Tục thờ Thần Tài Thổ Địa tại Nam Bộ bắt nguồn từ việc giao thoa nhiều luồng văn hóa cùng với những yếu tố khác, tác động của cả nội sinh và ngoại sinh mang đến cho tín ngưỡng này những đặc trưng hết sức riêng biệt. Trong tâm thức người dân vùng đất này Ông Địa, chính là vị thần trông coi, định dự họa phúc cho gia đình; thần Tài là vị thần mang tài lộc đến cho gia đình.
Con người thuở sơ khai đã biết thờ phụng các vị thần tự nhiên như: thần Đất, thần Mây, thần Mưa, thần Gió, thần Sấm… Tín ngưỡng này bắt nguồn từ tâm lý e sợ các hiện tượng tự nhiên. Đời sống dân tộc Việt từ ngàn xưa dựa vào nông nghiệp, mà nông nghiệp thì lại phụ thuộc rất nhiều các điều kiện tự nhiên như: đất đai, thời tiết, khí hậu… Trong đó có thể nói, đất đai được xem là yếu tố cơ bản cấu tạo nên vạn vật, giúp cho người ta có được cuộc sống ấm no và sung túc.
Vì vậy, thần Đất hay Thổ Thần là một trong những vị thần được cư dân nông nghiệp luôn để tâm đến trước nhất. Nam Bộ là một vùng đất mới, nơi rừng thiêng nước độc, thú dữ khắp nơi. Để mong cầu bình an, nương một chỗ dựa tinh thần vì lẽ đó mà Thổ Thần được họ tôn kính. Tuy nhiên, do tâm thức mới, người nông dân Miền Nam đã vượt qua cái khuôn khổ cứng ngắt của tập tục thờ phượng ở Đàng Ngoài, và tiếp cận với Thổ Thần một cách “thân tình dân dã” hơn rất nhiều. Họ gọi Thổ Thần một cách thân thuộc là Ông Địa, và đưa vào thờ trong nhà (tuy cũng có làng vẫn còn có Miếu Thổ Địa hoặc riêng lẻ hoặc là một phần của Đình làng).
Trong nét văn hoá người dân nơi này, Thổ Thần không còn là vị Thần chịu trách nhiệm cho cả địa phương nữa, mà xem như là một Gia thần, chức trách bảo vệ cho nhà cửa của mình mà thôi. Họ xem Thổ Thần như là một vị thần che chở cho mảnh vườn, thửa ruộng khuôn hẹp tại nơi bản thân cư ngụ. Tuy nhiên sự tôn kính và tin tưởng đối với Ông Địa thì vẫn âm thầm lưu chảy qua bao thế hệ.
Ông Địa biểu thị cho niềm vui. Đầu tiên phải khẳng định như thế, vì người ta luôn hoạ tượng ông Địa luôn cười, phe phẩy quạt làm tươi mới không khí gia đình. Ông Địa ở Nam bộ quấn khăn như một lão nông, một tay phe phẩy cầm quạt, một tay phì phà điếu thuốc rất bình dân. Cũng bổn tính gần gũi, dễ dãi của ông mà ai chơi gì, làm gì hễ xả láng, phóng khoáng thì lại có câu: “Mát trời Ông Địa luôn!”
Càng bình dân hơn với những đồ cúng tế rất đơn giản: nải chuối, chén chè, ly cà phê đen. Nơi thờ ông Địa cũng khiêm tốn thoáng đạt từ trên tủ kiếng quầy sạp, góc nhỏ hàng quán, nơi gốc da đầu đường hoặc góc nhà phố thị. Người dân cho Ông ngồi đâu thì Ông vẫn luôn nở nụ cười hiền lành ấy, chẳng chấp nhặt nơi sang nơi chốn nghèo.
Ông Địa gần gũi đến độ khi thất lạc đồ đạc, từ chùm chìa khóa, đến cái bóp, cái nón… thì người Nam bộ thường vái: “Vái ông Địa kiếm được con cúng nải chuối!”
Cùng với nụ cười của Địa là cái bụng bự chang bang. Từ cái bụng bự của Địa mà trong dân gian có nhiều sự tích, có lắm giai thoại để giải thích. Thật ra, việc thờ Thổ Thần bắt nguồn từ tín lý phồn thực của tín ngưỡng nông nghiệp: Đất cũng có khả năng sinh sản và trong xa xưa Đất được coi là Mẹ Đất – một thần nữ có khả năng sản sinh ra nông sản, ngũ cốc, lương thực. Về sau do quan niệm trọng nam khinh nữ, thần Đất được được chuyển hóa sang hình tướng “Ông Địa”.
Song dấu vết cổ xưa vẫn còn bảo lưu trước hết là cái bụng bầu, và cặp vú lớn – hai biểu tượng của sự sinh sản. Đa số tượng Ông Địa đều cỡi hay ngồi tựa lưng vào cọp vàng. Trong tín ngưỡng dân gian, cọp vàng được chạm khắc hay vẽ ở bình phong các đình làng với ý nghĩa Hoàng hổ thuộc hành Thổ trong hệ thống thần Ngũ phương Ngũ Thổ. Do đó Ông Địa cỡi cọp vàng là một biểu hiện được căn cứ vào thuyết Ngũ hành. Cũng có cách giải thích trên cơ sở lịch sử văn hóa: Ông Địa cỡi cọp là hình tượng hào hùng bắt nguồn từ lịch sử khẩn hoang vùng đất mới phương Nam. Cỡi cọp có ý nghĩa rằng đã diệt được cọp – vị chúa tể sơn lâm, để lập nên thôn ấp, ruộng rẫy, xóm làng.
