yếu chỉ Hòn Vọng Phu Vũ Xương của Trung Hoa hoặc truyền thuyết Mạnh Khương Nữ), và đa số tác gia đều sáng tác văn học từ biểu tượng phu nhân của Je-sang. Kể từ sau khi bài thơ “Si Thuật Lĩnh” in trong tập Chiêm Tất Trai tập của Kim Jong-jik (Kim Tông Trực) ra đời, Hòn Vọng Phu bắt đầu trở nên phổ biến trong văn học Hàn Quốc.
… Kêu trời rồi hóa Vũ Xương thạch,
Ngàn năm xanh mãi tiết trung trinh.
(Phỏng dịch)
Bài thơ này được dẫn lại trong nhiều thi tập đời sau như Đông văn tuyển, Gia Ngô cảo lược, Lâm hạ bút ký, v.v… Vô số tác phẩm thơ ca viết về Hòn Vọng Phu xuất hiện từ sau giai đoạn này đến hiện nay như “Vọng Phu thạch” trong Hư Bạch Đường tập, “Tỉnh Ấp từ” trong Nhạc học quy phạm, “Trung liệt từ” trong Hải sa lục, bài thơ “Chiêu hồn” của Kim So-wol (Kim Tố Nguyệt):
Cho dù phải đứng lâu đến hóa thành hòn đá
Tôi vẫn mãi gọi, gọi mãi cái tên đã làm tôi héo mòn.
(Phỏng dịch theo Dương Vĩnh Lưu)
Hòn Vọng Phu cũng xuất hiện trong các tập văn Tức Sơn tập, Quang hải triều nhật ký, Tâm điền cảo, tiểu thuyết Sulijaeui Mangbuseok, v.v… Tóm lại, biểu tượng Hòn Vọng Phu luôn là một đề tài xuyên suốt và thịnh hành trong văn học Hàn Quốc.
2.3. Đặc điểm của biểu tượng Hòn Vọng Phu thông qua hai nền văn học
Địa hình Việt Nam và Hàn Quốc đều có diện tích đồi núi khá lớn, những ngọn núi sừng sững, những hòn đá đứng kiên định với thời gian đã đi vào trong ký ức dân tộc. Khi bắt gặp những cảnh tượng tang thương, mất mát, gia đình ly tán do những chiến tranh hay cuộc sống mưu sinh mang lại; trong con người bỗng như đồng cảm với đức hi sinh cao cả của những người phụ nữ kiên trinh bất biến, chung thủy chờ chồng trở về. Tư duy ấy cần phải được biểu đạt bởi vật biểu trưng, và những hòn đá gắn với truyền thuyết Hòn Vọng Phu chính là biểu tượng tốt nhất cho nỗi đau bi kịch này.
Các truyền thuyết Hòn Vọng Phu trong văn học dân gian Hàn Quốc đã manh nha trong giai đoạn Tam Quốc, thời kỳ văn học truyền miệng chiếm ưu thế. Để khẳng định nền độc lập, mỗi quốc gia lại có Sử ký riêng của mình, nên ở các địa phương xuất hiện các truyền thuyết Hòn Vọng Phu khác nhau để giải thích các địa danh. Từ giai đoạn Tân La thống nhất đến thời Cao Ly, do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, các ghi chép về Hòn Vọng Phu đã xuất hiện, nhưng tất thẩy đều là Hòn Vọng Phu của Trung Hoa. Sang đến giai đoạn Triều Tiên, một kỷ nguyên mới cho văn học Hàn Quốc mở ra với việc phát minh ra hệ thống chữ Hangul, đưa văn học phát triển thịnh vượng. Trước một đề tài trữ tình và bi thương nhưng vẫn còn đang bị bỏ ngỏ, các tác giả đã bắt đầu sáng tác văn học hoặc ghi chép lại các truyện liên quan đến biểu tượng Hòn Vọng Phu.
