Phan Bội Châu là nhà cách mạng đồng thời là nhà thơ, nhà văn lớn đầu thế kỉ XX. Tác phẩm của ông được viết ở nhiều thể loại. Ngoài thơ, phú, văn tế… ông còn để lại hơn 50 truyện viết về các anh hùng liệt sĩ. Đây được xem là 50 bản tráng ca của thời đại, 50 bông hoa đẹp trong vườn văn. Vừa tiếp thu những tinh hoa của văn xuôi trung đại, vừa có những sáng tạo độc đáo, Phan Bội Châu trở thành người khai sinh ra anh hùng truyện.

Anh hùng truyện được hiểu là truyện viết về cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động của những anh hùng, những người chiến đấu, hy sinh để giành độc lập cho dân tộc. Đây là một chi lưu của truyện ngắn vì với những đặc điểm về quy mô, tổ chức, cách thể hiện… nó mang những đặc trưng chung của truyện ngắn. Nhưng với đặc điểm của mình, nó hình thành một thể riêng phân biệt với những thể khác của truyện ngắn như: truyện thế sự, truyện diễm tình… Kiểu truyện viết về người thật việc thật này có nguồn gốc từ liệt truyện trong sử kí thời trung đại, về sau được phát triển tiếp nối ở những tác phẩm như Vũ Trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục thế kỉ XIX. Đến đầu thế kỉ XX, nó mới thực sự định hình với anh hùng truyện của Phan Bội Châu.

Xét trên phương diện hình thức nghệ thuật, anh hùng truyện của Phan Bội Châu có những nét đặc sắc sau đây:

1. Về kết cấu

“Kết cấu là toàn bộ tổ chức tác phẩm phục tùng đặc trưng nghệ thuật và nhiệm vụ nghệ thuật mà nhà văn tự đặt ra cho mình”. Kết cấu gắn chặt với nội dung cuộc sống và tư tưởng trong tác phẩm. Nó thể hiện quá trình vật lộn của nhà văn với tài liệu sống. Mọi phương diện tổ chức của tác phẩm như: hình tượng, thể loại, cốt truyện… đều thuộc phạm vi kết cấu. Cho nên khi tìm hiểu một chỉnh thể nghệ thuật, nhất thiết phải tìm hiểu kết cấu của nó.

Anh hùng truyện của Phan Bội Châu có một kết cấu riêng, độc đáo và dần dần được hoàn thiện qua quá trình sáng tác. Bao quát toàn bộ tác phẩm của ông, ta sẽ thấy một sự vận động, chuyển biến từ kết cấu liệt truyện đến kết cấu truyện và tiệm cận truyện ngắn

1.1 Từ kết cấu liệt truyện…

Liệt truyện là một thể văn dùng để viết sử, chép gia phả, viết bi kí. Nó thường kể sự tích một người có kèm lời bình giá. Khi viết thành bi kí thường có lời ca, lời minh ở cuối bài. Đây là thể văn viết về người thật việc thật. Lời văn trang nghiêm, không có chi tiết tầm thường, rườm rà. Người viết thường đứng ở vị trí bề dưới để ghi công, ca ngợi với thái độ sùng kính. Liệt truyện ra đời rất sớm ở Trung Quốc với công sáng tạo của nhà viết sử Tư Mã Thiên. Dấu ấn về kết cấu của nó in đậm trong tác phẩm Sử kí của ông. Vào thời Phan Bội Châu, liệt truyện là thể loại lý tưởng để ghi lại lịch sử dân tộc và chiến tích của những anh hùng.
Dấu ấn liệt truyện khá đậm nét trong sáng tác của Phan Bội Châu, nhất là những sáng tác đầu tiên. Những truyện này phần lớn đều có quy mô nhỏ, giống như một bản tóm tắt về cuộc đời, gia thế và sự nghiệp của nhân vật. Thường chỉ vài trang giấy là ông có thể trình bày được những điều cần ghi nhớ, đáng lưu danh của nhân vật. Nhà văn có cách mở đầu và kết thúc truyện rất giống với Liệt truyện. Mở đầu đi thẳng vào giới thiệu tên, tuổi, lai lịch của nhân vật hoặc những sự kiện lớn của lịch sử. Chẳng hạn “Ông tên chữ là Tiểu Lâm, quê Bắc Ninh, người thâm trầm ít nói, chí khí không lộ ra ngoài” (Truyện hiệp sĩ Nguyễn Khắc Cần), “Ông tên chữ là Ngư Hải, người Can Lộc, tỉnh Nghệ An” (Truyện Đặng Thái Thân). Kết thúc truyện thường là một bài thơ, một câu đối viếng hay một đoạn bình luận như:

“Sấm sét một kêu, bọn gian tan nát
Non sông nghìn thuở, hiệp sĩ hồn thơm”
(Truyện hàn sĩ Nguyễn Thế Trung)

