Đã qua thời công chúng Việt Nam dễ dàng chấp nhận người nổi tiếng vướng scandal vẫn tiếp tục hoạt động như chưa hề có gì xảy ra.

Công chúng Việt không còn dễ dãi

Kể từ vụ việc chậm trễ giải ngân tiền từ thiện của diễn viên Hoài Linh, truyền thông đã chứng kiến cuộc đảo chiều chưa từng có của dư luận. Hoài Linh từ một diễn viên hài được yêu mến bậc nhất, đắt sô bậc nhất chỉ sau một đêm đã bị tẩy chay diện rộng chưa từng có.

Chỉ cách đây chừng 5-7 năm, dư luận và công chúng ở Việt Nam vẫn bị cho là dễ dãi khi sẵn sàng tha thứ cho nghệ sĩ vướng scandal. Thậm chí, tự tạo dựng scandal còn là chiêu trò để được nổi tiếng ở showbiz. Hàng loạt nghệ sĩ sau khi vướng scandal ồn ào vẫn “thản nhiên” quay lại hoạt động.

Thời ấy đã không còn. Sau khi Hoài Linh, Hoa hậu Hương Giang… và gần nhất là tân Hoa hậu Ý Nhi tẩy chay rầm rộ đã cho thấy sức mạnh của dư luận và việc khán giả giờ đây đã trở thành một thế lực ở showbiz như thế nào.

Chuyên gia về xử lý khủng hoảng truyền thông Lê Ngọc Sơn cho rằng, “Công chúng đang ngày càng nghiêm khắc với người nổi tiếng. Điều này là cần thiết. Showbiz cần có sự thanh lọc để những ngôi sao tỏa sáng, được đông đảo khán giả yêu mến – phải là những người thực sự xứng đáng”.

Giữa bối cảnh, các nền giải trí ở Trung Quốc, Hàn Quốc thực thi chiến dịch thanh lọc showbiz, khán giả nói không với scandal, nghệ sĩ buộc phải giữ hình ảnh, giữ danh tiếng thanh sạch để xứng đáng với tình cảm của người hâm mộ.

Nói như chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, “Nghệ sĩ là những người đã được hưởng rất nhiều đặc quyền, đặc lợi từ tình yêu thương của khán giả. Họ đắt show, được hưởng mức thu nhập cao hơn hẳn các ngành nghề khác, họ được tung hô khen ngợi… Họ càng phải giữ hình ảnh, danh tiếng để xứng đáng với điều đó”.

Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn nhận định, “Người nổi tiếng muốn là cây đại thụ trong một khu vườn, muốn được thu hút tất thảy sự chú ý, tất nhiên sẽ phải có sức để chịu được gió to bão lớn hơn những người bình thường”.

Ranh giới giữa nghiêm khắc và khắc nghiệt

Sự nghiêm khắc là cần thiết, tuy nhiên, nếu sự nghiêm khắc vượt qua giới hạn cần thiết sẽ trở nên hà khắc, thậm chí là tàn nhẫn, bất nhẫn.

Khi khủng hoảng truyền thông của tân Hoa hậu Ý Nhi bùng nổ, gia đình, người thân, trong đó đặc biệt là bố của Ý Nhi cũng phải chịu sự tấn công rầm rộ từ cộng đồng mạng. Bố của Ý Nhi chia sẻ, ông nhận được rất nhiều tin nhắn từ Facebook, điện thoại cá nhân với lời lẽ công kích, yêu cầu ông và con gái phải trả lại vương miện hoa hậu.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về sự việc này, chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn cho rằng, dư luận đang đi quá xa và sự hà khắc quá đà đang khiến tân hoa hậu phải gánh trên vai những trách nhiệm quá lớn.

“Cô ấy còn quá trẻ, sự non nớt trong cách trả lời phỏng vấn đang khiến tân hoa hậu và cả gia đình phải chịu cái giá quá đắt. Chỉ có lòng bao dung, độ lượng mới giúp hoa hậu ngày càng hoàn thiện mình, chứ không phải việc tước vương miện. Hãy cho hoa hậu thêm thời gian” – chuyên gia Phúc Nguyễn nói.

Việc dư luận quá hà khắc sẽ tạo áp lực lớn khi hiệu ứng đám đông tấn công dồn dập đến người nổi tiếng và gia đình. Ở nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc từng chứng kiến những vụ tự tử gây chấn động, nhiều sao Hàn chọn cách kết liễu cuộc sống khi phải chịu áp lực quá lớn từ dư luận.

Năm 2019, khán giả cả Châu Á bàng hoàng khi Sulli Choi – ca sĩ, diễn viên trẻ Hàn Quốc tự kết liễu cuộc sống ở tuổi 25. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, Sulli Choi tìm đến cái chết khi phải chịu đựng sự tấn công của cộng đồng mạng trong suốt thời gian dài. Nhất cử, nhất động của Sulli đều bị cư dân mạng Hàn chỉ trích, mỉa mai, xúc phạm.

Khán giả vốn đã trở thành một phần tạo nên áp lực lớn ở showbiz Hàn. Ở đó, khán giả góp phần tạo nên ngôi sao, đồng thời, sự hà khắc quá đà cũng khiến ngôi sao tìm đến những giải pháp cực đoan, gây chấn động.

BÌNH AN