Trong văn học có một loại hình ngôn ngữ mà khi phân tích tác phẩm, giới nghiên cứu, phê bình thường bỏ qua. Từ đầu thế kỉ XX, người ta đã chỉ ra đó là “ngôn ngữ thế giới quan”, một loại “hình thức bên trong” của tư duy. Nó là bức tranh thế giới bằng ngôn từ được kiến tạo từ ngôn ngữ của một cộng đồng xã hội nào đó và được sử dụng trong giao tiếp như một cấu trúc biểu nghĩa. Ví như dùng ngôn ngữ của cộng đồng kì thủ để suy ngẫm, nhà thơ sẽ thấy vận nước như một “bàn cờ”: Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây/ Một bàn cờ thế phút sa tay. Vận nước có thể xem là “bàn cờ thế”, thì phong trào cách mạng cũng có thể xem là “cuộc cờ”, nhà cách mạng là “kì thủ” và quần chúng cách mạng là những “quân cờ”: Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài/ Tấn công, thoái thủ nên thần tốc/ Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.

Trước mắt ta là bức tranh thế giới bằng ngôn từ được kiến tạo theo ngôn ngữ của cộng đồng kì thủ và nó được sử dụng như một ngôn ngữ giao tiếp trong bài Chạy Tây của Nguyễn Đình Chiểu và Học đánh cờ của Hồ Chí Minh. Có bao nhiêu lĩnh vực giao tiếp lời nói, có bấy nhiêu ngôn ngữ thế giới quan. Có bao nhiêu ngôn ngữ thế giới quan, có bấy nhiêu bức tranh thế giới bằng ngôn từ. Nó là “mã”, là cấu trúc ngôn ngữ điều hành tư duy của chủ thể nghệ thuật. Đó là ngôn ngữ phái sinh, thuộc loại siêu ngữ tồn tại liên không gian thành hiện tượng quốc tế, xuyên thời gian thành các “cổ mẫu”. Nó tồn tại trong vô thức, tiềm thức của các chủ thể lời nói trong giao tiếp. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh, càng phá vỡ, đập vụn các cấu trúc bề mặt thành những mảnh nhỏ, ngôn ngữ hiện đại và hậu hiện đại càng có xu hướng tái cấu trúc, tái tổ hợp các loại hình cấu trúc cổ xưa đã trở thành “mẫu gốc”, lặp đi lặp lại qua nhiều thời đại văn hóa.

Những ai đã đọc thơ Nguyễn Duy đều có thể nhận ra, ngay từ khi viết những câu thơ đầu tiên lặng lẽ gửi loài người, ông đã chọn cho nhân vật trữ tình trong thơ mình ngôn ngữ làng quê, ngôn ngữ sinh hoạt để kiến tạo các bức tranh thế giới bằng ngôn từ.

Trên bức tranh thế giới được kiến tạo bằng ngôn ngữ làng quê ấy, “nhà” là từ khóa quan trọng nhất được sử dụng để hình tượng hóa không gian sinh hoạt thường nhật của con người. Ở đây, nhà chỉ là nhà tôi đó, không cổng và không cửa, là nhà ta xơ xác (…) gian ngoài thông thống gian trong. Nhà có nơi thờ cúng để có lúc ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Trong nhà có xó bếp là nơi đời ta khởi đầu, lại có cả bếp rượu giữa nhà, bè bạn vây quanh trong ngày họp mặt, cha già như trẻ lại. Trong nhà chỉ có “người nhà”: cha tôi, chú tôi, bà tôi, mẹ tôi, vợ và các em tôi. Người nhà với người nhà chỉ có quan hệ máu mủ ruột rà, không có đồng chí chung câu quân hành. Người nhà chỉ làm “việc nhà”: cha cuốc đất một đời chưa xong, để rồi cha và ông cùng man mác kiếp trâu cày; bà thì xúc tép đồng Quan, đi gánh chè xanh Ba Trại/ Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn, rồi thì ru mẹ; mẹ thì ru con, ru cái lẽ ở đời; các em thì vác cuốc vác cào/ rủ nhau bước thấp bước cao ra đồng.