Truyện Phan Bội Châu thời kì đầu hầu như chỉ xoay quanh cuộc đời một nhân vật và thân thế nhân vật ấy bao trùm tác phẩm. Truyện Cao Thắng chỉ viết về Cao Thắng, truyện Lê Báo chỉ xoay quanh hoạt động của ông. Nếu trong vài truyện có thêm nhân vật thì những nhân vật này cũng chỉ xuất hiện với tư cách kể lại cuộc đời nhân vật chính hoặc làm nổi bật hình tượng nhân vật ấy mà thôi. Nhà văn không chú ý miêu tả ngoại hình, tâm lý nhân vật mà giới thiệu luôn về hoạt động, tính cách nhân vật. Trong anh hùng truyện của Phan Bội

Châu, cuộc đời nhân vật thường diễn biến theo mô hình: GIÁC NGỘ – HOẠT ĐỘNG – HY SINH

Phan Bội Châu viết truyện với thái độ ngưỡng mộ, tự hào. Lời văn của ông lúc này cô đọng súc tích và mang tính lý trí cao. Nó không có chỗ cho những lời sáo rỗng, rườm rà. Đây cũng là một biểu hiện cho thấy dấu ấn liệt truyện in hằn trong sáng tác của nhà văn

1.2 …đến kết cấu truyện và tiệm cận truyện ngắn

Anh hùng truyện của Phan Bội Châu ban đầu được viết theo kết cấu liệt truyện nhưng càng về sau thì kiểu kết cấu này dường như không còn phù hợp và hấp dẫn độc giả nữa. Ý thức được điều này, nhà văn không ngừng cách tân, tìm đến với kết cấu truyện và phần nào tiếp cận với kết cấu truyện ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu nghệ thuật của quần chúng. Truyện của ông lúc này khác nhiều so với trước cả về quy mô, cách tổ chức cho đến nghệ thuật xây dựng nhân vật. Tính cách nhân vật lúc này không được định sẵn trong những khuôn mẫu do người viết đưa ra mà được khắc họa thông qua hoạt động, cử chỉ, thái độ, tình cảm của nhân vật ấy. Viết về Hoàng Hoa Thám, trong truyện “Chân tướng quân” ông dẫn ra rất nhiều chi tiết, nào là hình ảnh một “ông vua mục đồng uy nghi giữa đám trẻ chăn trâu”, nào là việc chia ngọt sẻ bùi cùng binh lính hay chi tiết xoay chiếc bàn trôn ốc để tránh bị đầu độc. Viết về Trần Thiện Quảng, tác giả phải thông qua một quá trình từ lúc gian khổ sang đất Phật cho đến khi lao vào đấu tranh.

Cách mở đầu và kết thúc tác phẩm cũng trở nên hấp dẫn hơn. Truyện Tái sinh sinh kết thúc bằng một giấc mơ kì lạ, buồn cười nhưng xót xa. Truyện Chân tướng quân kết thúc bằng hình ảnh “Người anh hùng đi vào nơi thâm sâu trong tư thế của một con mãnh hổ nghỉ ngơi”. Truyện Tước thái thiền sư mở đầu bằng những chi tiết kì lạ kích thích sự tò mò cho người đọc

Ở những truyện này, Phan Bội Châu đã mở rộng đáng kể quy mô, nhân vật và tình tiết tác phẩm, có thắt nút, mở nút, có độc thoại, đối thoại và miêu tả nội tâm. Truyện Tái sinh sinh được thể hiện bằng các chi tiết đan xen, kết nối, lúc nhanh, lúc chậm, lúc gấp gáp, lúc bình tĩnh tạo sư cuốn hút cho độc giả. Đọc Tước thái thiền sư, người đọc sẽ say mê theo dõi cuộc hành trình của nhà sư yêu nước, trái tim họ sẽ có tâm trạng đầy cảm xúc đối với cuộc đời người anh hùng. Câu chuyện được xây dựng bằng những chi tiết đắt từ việc nhà sư một mình lênh đênh trên biển cho đến không khí âm u lạnh lẽo trong rừng. Nhân vật của Phan Bội Châu lúc này cũng trở nên sinh động hơn với những cảnh đời, những số phận, những tính cách khác nhau

Với những điều trên đây, có thể nói truyện Phan Bội Châu ở những sáng tác về sau đã dần rời bỏ kết cấu liệt truyện để đến với kết cấu truyện và phần nào tiếp cận với kết cấu truyện ngắn. Truyện của ông đã bắt đầu có yếu tố tưởng tượng, có yếu tố hư cấu như cảnh biển cả bao la, cảnh rừng núi mênh mông trên con đường Trần Thiện Quảng sang đất Phật, hay cảnh ông Lệ Mai giả chết để vượt ngục trong truyện Tái sinh sinh. Tuy nhiên những yếu tố hư cấu, tưởng tượng này còn rất mờ nhạt so với đặc trưng của truyện ngắn Phương Tây. Chính vì thế, có thể nói kết cấu anh hùng truyện của Phan Bội Châu chỉ mới tiệm cận kết cấu truyện ngắn chứ chưa thể hiện rõ kết cấu của thể loại này.