Việt Nam ngay từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên đã có giao lưu với Trung Hoa, bằng nhiều con đường nhưng chủ yếu vẫn là con đường ngoại xâm của các thế lực phong kiến phương Bắc. Âm mưu đồng hóa của phương Bắc trải dài hàng ngàn năm, tuy chịu nhiều sự kháng cự của nhân dân ta nhưng đồng thời những dân ta cũng tiếp nhận có chọn lọc một số phương diện. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, Hòn Vọng Phu có thể đã được ta tiếp nhận từ khá sớm, không thể chỉ bắt đầu xuất hiện vào giai đoạn khá muộn là vào thời Lê sơ (bắt đầu từ thế kỷ XV); có thể đã có giai đoạn phát triển thời Lý – Trần hoặc sớm hơn, hoặc trước đó đã tồn tại nhưng không gọi là Hòn Vọng Phu. Trong các văn bản hiện tồn, chúng tôi chỉ khảo được đến sớm nhất là vào thời Lê sơ, và tạm nhận định đây là thời điểm biểu tượng Hòn Vọng Phu trở nên phổ biến ở nước ta hoặc bắt đầu mang tên gọi Hòn Vọng Phu.
Các truyền thuyết cả ở Việt Nam và Hàn Quốc đều phong phú như nhau, nhưng thực tế điểm xuất phát của biểu tượng Hòn Vọng Phu trong hai nền văn học lại rất khác nhau. Hình ảnh nàng Tô Thị trong văn học Việt Nam xuất hiện khá nhiều, nhưng những Hòn Vọng Phu ở dọc khắp đất nước ta cũng hiện diện không hề ít trong các tác phẩm văn học. Ở Hàn Quốc khi hình ảnh phu nhân Je-sang hóa đá được xác lập, hầu như các tác phẩm đều sáng tác về nàng, phần nào lu mờ những Hòn Vọng Phu khác, họ chỉ hiện diện trong các câu truyện truyền miệng mà thôi.
Nhân vật người con trong truyền thuyết Hòn Vọng Phu cũng đóng một vai trò quan trọng. Hòn Vọng Phu ở Việt Nam luôn hiển hiện hình ảnh người vợ ngày ngày bồng con lên núi đứng trông chồng, có truyện nàng dẫn cả hai người con lên núi. Phu nhân Je-sang sau khi hay tin chồng qua đời đã dẫn theo cả ba người con gái lên đỉnh núi khóc trông về phía Nhật Bản, tạo nên cảnh tượng tang thương cùng cực. Nhưng giữa hai quốc gia, nhân vật người con có sự khác biệt. Khác biệt này có thể là do tâm lý chờ đợi giữa hai bên khác nhau mang lại. Phu nhân Je-sang biết rõ ràng chồng mình đã qua đời, tâm lý chờ đợi đó là tâm lý vô vọng, mang tính chất tiếc thương. Nàng hóa đá do thời gian đã vắt kiệt sức lực của nàng, do nỗi tuyệt vọng đạt đến đỉnh điểm. Nhân vật người vợ của truyền thuyết Hòn Vọng Phu Việt Nam mãi chờ đợi vì chưa hay tin chồng mình còn sống hay đã mất, trong tim nàng luôn nhen nhóm tia hy vọng.
Người phụ nữ khi đã có con thì mọi hạnh phúc của bản thân đều chuyển hết vào gia đình nhỏ của mình. Người chồng ra đi, mọi hạnh phúc như đổ vỡ, tâm lý nàng trở nên bi thương cực độ. Những dằn vặt trong nội tâm cùng với nỗi nhớ thương day dứt, sự mơ hồ về sự sống của chàng càng thôi thúc nàng ngày đêm lên núi ngóng trông tin chồng. Chính sự mơ hồ đó đã tạo nên tâm lý bi thương cùng cực cho người phụ nữ Việt Nam.