Nhà cũng là “quê”, nên mới có quê nhà ở phía ngôi sao. Nhà cũng là “làng”, để thành làng tôi; về làng là về nhà. Làng chỉ có “cảnh làng”: đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời, cống Na, chùa Trần, chợ Bình Lâm, đền Sòng, cánh hoa tím bờ giậu, sáo sậu vắt vẻo cành tre, tiếng xe thồ lọc xọc, và trên sân trường thì đứa chơi đáo, đứa nhảy vòng… khiến tung tăng tôi ngắm tôi nhìn/ con sông có bóng con thuyền thả câu. “Cảnh đồng” là phần quan trọng nhất của cảnh làng. Ngoài đồng có bãi tha ma vắng, có gò đống tổ tiên, có rơm rạ, có mùi bùn nằng nặng ngấu, có vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải/ bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua. Làng chỉ có “dân làng tôi”. Dân làng là “bà con”, giống như người nhà. Cũng như người nhà, dân làng chỉ làm “việc làng”, việc gì cũng là việc nhà quê, việc nhà nông muôn thuở: hàng xóm xay lúa ù ù, chày cối thậm thịch. Tất cả hòa vào nhau thành vong linh làng mạc. Cái “vong linh” ấy hiện hình trong kiếp người của cha, của ông, của bà, của mẹ: bà và mẹ hóa cánh cò cánh vạc/ cha và ông man mác kiếp trâu cày.

Không có bất kì từ ngữ nào của ngôn ngữ khác, ví như ngôn ngữ thương trường hay ngôn ngữ nhà binh, lọt được vào bức tranh quê cổ truyền được thơ Nguyễn Duy chạm khắc bằng ngôn từ sinh hoạt, ngôn từ làng quê. Ở đây, tính liên tục, liền mạch như là thuộc tính quan trọng bậc nhất của ý niệm về không gian nhờ sự đầy ắp những sự vật và đối tượng đồng loại, đồng chất nên không bị phá vỡ. Nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy cũng nói chuyện chiến tranh, chuyện nước gặp tai ương, cũng nói việc nước, đường nước và tôi đi lính lâu không về quê ngoại. Nhưng trong thơ ông, “nhà” và “làng” vẫn là từ khóa để định nghĩa về “chiến tranh” và “việc nước”: chiến tranh như trận cháy làng/ bà con ta trắng khăn tang trên đầu. Ở đây, làng và nhà không phải là điểm nối dài của “mặt trận”, mà ngược lại, mặt trận mới là điểm nối dài của nhà và làng. Nếu nhân vật trữ tình trong thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa nhìn nhà ra “pháo đài”, nhìn làng thành “chiến lũy” thì nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Duy thấy căn hầm chữ A là ngôi nhà (lòng) dân: đường Thanh Hoá… đường Nghệ An…/ tới đâu cũng gặp những gian hầm kèo/ hứng bom đỡ đạn đã nhiều/ vẫn lặng thinh với cỏ rêu bên đường/ (…) thương ai dỡ những mái nghèo/ dựng căn hầm vẫn dựng theo dáng nhà/ nhà dân che nắng mưa sa/ chắn che cái chết cũng là nhà dân/ (…) ngả lưng trong hầm chữ A/ nhìn lên lại thấy mái nhà lợp tranh…

Không gian nghệ thuật là không gian hư cấu, giả tưởng, không gian của các giá trị. Thước đo giá trị của bức tranh thế giới bằng ngôn từ trước hết thể hiện ở ý niệm về quảng tính chia không gian thành to – nhỏ, rộng – hẹp. Trên bức tranh thế giới bằng ngôn từ của Nguyễn Duy, bầu trời tròn rộng bao la không thể sánh với mái tăng – bầu trời vuông, vì bầu trời vuông là “mái nhà”: nghiêng nghiêng hai mái hai miền quê xa và khoái nào bằng phút ngả lưng/ mở trang thư dưới bóng rừng đung đưa/ trời tròn còn có lúc mưa/ trời vuông vuông suốt bốn mùa nắng xanh.