2. Về Giọng điệu

Anh hùng truyện của Phan Bội Châu mang đậm tinh thần sử thi và ngợi ca. Điều này quy định cách sử dụng giọng điệu sao cho phù hợp với đặc trưng thể loại. Giọng văn Phan Bội Châu hào hùng và thống thiết như một bản tráng ca của thời đại. Nó phong phú và đa dạng theo từng cung bậc tình cảm của tác giả. Lúc sôi nổi, hào hứng, thiết tha khi kêu gọi mọi người đứng lên đền nợ nước “Hỡi ba ngàn đồng bào chí ái, chí nhân, dẫu ai biết lòng ta chăng? Khi đọc tập sách này sẽ thấy giọt máu hầu khô vẫn còn đầm đìa trên mặt giấy” (Ngục trung thư). Lúc viết về giặc thì mỉa mai, chua chát pha giọng uất ức, căm hờn, “Bọn chó lợn thèm ăn, chó săn thèm ngó” (Tiểu truyện Lê Báo). Đặc biệt khi viết về sự hy sinh của người anh hùng thì giọng văn trở nên da diết, xót thương nhưng tuyệt nhiên không bi lụy “Nhắc đến tướng quân, không ai là không vỗ ngực tiếc thương người anh hùng không gặp thời” (Truyện Chân tướng quân) Có lúc giọng văn của ông chậm rãi, nhẹ nhàng “Vách đá lởm chởm, ngàn cây xanh um, trong đó có vài chục gian nhà rất đông vui” (Truyện Chân tướng quân). Lại có lúc dồn dập, gấp gáp “ Dậy!…dậy…dậy! quốc dân ta ơi, đồng bào ta ơi” (Việt Nam vong quốc sử).Tính đa thanh, phức điệu trên tạo nên sức hấp dẫn lôi cuốn độc giả.

3. Về Ngôn ngữ

Cùng với giọng điệu, ngôn ngữ anh hùng truyện Phan Bội Châu phong phú, đa dạng, nhiều tầng, nhiều vẻ và mang một phong cách riêng thú vị. Nhà văn đã dần thoát khỏi cách dùng từ nặng nề, sáo rỗng mà trở nên lưu loát, nhẹ nhàng và điêu luyện. Ông thường dùng những từ ngữ có sắc thái biểu cảm mạnh như sài lang, cắn xé, đầy rẫy… tạo cảm giác kinh hoàng và giúp người đọc hình dung về tội ác của giặc. Khi ca ngợi người anh hùng, ngôn ngữ Phan Bội Châu trở nên trang trọng và thanh nhã “Mục đích hy sinh của Phạm cao thượng, trong trắng, hùng vĩ, tuyệt luân”(Truyện Phạm Hồng Thái). Chỉ với vài từ như vậy, hình ảnh Phạm Hồng Thái hiện lên lồng lộng và cao đẹp hơn bao giờ hết.

Văn của Phan Bội Châu không có chỗ cho những từ ngữ ủy mị, yếu đuối. Ông dùng nhiều những từ ngữ mạnh mẽ, hoành tráng để tái hiện cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc. Đồng thời dùng nhiều các thán từ biểu lộ cảm xúc mạnh như: ôi, than ôi, hỡi ôi… thể hiện tấm lòng lúc nào cũng chân thành, da diết.

Có thể thấy, đặc trưng về ngôn ngữ trong anh hùng truyện của Phan Bội Châu tạo nên hiệu quả tuyên truyền rất lớn. Đọc những dòng ấy, nghe những thanh âm ấy, không ai không thấy lòng mình rung động.

Anh hùng truyện của Phan Bội Châu tuy còn có những hạn chế nhất định, nhưng với những cách tân không ngừng về mặt nghệ thuật cũng như với tình cảm thiết tha, sôi nổi của người viết, nó thực sự đã có chỗ đứng xứng đáng trong lòng công chúng. Với hơn 50 tác phẩm truyện, Phan Bội Châu được nhìn nhận là người khai sáng thể loại. Nói như nhà thơ Đức Beccher “Một nền nghệ thuật mới không phải ra đời với những hình thức mới mà nó ra đời với những con người mới”. Phan Bội Châu xứng đáng được xem là một trong những con người mới, khởi đầu cho một nền văn học mới. Xin mượn lời giáo sư Nguyễn Huệ Chi để kết thúc bài viết này: “Thể truyện người thật việc thật mà Phan Bội Châu khai sáng cho đến nay đã sinh hoa kết quả rõ ràng. Trong lịch sử Văn học Việt Nam vài mươi năm đầu thế kỉ XX, Phan Bội Châu xứng đáng là một cây đại thụ, một dấu nối hết sức vẻ vang gắn liền cổ điển với hiện đại”

Tháng 10 năm 2011
Hồ Tấn Nguyên Minh


Chú thích:
[1] Phương Lựu. Lý luận văn học. NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1997.
[2] Nguyễn Huệ Chi. Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam. NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1983