3. Sức sống của biểu tượng Hòn Vọng Phu
Giữa Việt Nam và Hàn Quốc đều trải qua những tiến trình lịch sử có nét giống nhau như đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa về mọi mặt, đất nước bị cảnh chiến tranh, chia cắt; tuy nhiên thực tế xã hội của hai quốc gia khác nhau đã tạo nên tâm lý tiếp nhận biểu tượng Hòn Vọng Phu khác nhau.
Hai quốc gia đều có môi trường rất tốt để biểu tượng Hòn Vọng Phu phát triển, nhưng Việt Nam là môi trường phát triển phù hợp hơn khi biểu tượng Hòn Vọng Phu xuất hiện trải dài khắp chiều dọc đất nước, đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người vợ bất hạnh đứng trông chồng, trong khi Hàn Quốc lại có phần quá nghiêng về phu nhân Je-sang mà quên đi những Hòn Vọng Phu khác. Việt Nam có thời gian kháng chiến chống ngoại xâm còn dài hơn cả thời gian hòa bình độc lập, trong khi Hàn Quốc có phần ổn định hơn và có nền độc lập từ sớm. Hiển nhiên trong chiến tranh, người chồng buột phải ra đi vì nghĩa lớn; đời sống người dân cơ cực do chiến tranh khiến những người chồng buộc phải làm những công việc khó khăn, khổ nhọc hơn. Chính những nguyên nhân này tạo ra Hòn Vọng Phu khắp các nơi trên đất nước Việt Nam.
Hòn Vọng Phu ở cả hai quốc gia đều được tôn thờ, xem họ như những vị thần núi bảo vệ cho cuộc sống của nhân dân. Truyền thuyết về Hòn Vọng Phu chính là một thiên tình yêu đẹp nhất, là biểu tượng cho một tình yêu trung trinh bất biến sống mãi trong ký ức dân tộc, và là một hình tượng vững chắc trong văn học của cả hai quốc gia.
Biểu tượng Hòn Vọng Phu đã đi vào trong văn hóa, là phương tiện để người dân gửi gắm tâm tư tình cảm của mình. Vượt ra ngoài phạm vi văn học, biểu tượng Hòn Vọng Phu đi vào rất nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác và đồng thời đi vào trong chính đời sống thường nhật của người dân. Trường ca Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 của Lê Thương, Huyền Thoại nàng Tô Thị của Phạm Tịnh, Hòn Vọng Phu của tôi của Phạm Phù Sa, v.v… là những nhạc phẩm nổi tiếng sáng tác về Hòn Vọng Phu Việt Nam. Hàn Quốc cũng có nhạc phẩm nổi tiếng về Hòn Vọng Phu như Chisullyeong-gog min-yo, lời Jeong Gwan-yong, nhạc Kim Hyeon-sug;Mangbuseok củaKim Tae-gon; Mangbuseok yeoin, lời Kim Yeongdal, nhạc Han Gi-cheol, v.v… Hòn Vọng Phu Hàn Quốc còn được chuyển thể thành phim Mangbuseok sản xuất năm 1962 hoặc một số phim lấy bối cảnh về nàng và đi kèm các hoạt động văn hóa địa phương.
Trong khi Mangbuseok là biểu tượng của tình yêu trong truyền thuyết của Hàn Quốc, thì trong xã hội Việt Nam hiện đại, vẫn còn đó những “Hòn Vọng Phu sống”, những thế hệ người chồng, người con xa quê hương để đi làm ăn. Do một lý do nào đó, họ có thể một đi không trở lại, để lại bao nỗi đau cho những người vợ, người mẹ ngày đêm ngóng trông tin tức chàng. Tuy nhiên những “Hòn Vọng Phu sống” này đã không “hóa đá”, trong họ vẫn thổn thức nỗi đau Tô Thị nhưng cuộc sống không cho phép họ buông xuôi. Họ đã mạnh mẽ gạt bỏ bi thương, đứng lên gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình thay cho người chồng, phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc con thơ. Nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ ngừng nỗi nhớ về chồng, khi đã xong bổn phận của mình, họ vẫn đứng đấy, bên bãi biển, bên ngọn núi từng phút từng giây mong chờ chàng trở về.