Họ thờ cúng ông Địa quanh năm nhưng khi mùa màng thất bát, buôn bán lỗ lã họ đổ thừa Ông Địa không “linh” mà đem ông để ở gốc cây, kẹt đá. Dù bị hất hủi, chối bỏ như thế nào nhưng ta vẫn thấy ông hỷ xả nhìn đời, nhìn dòng người qua lại, nhân gian tuần hoàn theo năm tháng.
Đến cuối thế kỷ thứ 19, Ông Địa với tín lý phồn thực và văn minh nông nghiệp vẫn còn được quan niệm là vị thần Tài Lộc. Cộng đồng người Hoa ở xứ ta cũng coi Thổ Địa Phước Đức Chánh Thần là Tài Thần mặc dù trong truyền thống tín ngưỡng đã có một hệ thống Tài thần qui củ: Thần Tài Triệu Công Minh, Văn Tài Thần, Võ Tài Thần… Rồi khi kinh tế hàng hóa phát triển, công thương nghiệp trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường thì yêu cầu từ thực tiễn đòi hỏi phải có một vị thần chuyên trách việc tiền bạc – đó là Thần Tài.
Thổ sanh Kim, sự tương sinh của Ngũ hành khiến cho tín ngưỡng Thần Tài từ đó phát triển. Đó cũng là nhu cầu tín ngưỡng tất yếu. Phong thái của Thần Tài được vẽ trên tranh thờ, trên tượng lẫn trong lĩnh vực biểu diễn là một ông lão râu tóc bạc phơ, đầu đội mũ, Thoạt đầu, Thần Tài tay cầm túi đựng tiền, tay ôm bó lúa… dần dần túi tiền và bó lúa được thay bằng thỏi vàng sáng rực tượng trưng cho sự may mắn, nụ cười luôn nở trên môi. Tuy vậy Thần Tài vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của Thần Đất, cụ thể là Thần Tài luôn được thờ bên cạnh Ông Địa như một cặp đôi không thể tách rời nhau.
Tiếp thu giao lưa văn hoá người Hoa bản xứ, dưới chân Thần Tài trên bàn thờ luôn có Thiềm Thừ. Thiềm Thừ vốn là yêu tinh, được Tiên ông Lưu Hải thu phục, theo tiên ông Lưu Hải tu hành nên không làm hại nhân gian như trước, mà ngược lại dùng phép thuật của mình đi khắp nhân gian để nhả tiền bạc giúp đỡ mọi người để thể hiện sự phục thiện, sự cải tà quy chánh với tiên ông Lưu Hải. Nhưng nhìn vào ta hiểu thêm ý nghĩa nội tàng, ba chân phải chăng biểu ý vững chắc gắn kết cộng đồng tương trợ. Khi Phú quý thì nên sẻ chia hiến tặng, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no. Con cóc hành Thuỷ, ngụ ý tiền bạc như luồn nước chảy. Phải lưu thông thì xã hội mới phát triển. Nếu tích trữ thì cũng như cái ao tù có ngày cũng biến mất.
Âu cũng là một nét tương sinh ngũ hành. Thổ sanh Kim, Kim sanh Thuỷ. Hoà hợp ngũ hành thì vạn sự tương thông.
Dù nguồn gốc của hai ông ra sao, hai ông vẫn luôn đồng hành trong văn hoá tâm linh người dân. Nhìn sâu vào ta thấy đó sự tri ân báo ân của người xưa. Biết ân cuộc đất đã che chở, sản vật phong túc, khiến cuộc sống người dân ấm no. Nhớ ơn các bậc “Tiền Hậu Địa Chủ”, những thế hệ trước đã khai hoá mảnh đất này, giờ nay chúng ta an cư lập nghiệp.
Nhìn sâu vào ta thấy hai ông chẳng phải ban cho tiền của, mà mảnh đất này chỉ có chức năng chở che nâng đỡ, phải đôi tay mình làm lụng canh tác thì mới sanh ra tiền tài, nên đời có đâu “Đại phú do Thiên, tiểu phú do cần” là ý nghĩa đó. Không phải dâng mâm lễ trọng vái van cầu xin là hai ông ban cho. Hai ông chỉ mang lại sự may mắn cho gia chủ trong khả năng hạn hẹp của mình, sự dẫn dắt khéo léo, tạo duyên kế nối để thương mại hanh thông, trong ngoài thuận lợi .
“Tâm bất minh, Thần bất chứng”, khi chúng ta trong sáng lao động chân chánh dù đi đến nơi nào thì mảnh đất ấy cũng dang tay che chở. Đừng để vật chất kim tiền đánh mất ý nghĩa của tín ngưỡng. “Đức trọng quỷ thần kinh”, “kính thần, thần tương trợ” cũng là nhân sinh quan của tiền nhân mà con cháu ta cần hiểu rõ và tiếp nối!
Đăng Khiêm Đạo Hữu