Thước đo giá trị của bức tranh thế giới bằng ngôn từ còn thể hiện ở ý niệm về chiều và trục chia không gian thành trên – dưới, thấp – cao. Bức tranh không gian của Nguyễn Duy có một thước đo giá trị riêng. Ở đây, trời tròn ở trên không thể sánh với trời vuông ở dưới, Hằng Nga trên trời có được chút thi vị là nhờ võng trăng của người lính trẻ. Ở đây, cái thế giới có giá trị là đất cát, là cỏ dại, là dòng sông Mẹ, là những bát ngát cánh đồng, chứ không phải là trời rộng trên đầu; là Mẹ trường tồn, là dân, là những gì chìm nổi với chúng sinh, chứ không phải là Cha anh minh vòi vọi bên trên. Cho nên, một ông vua muốn tồn tại trên bức tranh bằng ngôn từ của Nguyễn Duy như một giá trị thì phải là ông vua lỉnh kỉnh đồ nghề trong căn phòng gỗ sồi không sơn phết, không chạm trổ, hay ông vua yêu nước chỉ còn là nắm xương tàn: mặt trời vẫn mọc đằng đông/ lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người/ bao triều vua phế đi rồi/ người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ.

Cuối cùng, thước đo giá trị của bức tranh thế giới bằng ngôn từ thể hiện ở ý niệm về phương và hướng chia không gian thành sau – trước, gần – xa. Đọc thơ Nguyễn Duy, tôi thường bị thôi miên bởi những nhan đề: nhan đề các bài thơ, nhan đề các tập thơ, tuyển tập thơ và nhan đề dành cho các phần được chia nhỏ trong các tuyển tập thơ và các tập thơ ấy. Tính theo nhan đề, Nguyễn Duy là tác giả của các tập và các tuyển tập thơ: Cát trắng, Ánh trăng, Mẹ và em, Đãi cát tìm vàng, Đường xa, Quà tặng, Về, Vợ ơi, Quê nhà ở phía ngôi sao, Tuyển thơ lục bát, Thơ (tuyển tập).

Thơ (tuyển tập) của Nguyễn Duy chia thành bốn phần với bốn tiêu đề Đường làng – Đường nước – Đường xa – Đường về. Tập Bụi được chia thành hai phần với hai tiêu đề: Giữa đám đông và Một mình. Tập Quê nhà ở phía ngôi sao cũng được chia thành hai phần với hai tiêu đề: Làng ta ở tận làng ta và Cõi về. Có phải những nhan đề kia đã lấy ngôn từ mà vẽ ra cả một bức tranh thế giới với ý niệm rõ ràng về phương và hướng mang ý nghĩa giá trị với con người tồn tại trong không gian rồi không? Nhưng nhan đề chỉ là tác phẩm “gói lại”. Phải đọc vào tác phẩm mới thấy cái nhan đề “mở ra”.

Tác phẩm của Nguyễn Duy mở ra một bức tranh ngôn từ lấy làng, nhà, cõi về làm trung tâm giá trị. Nhà, làng là điểm khởi đầu của một con đường. Từ đường làng ra đường nước đã là đường xa: xa hun hút một con đường/ bạn bè lận đận tận phương trời nào. Từ đường làng đến đêm Bắc bán cầu vần vụ trắng thì đường xa càng xa mờ mịt, nên nhìn từ xa… Tổ quốc. Nhưng con đường chỉ là không gian ngoại thân. Thơ Nguyễn Duy vẽ ra một không gian khác tồn tại trong lòng người. Không gian ấy lấy cõi về làm trung tâm. Từ cõi về, nhìn thấy cõi trời và cõi mình. “Một mình” cũng làm thành một cõi. Một mình với cõi mình thì cõi trời, cõi người là những cõi xa. Ngay trong cõi mình, ta với mình cũng đã xa xôi lắm.