4. Kết luận
Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến là một đề tài phổ biến trong thơ văn các nước, nhưng trong số đó, có lẽ truyền thuyết Hòn Vọng Phu lại mang một hình thức bi thương nhất, đau khổ đến tột cùng. Khởi thủy từ Trung Hoa và phổ biến khắp cả khu vực, nàng là biểu tượng cho đức hi sinh, trung trinh bất biến của người phụ nữ. Khắp lãnh thổ Việt Nam đều hiện diện hình ảnh những Hòn Vọng Phu ngày đêm chờ chồng, hình ảnh này đi từ trong đời sống thường nhật vào trong văn học, văn hóa. Hàn Quốc cũng có biểu tượng Hòn Vọng Phu, nhưng tiêu biểu nhất vẫn là phu nhân của Bak Je-sang, chiếm vị trí gần như độc tôn so với các truyền thuyết Hòn Vọng Phu khác khi đi vào thơ văn. Việt Nam và Hàn Quốc đều có môi trường phát triển biểu tượng Hòn Vọng Phu, nhưng có lẽ môi trường của Việt Nam với thời gian trường kỳ chìm đắm trong chiến tranh, biết bao nỗi đau ly tán đã dựng lên những biểu tượng Hòn Vọng Phu trường tồn mãi với thời gian, cả trong văn học và trong đời sống.
Âu Sĩ Kính
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2014
Chú thích:
(1) 钟敬文:《钟敬文民间文学论集》(下)– 上海文艺出版社。 (Chung Kính Văn: Chung Kính Văn dân gian văn học luận tập (quyển hạ) –Thượng Hải Văn nghệ xuất bản xã), 1985, tr.79-83.
(2) 张芸: 望夫石传说古今流传考 – 《民俗研究》2007年04期。(Trương Vân: Vọng Phu Thạch truyền thuyết cổ kim lưu truyền khảo– in trên tạp chí Dân tục nghiên cứu, kỳ 04/2007), tr.172.
(3) 曹丕:《列异传》: “武昌新县北山上有望夫石, 状若人立者。传云: 昔有贞妇, 其夫从役, 远赴国难; 妇携幼子饯送此山, 立望而形化为石”(Tào Phi: Liệt Dị Truyện).
(4) Khuyết danh: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa.
(5) Phan Duy Tiếp: Nguyễn Trãi Ức Trai di tập Dư địa chí, Nxb. Sử học, H., 1960, tr.9, 49.
(6) Phan Huy Chú: Hoàng Việt địa dư chí – dự án số hóa kho tàng thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm, mã số nlvnpf-0108 R.2212, tr.88.
(7)Trần Thế Pháp biên soạn; Vũ Quỳnh, Kiều Phú nhuận chính (Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch):Lĩnh Nam chích quái. Tái bản. Nxb. Trẻ, Nxb. Hồng Bàng, Tp. Hồ Chí Minh, 2013, tr.149.
(8) Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời. Tái bản. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012, tr.289.
(9) Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán: Đại Nam nhất thống chí, dự án số hóa kho tàng thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm, mã số nlvnpf -0140-08 R.790, tr.20.
(10) Vũ Thanh: Hòn Vọng Phu trường thi. Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012, tr.160.
(11) Đỉnh núi Chisul (Si Thuật) nằm ở vùng giáp ranh giữa xã Du-dong huyện Ul-ju và thị trấn Oe-dong thành phố Gyeong-ju… [Il Yeon sáng tác, Kim Won Jung chú dịch tiếng Hàn, Trần Thị Bích Phượng dịch 2012: Tam quốc di sự. Nxb.Văn hóa văn nghệ, trang 72, chú thích số 173.]