Với nhân vật tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Duy, cái hướng đáng sợ nhất là phía trước. Nó biết rõ đời mình khởi đầu từ xó bếp. Phía trước, với nó, là hướng mờ mịt, vô thường: mặt trận dời vào sâu/ ngày mai ta dừng chân nơi nào/ khoảng trống phía trước vẫn bỏ ngỏ/ đâu biết những gì chờ ta đằng kia. Nó xem đi một bước là một bước đặt bàn chân vào lửa: mười tám tuổi ra đi/ bước thứ nhất đặt bàn chân vào lửa/ đường chiến tranh biết chỗ nào dừng. Với nó, đi mà không về là bước đi đầy bi kịch: người bạn tôi không về tới nơi này/ anh gục ngã bên kia cầu xa lộ/ anh nằm lại trước cửa vào thành phố; tuổi hai mươi trắng răng cười/ trắng con đường Chín, bạn tôi không về.

Cảm nhận của nó về đường xa, phương xa, từ cõi trời, cõi người cho tới cõi mình, luôn gắn với cảm giác về phương xa xứ lạ, về sự lưu lạc. Hãy nghe nó nói về cảm giác lần đầu nhìn thấy tuyết ở xứ người: lần đầu gặp tuyết trắng/ bạc tóc người xa nhà/(…) ối giời ơi… nõn nà ghê/ màu trong sạch đến khả nghi là thường/ cô đơn tiếng quạ nhểu buồn/ đàn chim di trú tha hương phương nào. Nghĩa là với nó, đường xa cũng đầy bất an và đáng sợ như phía trước: trông người xưa ngẫm người nay/ đường xa nghĩ nỗi sau này… cũng kinh. Cho nên, bức tranh không gian trong thơ Nguyễn Duy lúc nào cũng âm vang tiếng lòng thôi thúc buông bỏ phương xa, tha thiết với cõi về. Khái niệm cõi về ở đây cũng đa nghĩa như các khái niệm đường nước, đường xa.

Ở những bài như Nghe tắc kè kêu trong thành phố, Khúc hát hòa bình hay Gặp một người lính trẻ, cõi về là nơi không còn khói lửa bom đạn để được sống lặng yên như cây cỏ trong vườn. Trong Đường xa, Về làng, Cầu Bố, Đò Lèn, Tuổi thơ và rất nhiều bài khác, cõi về là quê nhà ở phía ngôi sao, nơi có bếp rượu giữa nhà bè bạn vây quanh với dòng sông Mẹ và những ngổn ngang gò đống tổ tiên nhà. Cõi về dịu và nhẹ nhất là cõi em. Vì chỉ ở đó mới không nhàm tai nghe rối tiếng ồn để dọn tai ta lắng tiếng thầm thế gian, để mỗi năm Tết có một lần/ mời em li rượu tay nâng ngang mày. Nhưng có gì lạ quá đi thôi/ khi gần thì mất xa xôi lại còn. Hình như chính ở lòng mình, về với cõi mình mới thực sự là cõi về. Trong hàng loạt bài thơ, như Kính gửi tuổi học trò, Gửi về Lam Sơn, Tuổi thơ, nhất là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ…, cõi về là trở lại, tìm về bản nguyên hồn nhiên thơ trẻ để được ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội/ lời trẻ con phấp phới ngũ hành kì.

Trên bức tranh thế giới bằng ngôn từ của Nguyễn Duy, không gian không tồn tại ngoài thời gian. Ở đó, hình tượng không – thời gian được kiến tạo bằng cùng một loại ngôn ngữ thống nhất để tạo nên cấu trúc biểu nghĩa như một chỉnh thể. Thơ Nguyễn Duy đặt hình tượng thời gian vào dòng lưu chuyển tuần hoàn vĩnh hằng của cái bất diệt và sự phôi pha. Đó là dòng chảy tự nhiên của thời gian được tri nhận bằng cảm quan của con người nông nghiệp. Năm là đơn vị được sử dụng để tính đếm dòng thời gian này. Việc nhà được ghi nhớ theo năm: cha con xa cách bấy lâu/ mấy năm mới uống với nhau một lần. Nó còn là dấu mốc của việc nhà trong dòng chảy của việc nước: những năm bom đạn như gieo mạ/ lại chiếc xe thồ đi về Nam/ cha tôi qua cầu Bùng cầu Ghép/ tôi nhìn theo chớp lửa nhập nhoằng.

Vòng đời của cây cỏ cũng được tính bằng năm: năm qua đi, tháng qua đi, tre già măng mọc có gì lạ đâu. Năm dùng để tính tuổi và tuổi là dấu mốc của đời người: bảy tuổi tôi…/ mười tuổi tôi…/ mười bảy tuổi…/ mười tám tuổi ra đi/ bước thứ nhất bước chân vào lửa. Rồi tuổi được dùng như loại từ để tạo ra danh từ làm thành cột mốc chia đời người theo các đơn vị vĩ mô: tuổi thơ – tuổi trẻ – tuổi già. Tuổi thơ là con dấu chìm chạm trổ tận trong xương. Tuổi trẻ là tuổi học trò đồng nghĩa với trang thơ; nhưng tuổi trẻ cũng là thời trai anh đi qua/ những ngả đường đạn bom thăm thẳm lắm. Đến đây, chữ thời trở thành cột mốc đánh dấu bước ngoặt lớn nhất của đời người. Biết thời trai anh đi qua tức là ngộ ra trời cho sống ta cũng già em ạ và ta già ta hóa trẻ con.

Có cả một vòng quay thời gian đời người trên bức tranh thế giới bằng ngôn từ trong thơ Nguyễn Duy. Ở đó, chữ thời còn là cột mốc đánh dấu bước ngoặt thời gian thế sự. Nó chia thời gian thành thời ta mê hát đồng ca/ chân thành và say đắm với thời dù dối nữa cũng không lừa được nữa. Và thời gian thế sự cũng chảy trôi như dòng nước lưu chuyển dưới chân cầu của chữ thời: này em buồn mà làm gì/ thời trong leo lẻo lỡ đi qua rồi/ cái thời loang lổ đang trôi/ thôi thì thong thả tới thời trắng tinh.

Bức tranh nào cũng phải có khung. Khung giúp người xem tranh hình dung nó như một cấu trúc biểu nghĩa toàn vẹn. Đó là lí do có thể gọi bức tranh thế giới bằng ngôn từ trong thơ là ngôn ngữ thế giới quan. Bức tranh thế giới bằng ngôn từ trong thơ Nguyễn Duy – với không gian thu hẹp lấy nhà làm trung tâm, với thời gian của cái bất diệt và phôi pha trong vòng luân chuyển tuần hoàn như dòng sông Mẹ – được đặt vào khung huyền thoại. Chỉ huyền thoại mới lấy thời gian luân chuyển tuần hoàn để đóng khung cho lời nói.

Bức tranh thế giới bằng ngôn từ trong thơ Nguyễn Duy có cái khởi nguyên của truyền thuyết. Đó là cái có nguồn cội từ xa xưa trong đời sống tâm linh của dân tộc, đã hóa thân vào cánh cò, vào sắc mây, vào câu ca dao để bà ru mẹ, mẹ ru con, nên ngàn năm trên dải đất này/ cũ sao được cánh cò bay la đà/ cũ sao được sắc mây xa/ cũ sao được khúc dân ca quê mình. Bức tranh ấy có cả cái mạt thế của thời thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ/ ợ lên nhồn nhột cả tim gan.

Nhưng hễ ở đâu, thế giới chuyển qua thời mạt pháp, thơ Nguyễn Duy liền tạo ra cái chết tái sinh để đưa nó vào khung lưu chuyển luân hồi của huyền thoại, tỉ như ta già ta hóa trẻ con, hoặc sông Mã ơi/ hạt cát dạt bến nào/ điệp khúc sông trong lòng nguyên vẹn/ giọt nước có biệt tăm ngoài biển/ ngày ngày/ làm mây bay về nguồn, hay dù có sao/ đừng thở dài/ còn da lông mọc còn chồi nẩy cây. Thơ Nguyễn Duy khi quằn quại bi hùng, khi giễu nhại hài hước, bài nào cũng man mác một nỗi buồn tuy nhẹ nhàng mà xót xa tê tái nhưng không hề có âm hưởng bi thương là vì thế.

Lã Nguyên